Kỳ 8
VII. QUỐC HIỆU ĐẠI VIỆT THỜI LÊ SƠ 1428-1527.
1.Thiết chế chính trị.
Nhà Hậu Lê do Lê Lợi (quê ở Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hoá) sáng lập sau kết quả cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi. Năm 1428 Lê Lợi lên ngôi vua xưng là Lê Thái Tổ, quốc hiệu Đại Việt, định đô ở Thăng Long. Nhà Hậu Lê dựa trên nền kinh tế địa chủ tá điền và cơ sở xã hội là giai cấp địa chủ phong kiến mới: quí tộc và địa chủ. Bản thân Lê Lợi cũng xuất thân từ một địa chủ ở Lam Sơn. Chế độ tư hữu ruộng đất phát triển mạnh mẽ, kinh tế điền trang thái ấp hoàn toàn tan rã. Hình thức kinh tế mới, tầng lớp địa chủ mới đã mang lại một sức sống mới, khắc phục được tình trạng khủng hoảng tạm thời của chế độ phong kiến khi kinh tế điền trang thái ấp tan rã. Nhà Hậu Lê ra sức xây dựng một chế độ phong kiến tập quyền chuyên chế cao độ, hoàn bị về mọi mặt. Các vị vua thời Hậu Lê là người có quyền vô thượng và tuyệt đối. Dưới vua, trong triều đình chia làm hai ban văn võ: Đại tư đồ, Đại tư không, Đại tư mã, Thái bảo, Thái phó, Thái uý, Thiếu bảo, Thiếu phó, Thiếu uý. Các chức vụ này do hoàng thân quốc thích nắm giữ. Còn lập thêm Chính sự viện bao gồm các quan văn võ trông coi các công việc trọng yếu.
Ban văn có Đại hành khiển và ngũ Đại hành khiển đứng đầu, có các Bộ do các Thượng thư đứng đầu. Bộ là cơ quan hành pháp được hoàn thiện dưới thời vua Lê Thánh Tông trong cuộc cải cảch hành chính của ông: Bộ binh phụ trách về quân sự, quốc phòng, Bộ Hộ coi về dân số để thu thuế, tuyển dụng binh lính và huy động dân công, lao dịch; Bộ hình phụ trách về tư pháp, Bộ lại phụ trách về bổ nhiệm, tuyển dụng thăng giáng quan lại, Bộ công phụ trách về xây dựng và các công xưởng nhà nước, Bộ Lễ phụ trách lễ nghi, thi cử giáo dục, ngoại giao. Đứng đầu Bộ là Thượng Thư. Giúp việc cho Thượng thư có tả hữu Thị Lang, tả hữu Lang Trung. Dưới bộ lập thêm 6 khoa: lại, lễ, binh, hình, công, hộ có nhiệm vụ giám sát 6 bộ, còn có 6 tự:Thương bảo tự, Quang lộc tự, Hồng lô tự, Thái thường tự, Thái bộc tự, Đại lý tự và ngũ giám như Quốc tử giám, Khâm thiên giám…để làm những việc mà bộ không làm hết.
Ban võ có Ngự tiền lục quân, Thiết đội ngũ quân, Ngũ đạo chư vệ quân. Còn có Đại tổng quản, Đại đô đốc, Đô tổng quản. Lại lập các chức quan chuyên trách như Nội mật viện, Hàn lâm viện, Ngũ hình viện, Ngự sử Đài (xét xử án và kiểm soát quan lại). Quốc tử giám trông coi giáo dục, Quốc sử viện biên soạn lịch sử, Tư thiên giám trông coi thiên văn lịch pháp. Nhà Hậu Lê không đặt chức Tể tướng để tập trung quyền lực vào tay vua.
Toàn bộ các cơ quan và quan lại đặt dưới sự điều hành của nhà vua. Vua là Thiên tử (con trời). Vua không chỉ cai trị thần dân mà còn thưởng phạt cả thần thánh. Dưới triều Hậu Lê xu hướng chuyên chế độc đoán ngày càng phát triển.
Ở địa phương quyền lực các quan bị hạn chế. Đời Lê Thánh Tông (1460-1497) cả nước chia thành 13 đạo, mỗi đạo do 3 ti phụ trách: Ti thừa trông coi hành chính, tài chính và tư pháp, Ti đô coi việc quân, Ti hiến giám sát công việc trong đạo. Sự phân chia như vậy nhằm làm giảm quyền lực địa phương, tăng quyền lực cho Trung ương. Cũng như triều Trần, nhà Lê tăng cường chính quyền cấp xã. Lãnh thổ Đại Việt thời Hậu Lê đã thêm phủ Thuận Hoá (bao gồm Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam ngày nay). Số quan lại nhà Lê tăng lên nhanh chóng. Năm 1471 quan lại có phẩm tước là 5.370 người, trong đó có 2.755 quan lại triều đình, 2.615 quan lại địa phương. Quí tộc tôn thất được ưu đãi, lương bổng cao nhưng muốn tham gia chính sự phải có tài năng. Quan lại nhà Lê được tuyển bằng khoa cử. Chế độ tuyển dụng và bổ nhiệm được xây dựng bằng qui chế chính qui chặt chẽ. Quan lại được cấp đất, một số tiền và thu thuế một số hộ làm lương bổng. Nhà Lê ra sức mở rộng ảnh hưởng của triều đình đến các dân tộc thiểu số miền núi, tranh thủ các tù trưởng, cho họ nhiều quyền hành rộng lớn, cai quản theo phong tục, tập quán địa phương. Triều đình kiên quyết trấn áp các tù trưởng phản loạn, cát cứ. Năm 1469 hoàn thành vẽ bản đồ cả nước: bản đồ Hồng Đức, xác định chặt chẽ lãnh thổ biên giới quốc gia. Nhà Lê xây dựng một quân đội hùng mạnh bao gồm hai thứ quân: quân thường trực và quân dự bị. Các vương hầu không được xây dựng lực lượng vũ trang riêng. Nhà Lê thi hành chính sách “Ngụ binh ư nông” để bảo đảm quốc phòng và sản xuất. Quân đội nhà Lê do đó hùng mạnh, tổ chức chặt chẽ, kĩ chiến thuật chiến đấu cao. Thời Lê Thái Tổ (1428-1433) có 10 vạn quân thường trực, thời Lê Thánh Tông có (1460-1497) có 16 vạn. Hoạt động lập pháp thời Hậu Lê được tăng cường. Năm 1483 nhà Lê ban hành bộ luật Hồng Đức gồm 6 quyển, 16 chương, 721 điều bao gồm luật dân sự, luật hình sự và tố tụng hình sự. Luật Hồng Đức (Lê triều hình luật) là bước phát triển mới của lịch sử pháp quyền Việt Nam. Nho giáo dưới thời Lê trở thành tư tưởng chính thống của nhà nước và giữ địa vị chủ yếu, chi phối mạnh mẽ đời sống xã hội tinh thần.
Tất cả những chính sách của nhà Hậu Lê, đặc biệt dưới thời Lê Sơ (1428-1527) đã đưa chế độ phong kiến phát triển toàn diện và cực thịnh vào thế kỷ XV, Đại Việt trở thành quốc gia hùng cường ở Đông Nam Á. Nhà Lê kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền quốc gia dân tộc.
2. Kinh tế Đại Việt thế kỷ X-XV
Cũng như chế độ phong kiến châu Á, chế độ phong kiến Đại Việt chủ yếu dựa trên cơ sở kinh tế nông nghiệp, hơn 90 phần trăm cư dân là nông dân. Nông nghiệp là ngành kinh tế chính nuôi sống cả nước. Vì thế các triều đại khi còn thịnh vượng đều ra sức phát triển, bảo vệ nền kinh tế nông nghiệp.
Một trong những chính sách bảo đảm thúc đẩy nông nghiệp phát triển là chính sách ruộng đất vì ruộng đất là tư liệu sản xuất chính. Ruộng đất trong toàn quốc về danh nghĩa thuộc quyền sở hữu tối cao của nhà vua. Quyền sở hữu ruộng đất giúp vua có quyền lực vô biên về chính trị. Thần dân chỉ có quyên chiếm hữu, quyền sử dụng. Do đó tồn tại nhiều chế độ ruộng đất, tức là nhiều hình thức chiếm hữu, sử dụng.
Nhà Tiền Lê (Lê Hoàn) là vương triều đầu tiên đem ruộng đất phân phong cho hoàng tộc và các đại thần có công để họ lập nên thái ấp. Đến nhà Lý chính sách này ngày càng hoàn thiện hơn. Trên danh nghĩa ruộng đất thuộc quyền sở hữu tối cao của nhà vua, nhà vua có quyền đem một số hộ nông dân và ruộng đất của công xã cấp cho quí tộc, quan lại để họ lập thái ấp. Chế độ cấp đất tính theo số hộ nông dân được gọi là đất thực phong thực ấp. Các hộ trong thái ấp thực phong thực ấp cày ruộng nộp tô thuế, đi lao dịch, binh dịch cho chủ đất được phong. Ví dụ, Lý Thường Kiệt giữ chức Thái uý (Tư lệnh quân đội) được cấp 4.000 hộ thực phong và 10.000 hộ thực ấp. Lý Bất Nhiễm tước hầu được cấp 1.500 hộ thực phong và 7.500 hộ thực ấp . Một số Đại thần có công lớn triều đình còn ban thưởng ruộng “Thác đao điền”.
Thái ấp thời Lý dù cấp cho chủ đất sử dụng nhưng vẫn bị triều đình chi phối. Việc thừa kế ruộng đất do nhà vua quyết định. Thái ấp có thể bị thu hồi. Nhà nước nghiêm cấm việc chủ đất biến nông dân trong thái ấp của mình thành nông nô. Để có người phục dịch trong gia đình, chủ đất có thể nuôi một số gia nô (nô tì). Nhà vua nắm quyền sở hữu thái ấp, không cho chủ thái ấp biến nông dân thành nông nô là hai qui định quan trọng nhằm hạn chế quyền lực của người được phong cấp đất, không để họ biến thành lãnh địa cát cứ chống lại chính quyền trung ương, bảo vệ lực lượng sản xuất chính của xã hội là người nông dân. Cho nên phong kiến Việt Nam không có lãnh địa thế tập như phong kiến Tây Âu. Trong thái ấp công xã nông thôn vẫn tồn tại, nông dân cày ruộng nộp tô, đi lao dich, binh dịch cho chủ thái ấp theo mức qui định của nhà nước.
(Còn nữa)
CVL