“Thời trang dù phá cách cũng không nên phản cảm và lố lăng như vậy” – bình luận của một tài khoản trên mạng xã hội sau khi xem hình ảnh chụp trang phục của show diễn “New Tradition” của nhà thiết kế Tường Danh vào ngày 06/5/2023 vừa qua diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Có lẽ đây là ý kiến nhận xét có được sự đồng cảm từ rất nhiều người do có vô vàn lượt bình luận cũng có nội dung chê trách sự lố lăng, hở hang da thịt quá nhiều của người mẫu khi mặc trang phục truyền thống được thiết kế phá cách theo kiểu cắt xẻ quá đà.
Thời trang luôn được biết đến là một lĩnh vực dành cho sự sáng tạo, những thiết kế thời trang càng sáng tạo, càng phá cách sẽ càng gây chú ý, tạo tiếng vang. Thế nhưng ranh giới giữa sự sáng tạo nghệ thuật và sự phản cảm có quá mong manh? Nhất là trong việc cách tân, đổi mới những trang phục truyền thống, những trang phục được coi là quốc hồn, quốc túy của một đất nước, một dân tộc càng cần có sự cẩn trọng, khéo léo.
Phá cách hay phá hoại văn hóa
Trong show diễn “New Tradition” lần này, nhà thiết kế Tường Danh đã “trình làng” rất nhiều thiết kế áo dài, áo yếm có phần khoét, xẻ táo bạo. Tiêu biểu trong số đó có một thiết kế áo yếm được phối cùng nón quai thao truyền thống, có lẽ đây là thiết kế tạo sự bùng nổ trong dư luận nhất khi nó bị loại bỏ hoàn toàn phần vải phía sau và để lộ hoàn toàn vòng 3 của người mẫu. Đây là một hành động bị nhiều người yêu mến thời trang đáng giá là “coi thường văn hóa dân tộc” hay “cố tình tạo sự phản cảm để có danh tiếng”. Các thiết kế của Tường Danh bị cho là rác phẩm, xúc phạm từ văn hóa cho tới tôn giáo bằng hình thức lợi dụng danh nghĩa "thể nghiệm", mô hình Disruption và cái tôi nghệ sĩ. Thực chất, số đông người xem, khán giá đều đánh giá đây là những sản phẩm phi thời trang, lố bịch và thích đáng phải nhận sự tẩy chay, lên án mạnh mẽ của cộng đồng.
Theo như hoạ sĩ, nhà nghiên cứu áo dài Nguyễn Đức Bình: "Người làm bộ trang phục này chưa hiểu truyền thống, bản sắc văn hoá. Bộ trang phục này không mang bản sắc văn hoá người Việt.
Bản sắc văn hoá với trang phục người Việt là kín đáo, khiêm nhường, giản dị nhưng hiện nay có rất nhiều nhà thiết kế lấp liếm bằng những từ ngữ như cảm hứng, hơi thở hiện đại, tiếng nói của thời đại chúng ta đang sống để tạo nên những bộ trang phục không phù hợp, lố lăng. Họ đang nhầm lẫn. Làm gì có cảm hứng như vậy? Trang phục dù cách tân hay không cách tân vẫn phải toát lên bản sắc văn hoá người Việt".
Không chỉ có vậy, trong một trang phục khác, nhà thiết kế cố tình sử dụng hình ảnh Tăng gia, Phật tử trình diễn với một thiết kế “cách tân” khác của mình. Theo ông Thất Minh Khôi, chủ nhiệm dự án lịch sử Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi lên tiếng phê phán: "Từ khi nào chiếc nón quai thao truyền thống lại bị gán ghép vào những bờ mông để trần kệch cỡm, dung tục đến như thế này? Không thể tin vào mắt những hình ảnh này! Từ khi nào hình ảnh chư Tăng khất thực vốn là một hình ảnh cực kì thiêng liêng, gợi nhắc về Tăng đoàn nguyên thuỷ, lại bị bóp méo lố bịch kinh khủng thế này trên sàn diễn thời trang? Tất cả đến từ một thương hiệu mạo xưng "trang phục truyền thống Việt Nam", sự bức xúc lên đến tận cùng. Đừng, đừng bao giờ vin vào cớ "cách tân", "sáng tạo" để cưỡng bức, bức tử văn hoá truyền thống một cách man rợ đến như thế này! Tôi kịch liệt lên án và phản đối bộ sưu tập và thương hiệu này!".
Cách tân trang phục truyền thống cũng cần sự “khôn ngoan”
“Bức tử” hay “cưỡng bức” văn hóa chắc chắn là những cụm từ phù hợp để chỉ vụ việc lần này. Chính show diễn này đã khiến hình ảnh trang phục truyền thống cách tân bị bôi nhọ, phỉ báng một cách trầm trọng. Nhưng vẫn còn rất nhiều nhà thiết kế thời trang khác đã và đang cách tân, sáng tạo, cải tiến cổ phục, trang phục truyền thống nhưng lại tạo được phản ứng tốt, được khen ngợi, tán dương, họ đã làm như thế nào?
Có lẽ thành công hay thất bại chính là nằm ở thái độ ứng xử với với trang phục truyền thống qua việc làm mới, cách tân, cải biên. Thay vì phát triển, gìn giữ và tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa dân tộc nhiều tác giả lại sử dụng những cách làm gây ra sự biến dạng các trang phục truyền thống. Không thể phủ nhận có những nỗ lực nghiên cứu, học hỏi của một số nhà thiết kế đã tạo ra nhiều mẫu trang phục truyền thống độc đáo, sinh động nhờ biến tấu mầu sắc, kiểu dáng, chất liệu, hoa văn, kĩ thuật may, dệt… khiến trang phục ấy mang bản sắc văn hóa dân tộc mà vẫn hiện đại, mới lạ. Ðáng tiếc số lượng tác giả làm được điều đó không nhiều, phần lớn những “nhà đổi mới” lại chọn cắt xén giá trị văn hóa cốt lõi dể tạo ra những trang phục theo lối thô thiển, phản cảm. Chính điều đó đã góp phần dẫn tới những ngộ nhận hoặc đánh giá tầm thường hóa các trang phục truyền thống.
Không chỉ ở Việt Nam, lối đối xử tùy tiện đối với trang phục dân tộc, cổ phục truyền thông cũng đang là vấn nạn đối với nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình như Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản mặc một bộ Kimono kệch cỡm lộ nội y tới một đấu trường nhan sắc quốc tế. Hay nhiều hãng thời trang danh tiếng bị phản đối do chiếm dụng văn hóa khi dùng những trang phục truyền thống Trung Quốc để cải biên thành những thứ thời trang lai căng. Đã có nhiều những sàn diễn núp bóng thứ gọi là nghệ thuật nửa vời để làm biến dạng những nét đẹp lâu đời. Rất nhiều những sự việc đáng buồn như vậy tạo nên một vấn nạn mà mọi quốc gia đều phải đối mặt, chính là làm thể nào để bảo tồn những giá trị tốt đẹp vốn có? Nếu không kịp thời có những biện pháp bảo tồn, phát triển đưa trang phục truyền thống về đúng chỗ đứng của nó, là một mảnh ghép của văn hóa dân tộc thiêng liêng, thì những vẻ đẹp ấy sẽ trở nên mờ nhạt trước đời sống đương đại và khiến nó trở thành một thứ lu mờ khỏi nhận thức của mọi người.
Đừng chỉ đợi khi sự việc đã xảy ra mới xử phạt, nhắc nhở. Cách tốt nhất để thay đổi từ gốc rễ chính là sự giáo dục, tuyên truyền. Báo, đài, gia đình, trường học chính là những lực lượng nòng cốt, có vai trò làm thay đổi nhận thức mỗi người trong xã hội phải có ý thức tôn trọng, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Khi mỗi người có nhận thức đúng đắn về cái đẹp của tà áo dài, áo bà ba, áo tứ thân, áo yếm, nón quai thao… chính là lúc cả xã hội hiểu đúng và coi trọng giá trị của truyền thống tốt đẹp ấy. Trang phục truyền thống sẽ được trả về với vị trí mà nó xứng đáng khi từ cá nhân tới cộng đồng có cách ứng xử đúng, quan tâm đủ.