Sách hay nên đọc: Đi tìm dấu tích con đường

Thư viện Quân đội

30/09/2021 15:05

Theo dõi trên

Cuốn sách “Đi tìm dấu tích con đường” của tác giả Đình Kính, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2004, sách dày 349 trang, khổ 20 cm.

242129290-10227219239173070-6253605493068215974-n-1632985812.jpg

Gần 60 năm trước đây, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào thời kỳ chuyển thế chiến lược, từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, khi con đường chi viện trên bộ chưa thể vươn tới các chiến trường xa hậu phương miền Bắc, sâu trong vùng địch chiếm đóng, thì những chuyến tàu nhỏ bé, “tàu không số”, bí mật đạp sóng biển Đông, vượt qua sự ngăn chặn, kiểm soát ngặt nghèo của quân thù, tiếp tế vũ khí, bổ sung lực lượng cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam đánh mạnh, thắng to. Cũng từ đây, đánh dấu sự ra đời của một lực lượng vận tải quân sự “đặc biệt” - Đoàn 759 - Đoàn 125 Quân chủng Hải quân, với con đường chi viện trên biển, mà đích đến là những bến bãi, kho tàng được bố trí dọc theo bờ biển miền Nam. Con đường biển cùng với con đường chạy dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, trong suốt những năm tháng chiến tranh, ghi dấu biết bao chiến công oanh liệt của quân và dân ta. Hành trình nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam không dừng lại ở sự vận chuyển thông thường, mà vượt lên thành biểu tượng của ý chí, quyết tâm, tài thao lược, trí thông minh, sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Cuốn sách “Đi tìm dấu tích con đường” của tác giả Đình Kính, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2004, sách dày 349 trang, khổ 20 cm.

Với 29 câu chuyện viết về những anh hùng, những chiến công của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 Hải quân. Thông qua những câu chuyện như: “Nhân chứng cuối cùng của chuyến đi đầu tiên” (trang 11) viết về chuyến đầu tiên chở vũ khí vào miền Nam bằng đường biển từ những năm 1960 qua lời kể của anh Huỳnh Ba, một trong 6 thủy thủ còn sống trong đoàn thủy thủ 6 người của chuyến đi ấy...; hay chuyện “Nhật ký của người anh hùng” (trang 55) viết về anh hùng Bông Văn Dĩa và thuyền trưởng Lê Văn Một; và “Chuyện của thuyền phó Nguyễn Tiến Hai” (trang 203)... và nhiều câu chuyện khác.

Các câu chuyện trong cuốn sách giúp bạn đọc hiểu thêm về đường Hồ Chí Minh trên biển - một “con đường không dấu, tàu không số”, một chiến công và kỳ tích lịch sử, cho chúng ta nhiều bài học quý giá, mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân ta nói chung và của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên con đường vận tải chiến lược biển năm xưa cũng như của Lữ đoàn 125 Hải quân và Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng, mà các thế hệ hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy và không ngừng tô thắm trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách và mời bạn đọc tìm đọc sách tại Thư viện Quân đội, số 83 Lý Nam Đế - Hoàn Kiếm - Hà Nội.

 

Theo Trái tim Người lính

Bạn đang đọc bài viết "Sách hay nên đọc: Đi tìm dấu tích con đường" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn