Sách mới “Đi qua mùa lữ thứ” - Cuộc đối thoại của tu sĩ về cõi thiền và cõi tục

Vũ Xuân Bân

29/11/2021 10:05

Theo dõi trên

Thông qua đồng nghiệp, tôi được tác giả TÂM TUỆ tặng sách “Đi qua mùa lữ thứ”. Sách dày 151 trang, khổ 19x21 Cm, in bằng giấy trắng gồm hơn 150 bài thơ và Tản văn cùng một số ảnh minh họa do NXB Dân Trí cấp phép xuất bản năm 2021.

bia-ttue-1638154782.jpg
Lưu bút tặng sách của tác giả Thích Tâm Tuệ.

 

Chữ “Lữ thứ” có trong tiêu đề cuốn sách nói trên của tác giả Tâm Tuệ bỗng gợi nhớ trong tôi 2 tập thơ “Lang thang lữ thứ” của người đồng môn Sử khóa 13 (1968 -1972) Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) PGS TS Sử học Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành Tập I năm 2017 hơn 500 trang gồm hơn 600 bài thơ, Tập II ấn hành 2020 hơn 300 trang gồm 300 bài thơ. Tôi liền trao đổi với PGS TS Cao Văn Liên về ngữ nghĩa của từ “Lữ thứ” thì được giải thích: Lữ thứ có nghĩa là lang thang mệt mỏi, gió bụi, phong trần, gian khổ (mệt lữ). Đó là từ “Nôm hóa” được dùng nhiều trong trào lưu thơ mới những 1930 -1940  nói lên kiếp người tha hương lang thang đất khách quê người của giới văn nghệ sĩ. Đồng môn Cao Văn Liên giải thích thêm sở dĩ đặt tên đầu đề 2 tập thơ  là “Lang thang lữ thứ” vì từ năm 1965 đã tha hương rời làng quê xứ Thanh đi xây dựng kinh tế mới ở Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nơi đất khách quê người rừng núi hoang vắng, rất vất vả, đi lại khi đó rất khó khăn, trong tâm tưởng luôn gợi nhớ về quê hương, bản quán cũ.

clip-ttue-1638154934.jpg
Chân dung tác giả Tâm Tuệ.

 

Còn tra trên Google thì soha.vn cho biết: (Từ cũ, Văn chương) giải nghĩa từ “Lữ thứ” là chỗ tạm nghỉ lại của người đi đường xa; thường dùng để chỉ nơi đất khách, quê người "Kẻ chốn chương đài, người lữ thứ, Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?"

Còn Từ điển Việt (vtudien.com) giải nghĩa từ “Lữ thứ” là “Chỗ xa lạ ở đất khách”. Cảnh tha hương lữ thứ.

Từ đó, liên tưởng lại tôi cảm nhận rõ hơn  vì sao tác giả Tâm Tuệ lại đặt tên sách “Đi qua mùa lữ thứ”.

bia-ttue-2a-1638154739.jpg
Bìa sách "Đi qua mùa lữ thứ"

 

Tâm Tuệ sinh năm 1984 tại Huế, dải đất miền Trung nắng gió, xuất gia từ nhỏ, nhũ danh là Nguyễn Viết Phước, pháp danh là Thích Tâm Tuệ, bút danh là Hàn Sơn Tử, là Đại Đức hiện trụ trì chùa Khánh Long, xã La Sơn, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, đã sớm tu tập xa nhà nên hình bóng quê hương hằn sâu trong tâm tưởng. Những khi đó, Tâm Tuệ lại tìm đến thơ với những xúc cảm thiêng liêng, mãnh liệt. Như Đại thi hào Tagore (Ấn Độ) – Nhà thơ đầu tiên của Châu Á được trao giải Nobel về văn học chỉ rõ “Khi tình cảm tự tìm tim cho nó một hình thưc để bộc lộ ra bên ngoài, chúng ta có thơ”. Tình cảm là tiếng lòng người thơ của Tâm Tuệ. Câu chuyện thơ là câu chuyện tâm hồn thi sĩ. Thể loại thơ là hình thức cần có để Tâm Tuệ bộc lộ nỗi niềm lữ thứ. Đó la nơi cửa Thiền, đêm đêm chú tiểu Tâm Tuệ làm bạn với... trăng. Ở tuổi trưởng thành, tăng sinh Tâm Tuệ rời quê hương đi tham học tại các tu viện Phật giáo hàng đầu thế giới... Đó là những ngày dài miên viễn với quê cha đất tổ và trăng viễn xứ luôn là chất liệu tương hành. Thi tứ cất lên từ ánh trăng. Trăng ở Huế , trăng tròn trăng khuyết nơi viễn xứ, trăng nơi lữ thứ. Luôn tiếu vị cùng tác giả. Trăng ngấm vào trang thơ, cõi lòng người Thầy chùa trẻ.

Trong lời Giới thiệu Thơ Tâm Tuệ, Nhà báo Nguyễn Phúc Bảo Dân nhận xét: Đến với “Đi qua mùa lữ thứ” là những dòng tâm thức tuy vô tình nhưng hữu lý, nó chi phối toàn bộ cá thể và linh hồn của một thực thể. Thành quả của cuộc sống đã biểu đạt của cách làm và cách nói . Ở đây mục đích của cuộc sống là sự tìm kiếm giá trị đích thực của tâm hồn hay cũng chính là con đường nội tại. Trong “Mưa Huế & em” với những tứ thơ thân quen và đầy triết lý:

Mưa

đến tim tôi

hay tìm em

trong cung mầu diệu vợi

Dáng Huế chiều qua là gam mầu thời gian

tôi ngoài tay với

là định thế

bao mùa không đổi.

Hay bài thơ Bờ lữ thứ có những ý tứ ngôn từ khá lạ với độc giả:

Rồi có dạo

em về qua lữ thứ

đóa hoa nào

khẽ nụ cười rung

nếp trăm năm

duyên nợ với vô cùng

thêm thếp lửa hồng vai bờ lữ thứ.

“Qua miền lữ thứ” đã chạm vào ranh giới của tâm hồn... và nội tại sẽ

khai mở không chỉ với thầy Tâm Tuệ mà còn với bạn đọc dẫu là Phật tử

hay không tín ngưỡng. Tâm sự về miền lữ thứ sẽ là tâm sự của thơ và

đời; của Đạo Phật và cuộc sống năng động, hy vọng sẽ mang đến cho

độc giả nhất là các bạn trẻ cảm xúc và khái niệm khá mới không kém

phần lôi cuốn về người tu sĩ hành đạo đương thời!

Còn TS Lư Thị Thanh Lê, Giảng vên Đại học Quốc gia Hà Nội cảm nhận rằng: “Đi qua mùa lữ thứ” đưa người đọc hiểu đến với thế giới nội tâm và những góc nhìn sâu sắc về đời sống của một tu sĩ trẻ. Tác giả Tâm Tuệ (Thích Tâm Tuệ) đã thể hiện là một người có cốt cách, trí tuệ và thẩm mỹ đáng ấn tượng, kết hợp giữa tinh thần Phật giáo truyền thống với tinh thần hiện đại. Xuyên suốt tác phẩm “Đi qua mùa lữ thứ” là cuộc đối thoại của tu sĩ về cõi thiền và cõi tục. Nhân vật trữ tình “em” được hiện diện trong nhiều bài thơ, gửi gắm những suy niệm của tác giả về quê hương, đời sống, tình thương, và thậm chí có thể nói là tình yêu, của một người chọn rời cõi tục để theo bước Như Lai. Ai đó đọc đến “em” trong thơ của một tu sĩ có thể giật mình, nhưng em không hoàn toàn là bóng hình của một người thật. Mà do sự khó khăn của việc lựa chọn đại từ trong tiếng Việt, “em” đã là sự lựa chọn để biểu đạt một góc nhìn dịu dàng, từ bi về cuộc sống, về những con người, đối tượng mà tu sĩ may mắn tiếp xúc. “Em”, là một hình bóng vấn vương bờ lữ thứ, là nhân ảnh đối diện với Đức thánh uy nghiêm, là Huế thân thuộc trong màu mưa diệu vợi, là em bé vùng cao mang nét phong ngàn, hay là chính nhân vật trữ tình “gọi hư vô trong ngôn từ hữu ảnh”, là một thực thể - ý niệm mang vóc tầm vũ trụ “khởi đầu sự sống của triệu hiện sinh”,....

Tập thơ và tản văn “Đi qua mùa lữ thứ” giúp người đọc hiểu trước hết tusĩ là một con người với những suy nghĩ, rung cảm rất “người”, và chính những sự tự vấn, tự thức nhận, tự thanh lọc nội tâm hướng đến sự an tịnh, khai minh giúp cho người ta trưởng thành hơn trên hành trình trở thành một tu sĩ.

Đúng như lời “Kết” của cuốn sách, tác giả Tâm Tuệ bày tỏ: “ Chạm vào ranh giới của tâm hồn, cánh cửa nội tại sẽ khai mở. Sự phát tiết nơi mạch nguồn nội thể tuy vô tung, nhưng đầy nhiệt huyết và lượng năng chưa bao giờ bị giới hạn… Khi bạn thắp lên ngọn đuốc trí tuệ của chính mình, bạn mới soi thấy được con đường mà bạn đang kiến tạo. Tâm an tĩnh, cùng cái “thấy” đi ra từ nội thế, sẽ cho chúng ta nhận chân cái giá trị của đời người, chân lý cuối cùng và là hạnh phúc đích thực.”

Đại đức Thích Tâm Tuệ được các Phật tử biết đến là một vị Thầy chân tu có công phục dựng nhiều phế tự, thành nơi tu học cho nhiều lớp tăng sĩ trẻ và làm chốn nương tựa tâm linh cho Phật tử xa gần; Thầy còn là người ứng dụng giáo pháp vào đời sống thông qua các dự án hướng đến cộng đồng nhất là mô hình nông nghiệp xanh, sạch và an toàn đã và đang được ứng dụng trên nhiều cơ sở lấy các ngoài chùa làng quê làm trung tâm kết nối cộng đồng.

Thế nhưng ít ai biết Thầy còn là một nhà thơ. Trước Tập thơ và tản văn “Đi qua mùa lữ thứ” ra đời, Đại đức Thích Tâm Tuệ đã xuất bản hai thi phẩm với bút danh Hạnh Lam “Tìm trăng viễn xưa” (thơ) và “Trăng” (thơ và nghệ thuật thi họa) được bạn đọc mến mộ.

V.X.B

Bạn đang đọc bài viết "Sách mới “Đi qua mùa lữ thứ” - Cuộc đối thoại của tu sĩ về cõi thiền và cõi tục" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn