Sầm Sơn - một thành phố sức lực vóc vạc, một Sầm Sơn - Văn hóa - Kinh tế, Sức khỏe, Bạn bè; một Sầm Sơn văn chương quyến rũ mà khi chia tay người ta lưu luyến với hẹn chờ những cuộc gặp gỡ mới, người ta bâng khuâng với tâm thế tạm biệt “Một Sầm Sơn mà biết mấy tình cờ”.
1. Thông báo với đông đảo bà con đồng hương thành phố Sầm Sơn và đại diện của lãnh đạo Hội đồng hương Thanh Hóa, Hội đồng hương văn nghệ sĩ và báo chí Thanh Hóa tại Hà Nội, ông Lê Trường Sơn, phó bí thư thường trực thành ủy Sầm Sơn, cho biết, mùa du lịch đầu tiên sau đại dịch Covid-19, thành phố đã thu hút hơn 7,2 triệu lượt du khách. Con số này gấp bốn mươi lần cư dân bản địa. Thành tích nêu trên đã góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của Sầm Sơn trong năm 2022 đạt 18%; thu ngân sách tăng 15%; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 13.000 tỷ đồng, trong đó 5.000 tỷ đồng được đầu tư cho các dự án dọc đại lộ Nam Sông Mã, con đường đang trở thành huyết mạch thu hút du khách về thành phố biển Sầm Sơn.
Như vậy, giấc mơ Sầm Sơn có được năm triệu khách du lịch/ năm được xây dựng vào năm 2020 đã trở thành hiện thực trên cả mong muốn là 2,2 triệu lượt người. Trong câu chuyện sau đó của một số anh em nhà văn, nhà báo với các lãnh đạo chủ chốt của thành ủy và các phòng ban của thành phố Sầm Sơn, chúng tôi còn được biết, trong thời gian gần đây, thành phố luôn có nhiều điểm sáng về văn hóa, thể dục thể thao, an sinh xã hội. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 69,9%, trong đó có những giáo viên dạy giỏi như cô Lê Thị Tâm ở trường tiểu học phổ thông phường Quảng Thọ. Cô Tâm là vợ bộ đội Trường Sa, có học trò là Nguyễn Quế Hải Đăng đã tham gia cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Toán học trẻ” chương trình lớp 3 do hội Toán học Việt Nam tổ chức đạt huy chương Bạc (học sinh lớp 2 thi chương trình lớp 3). Sau đó, em tham gia tiếp kỳ thi Toán SASMO Quốc tế tổ chức tại Hà Nội, đạt huy chương Vàng. Em Trần Thị Quỳnh ở trường tiểu học phổ thông Quảng Tiến 1, nhà nghèo nhưng chăm ngoan học giỏi năm nào cũng đứng đầu lớp; các cụ cựu chiến binh phường Quảng Châu góp tiền gây quỹ làm đường làm điện, hỗ trợ đến tận từng cựu chiến binh, từng gia đình thương binh, liệt sỹ nào vốn liếng, nào cách thức làm ăn, đảm bảo trong các đồng đội, gia đình đồng đội một thời binh lửa của mình không còn hộ nghèo...
Câu chuyện của hôm nay về một thành phố viên mãn xung lực với những con đường nội thị đang từng ngày vươn rộng, trải dài dọc bờ biển cát trắng bằng bịa lên núi Trường Lệ thơ mộng um tùm biếc xanh với các loại cây thông, cây keo tai tượng và sa mộc. Hai bên bờ sông Đơ, những cánh đồng lác, đồng sen bát ngát vươn ra tận đại lộ Nam sông Mã, ra cửa Lạch Trào mênh mang sóng nước. Các phường Quảng Thọ, Quảng Châu, Quảng Vinh, các xã Quảng Hùng, Quảng Đại, nơi có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời đã được kết nối giao thông với đại lộ ven biển có sáu làn xe chạy, bờ hè rộng thoáng 20 mét, hai dãy đèn đường dài tít tắp nối tới ngã ba Chẹt để nhập vào Quốc lộ thiên lý 1A.
Nghĩ từ một Sầm Sơn vươn dậy thần kỳ như hôm nay, tôi bỗng hồi cố về cái thời thành phố bắt đầu khởi nghiệp từ một thị xã nhỏ vắng vẻ để thành một đô thị du lịch bậc nhất của Xứ Thanh hiện tại, và cũng là một trong những trung tâm du lịch đẳng cấp của đất nước. Bước khởi nghiệp ấy bắt đầu từ tám chữ: Sầm Sơn- Kinh tế- Sức khỏe- Bạn bè.
2. Vào cuối năm 1988, khi đang là bí thư tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phú (tỉnh Vĩnh Phú ở thời điểm đó chưa tách thành hai tỉnh là Vĩnh Phúc và Phú Thọ), ông Lê Huy Ngọ được Bộ Chính trị điều về quê nhà làm bí thư tỉnh ủy. Đây là thời điểm cực kỳ khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Suốt cả một dải ven biển dài một trăm lẻ hai cây số, nhà cửa làng mạc đổ nát do bị cơn bão lịch sử số 6 tàn phá mà Sầm Sơn và các vùng phụ cận bị nặng nhất. Trên bãi biển những thân cây phi lao ngã rạp mình xuống cát vẫn chưa thể gượng dậy được. Cái đói mất mùa ngày giáp hạt tháng hai, tháng ba sau tết năm Kỷ Tỵ - 1989 vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt võ vàng, khắc khổ của nhiều người nông dân. Trên đường 47, từ thành phố Thanh Hóa xuống Sầm Sơn, ông bí thư tỉnh ủy phải đừng lại nhiều lần, đứng lặng nhìn những luống khoai lang đã bị vặt trụi lá đến tận gốc. Từng tốp người rách rưới liêu xiêu men theo các bờ thửa, bờ mương mong tìm nguồn sống trong những cơn gió bấc nàng Bân hùn hụt còn sót lại.
Buổi chiều trở về văn phòng trong ngôi nhà hai gian loại cấp bốn của cơ quan tỉnh uỷ, chị nhân viên tạp vụ quẩy đến cho ông một đôi thùng nước sau khi đã dùng phèn chua tẩy trong màu gạch rạm. Bằng ánh mắt nhìn như người bứt rứt, chị nói: “Dạ, mời bác rửa tay rồi đi xơi cơm chiều ạ”. Bí thư tỉnh uỷ nói lời cảm ơn và ông tự hiểu đó là cơ số nước tắm rửa, pha trà, đánh răng rửa mặt của mình cho đến sáng ngày mai.
Ít ngày sau đó, tại cuộc Hội thảo danh nhân văn hóa Lê Văn Hưu, trong không khí thượng tôn hiền tài, bí thư tỉnh uỷ Lê Huy Ngọ cởi mở đặt ra một câu đố và đề nghị cử toạ suy nghĩ giúp Thanh Hóa tìm câu giải đáp. Câu đố là: “Thanh Hóa quê mình/ Rừng cũng nhiều/ Ruộng cũng nhiều/ Biển cũng nhiều / Lam lũ sớm chiều/ Mà dân vẫn đói?”.
Nghe câu đố của ông Lê Huy Ngọ, cả phòng họp lặng đi giây lát rồi có một học giả từ Hà Nội vào đứng lên, chẳng nói lời giao đãi mào đầu mà chậm rãi đọc luôn: “Học cho khá/ Nghĩ cho khá/ Dẹp bớt đấu đá/ Thanh Hóa sẽ giầu”.
Bí thư tỉnh uỷ Lê Huy Ngọ nghe xong, tâm trạng bộn nỗi ưu tư trăn trở. Đến khi được mời phát biểu tổng kết bế mạc hội thảo, ông đã cảm tác đưa ra một cách thức khắc phục sự góp ý thẳng thắn của vị đại biểu nọ với mấy tiêu chí: “Công nghiệp hoá/ Dân chủ hoá/ Dùng người cho khá/ Thanh Hóa mạnh giầu”.
Ngay sau hội thảo, bí thư tỉnh uỷ Lê Huy Ngọ, chủ tịch tỉnh Mai Xuân Minh, phó bí thư thường trực Lê Văn Tu cùng lãnh đạo các ban ngành hữu quan có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo Sầm Sơn, khi ở trụ sở cơ quan, khi đi điền dã trên núi Trường Lệ, khi dừng chân ở hòn Trống Mái, khi đi ca nô ra cửa Lạch Trào, khi đến với những chiếc thuyền, những mảng bè trên bãi biển trò chuyện cùng bà con ngư dân vừa trở về sau một ngày đêm mưu sinh ngoài khơi...Những cảm thức nhận được từ lòng dân Sầm Sơn đang rất mong muốn quê hương mình phải có bước khởi sắc để thoát khỏi đói nghèo, xứng tầm với vùng đất có thiên nhiên, có cảnh quan tươi đẹp, có một thời từng là đô thị nghỉ mát nức tiếng- Sầm Sơn, khiến những người đứng mũi chịu sào phải tính ngay đến việc, khẩn trương công nghiệp hóa ngành du lịch trên địa bàn này. Theo đó, ngay trong mùa nghỉ mát hè 1989, Sầm Sơn đặt ra mục tiêu, quyết tâm phấn đấu đạt được con số du khách là mười lăm, mười sáu vạn lượt.
Vào thời điểm đó, thoạt nghe chỉ tiêu này, không ít người bị choáng, bởi, một thị xã bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, chỉ còn vài nhà nghỉ dưỡng của Tổng cục đường sắt, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nhà khách đối ngoại Champa, khách sạn Lê Lợi đang xây phần thô và khu nghỉ dưỡng của đoàn 296 Quân đội; cả thị xã có mỗi một cơ sở kinh doanh du lịch trước trước năm 1965 là khách sạn Sầm Sơn thì bị hư hỏng toàn bộ cửa rả, không còn một phòng ốc nào có thể sử dụng được; hệ thống giao thông chỉ có hai con đường nhựa ra dáng đường phố, một là đường Lê Lợi, chạy từ chợ Cột Đỏ ra bãi tắm A, và hai, là đường Nguyễn Du bắt đầu từ ngã tư cắt với đường Lê Lợi chạy đến nhà thờ xã Quảng Tường. Chỉ ngần ấy thôi làm sao có đủ sức chứa tới mười lăm, mười sáu vạn khách?
Thế nhưng cũng có nhiều ý kiến lạc quan không riêng trong lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sầm Sơn và còn của các chuyên gia, học giả của tỉnh, của Trung ương được mời về dự cuộc hội thảo đầu tiên chuẩn bị khai trương mùa hè: Sầm Sơn-Kinh tế, Sức khỏe, Bạn bè. Theo đó, phải nắm lấy tinh thần khao khát đổi mới của lòng dân, nắm lấy kinh nghiệm và sự tự hào một thời vang bóng của Sầm Sơn, địa danh vốn là một đô thị nghỉ mát có bề dày một thế kỷ. Sầm Sơn chỉ cách tỉnh lỵ xứ Thanh 16 cây số. Con đường nhựa số 47, trước chiến tranh phá hoại từng là con đường thoi đưa rợp bóng dừa, bóng thông, bóng cây xà cừ đại thụ nối Sầm Sơn với thành phố Thanh Hóa, nơi có địa thế tựa vào núi non hùng vỹ của chín mươi chín ngọn Hàm Rồng, bắt nguồn từ hai nền văn minh Núi Đọ, Đông Sơn. Sầm Sơn còn có một thế mạnh nữa mà không phải địa bàn du lịch cũng có được. Đó là bên cạnh những cảnh non nước hữu tình tạo nên một thiên nhiên độc đáo mà còn có cả một hệ thống trầm tích văn vật lịch sử và văn hóa tâm linh phong phú: Đền Độc Cước, chùa Cô Tiên, đền thờ Lý Thường Kiệt, đền Bà Triều, đền An Dương Vương, hòn Trống Mái, hòn Cổ Giải, bàn chân Ông Khổng lồ, đồi 79… Có lẽ vì thế mà hầu hết văn nhân đất Việt mỗi khi được dịp đến với Sầm Sơn đều có những tác phẩm thao thiết, ấn tượng. Một nhà thơ ở xứ Thanh đã kỳ công làm cuộc sưu tầm được hơn một ngàn bài thơ, câu chuyện viết về Sầm Sơn, trong đó có không ít văn phẩm, thi phẩm gắn với những tên tuổi như: Tản Đà, Nguyễn Công Hoan, Khái Hưng, Tcha, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Anh Thơ, Hồ Zdếnh, Phùng Quán, Hữu Loan, Nguyễn Viết Lãm, Hữu Thỉnh, Phạm Ngọc Cảnh, Trần Đăng Khoa, Văn Đắc, Anh Chi, Huy Trụ, Nguyễn Minh Khiêm, Trần Tất Trừ, Phạm Thị Kim Khánh… Đặc biệt vào những năm cuối thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, khi chiến tranh đang xảy ra rất ác liệt, nhà thơ Trinh Đường đã có đợt đi viết dài ngày ở Thanh Hóa, ông đã để lại tập thơ Về Thanh với ngót một trăm bài trong đó hơn ba mươi bài viết về Sầm Sơn…
Riêng tại đất Sầm Sơn đã có tới năm nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội nhà văn Việt Nam và hàng chục nghệ sĩ thuộc các các hội, ngành nghệ thuật Thanh Hóa và Trung ương.
Sầm Sơn và các huyện xã bên cạnh còn là nơi có nhiều kinh nghiệm sản xuất vật liệu xây dựng, có những cánh thợ nức tiếng gần xa; có nhiều ngư phủ bám biển truyền đời, nhà giầu có, tích lũy được vốn liếng lớn, tài sản lớn. Vấn đề là cần có chính sách khuyến khích sức dân, đánh thức tiềm lực thì Sầm Sơn sẽ bừng dậy!
Và Sầm Sơn đã bừng dậy một cách ngoạn mục. Kết thúc mùa du lịch 1989, mười sáu vạn tám ngàn lượt khách đã đến với Sầm Sơn. Thắng lợi vượt trội qua mức đỉnh chỉ tiêu đặt ra đến tám ngàn lượt người (16 vạn 8 ngàn lượt). Đây là tiền đề đầy niềm tin để năm 1990, Sầm Sơn đón được nửa lượt triệu khách rồi những năm tiếp theo đạt đến con số một triệu, hai triệu, ba triệu và nhiều hơn. Đó cũng là tiền đề để từ năm 1990 trở đi các con đường nhựa “xương cá” từ đường phố chính Nguyễn Du vượt qua thảm phi lao xanh ngắt tủa ra hướng biển nối với đại lộ Hồ Xuân Hương, kiến tạo nên những khu phố mới vuông vắn trong hình thế bàn cờ. Cũng từ đó, kinh tế của Sầm Sơn luôn tăng trưởng với hai con số, và là địa phương tốp đầu về tăng trưởng cao, tăng trưởng ổn định, tăng trưởng bền vững của tỉnh Thanh Hóa.
Và cũng từ mùa du lịch hè 1989 đó, tám chữ Sầm Sơn- Kinh tế, Sức khỏe, Bạn bè thành nét biểu trưng của thành phố cho đến hôm nay, khi Sầm Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bình chọn là một trong năm địa chỉ du lịch hàng đầu đất nước.
3. Năm 2022, Sầm Sơn kỷ niệm 115 năm (1907 - 2022) đô thị du lịch và đón nhận Quyết định công nhận thị xã Sầm Sơn lên cấp thành phố trực thuộc tỉnh. Theo đó từ ngày 19 tháng Tư năm 2017, Sầm Sơn được sáp nhập thêm các phường mới là Quảng Thọ, Quảng Châu, Quảng Vinh và các xã Quảng Hùng, Quảng Đại, Quảng Minh…
Bước ngoặt này mở ra nhiều cơ hội về nhân lực, về tài nguyên đất đai nhưng cũng nẩy sinh không ít thử thách đối với một thành phố du lịch biển trong điều kiện thời tiết khí hậu miền Bắc, nơi thời gian lý tưởng cho nghỉ ngơi, tắm mát, du ngoạn chỉ được khoảng ba bốn tháng.
Chính vì thế, mà Sầm Sơn đang từng bước khắc phục, từng bước năng động trù liệu và đã có những bước chuyển quyết liệt để thành phố thoát dần cảnh du lịch mùa vụ. Các phường xã không có biển, gắn bó truyền đời với nghề xây dựng, với trồng trọt và chăn nuôi phải hướng tới là các địa chỉ dịch vụ vật liệu xây dựng, dịch vụ lương thực, thực phẩm, rau quả chủ yếu cho thành phố.
Bước chuyển này đã làm thay đổi rõ nét diện mạo thành phố du lịch Sầm Sơn. Đó là gắn du lịch nghỉ ngơi, tắm mát với du lịch sinh thái, du lịch lữ hành và bước đầu đã có những thành công hy vọng, đã nẩy sinh những nhân tố mới.
Doanh nhân Vũ Sơn, sinh ra ở phường Quảng Cư, một phường mới được nâng cấp từ xã Quảng Cư cũ năm 2017. Quảng Cư là địa điểm đầu sóng ngọn gió của Sầm Sơn ở phía cửa biển Lạch Trào nên luôn bị biển xâm thực, có năm hàng chục mẫu đất, hàng trăm cây phi lao cổ thụ bị sóng ngầm nuốt vào đại dương. Vũ Sơn xuất thân từ ngành xây dựng. Anh đã từng mang theo một gánh thợ toàn trai trẻ thạo nghề đi kiếm cơm khắp miền thiên hạ. Khi thành phố chủ trương thu hút đầu tư xây dựng theo hướng khang trang hiện đại, Sơn trở về quê nhà, anh xin thầu phần bãi biển năm nào truyền thông cũng đưa tin cùng những hình ảnh bị biển gặm xói kinh người. Bằng những kiến thức xây dựng, Sơn cho kè cọc beton, đổ cát, tạo nên một bãi biển bằng phẳng, sóng ngầm đã phải chịu thua, nhường cho ba hàng sóng hiền hòa ngày đêm xô tràn lên bãi cát phẳng lỳ. Phía đối diện bên trong đại lộ Hồ Xuân Hương, Sơn xây khách sạn và nhà hàng cao cấp Vũ Sơn. Thế là từ một nơi sóng cồn, gió lốc, cát lở đã trở thành một địa chỉ du lịch nghỉ ngơi tắm mát, thưởng thức ẩm thực có đẳng cấp. Thành công này khiến doanh nhân Vũ Sơn mạnh dạn nhận thầu một vùng xói lở khác bên ngoài đê sông Mã, sát cửa Lạch Trào. Anh đã áp dụng công nghệ chống xói của Hà Lan, nhồi hàng trăm cọc beton xuống rốn sóng ngầm rồi xây thành một con đê chắn sóng vĩnh cữu bảo vệ một vùng cửa biển, có đầm lớn bên trong. Trên mặt đầm Sơn xây tổ hợp nhà hàng hồ câu sinh thái Tuấn Vũ, một cơ sơ dịch vụ cho cả bốn mùa, giảm thiểu đi cái thế bó buộc, cả năm chỉ làm ăn được có ba bốn tháng.
Dám nghĩ dám làm Vũ Sơn đã lập xong đề án xây dựng một ngôi chợ ở phường Quảng Cư, nơi đầu mối của đại lộ Nam Sông Mã nối với đại lộ Hồ Xuân Hương và bến cá chính của cửa Lạch Trào. Đây là dự án đi trước đón đầu, khi đại lộ Nam Sông Mã đang là một trong những cung đường chủ yếu, con đường nhộn nhịp đón du khách từ các tỉnh phía bắc đến với Sầm Sơn.
Góp phần cho một Sầm Sơn thành địa chỉ du lịch ngày càng trở nên hấp dẫn những sản phẩm bản địa độc đáo như bánh khoái, cá thu nướng, dừa xiêm, nước mắm…nhất là sản phẩm nước mắm Sầm Sơn từ lâu đã được du khách tìm đến bằng sự lưu luyến, truyền lan. Hiện nay cả thành phố có tám ông chủ, bà chủ nước mắm thuộc diện hoành tráng, và hàng trăm cơ sở sản xuất nước mắm nhỏ lẻ truyền đời khác. Mỗi năm Sầm Sơn đưa ra thị trường hàng triệu lít nước mắm truyền thống, trong đó chủ yếu là phục vụ khách du lịch.
Chủ vựa nước mắm Vích Phương là người đầu tiên dám nghĩ đến làm ăn lớn trong ngành nghề nước mắm truyền thống ở Sầm Sơn. Dẫn khách đi “thực mục sở thị” các bể chượp cá thu, cá nục, cá trích, cá cơm ướp đến 550 tấn cá các loại, cựu chiến binh Hoàng Thăng Vích, bộ đội vùng I Hải quân kể: Vào đầu thập niên 1990, sau khi rời quân ngũ, về địa phương, anh bàn bạc với anh em trong họ hàng, đồng đội, vay vốn lớn, đóng thuyền to, quyết tâm mở hướng ra khơi đánh bắt xa bờ một cách tấm món. Quyết tâm đó của Hoàng Thăng Vích và các ngư phủ đã thắng lớn. Có chuyến đi biển được hàng trăm tấn cá nục, cá thu…Cá nhiều, thị trường nhỏ không tiêu thụ hết, thường bán sỉ ngoài khơi với giá bèo. Vích trăn trở, tại sao lại không dùng số cá này làm nước mắm, cái nghề mà ở các làng biển Sầm Sơn gần như nhà nào cũng có vài ba lu, dăm sáu vại nước mắm cốt? Nghĩ rồi làm. Lúc đầu Vích làm mười tấn, hai mươi tấn. Nước mắm ngon, có thị trường, có các nhóm du khách đến tận nhà mua; có những nhà hàng ở Sầm Sơn, ở trên thành phố Thanh Hóa xuống đặt hàng và đại lý bán lẻ. Thắng, nhưng để mở mang làm ăn lớn hơn nữa, Hoàng Thăng Vích đã cất công vào Đà Nẵng, Nha Trang, ra đảo Phú Quốc tìm thầy, học nghề. Khi đã cảm thấy “đắc đạo”, Vích bàn với vợ, chị Phương nâng bể chượp lên trăm tấn, hai trăm tấn, ba bốn trăm tấn. Cái tên chủ xưởng Vích Phương và thương hiệu nước mắm Vích Phương ra đời từ đó…
Những cơ sở như nước mắm Vích Phương đang là thị trường bền vững, là đầu mối tiêu thụ lớn cho các đội tàu đánh bắt xa bờ. Đây là tác nhân quan trọng để Sầm Sơn chuyển mạnh ngành nghề đánh bắt cá truyền thống sáng đi tối về thành cung cách đánh bắt xa bờ dài ngày. Hiện tại đội tàu đánh bắt xa bờ của Sầm Sơn đang dẫn đầu tỉnh Thanh Hóa với 2665 chiếc, tăng 696 tàu so với năm 2019; sản lượng đáng bắt ước đạt 32.150 tấn (2021). Nhờ vậy mà những lúc cao điểm, Sầm Sơn đón đến cả chục vạn lượt khách trong ngày mà thị trường ẩm thực vẫn phong phú không có đột biến nhiều về giá cả.
Theo sự giới thiệu của ban Tuyên giáo thành ủy Sầm Sơn chúng tôi đến phường Trường Sơn, một phường trung tâm thành phố nằm hai bên đại lộ Lê Lợi và trải suốt chiều dài mặt đất liền nối từ bắc tới cực nam của dãy Trường Lệ. Phường Trường Sơn “quán xuyến” hầu hết như gần hết các di tích văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh, danh lam thắng cảnh nổi danh của Sầm Sơn như đền Độc Cước, chùa Cô Tiên, đền thờ Lý Thường Kiệt, hòn Trống Mái, hòn Cổ Giải, bãi tắm A, bến cá dân sinh… Bởi thế, lưu lượng du khách lưu trú và vãng lai thăm thú rất đông. Ông bí thư Đảng ủy phường, một cựu chiến binh, tác phong rất nhanh nhẹn, cởi mở đưa chúng tôi đến tận cơ sở chi bộ khối phố để tận thấy một số cách thức dịch vụ du lịch thân thiện theo tiêu chí Bạn bè trong nội dung tám chữ. Theo đó, những người bán hàng rong trong phường đều đeo biển họ tên địa chỉ, coi đây như một dạng bảo hiểm giao dịch mua bán trên đường phố đối với du khách. Nhờ vậy mà giá cả luôn phải chăng, đảm bảo không có hàng rởm, hàng không sạch. Những người bán hàng rong trước mỗi mùa du lịch đều được tập huấn những kiến thức về danh lam thắng cảnh quê hương, kiến thức về giao tiếp. Không ít người trong họ thực sự là những hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư, những “hướng đạo” rất được các du khách quí mến…
Chúng tôi cùng một số bạn bè nhà thơ, nhiếp ảnh theo chân những hướng dẫn viên du lịch tự nguyện dừng chân trước hòn Trống Mái. Dư âm của lễ hội Huyền thoại Tình yêu hòn Trống Mái Sầm Sơn lần đầu đầu tiên được tổ chức vào ngày Mồng sáu tháng Tư tại thực địa vẫn còn được kể vanh vách về số lượng hàng vạn trai thanh gái lịch khắp nơi và người dân địa phương đổ đến chiêm ngưỡng tình yêu mà trời đất đã tạc thành biểu tượng-Trống Mái, về màn trình diễn tuyệt vời của hàng trăm nghệ sỹ trong chương trình văn nghệ Đá hát khúc Tình yêu, về dáng đẹp tuyệt vời của chàng Trống và nàng Mái… Một nhà thơ lục bát Xứ Thanh trầm trồ thốt lên hai câu: “ Trải qua bao cuộc thiên di/Vẫn đam mê một thành trì phu thê”. Phát triển theo xu hướng du lịch văn hóa sinh thái, bắt đầu từ năm 2019, Sầm Sơn có thêm một lễ hội nữa là: Lễ hội Tình yêu Trống Mái Sầm Sơn, được ấn định vào Mồng 6 tháng Tư (lịch trăng) hàng năm.
4. Sầm Sơn hôm nay được gọi là một trong “Tứ Sơn” của xứ Thanh, bao gồm Bỉm Sơn ở phía bắc, Nghi Sơn ở phía nam, Lam Sơn ở phía tây và Sầm Sơn ở phía đông. Các tuyến xe bus từ “tam sơn” thông qua trung lộ giao liên thành phố Thanh Hóa, hoặc chạy thẳng đều có thể về đến Sầm Sơn trong vòng một đến hai giờ. Thời gian hè, xe bus đã nối thẳng đến cố đô Hoa Lư, Tràng An ở Ninh Bình… Con đường 47 (nay là đại lộ An Dương Vương), đại lộ Nam Sông Mã, đại lộ ven biển Quảng Châu - Núi Chẹt đêm đêm bừng sáng ánh đèn màu vàng hoa cúc, náo nhiệt người xe từ khắp miền đến với Sầm Sơn - một thành phố sức lực vóc vạc, một Sầm Sơn - Văn hóa - Kinh tế, Sức khỏe, Bạn bè; một Sầm Sơn văn chương quyến rũ mà khi chia tay người ta lưu luyến với hẹn chờ những cuộc gặp gỡ mới, người ta bâng khuâng với tâm thế tạm biệt “Một Sầm Sơn mà biết mấy tình cờ” (Hữu Thỉnh).