Sản xuất nước mắm truyền thống ở Bình Thuận: Chuyển dần sang cơ giới hoá nhằm tăng năng suất, sản lượng và an toàn thực phẩm

Bình Thuận là cái nôi của sản xuất nước mắm truyền thống của Nam miền Trung nói riêng và của cả nước nói chung. Nghề làm nước mắm ở đây được hình thành từ Thế kỷ XVII và được bảo tồn lưu truyền và phát triển cho đến ngày nay.
nuoc-mam-1658638344.jpg
Vít tải chuyển cá lên vào thùng chứa, sau được vận chuyển đến bể chượp bằng cầu trục di chuyển ngang, dọc khu chượp cá

Sản xuất nước mắm truyền thống ở Bình Thuận: Chuyển dần sang cơ giới hoá nhằm tăng năng suất, sản lượng và an toàn thực phẩm

Bình Thuận là cái nôi của sản xuất nước mắm truyền thống của Nam miền Trung nói riêng và của cả nước nói chung. Nghề làm nước mắm ở đây được hình thành từ Thế kỷ XVII và được bảo tồn lưu truyền và phát triển cho đến ngày nay.

Sản lượng nước mắm tại đây rất lớn, cung cấp cho thị trường cả nước từ trong Nam đến ngoài Bắc. Năm 1925, tỉnh Bình Thuận đã có 638 nhà lều nước mắm với 1.525 thùng lớn[1] (mỗi thùng chứa 7-10 tấn cá trở lên), 7.759 thùng nhỏ và trung bình, cùng nhiều hộ sản xuất ủ chượp bằng lu, khạp (mỗi lu chứa 100-200 kg cá). Theo số liệu từ Sở Thuế Phan Thiết, năm 1925, nước mắm bán ra khỏi tỉnh đạt gần 41 triệu lít và đến năm 1928 sản lượng nước mắm Bình Thuận đạt sản lượng 50 triệu lít/năm[2]. Những năm bao cấp, Bình Thuận, mà chủ yếu là thành phố Phan Thiết là nơi cung cấp nguyên liệu nước mắm chủ yếu cho khu vực Tương Mai để pha đấu và cung cấp sản phẩm nước mắm các loại cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Mặc dù vậy, trong con mắt của một số người, nước mắm Phan Thiết trước đây thường đi liền với một số đặc trưng như mùi nồng, vị mặn và có vẻ như hơi… mất vệ sinh, an toàn thực phẩm do sản xuất bằng thủ công, sử dụng sức người là chủ yếu. Tuy nhiên, đấy là cái thời xa xưa, nay đã thành dĩ vãng.

Đến Phan Thiết, Bình Thuận hôm nay có thể thấy nghề làm nước mắm truyền thống nơi đây đã có những cải tiến, tiến bộ vượt bậc. Thành phố Phan Thiết đã dành ra một khu vực rộng lớn của phường Phú Hài, ven sông Cà Ty (nơi phát tích của nghề làm nước mắm Tĩn ngày xưa) cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống triển khai các hoạt động sản xuất của mình. Hơn 40 doanh nghiệp của Hiệp hội nước mắm truyền thống Phan Thiết đều có cơ sở sản xuất rộng rãi, khang trang và rất đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu vực này. Hầu hết các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở đây đều được cấp giấy phép “Cơ sở sản xuất đủ điều kiện ATTP” của cơ quan có thẩm quyền.

Khác với khi xưa, các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở đây đã có rất nhiều cải tiến cả về công nghệ lẫn hệ thống sản xuất nước mắm truyền thống. Hầu hết các lều mắm ở Phan Thiết đều đã thay thế các thùng gỗ (dù là thùng bằng gỗ quý có tuổi đời hàng trăm năm) bằng các bể xi măng để ủ chượp. Mỗi dãy bể có thể chứa được hàng chục đến cả trăm tấn cá, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa dễ dàng cơ giới hóa các công đoạn sản xuất. Mặt bằng sản xuất được lát bằng gạch bông hoặc các vật liệu chống thấm khác với các đường gom nước thải hợp lý, đảm bảo cho khu vực sản xuất luôn sạch sẽ. Hầu hết các cơ sở sản xuất đều trang bị bơm hút để thuận tiện, dễ dàng cho việc kéo rút nước khi ủ chượp… Đặc biệt, một số cơ sở sản xuất đã và đang cơ giới hóa công đoạn trộn muối với cá trước khi ủ chượp

Thực hiện cải tiến này, thay vì trộn cá với muối bằng tay, các nhà lều xây dựng một phễu trộn với các cánh trộn quay tròn. Công nhân chỉ việc đổ cá và muối theo tỷ lệ định sẵn của cơ sở sản xuất xuống đó. sau một thời gian nhất định, hỗn hợp cá, muối được vít tải đưa lên đổ vào các thùng chứa hỗn hợp cá, muối. Các thùng này khi đầy được cầu trục vận chuyển lên cao, đưa đến vị trí các bể chượp và tự động đổ cá muối xuống. Sử dụng dây chuyền trộn cá này ở Phan Thiết, các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống chẳng những tiết kiệm được công sức lao động, mà còn nâng cao được chất lượng cá đưa vào ủ chượp, qua đó làm tăng chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm của cả cơ sở sản xuất lẫn sản phẩm nước mắm truyền thống của họ do mặt bằng sản xuất được thu gọn, giảm đáng kể thời gian cá phải chờ vào muối, tăng độ tươi của cá, và vì vậy giảm mạnh hàm lượng histamine có trong nước mắm truyền thống của họ. Anh Bùi Hồ Quang, một trong những chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống đã sử dụng dây chuyền trộn cá muối này ở Phan Thiết, cho biết: Mỗi khi cá về cơ sở của anh phải mất 15 nhân công làm rất vất vả trong một ngày mới đảm bảo được công việc, mà hàm lượng histamine trong nước mắm vẫn còn khá cao do cá không vào muối kịp thời nên giảm độ tươi. Từ khi áp dụng dây chuyền trộn cá này, cũng công việc như vậy mà chỉ cần sử dụng 3 công nhân, làm trong 3-4 giờ là xong. Điều quan trọng là nhờ áp dụng dây chuyền này, hàm lượng histamin trong nước mắm do cơ sở sản xuất đã giảm đến 90% so với khi sản xuất thủ công.

Nhờ chịu khó cải tiến công nghệ và dây chuyền sản xuất, các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở Phan Thiết nói riêng và ở Bình Thuận nói chung đã cải thiện đáng kể hình ảnh, chất lượng sản phẩm của mình. Dù giữa trưa hè nóng bức, nhưng khi đến khu sản xuất tập trung, dù đang đi trong khu vực sản xuất nước mắm truyền thống của thành phố Phan Thiết tại phường Phú Hài, du khách đều cảm thấy rất dễ chịu với mùi hương nước mắm truyền thống dìu dịu nhẹ nhàng và cảm nhận được sự thơm ngon của những giọt nước mắm truyền thống màu nâu nhạt, trong vắt đang chảy ra từ những chiếc bể khổng lồ.

-----------------------------

[1] Nguyễn Huỳnh Dung. “Tản mạn về nước mắm”. Tạp chí Xưa và Nay, số 496 (tháng 7/2018), trang 63.

[2] Hồ Tá Khanh. Thông sử Công ty Liên Thành. Paris (Pháp), 1984, trang 41

Chuyện Làng Quê