Sáng tạo trong văn chương là vô cùng

Diên Khánh (thực hiện)

03/05/2022 12:08

Theo dõi trên

Nhà văn Lê Hoài Nam vừa ra mắt “Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam”. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông về chuyện viết cũng như kinh nghiệm trong nghề cầm bút.

bia-tuyen-tap-truyen-ngan-le-hoai-nam-1651554454.jpg
nha-van-le-hoai-nam-1651554491.jpg
Chú thích ảnh

 

 

- Thưa ông, ông viết ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, thể loại nào là thế mạnh của ông?

- Cả ba thể loại tôi đều thích viết. Hàng ngày tôi sống và quan sát, nếu gặp điều gì hợp với ký thì tôi viết ngay. Nếu trong đầu nảy ra một cái tứ truyện ngắn thì tôi huy động vốn hiểu biết về cái điều định viết ấy đến khi nào thật thấu đáo tôi mới ngồi vào bàn viết. Còn viết tiểu thuyết là cả một vấn đề lớn, cần nhiều thời gian thai nghén hơn. Nhà văn viết tiểu thuyết giống như một vị chỉ huy trận mạc biết bày binh bố trận, biết dùng bản đồ chiến lược, chiến thuật để nhân vật nào đi đúng “phác đồ” của nhân vật ấy, nhân vật chính đi mạch chính, mang vác tư tưởng xuyên suốt tác phẩm.Thể loại nào mà dư đầy vốn sống, vốn hiểu biết và viết trong cảm xúc thì đều có cái thú vị, cái hay riêng. Hồi còn làm công tác, bị áp lực về thời gian, tôi thường viết truyện ngắn, bút ký. Từ ngày rời công sở, có thời gian rộng rãi hơn, tôi viết tiểu thuyết là chính.

- Xin chúc mừng ông vừa ra mắt tuyển tập truyện ngắn rất đầy đặn. Ông kỳ vọng gì ở cuốn sách này? Có phải để tổng kết một chặng đường?

- Tuyển tập truyện ngắn của tôi vừa ra mắt in khổ lớn, dày hơn 500 trang, gồm 42 truyện ngắn được tuyển chọn từ 74 truyện ngắn mà tôi đã đăng từ khi mới cầm bút cho đến nay. Chưa cần đọc những thể loại khác mà chỉ cần đọc tuyển tập truyện ngắn này, bạn đọc có thể hình dung ra quá trình sống và sáng tác văn chương của tôi hơn 40 năm qua.

- Theo ông, vốn sống quan trọng thế nào với người viết? Và với ông, vốn sống phục vụ cho việc viết lách thế nào?

- Theo tôi, vốn sống và vốn văn hóa của người viết văn quan trọng ngang nhau. Vốn văn hóa giúp nhà văn nhìn cuộc sống, nhìn con người đúng đắn hơn, hợp logic, biện chứng hơn. Vốn sống giúp nhà văn có chất liệu để đưa vào tác phẩm. Nhà văn có quyền tưởng tưởng, hư cấu khi sáng tạo tác phẩm, nhưng dù trí tưởng tượng có siêu phàm đến mấy cũng phải từ quan sát và thấu hiểu cuộc sống, thấu hiểu con người mà sinh ra tưởng tượng. Người viết văn dầy vốn sống đọc tác phẩm là nhận ra ngay: từng chi tiết phập phồng hơi thở của cuộc sống, nhận vật sống đông, tươi rói, chân thực như đang đi đứng, nói cười ngay trược mắt ta. Sức cuốn hút của tác phẩm cũng là từ đấy.

- Ông đánh giá thế nào, khi ngày nay nhiều tác giả trẻ thiếu vốn sống, đang viết theo kiểu “sách đẻ ra sách”, tức là đọc nhiều cuốn sách để lấy vốn sống viết một cuốn?

- Thời gian gần đây tôi cũng hay đọc tác phẩm của các nhà văn trẻ. Nhất là từ khi báo Văn nghệ của Hội Nhà văn thay bộ mới thì tỷ lệ truyện ngắn của các tác giả trẻ đăng tải nhiều hơn. Trong đó có một số truyện ngắn, bài thơ tôi đọc thấy thích thú ở sự sáng tạo táo bạo, mới mẻ của họ. Có tác giả chỉ mới viết một hai truyện ngắn đã thấy những tín hiệu báo một tài năng văn học thực sự. Nhưng cũng không ít tác giả tôi đọc cảm thấy khó chịu vì nhận ra cốt truyện này na ná truyện của những nhà văn lớn trên thế giới.

Tôi càng ngạc nhiên hơn khi gần đây có một nhà phê bình trẻ viết bài đăng báo ca ngợi hết lời tập thơ của một nhà thơ nữ vì nhà thơ này công khai làm “đệ tử” của nhiều tác giả tiếng tăm. Nhà phê bình nọ còn viết nhà thơ nữ đã “gối đầu” lên các nhà thơ, nhà văn, nhà triết học danh giá ấy, ảnh hưởng họ đến mức, từng bài mang hơi hướng tứ thơ, từng câu mang âm hưởng ngôn từ, từng chữ giống như phiên bản của họ. Trong khi đó nhà phê bình này lại “dự báo” thơ truyền thống Việt Nam như Lục Bát đã và đang “chết”; ngay cả các thể thơ tự do có nhạc tính như nhiều nhà thơ đương đại đang viết cũng không ai đọc nữa. Chỉ có viết cách tân như nhà thơ nữ kia đang viết mới là “tương lai” của văn học. Tôi không phủ định rằng cách tân là một nhu cầu chính đáng của lao động sáng tạo nghệ thuật. Ngưỡng vọng những tác giả, tác phẩm lớn là một phẩm chất cần có của một người viết. Nhưng vay mượn một cách lộ liễu, rồi cho đó là mới lạ thì lại là điều mà người cầm bút có tự trọng rất cần phải tránh. Viết văn rất cần tạo ra cái mới.

- Theo ông, liệu văn chương Việt Nam có thể “chạm đến” ngưỡng cửa Nobel ?

- Tôi cũng đã đọc hầu hết các tác giả được giải Nobel. Tôi nhận ra giải Nobel thường trao cho những tác giả ít ngờ tới nhất. Còn những người luôn nghĩ, thậm chí ngộ nhận là mình sẽ được giải Nobel, phải tìm mọi cách để quảng bá cho mình, thì lại chẳng bao giờ được. Văn học Việt Nam, theo tôi, có những tác giả - tác phẩm hoàn toàn xứng đáng được nhận cái giải danh giá này. Một vài tác giả trong số ấy thì đã ra đi. Đương nhiên là họ không bao giờ còn được đề cử nữa, vì giải Nobel chỉ trao cho những tác giả còn sống. Vậy trong những tác giả còn sống ở ta có ai còn xứng đáng không? Theo tôi vẫn còn, tuy không nhiều. Nếu những tổ chức và những cá nhân có quyền tiến cử mà không nhìn ra họ, hoặc có nhìn ra nhưng vì lòng dạ hẹp hòi, thì chẳng bao lâu nữa họ cũng về với cát bụi và giải Nobel văn chương sẽ mãi mãi cách xa nấm mồ của họ.

- Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Lê Hoài Nam!

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Sáng tạo trong văn chương là vô cùng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn