Số phận những thi nhân đời Đường, Đời Tống được dẫn trong chùm thơ “Đầu thu ngắm cảnh” Tập cổ của Lê Quý Đôn

Nhà thơ, Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

24/05/2021 21:43

Theo dõi trên

Lê Quý Đôn gốc họ Lý ở Đông Ngàn, Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay). Sau vì loạn binh lửa, tổ tiên ông phải chạy về đất Vị Dương, nay thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Khoảng niên hiệu Quang Hưng (1578-1599), ông tổ 5 đời của Lê Quý Đôn đến làm con nuôi một gia đình họ Lê ở thôn Phú Hiếu, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay, nên đổi sang họ Lê từ đó.

bl1-1621866821.jpg

Tác giả bài viết: Nhà thơ, Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục.

 

Tôi đang làm sách Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn, càng đọc, càng thấy kinh ngạc về thiên tài của Quế Đường tiên sinh.

Chỉ cần đọc bài thơ THU NHÀN NGẮM CẢNH viết trên đường đi sứ của Quế Đường, cũng đủ thấy tầm cỡ khổng lồ của một tài năng trác việt.

SỐ PHẬN NHỮNG THI NHÂN ĐỜI ĐƯỜNG, ĐỜI TỐNG
ĐƯỢC DẪN TRONG CHÙM THƠ “Đầu thu ngắm cảnh” Tập cổ CỦA LÊ QUÝ ĐÔN

• Tư Không Thự (thi nhân đời Đường), đỗ Tiến sĩ vào khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-779) Đường Đại Tông. Ông là nhân vật lỗi lạc, có kỳ tài, bản tính cứng cỏi, không muốn cầu cạnh ai. Tư Không Thự có làm một số chức quan, nhưng lại bị biếm chức. Là một trong 10 tài tử thời Đại Lịch, sở trường về thơ ngũ ngôn, sâu sắc về miêu tả thiên nhiên và nỗi niềm kẻ tha hương. Tư Không Thự là người Quảng Bình, nay thuộc tỉnh Hà Bắc. Tác phẩm thơ của ông còn 3 quyển. Ông sinh và mất vào khoảng 720-790.

• Tạ Huyền Huy (464-499), tên chữ của Tạ Diếu, quê Dương Hạ, quận Trần, Nam Trần, nay là huyện Thái Khang, tỉnh Hà Nam, cùng họ với thi sĩ tài danh Tạ Linh Vận, cho nên được gọi là “Tiểu Tạ”. Huyền Huy từng làm quan Thái thú huyện Tuyên Thành, rồi Trung thư lang. Lúc đó, bọn Giang Hựu mưu toan lập Thủy An Vương Lưu Dao Quang, Huyền Huy không theo, bị chúng bắt hạ ngục, rồi chết sau đó. Thơ Tạ Diếu (Huyền Huy) được nhà phê bình Chung Vinh xếp vào hạng “trung phẩm”.

• Trần Tử Ngang (661-702), tên chữ là Bá Ngọc, quê Xạ Hồng, Từ Châu, nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Trần Tử Ngang là nhân vật cách tân ở thời Sơ Đường. Thơ ông có phong cách cao ngạo, tình ý sâu xa, có phần tương tự thơ Cao Bá Quát ở nước ta. Trần Tử Ngang từng giữ chức Hữu Thập di, tương tự Đỗ Phủ từng giữ chức Tả Thập di, cho nên người đời thường gọi ông là Trần Thập Di. “Trần Thập di” từng đỗ Tiến sĩ, từng giữ các chức quan Thiên triều lân đài chính tự ở thời Vũ Tắc Thiên. Sau khi bỏ quan về quê, Trần Tử Ngang bị người đời hãm hại, lo buồn, uất ức mà chết. Thơ Trần Tử Ngang còn khoảng trăm bài. Có bài trở thành quen thuộc với người yêu thơ Đường, ví như bài ĐĂNG U CHÂU ĐÀI CA…

• Bạch Cư Dị (722-846), hiệu là Lạc Thiên, hiệu là Hương Sơn cư sĩ, Túy ngâm tiên sinh, quê gốc ở Thái Nguyên, Sơn Tây, nhưng ông sinh ở Tân Trịnh, Hà Nam, nhà văn rất nổi tiếng ở đời Đường. Văn ông tinh tế mà tình điệu thiết tha, đặc biệt giỏi về miêu tả. Bạch Cư Dị là đại biểu ưu tú của văn chương đời Trung Đường. Thơ văn họ Bạch dễ hiểu, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người, có phần tương tự như thơ Nôm Nguyễn Du ở nước ta. Họ Bạch rất quan tâm đến cải cách chính trị, cải cách văn chương, đề xướng “Tân nhạc phủ”. Ông từng làm quan can gián ở triều đình, không hợp ý vua, nên bị giáng làm Giang Châu Tư Mã. Bạch Cư Dị là một tác gia được xếp vào nhóm hàng đầu của thơ Đường, gồm Thi Tiên Lý Bạch, Thi Thánh Đỗ Phủ, Thi Thần Bạch Cư Dị. Ba ngọn núi thơ lớn nhất đời Đường. Tương tự như ở nước ta có các Đại thi hào Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Du. Vẫn còn một ngọn núi thơ Lê Quý Đôn (Quế Đường tiên sinh) chưa được nghiên cứu và quảng bá tới tầm…

• Tiểu Úc . Mới chỉ biết ông sống trong khoảng niên hiệu Nguyên Hòa, triều vua Hiến Tông nhà Đường (806-820).

• Dương Quýnh người Hoa Âm, Hoa Châu, tỉnh Thiểm Tây, sống ở khoảng năm 650-693. Cùng với Vương Bột, Lư Chiếu Lân, Lạc Tân Vương, được tôn vinh là “Tứ kiệt” ở đời Sơ Đường. Dương Quýnh từng đỗ đại khoa, giữ nhiều chức quan. Ông sống ở thời kỳ xảy ra nhiều biến cố ở các vùng biên cương nhà Đường. Thơ Dương Quýnh viết rất hay về đề tài biên tái, nổi tiếng nhất là bài “Tòng quân hành”..

• Thẩm Thuyên Kỳ (656-713), tên chữ là Văn Khanh, quê Nội Hoàng, Tương Châu, nay là huyện Nội Hoàng, tỉnh Hà Nam. Ông là một thi nhân nổi tiếng ở đời Đường.

• Đố Thiếu Lăng (Đỗ Phủ) (712-770). Đỗ Phủ lấy tên chữ (tự) là Tử Mỹ, hiệu là Thiếu Lăng dã lão, Đỗ Lăng dã khách, Đỗ Lăng dã y, từng giữ chức Công bộ Viên ngoại lang, nên còn gọi là Đỗ Công bộ. Sáng tác của Đỗ Phủ rất đồ sộ, khoảng hơn ngàn bài. Thơ Đỗ Phủ phong phú về nội dung, đặc sắc về nghệ thuật, giá trị tư tưởng nhân văn sâu sắc. Đỗ Thiếu Lăng bỏ chức quan, sống lang thang phiêu bạt giang hồ, trong cảnh ốm đau đói khổ triền miên. Nhà thơ vĩ đại chết trên một chiếc thuyền cô đơn cô độc. Đỗ Phủ là cháu nội của nhà thơ nổi tiếng thời Sơ Đường Đỗ Thẩm Ngôn.

• Lưu Vũ Tích (772-842), tên chữ là Mộng Đắc, quê Bành Thành, nay là Từ Châu, đỗ Tiến sĩ năm 21 tuổi, từng giữ chức Giám sát Ngự sử. Lưu Vũ Tích là một Văn học gia, Triết học gia nổi tiếng. Ông từng ủng hộ cuộc cải cách Vĩnh Trinh. Cuộc cải cách thất bại, Lưu Vũ Tích bị biếm chức, làm Tư Mã Lãng Châu, nay là huyện Thường Đức, tỉnh Hồ Nam. Sau được gọi về Kinh, nhưng có bài thơ chê bai bọn quan lại cầm quyền, nên lại bị biếm đi làm Thứ sử Liên Châu, nay là huyện Liên, tỉnh Quảng Đông. Rồi thì Quỳ Châu, Hòa Châu. Đến đời vua Đường Vũ Tông, Lưu Vũ Tích được phục hồi, giữ chức quan Lễ bộ Thượng thư. Thơ ông còn lại khoảng 40 quyển.

• Lục Du (1125-1210) tên chữ là Vụ Quan, hiệu là Phóng Ông, quê ở Sơn Âm, nay là Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. Lục Du là một nhà thơ nổi tiếng ở thời Nam Tống, từng đỗ Tiến sĩ. Thời kỳ này, nhà Nam Tống rất yếu hèn, trong thì ra sức đàn áp vơ vét dân nghèo, ngoài thì đầu hàng quân Kim, nhục nhã xưng thần với nhà Kim. Những người chủ trương chống Kim đều bị sát hại. Tể tướng phản quốc Tần Cối ra sức trả thù những người chống đối. Văn Thiên Tường là một nhân vật điển hình trong các vụ tàn sát của Tần Cối. Lục Du ủng hộ chủ trương chống Kim phục Tống, nên bị Tần Cối cách chức. Cối chết, ông được phục chức, vài lần tham gia Bắc phạt, đều thất bại và bị cách chức, đuổi về quê.

• Tào Tử Kiến (Tào Thực) (192-232) là con trai thứ của Tào Tháo đời Tam Quốc. Thông minh từ nhỏ. Tào Tháo yêu vì. Tào Phi lên ngôi, muốn tìm cách giết Tào Thực, để đỡ mối lo về sau. Tào Thực là một thi nhân nổi tiếng ở thời Kiến An.

• Khấu Chuẩn (962-1023) tên tự là Bình Trọng, quê Hoa Châu, nay là Vị Nam, tỉnh Thiểm Tây., đỗ Tiến sĩ năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 đời vua Tống Thái Tông, giữ chức Đại lý bình sự. Ông chủ trương chống quân Liêu, nhưng vua Tống lại ký hòa ước với Liêu. Khấu Chuẩn bị bãi chức, sau được phục hồi. Vua Tống Chân Tông chết, Khấu Chuẩn lại bị bãi chức. Sau nhiều lần biếm chức, ông bị đưa đi làm Tư hộ Tham quân Lôi Châu, mất ở đó. Khấu Chuẩn là viên quan hay nói thẳng (trực ngôn), được người đời so sánh với Ngụy Trưng ở đời nhà Đường.

• Đào Tiềm (365-427), tức Đào Uyên Minh, Đào Bành Trạch… đời nhà Tấn. Ông cốt cách thanh cao, thích sống với thiên nhiên. Nhiều lần làm quan rồi lại bỏ. Lần cuối cùng, Đào Tiềm treo ấn từ quan, để lại câu nói nổi tiếng: “Ta không vì số lương 5 đấu (gạo) mà khom lưng cúi ngửa theo người”! Đào Uyên Minh yêu hoa cúc, sống thảnh thơi bên hoa cúc hoa lan, như một ẩn sĩ trong sạch như băng tuyết. Ông có bài QUY KHỨ LAI TỪ rất nổi tiếng. Thi nhân nước ta thời xưa, không mấy người không nhắc đến hình ảnh của Đào Tiềm, như một tấm gương kẻ sĩ cao khiết. Thơ Nguyễn Trãi, thơ Cao Bá Quát có nhiều bài như thế.

• Đỗ Thẩm Ngôn (645-708) tên chữ là Tất Giản, tổ tiên ở Hà Bắc. Cha mẹ ông dời về Lạc Dương. Đỗ Thẩm Ngôn đỗ Tiến sĩ năm Hàm Hanh thứ nhất (670), làm chức Lạc Dương từ. Vũ Tắc Thiên rất thích thơ Đỗ Thẩm Ngôn, ban chức Trước tác Tá lang, Thiên hộ Viên ngoại lang. Đỗ Thẩm Ngôn chơi với Trương Dị Chi, nên bị lưu phóng xuống vùng Phong Châu (tức tỉnh Phú Thọ nước ta ngày nay). Đỗ thi nhân từng có thơ viết về vùng đất Phong Châu (Kinh đô nước Văn Lang của các vua Hùng) lúc đó thuộc Đường, tức bị nhà Đường đô hộ. Cũng tương tự cha Vương Bột từng làm quan ở châu Hoan (Nghệ An). Vương Bột sang thăm cha chẳng may gặp bão lớn, thuyền bị lật, chết. Xác nhà thơ nổi tiếng đời Đường Vương Bột dạt vào vùng biển Nghệ An, được cha ông vớt lên chôn cất ở đó. Đỗ Thẩm Ngôn ở Phong Châu một thời gian, rồi lại được triệu hồi, về giữ chức Quốc Tử Giám Chủ bạ, rồi Tư Văn Quán Đại học sĩ. Đỗ Thẩm Ngôn sở trường về thơ Ngũ ngôn. Có thể xem ông là nhà thơ đặt nền móng cho thơ Ngũ ngôn luật sau này. Đặc biệt, Đỗ Thẩm Ngôn là ông nội của Thi Thánh Đỗ Phủ.

• Chu khánh Du (tên thật là Khả Chi), quê Việt Châu, nay là Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. Khánh Dư đỗ Tiến sĩ năm Bảo Lịch thứ 2 (826). Trương Tịch chấm bài thi của Khánh Du, rất tán thưởng văn chương của Khánh Du, nhờ vậy mà Khánh Du thành nổi tiếng đương thời.

• Giang Vi , tên tự là Dĩ Thiện, sống ở khoảng nửa sau thế kỷ 10, tương đương đời nhà Hậu Lý ở nước ta.

• Lạc Tân Vương (640-?), tên chữ là Quan Quang, người đất Nghĩa Ô, nay là Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang. Ông nổi tiếng thần đồng. Lạc Tân Vương là một thi nhân nổi tiếng thời Sơ Đường. Lạc Tân Vương, Vương Bột, Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân được xem là “Tứ kiệt” đời Sơ Đường.

• Tạ Linh Vận ((385-433) là cháu của Tạ Huyền, danh tướng từng đánh bại trăm vạn quân của Bồ Kiên. Tạ Linh Vận thuộc dòng dõi Tạ An, Tạ Huyền, nên được tập phong là Khang Lạc Công. Quê ông nay là thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam. Tạ Linh Vận từng giữ các chức quan to ở thời vua Tống Vũ Đế, Văn Đế, nhưng sau ông bị đày đến Quảng Châu. Bị tố cáo mưu phản, Tạ Linh Vận bị giết. Ông là một thi sĩ tài danh, nổi tiếng ở thời Nam Triều. Tính tình phóng khoáng, thích ngao du sơn thủy. Thơ ông đặc sắc ở miêu tả cảnh núi sông. Có thể xem Tạ Linh Vận là nhà thơ khởi đầu dòng thơ Sơn thủy ở Trung Quốc.

• Trịnh Thầm quê ở Trịnh Châu, sống ở đời Đường Túc Tông. Ông là một thi nhân, vừa giỏi thơ, lại giỏi họa. Trịnh Thầm từng giữ các chức quan Giám sát Ngự sử, Gián nghị Đại phu. Cuối đời chưa rõ tăm tích.

• Lý Ích (748-829), thi nhân đời Đường, tên chữ là Quân Ngu, người Lũng Tây (nay là Vũ Uy, tỉnh Cam Túc), đỗ Tiến sĩ năm 769. Cuộc đời làm quan của Lý Ích không được như ý, nên ông bỏ đi du ngoạn ở Yên Triệu. Sau Lý Ích lại hồi cung, làm quan đến chức Thượng thư, rồi trí sĩ. Lý Ích là một thi sĩ nổi bật ở trường thơ biên tái thời Trung Đường, nhưng thơ của ông khác với thơ biên tái thời Thịnh Đường, ở chỗ tình thơ nhiều u uất, oán giận, buồn thương, giàu cảm xúc nhân bản, khác với thơ tráng ca thời Thịnh Đường. Lý Ích sở trường về thơ tuyệt cú, đặc biệt là thơ thất tuyệt. Tuy nhiên, ông cũng có một số bài thơ luật nổi tiếng.

• Tôn Cố chưa rõ danh tính. Sách TOÀN ĐƯỜNG THI cũng chỉ sưu tầm được 1 bài thơ “Thanh lộ bị cao lan” mà thôi.

• Mạnh Hạo Nhiên (689-740) vốn tên là Hạo, tên chữ là Hạo Nhiên, tên hiệu là Lộc Môn cư sĩ, quê Tương Dương, Tương Châu, nay là Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc. Mạnh Hạo Nhiên là nhà thơ rất nổi tiếng ở thời Thịnh Đường, thuộc trường phái thơ “Điền viên sơn thủy”. Ông là một thi nhân kiến văn sâu rộng, nhân cách thanh cao. Nhiều người tiến dẫn, nhưng Mạnh Hạo Nhiên chưa từng làm quan. Ông thuộc thế hệ đàn anh của Lý Bạch, được Lý Bạch rất hâm mộ. Bài thơ HOÀNG HẠC LÂU, TỐNG MẠNH HẠO NHIÊN CHI QUẢNG LĂNG, được chọn vào sách Giáo khoa phổ thông, cùng bản dịch thơ của Ngô Tất Tố ra thơ lục bát truyền thống rất thành công, thể hiện tình cảm sâu sắc của Lý Bạch với Mạnh Hạo Nhiên.

• Nguyên Hữu Trực (?-?) là con trai của Nguyên Kết, quê Lỗ Sơn, tỉnh Hà Nam ngày nay. Đỗ Tiến sĩ, làm quan Úy coi việc kinh đô, giữ nhiều chức quan. Sách TOÀN ĐƯỜNG THI chỉ kiếm được 1 bài thơ của Nguyên Hữu Trực.

• Tô Vị Đạo (648-705) đời Đường, quê Loan Thành, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, tài hoa từ khi còn trẻ, đỗ Tiến sĩ năm 20 tuổi, từng làm tướng ở thời Vũ Tắc Thiên. Sau bị biếm làm Thứ sử Mi Châu, mất ở đó. Tô Vị Đạo cùng Đỗ Thẩm Ngôn, Thôi Dung, Lý Kiệu, được đương thời gọi là nhóm “Văn chương tứ hữu”, có công trong sự nghiệp phát triển thi ca đời Đường.

• Lưu Hy Di (651-679) , tên chữ là Đình Chi, người Nhữ Châu, hoặc Dĩnh Xuyên, đỗ Tiến sĩ năm Thịnh Nguyên thứ 2 (675). Lưu Hy Chi có dung mạo đẹp đẽ, vui tính, giỏi đàn Tỳ bà, giỏi uống rượu, phóng túng. Ông là một tính cách nghệ sĩ thích tự do. Lưu sống phóng túng, đa tình, nhiều người đẹp mê đắm. Ông cũng là thi nhân sở trường về thể ca hành, khuê tình, ý tứ bay bướm mềm mại, tình điệu cảm thương. Vì sống phóng túng, buông thả, nên Lưu thi sĩ bị bọn gian sát hại.

• Lý Chi Phương (?-768) là người trong tôn thất nhà Đường, con Lý Thừa Tổ. Ông trải qua nhiều chức vụ trong chính trường, từng 2 năm đi sứ Thổ Phồn, cuối cùng giữ chức Thượng thư bộ Lễ.

• Tưởng Phòng (792-835), nhà văn đời Đường, tên chữ là Tử Trưng, Như Thành, quê Nghĩa Hưng, xuất thân danh gia vọng tộc. Tưởng Phòng từ nhỏ đã thông minh hiếu học, nổi tiếng tài danh. Từng làm quan ở Trường An, sau bị biếm đi làm Thứ sử Đình Châu, Liên Châu, bất đắc chí mà chết khi mới 44 tuổi.

• Trương Duyệt (667-730), tên chữ là Đạo Tế, rồi Duyệt Chi, nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị đời Đường. Ông từng sống ở nhiều nơi, sau lại về Lạc Dương. Thời vua Đường Huyền Tông, Trương Duyệt từng giữ chức Tể tướng, phong Yến Quốc Công. Những từ chương đương thời đều do ông soạn thảo. Cùng với Hứa Quốc Công Tô Dĩnh, đều giỏi văn chương, nên đương thời gọi là “Yến Hứa đại bút”…

• Ân Trọng Văn (?-407), quê Trường Bình, quận Trần, nay là Tây Hoa, tỉnh Hà Nam. Ân Trọng Văn là quan đại thần kiêm thi nhân ở đời Đông Tấn. Ông thông minh tuấn tú từ nhỏ, được tiến cử làm chức Phiêu kỵ Tham quân. Vợ ông là chị gái của Hoàn Huyền, tướng lĩnh cao cấp, quyền thần nhà Đông Tấn. Huyền là con trai Tư Mã Hoàn Ôn. Do Hoàn Huyền mâu thuẫn với triều đình, Trọng Văn bị biếm chức, làm Thái thú Tân An. Sau Hoàn Huyền chiếm cứ Kinh sư, Trọng Văn lại được Hoàn Huyền trọng dụng. Huyền thất bại, Trọng văn bị biếm chức, bị đưa đi làm Thái thú Đông Dương. Năm 407, vì bị buộc tội mưu phản, Trọng Văn bị giết. Ông có 7 tập văn để lại cho đời.

• Lý Đoan (737-784) tên chữ là Chính Kỷ, nhà thơ đời Đường, người Triệu Châu, nay là huyện Triệu, tỉnh Hồ Bắc. Lúc nhỏ Lý Đoan theo học Hạo Nhiên. Năm Đại Lịch thứ 5 (770), đỗ Tiến sĩ, cuối đời về ẩn cư ở Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam, đặt hiệu là Hành Nhạc U nhân. Lý Đoan còn 3 tập thơ. Nội dung thơ Lý Đoan thường là thù tạc, có tư tưởng yếm thế. Một số bài về tình trai gái được xem là “đáng đọc”. Ông cũng được xếp vào “Thập tài tử thời Đại Lịch”…

• Ngụy Trưng (580-643), tên chữ là Huyền Thành, quê Ngụy Châu, Khúc Thành. Ngụy Trưng là một nhà chính trị kiệt xuất, nhà văn, nhà sử học nổi tiếng ở đời Đường. Mồ côi thuở nhà, theo học Đạo sĩ. Sau theo Lý Uyên, đến Lý Thế Dân, Vũ tắc Thiên, được cất nhắc lên nhiều chức vụ quan trọng, tước Trịnh Quốc Công. Ông là viên quan ngay thẳng, danh thần nổi tiếng một thời, được giao soạn thảo nhiều thư tịch, chủ biên bộ “Quần thư trị yếu”, biên soạn “Tùy thư” và một số tác phẩm khác.

• Cảnh Vĩ, tên chữ là Hồng Nguyên, quê Hà Đông, đỗ Tiến sĩ năm Bảo Lịch nguyên niên (825), được xếp ngang nhóm các thi nhân nổi tiếng như Tiền Khởi, Lư Luân, Tư Không Thự. Ông cũng là 1 trong mười tài tử thời Đại Lịch. Thơ Cảnh Vĩ không gọt giữa gia công nhiều, nhưng lại có vẻ đẹp rất tự nhiên. Hấp dẫn.

• Trương Gia Trinh (665-729) quê Lâm Y, tỉnh Sơn Tây. Năm Quang Trạch thứ 2 thời Vũ Tắc Thiên cầm quyền, Gia Trinh dự kỳ thi Ngũ Kinh, được Vũ Tắc Thiên triệu kiến, trao chức Gám sát Ngự sử. Trải nhiều chức vụ, đến thời Đường Huyền Tông, được thăng tới chức Trung thư Môn hạ Bình chương sự, tước Hà Đông Hầu. Trương Gia Trinh nổi tiếng thơ văn, nhưng chỉ còn thấy 3 bài thơ chép trong sách TOÀN ĐƯỜNG THI.

• Lưu Uy có nhiều thơ được chép trong TOÀN ĐƯỜNG THI, nhưng hành trạng chưa rõ.

• Cao Thích (Khoảng 765- khoảng 704), tên chữ là Đạt Phu, Trọng Vũ, quê Bột Hải đời Đường, nay là huyện Cảnh, tỉnh Hồ Bắc, sau dời sang Hà Nam. Cao Thích là nhà thơ rất nổi tiếng về chủ đề biên tái, từng giữ các chức quan Hình bộ Thị lang, Tán kỵ Thường thị, Bột Hải huyện Hầu. Thế nên người đương thời thường gọi ông là “Cao Thường thị”. Cao Thích nổi tiếng tài thơ văn, sánh ngang với Sầm Tham, cho nên người ta cũng thường gọi tên kép “Cao Sầm”. Tác phẩm CAO THƯỜNG THI TẬP của Cao Thích thể hiện bút lực dồi dào, mạnh mẽ, phóng khoáng, phơi phới tinh thần thời đại, tiêu biểu phong cách thơ thời Thịnh Đường, tương tự như hào khí Đông A ở nước ta thời Thịnh Trần vậy. Ở Khai Phong có đền thờ “Ngũ Hiền” gồm Cao Thích, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Hà Cảnh Minh, Lý Mộng Dương. Cao Thích được xếp vào nhóm thơ trường phái biên tái tiêu biểu, gồm Cao Thích, Sầm Tham, Vương Xương Linh, Vương Chi Hoán.

• Lưu Trường Khanh (?-785) tên chữ là Văn Phòng, quê huyện Hà Gian, nay thuộc Hà Bắc. Lưu Trường Khanh là thi nhân được xếp vào nhóm 10 tài tử ở thời Đại Lịch nhà Đường. Ông từng giữ chức Thứ sử Tùy Châu, nên cũng gọi là Lưu Tuỳ Châu. Lưu Trường Khanh bản tính cương trực, nên bị cường quyền ghét, vu cáo bắt ông giam vào ngục tối. Làm quan thì ít nhất cũng 2 lần bị biếm chích. Thơ Lưu phản ánh đời sống cơ cực của nhân dân ở thời lọan An-Sử (An Lộc Sơn-Sử Tư Minh). Nội dung thơ Lưu Trường Khanh chủ yếu tả cảnh sơn thủy, tâm trạng của kẻ sĩ ẩn dật, buồn chán thế thời. Ông nổi tiếng về thơ Ngũ ngôn, thất ngôn luật. Có tập thơ “Lưu Tùy Châu thi tập”.

• Vương Duy (701-761), tên chữ là Ma Cật, nhà thơ kiêm họa sĩ nổi tiếng ở đời Đường. Cha Vương mất sớm, mẹ đi tu. Vương từ nhỏ đã rất thông minh, giỏi văn chương, tường âm nhạc, 21 tuổi đỗ Tiến sĩ. Tể tướng kiêm thi nhân Trương Cửu Linh yêu mến, trao cho chức Hữu Thập di. Lý Lâm Phủ chuyên quyền, Trương mất chức, Vương Duy cũng bị đưa ra vùng biên tái. Năm 739, được về lại Trường An, giữ một số chức quan, nhưng ông chán nản, chỉ thơ phú đàn hát trong một ngôi nhà nhỏ ở Võng Xuyên. An Lộc Sơn chiếm Trường An, giao cho Vương chức Cấp sự trung. An Lộc Sơn bại, Vương Duy bị truy cứu làm việc cho An Lộc Sơn, nhưng được người em biện bác nên thoát chết. Thêm nữa, cũng nhờ bài phú “Ngưng bích trì cảm tác”, bày tỏ nỗi đau đớn của tác giả khi Tràng An bị tàn phá, nên được tha, lại còn được cho giữ chức Thượng thư Hữu thừa. Tuy nhiên, Vương chán nản, không còn chí tiến thủ, chỉ thích đọc Kinh niệm Phật. Tác phẩm của Vương Duy có “Vương Hữu thừa tập”, khoảng trên 400 bài thơ. Thơ Vương Duy đẹp lộng lẫy, trong thơ như thấy họa (Thi trung hữu họa), người đời sau tiếp nối kiểu thơ này.

• Triệu Hỗ tên chữ là Thừa Hậu, quê Sơn Dương Sở Châu, nay là thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô. Ông sinh khoảng năm 806, niên hiệu Nguyên Hòa, đời Đường Hiếu Tông. Trải nhiều năm ra vào các cửa quan, phiêu dạt khắp nơi, năm Hội Xương thứ 4 (844), Triệu Hỗ thi đỗ Tiến sĩ, có làm chức quan Vị Nam Úy, rồi mất, khoảng năm 852-853. Thơ Triệu Hỗ còn khoảng 200 bài, trong đó, có nhiều bài thơ hay.

• Đinh Tiên Chi tên chữ là Nguyên Trinh, quê ở Khúc A, nay là huyện Đan Dương, tỉnh Giang Tô. Đinh Tiên Chi đỗ Tiến sĩ khoảng niên hiệu Khai Nguyên (713-741), giữ chức Huyện Úy Dư Hàng. Sách TOÀN ĐƯỜNG THI chép 14 bài thơ của ông.

• Thi Kiên Ngô (789-861) tên chữ là Hy Thánh, hiệu là Đông Trai, đỗ Tiến sĩ năm Nguyên Hòa thứ 15 (820) đời Đường Hiến Tông. Thi Kiên Ngô là Trạng nguyên thứ nhất ở Hàng Châu. Kiên Ngô theo Đạo giáo, không ham danh lợi, thích ẩn dật, luyện đan…Thi Kiên Ngô cũng là bạn thân của Bạch Cư Dị, còn để lại tập thơ TÂY SƠN TẬP. Sách TOÀN ĐƯỜNG THI thu thu thập được 197 bài thơ của ông.

• Hoàng Thao ((840-911) tên tự là Văn Giang, quê Đông Ly Hạng khu Bồn Thành. Hoàng Thao là một văn nhân trứ danh thời Vãn Đường, được xem là “Minh Chủ văn đàn Phúc Kiến”, rồi “Sơ tổ văn chương Mân Trung”...

• Hà Tồn (?-518) thi nhân thời Nam Triều, quê Hải Viêm, Lương Đông, nay là Viêm Thành, tỉnh Sơn Đông. Ông từng trải nhiều chức quan ở nhiều vùng miền. Thơ Hà Tồn được các thi nhân đàn anh như Phạm Vân, Thẩm Ước khen ngợi, sánh ngang với thơ Lưu Hiểu Xước. Thơ Hà Tồn có phong cách riêng, gần với thơ cận thể đời Đường, Ngôn ngữ thơ ông nhiều câu diễm lệ, đặc sắc, có ảnh hưởng đến các thi nhân hậu thế. Tác phẩm của Hà Tồn thất lạc nhiều, nhưng vẫn còn Hà Ký thất tập, Hà Tồn tập.

• Phạm Vân (451-508), nhà văn thời Nam Triều, tên chữ là Ngạn Long, quê Vũ Âm, Nam Hương, nay thuộc tỉnh Hà Nam, từng làm quan tới chức “Thượng thư Tả (hoặc Hữu) Bộc xạ”. Phạm Vân là một vị lãnh tụ văn đàn đương thời, bạn thân với Thẩm Ước, Vương Dung, Tạ Diếu.

• Từ An Trinh quê Long Châu. Ban đầu lấy tên là Sở Bích, văn nhân nổi tiếng đời vua Đường Huyền Tông, đỗ Tiến sĩ năm Thần Long thứ 2 (706). Các văn thư chiếu biểu của vua Đường Huyền Tông phần lớn do An Trịnh soạn. Ông làm nhiều việc tu sửa các văn bản bi tịch của hoàng gia. An Trinh trải nhiều chức vụ, được tin dùng. Sau được phong chức Công bộ Thị Lang kiêm Tập hiền Học sĩ, rồi Trung thư Thị Lang. Có người bảo An Trinh giúp Lý Lâm Phủ chuyên quyền. Khoảng niên hiệu Thiên Bảo (742-756), An Trinh giả câm giả điếc đến tu ở chùa núi Hành Sơn, không ai nhận ra. Sau Thái thú Đông Hải Lý Ưng biết, đưa về Tràng An. Huyền Tông tiếc tài An Trinh, lại phong tước Đông Lưu Tử, khi chết tặng chức Thượng thư. Thơ văn của An Trinh khá nhiều, nhưng thất lạc, chỉ còn tập di văn mang tên là THỊ LANG TẬP. Sách TOÀN ĐƯỜNG THI chép được 11 bài thơ của ông…

Lê Quý Đôn là một thiên tài trác việt. Chỉ cần đọc thơ đi sứ của Quế Đường tiên sinh, cũng đủ thấy tầm cỡ kiến văn của ông sâu rộng đến thế nào. Và cũng chỉ cần qua 8 bài thơ tập cổ, chúng tôi đã dịch thơ giới thiệu, cũng đã đủ thấy kinh ngạc lắm rồi. Lê Quý Đôn là sự kết hợp hài hòa trí tuệ siêu việt của một nhà bác học có nhiều công trình khảo cứu công phu, với một nhà văn, một thi nhân tâm hồn lộng gió rất tài hoa. Tiên sinh là một hiện tượng cực hiếm trong lịch sử văn hóa nước nhà. Ở thời phong kiến hàng ngàn năm nước Đại Việt ta, chỉ thấy có Nguyễn Trãi và Lê Quý Đôn có được phẩm chất “song toàn” ấy mà thôi! Chỉ tiếc rằng Lê Quế Đường chỉ sáng tác bằng chữ Hán, nên sự quảng bá thành tựu thơ văn của ông gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại...