Sự lựa chọn nghiệt ngã

Truyện ngắn của Trần Anh Tuấn

03/05/2022 19:36

Theo dõi trên

Thôi Tùng ơi! Mong mày thông cảm cho tao nhé. Tao không thể nào làm khác được, và đây là một sự lựa chọn quá nghiệt ngã đối với tao rồi… nghĩ vậy, nên Chiến đã quyết định bỏ phiếu đề nghị khai trừ Tùng ra khỏi Đảng.

 

truong-thon-1651581351.jpg
 

 

Đầu năm 1978, do tình hình chiến sự ở biên giới Tây Nam diễn ra hết sức ác liệt nên vừa kết thúc 3 tháng huấn luyện tân binh, Nguyễn Văn Tùng và Trần Văn Chiến - hai người bạn học cùng quê nhập ngũ một ngày - được bổ sung vào đơn vị bộ binh thuộc Quân khu 9. Suốt hai năm chiến đấu, Tùng và Chiến luôn thể hiện được bản lĩnh gan dạ kiên cường đã tiêu diệt được nhiều địch.Với chiến công đó, cả hai anh đều vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng…

Cuối năm 1979, trên đất bạn Campuchia, trong một lần truy đuổi tàn quân Pôn pốt, Chiến bị thương ở vùng bụng, máu chảy ra nhiều, Tùng đã phải xé áo băng bó vết thương cho bạn. Chiến  gục xuống trên vai Tùng, giọng thều thào:

- Nếu không qua khỏi, khi về quê, cậu nhớ đến nhà động viên mẹ tớ nhé, cụ yếu lắm…

 Nói vừa dứt lời, Tùng đã ngất lịm…

- Tỉnh lại đi Chiến ơi! Tùng đây mà, cậu có nghe tớ nói không… cậu  không được bỏ tớ…

Giọng của Tùng nghẹn ngào, nước mắt cứ thế chảy dài trên đôi gò má sạm đen vì nắng nóng mùa khô trên đất nước bạn…

Một lát sau, Chiến từ từ tỉnh lại, Tùng cõng Chiến băng rừng về trạm Quân y tiền phương để kịp thời cấp cứu. Do vết thương khá nặng nên Chiến được chuyển về tuyến sau điều trị. Khi lành vết thương, Chiến được xuất ngũ trở về địa phương và được hưởng chế độ thương binh.

Chiến đi rồi, Tùng ở lại đơn vị buồn lắm, hai thằng đồng hương vừa là bạn thân lại cùng học với nhau từ thưở nhỏ “hạt gạo cắn đôi”, ấy vậy mà giờ chỉ còn lại mình Tùng. Suốt mấy hôm, Tùng như bị hụt hẫng. Phần thì nhớ Chiến, phần thì lo vết thương cho bạn không biết có hồi phục được không? Liệu Chiến gặp chuyện gì…? Bao nhiêu câu hỏi cứ chập chờn trong đầu anh…

Hai tháng sau, trong một trận đánh quyết liệt với bọn tàn quân Pôn Pốt- Ieng sary trên đất nước Campuchia, Tùng bị thương ở vùng đầu nên không thể tiếp tục chiến đấu được, anh phải vào bệnh viện để điều trị và sau đó cũng được xuất ngũ. Về quê một thời gian, hồi phục vết thương, Tùng đã đến nhà Chiến để thăm. Gặp nhau hai anh thương binh mừng lắm, họ ôm nhau thật cảm động, nước mắt chảy lưng tròng, Chiến liên tục hỏi Tùng:

- Đơn vị mình có ai bị hy sinh nữa không? Những ai bị thương? Đại đội trưởng Mạnh thế nào rồi? Khi nằm ở bệnh viện, tớ có nghe tin đại đội trưởng Mạnh cũng bị thương nặng…

- Khi cậu đi rồi Đại đội mình còn có thêm 10 người bị thương, đại đội trưởng Mạnh và “Trung Ruồi” (vì Trung có nốt ruồi to ở má) đã hy sinh, cả hai đều vướng phải mìn do địch cài lại.

- Thương đại đội trưởng Mạnh quá, nghe nói anh ấy mới cưới vợ trước khi vào chiến trường.Thế bây giờ cậu được về phép hay về hẳn?

- Tớ về hẳn chứ, được Hội đồng y khoa xếp loại thương binh bậc hai, còn cậu thế nào?

- Tớ cũng vậy mà.

- Vết thương của cậu ổn không?

- Hiện tại tương đối ổn.

- Còn tớ khi trở trời vết thương trên đầu cũng nhức nhói…

- Thôi, tuy không nguyên vẹn trở về nhưng dù sao chúng  mình vẫn may mắn còn sống… Mình thương đại đội trưởng Mạnh và “Trung Ruồi” quá… Hôm tớ đi viện, Trung còn chạy theo dúi vào tay tớ mấy bánh lương khô 702, hai hộp sữa bò tiêu chuẩn của hắn và nói “Anh phải cố ăn để vượt qua đại phẫu nhé”…Nghe nói hắn chỉ còn mẹ già, bố mất sớm. Từ khi về do sức khỏe chưa bình phục hẳn nên tớ cũng chưa đi thăm mẹ Trung được. Nghe nói quê Trung ở tận Thái Thụy, Thái Bình…

- Từ hôm về đến giờ cậu đã gặp cái Nhàn, bạn cùng học với chúng mình? Bất chợt Tùng hỏi Chiến. Câu hỏi đột ngột quá nên Chiến cứ ấp a, ấp úng:

- Có! Tớ vừa về là cô ấy đến ngay.

- Vậy hai bạn có định cưới luôn không đấy?

- Phải chờ vì Nhàn đang học Trung cấp sư phạm, cuối năm nay mới ra trường, còn cậu đã có đám nào chưa?

-Tớ thích cái Hương, em thằng Hải học trên mình 2 lớp, không biết hồi này em đã học hết phổ thông chưa?

- À cái Hương xinh xắn ở bên xóm Chùa đúng không?

- Đúng rồi.

- Vậy thì chuyến này về phải “mở đợt tấn công ngay”, em vừa đỗ tốt nghiệp phổ thông.

- Tớ thích nhưng ngại lắm, vì Hương xinh đẹp thế, mình chỉ là thương binh bị tàn phế về làng, liệu cô ấy có chấp nhận không?

- Cậu thân thằng Hải thế mà không nhờ nó làm hậu thuẫn cho à…

- Hải nó đi bộ đội trước mình làm sao mà giúp được.

- Cố lên bạn nhé!

- Có gì ông phải giúp tôi…

- Tôi xin sẵn sàng… Chiến đứng nghiêm vẻ hài hước.

Hai năm sau, đám cưới của Chiến và Nhàn được tổ chức, cũng trong năm đó đám cưới của Tùng và Hương cũng diễn ra…Về quê, Tùng đảm nhiệm nhiều “chức danh”. Tùng được chi bộ tín nhiệm bầu làm bí thư - kiêm Trưởng thôn. Chiến được bầu làm Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh của thôn và sau đó là Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh của xã nhưng lại sinh hoạt cùng chi bộ thôn với Tùng. Hai cán bộ cốt cán của thôn gắn bó với nhau như “hình với bóng”, không ngày nào là họ không gặp nhau để bàn bạc công việc. Gần một năm sau đó vợ Chiến sinh con gái đặt tên là Ngọc Linh, còn vợ Tùng sinh một bé trai đặt tên là Mạnh Hùng, hai gia đình càng thêm gắn bó mật thiết và hẹn ước khi hai cháu đến tuổi kết hôn sẽ làm thông gia. Từ đây hai gia đình coi nhau như cùng một nhà. Hai cháu Mạnh Hùng và Ngọc Linh học cùng lớp nên chơi rất thân với nhau và sau này hẹn ước của hai gia đình đã trở thành hiện thực: Mạnh Hùng và Phương Linh sau khi tốt nghiệp đại học ra trường đã trở thành vợ, thành chồng…

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986), công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã ta thu được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Nhờ chính sách cải cách mở cửa và quan hệ quốc tế mà nền kinh tế đất nước ta đã phát triển rất nhanh. Người dân không còn phải lo cái ăn, cái mặc như trước nữa, đời sống kinh tế mọi tầng lớp trong xã hội ngày càng khá hơn. Nhưng mặt trái của cơ chế thị trường cũng đã làm cho tư tưởng đạo đức của một bộ phận không nhỏ xuống cấp, nhiều cán bộ bắt đầu bị thoái hóa biến chất… Chuyện tham nhũng, tiêu cực đã manh nha, phát triển ngay từ những làng quê vốn từ xưa vẫn được xem là yên ả…

Tùng ngồi trên bộ sa lông mới mua đang say sưa xem bản kế hoạch xây dựng nông thôn mới, thì Chiến từ ngoài cửa bước vào và hỏi:

- Ông Trưởng thôn nghiên cứu gì mà say sưa vậy?

- Ông biết đấy cấp trên vừa có chủ trương phát động phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, tôi đang băn khoăn không biết sẽ lấy kinh phí từ đâu để xây dựng hệ thống hạ tầng như điện, đường, trường trạm theo tiêu chí của cấp trên đây.

- Ông cứ yên tâm, cấp trên sẽ có những chỉ đạo sát sao, miễn là chúng mình phải thực hiện tâm huyết, nghiêm túc thì sẽ thành công thôi.

- Tôi cũng mong là vậy, nhưng bài toán kinh phí vẫn làm tôi đau đầu lắm.

- Phải xã hội hóa cậu ạ, ngoài phần đầu tư nhà nước mình phải huy động sự đóng góp của dân và các nhà tài trợ. Dân xã mình có nhiều người đi ra xã hội thành đạt và làm kinh tế giỏi sao mình không biết tận dụng thế mạnh này.

- Cậu nói cũng đúng nhưng thực hiện được hơi khó.

- Theo tớ cậu nên xin ý kiến của Đảng ủy xã và bàn bạc trong chi bộ để thống nhất kế hoạch rồi sau đó viết thư kêu gọi đóng góp xây dựng quê hương.

- Ừ có lẽ vậy!

Theo sự bàn bạc, góp ý của Tùng, ngay sau đó, Chiến đã triển khai và có hiệu quả. Chỉ trong vòng mấy tháng mà con em của thôn đang học tập trong và ngoài nước đã ủng hộ hàng chục tỷ đồng. Người dân đã hiến đất làm đường, ngày công, tiền của để xây dựng các công trình công cộng một cách tự nguyện. Tuy nhiên, cũng có một số hộ chây ì, thậm chí còn lấn chiếm đất, lấn đường…

Gặp Chiến, Tùng  phấn khởi khoe:

- Ông thấy đấy, qua hai năm thực hiện phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” đến nay bộ mặt nông thôn được thay đổi từng ngày… đường đất cũ chật hẹp đã được thay bằng những con đường nhựa rộng ô tô có thể tránh nhau được. Hệ thống cống rãnh được làm lại sạch sẽ bảo đảm vệ sinh. Tôi đang tính sắp tới phải xây dựng lại hệ thống điện và loa truyền thanh, đồng thời xây mới hệ thống trường học mẫu giáo cho các cháu…

- Đấy, tôi bảo mà ông cứ mạnh dạn làm đi, nếu đúng ý dân thì việc gì cũng làm được.

Nhưng cũng từ khi bộ mặt nông thôn thay đổi, cán bộ thôn, xã ít ăn cơm nhà hơn, thường xuyên tiếp khách nhậu nhẹt ở các quán. Ông nào cũng mua sắm xe máy, điện thoại đắt tiền. Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn kỳ cựu Nguyễn Văn Tùng đã bắt đầu có những biểu hiện thích hưởng thụ…

Một hôm, Tùng đang say sưa hát karaoke có mấy cô em tiếp viên xinh đẹp làm “tay vịn”, vợ anh biết được đã la toáng cả lên:

- Nào, ông Trưởng thôn, trong lúc người dân đang bận rộn với vụ mùa, ông lại nhàn hạ đi hát hò với mấy đứa chỉ đáng tuổi con, cháu mình hả?

- Không, anh tiếp khách thôi mà… Tùng vội vàng đứng lên phân bua.

- Khách đâu, khách tỉnh hay khách huyện?  Hương, vợ Tùng, rít lên một hồi…

- Thôi, về nhà hãy nói, đừng làm ồn ào như thế, xấu chàng hổ ai….

Sau lần đó, Tùng đã “kín đáo” hơn, không còn ngang nhiên như trước nữa, nhưng máu “thích vui” thì không bỏ được, có lúc Tùng còn đi uống bia ôm hoặc đánh bài ăn tiền thâu đêm suốt sáng. Hương, vợ Tùng, cũng không phải tay vừa nhưng cũng gần như bất lực… Chỉ có Chiến là Tùng còn ái ngại… Nhiều lần gặp Tùng, Chiến đã phải thốt lên:

- Ông Tùng! Tôi với ông bây giờ đã thông gia thật rồi, lại là đồng đội và cán bộ ông phải nghe tôi chứ. Gần đây tôi thấy ông đã bắt đầu “chệch hướng” rồi đấy… Chiến nghẹn ngào đau xót khi thấy bạn mình đang ngày một sa vào những tệ nạn xã hội…

- Ông thông cảm, cũng chỉ vì ham chơi nên tôi sa đà…

- Vậy thì ông tỉnh ngộ sớm đi, vừa rồi dân đang xì xào về việc ông bao che cho người nhà trong các vụ lấn chiếm đất, nắn đường đấy… Lại còn chuyện ông chi tiêu quá mức, nếu tiền của nhà ông thì không sao chứ dính đến tiền của dân mà không minh bạch là đứt đấy ông ạ, không ai cứu được ông đâu…

Tùng lẳng lặng không nói gì them, buồn bả bước về nhà… Trước những sự việc không bình thường của thôn do bà con nhân dân phản ánh, Đoàn kiểm tra cấp trên đã vào cuộc và phát hiện nhiều sai phạm như chi tiêu tiền đóng góp của dân không đúng mục đích chủ yếu chi tiếp khách; biển thủ công quỹ, nâng giá khống… Một số đoạn đường bị người dân nắn cong, lấn chiếm đất (chủ yếu người nhà của trưởng thôn). Đoàn kiểm tra đã phanh phui ra số tiền thất thoát hơn 500 triệu đồng…Sau khi nghe báo cáo kết luận của Đoàn kiểm tra, Tùng chạy đến cầu cứu Chiến:

- Ông Chiến ơi! Nể tình tôi là bạn học là đồng đội và hơn hết là thông gia với nhau, ông giúp tôi với.

- Tôi đã cảnh báo ông rất nhiều lần, ông không nghe bây giờ sự việc đã đến nước này tôi biết làm sao để giúp ông được…

Chiến hết sức đau xót trước cảnh ngộ của bạn, anh vừa giận Tùng là đã không nghe lời góp ý của chi bộ, đảng viên dẫn đến hậu quả khôn lường… nhưng anh cũng rất thương Tùng vì có lẽ cũng do vết thương trên đầu đã làm anh bị ảnh hưởng chăng? Hay tại cơ chế thị trường ào tới như cơn lốc đã làm anh chưa đủ sức đề kháng để chống đỡ… Tùng ơi! Biết giúp đỡ mày thế nào đây? Khi nghe kết luận của Đoàn kiểm tra, với tư cách là Chủ tịch Mặt trận của xã, suốt ba đêm liền tao không chợp mắt được. Tao tự trách mình là hữu khuynh không cương quyết với mày nên đã dẫn đến nông nỗi này… Không kỷ luật mày ư? Tao không thể làm được, còn kỷ luật mày tao cũng đau xót lắm chứ…

Ngày họp chi bộ để kiểm điểm Tùng đã đến… Kỷ luật nặng Tùng hay chỉ “giơ cao đánh khẽ”, câu hỏi ấy cứ dày vò Chiến. Chẳng lẽ thằng bạn thân đã vào sinh ra tử có công cứu mình khỏi cái chết trong gang tấc, lại là thông gia mà bây giờ mình bỏ phiếu đồng ý kỷ luật khai trừ hắn ra khỏi Đảng được chăng? Nhưng nếu không kỷ luật nghiêm thì người dân ai còn tin vào Đảng vào chính quyền nữa… Thôi! Tùng ơi! Mày thông cảm cho tao Tùng nhé. Tao không thể nào làm khác được, và đây là một sự lựa chọn quá nghiệt ngã với tao rồi… Nghĩ vậy, nên Chiến đã quyết định bỏ phiếu đề nghị khai trừ Tùng ra khỏi Đảng.

Mấy hôm sau khi công bố kỷ luật, cứ tưởng Tùng sẽ giận Chiến và không sang nhà chơi như mọi lần nữa… Nhưng ngược lại anh vẫn đến bình thường nhưng có vẻ ân hận và tỏ ra mình là người có lỗi:

- Ông Chiến ơi! Chính vì không nghe lời ông nên đã xảy ra nông nỗi này, tôi ân hận lắm, ông hãy tha thứ cho tôi… Bây giờ nói gì cũng đã muộn rồi… Tôi chỉ cầu xin ông vẫn coi tôi là bạn như ngày nào. Thực tình tôi không giận gì ông đâu, chỉ giận mình đã sống buông thả không kiềm chế được bản thân mà vi phạm kỷ luật Đảng.

- Thôi, ông đừng tự dày vò mình nữa, ông ngã xuống ở đâu hãy tự đứng lên ở đó, vậy mới là bản lĩnh người lính chứ.

- Nhưng theo ông bây giờ tôi phải làm gì?

- Tốt nhất ông hãy giữ thái độ bình tĩnh để xử lý mọi việc có lý, có tình, trước mặt phải xin lỗi bà con trong thôn và sau đó tìm mọi cách để khắc phục hậu quả số tiền đã thất thoát, tôi vẫn còn một ít tiền tiết kiệm được, tôi sẽ đưa ông dùng tạm…

- Không cần, tôi sẽ bán mảnh đất mà bố mẹ vợ cho để khắc phục hậu quả đồng thời tôi sẽ sớm xin lỗi bà con.

Đúng ngày đón nhận danh hiệu thôn đạt chuẩn nông thôn mới, Tùng mạnh dạn đứng lên xin lỗi:

- Kính thưa bà con, tôi rất xấu hổ trước việc làm của cá nhân trong những năm vừa qua. Nhiều đêm tôi trằn trọc không sao ngủ được… Chỉ vì hám lợi, sống buông thả mà tôi đã sa ngã, tôi rất mong bà con hãy tha thứ và đối xử với tôi như một người dân bình thường. Đây là bài học nhớ đời, bản thân tôi xin hứa sẽ cố gắng phấn đấu trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội, xứng đáng là công dân của một nông thôn mới. Tôi cũng hết sức cảm ơn anh Chiến - người bạn học, người bạn chiến đấu của tôi, luôn giúp tôi kể cả những lúc tưởng chừng như không gượng dậy được.

Những giọt nước mắt ân hận muộn màng chực lăn trên gò má Tùng, người đồng đội năm xưa, khi trở về được nhân dân tín nhiệm đảm nhận nhiều chức danh như: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn… và bây giờ ân hận với tội lỗi của mình thì đã muộn.

Tùng quay xuống ôm chặt lấy Chiến. Từ Chiến lan tỏa một hơi ấm của người đồng đội năm xưa và Tùng nấc lên rất khẽ:

- Tôi thật có lỗi với Đảng, với dân, với đồng đội… Trong chiến tranh bom đạn không chết, nhưng chết giữa đời thường. Tôi suốt đời nặng lòng với nhân dân hai chữ “Xin lỗi”…

Trong ngày đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới, mọi người chúc mừng cho đôi bạn tri kỷ, những người đồng đội đã luôn đứng vững bên nhau trong mọi hoàn cảnh. Người dân cũng tin tưởng rằng: Tùng sẽ sớm vượt qua tất cả, bởi một lẽ đơn giản - đó là người lính Cụ Hồ…

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Sự lựa chọn nghiệt ngã" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn