Sự thật vụ tập kích cứu phi công Mỹ tại Sơn Tây, năm 1970 (Kỳ 2): TỪ KHÁCH SẠN “VỠ TIM” ĐẾN TRẠI GIAM "HY VỌNG"

Đặng Vương Hưng

17/11/2021 09:55

Theo dõi trên

Giáo sư Benjamin F.Schemmer, một sĩ quan cao cấp của Lầu Năm Góc kiêm nhà báo và chuyên viên nghiên cứu lịch sử quân sự Mỹ, (người đã có công thu thập tài liệu và viết một cuốn sách khá công phu với nhan đề The Raid nói về cuộc tập kích của quân Mỹ ở Sơn Tây.

chuytraitim1s-1637117333.jpg
Ảnh 1: Trước cổng di tích Trại giam Hoả Lò - "Khách sạn Vỡ Tim" (theo cách gọi hài hước của tù binh Mỹ), Đại tá Đào Chí Công, đại diện gia đình cố Thượng tướng Đào Đình Luyện trao tư liệu cho Đại tá, nhà văn Nguyễn Thụ, đại diện Nhà xuất bản Công an nhân dân; với sự chứng kiến của AHLLVTND, TSKH, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng - Chủ tịch Quỹ Mãi mãi tuổi 20;

Ảnh 2: Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục 3 - Bộ Công an (đứng giữa) người viết lời giới thiệu cho cuốn sách và tác giả Đặng Vương Hưng, cùng một số nhân chứng, tại dấu tích cổng Trại giam Xã Tắc - Sơn Tây, nơi tù binh Mỹ đặt tên là "Trại giam Hy Vọng", năm 2012

 

Thông qua một nhân viên sứ quán Mỹ tại Hà Nội, ông đã nhiều lần liên hệ với người viết cuốn sách này để trao đổi tư liệu về sự kiện đặc nhiệm Mỹ tập kích trại tù binh Sơn Tây nói trên) đã thống kê rằng trong số 356 “người hùng” của không lực Hoa Kỳ đã từng có “vinh dự” được ăn ngủ ở Hỏa Lò của Hà Nội, chỉ có hai người lớn tuổi nhất là một Đại uý không quân và một Trung uý hải quân đều đã có vợ và hai con. Còn lại, tuổi trung bình của họ là 32 và hầu hết đang là lúc thanh xuân của cuộc đời. Trong đó, 85% số các Phi công này đã bay trên 15 phi vụ ném bom miền Bắc. Nghĩa là họ đã gây ra không ít tội ác, trước khi số phận được quyết định đến “an dưỡng” tại đây.

TRẠI GIAM HOẢ LÒ - KHÁCH SẠN “VỠ TIM”

Khi tiến hành thiết kế xây dựng nhà giam Hỏa Lò, những kiến trúc sư, kỹ sư người Pháp không hề nghĩ rằng nơi này sau đó sẽ được sử dụng để giam giữ những tù binh Phi công Mỹ - các sĩ quan quý tộc của ông bạn vàng giàu có và cường quốc quân sự. Và như vậy, vô tình họ được “thơm lây” vì đã có vinh dự góp phần vào chiến thắng không lực Hoa Kỳ của Việt Nam. Các Phi công Mỹ đã gọi Hỏa Lò bằng một cái tên rất Mỹ: "Khách sạn Hilton Hà Nội". Nhiều Phi công lại muốn gọi Hỏa Lò bằng cái tên khác, cho đúng với tâm trạng của họ khi bước vào đây: "Khách sạn Vỡ Tim". Dù là Hilton Hà Nội hay Vỡ Tim thì nó cũng chỉ là một: Đó là nơi đã từng tạm giam những “người hùng” của không lực Mỹ khi đã bị thất thế từ trên trời rơi xuống đất!

chuy-tr-tim-2e-1637117479.jpg
Tù binh Mỹ chuẩn bị ghi hình bộ phim "Phi công mặc áo ngủ".

 

Bây giờ thì Hỏa Lò của Hà Nội chỉ còn lại một phần rất nhỏ, đủ cho người ta lưu luyến nhớ đến một chứng tích lịch sử. Cơn lốc cơ chế thị trường trong thập niên 90 của thế kỷ trước ở nước ta đã thổi bay gần hết cả khối bê tông cốt thép rắn chắc đã sừng sững tọa lạc giữa lòng Hà Nội gần một trăm năm. Thay vào đó là một tòa nhà mấy chục tầng được thiết kế, xây dựng theo kiểu tân kỳ, để làm một trung tâm dịch vụ du lịch. Nghe nói, một cựu Phi công Mỹ khi đến thăm lại Hỏa Lò đã thốt lên tiếc rẻ: Nếu biết trước, với cương vị là Giám đốc một Công ty giàu có, ông ta sẽ bỏ tiền ra mua toàn bộ khu đất này và đề nghị với Chính phủ Việt Nam cho giữ lại nguyên trạng của Hỏa Lò xưa, rồi cải tạo, đầu tư biến nó thành một địa điểm du lịch đặc sắc. Sau đó, chỉ cần lần lượt tổ chức cho mấy trăm Phi công Mỹ từng là cựu “công dân Hỏa Lò” 40 năm về trước cùng thân nhân và bạn bè của họ đến thăm. Khách sẽ được mời ngủ lại một vài đêm, cùng thưởng thức món phở Hà Nội, hoặc đậu phụ luộc chấm mắm tôm... thế là chủ chỉ còn việc tha hồ mà ngồi đếm đô-la mệt nghỉ. Thật đúng là một sáng kiến kinh doanh kiểu… Mỹ!

chuy-tr-tim3s-1637117600.jpg
Một cảnh sinh hoạt của tù binh phi công Mỹ.

 

Nếu như trước đây cánh cửa đen sì của Hỏa Lò chỉ mở khi các chiến sĩ Cảnh sát dẫn giải các bị cáo ra Tòa án xét xử, tiếp nhận phạm nhân mới, hoặc chuyển trại cho phạm nhân; ai muốn vào thăm nuôi phạm nhân cũng phải đến đúng ngày giờ và được phép của cán bộ quản lý trại thì bây giờ quý vị và tôi có thể vào... dạo chơi ở tất cả các phòng giam trong Hỏa Lò bất kể lúc nào, miễn là khi nó... mở cửa!

Ngay ngoài cổng chính, bên dưới vòm cửa có dòng chữ MAISON CENTRALE (dấu tích của người Pháp để lại từ khi có trại giam Hỏa Lò), người ta đã dựng một tấm biển Nội quy nền trắng, chữ đỏ và đen kẻ nắn nót, với nội dung mời chào quý khách đến tham quan di tích lịch sử này vào tất cả các ngày trong tuần (trừ thứ Hai).

Chỉ hơi tiếc một điều là phần trưng bày về các tù binh Phi công Mỹ còn rất ít và quá sơ sài. Cả “khách sạn Hilton Hà Nội” xưa chỉ còn thu lại trong hai căn phòng nhỏ khoảng 10 mét vuông. Nơi đây, bạn có thể được chiêm ngưỡng một chiếc giường cá nhân với đầy đủ chiếu, chăn, màn... một chiếc hòm kính với những giày, dép, sách vở, lưới bóng bàn... mà những tù binh Phi công Mỹ đã sử dụng năm xưa. Ngoài ra, còn một số tấm ảnh chụp cảnh sinh hoạt thường nhật của các Phi công Mỹ trong tù như: nấu ăn, nhận quà thăm nuôi, xem thư nhà, cầu nguyện trong nhà thờ, v.v…

Trước ngày Hỏa Lò bị phá để giải phóng mặt bằng xây dựng vài tháng, có một đoàn làm phim chuyên nghiệp của nước ngoài, được trang bị rất hoàn chỉnh đến làm phim tư liệu tại Hỏa Lò. Bộ phim được mang một cái tên nghe hơi "gò bó", nhưng thiện ý và xây dựng: Tết Việt Nam, hòa giải. Có thể nói, đây gần như là một sự “đặc ân”. Bởi vì trước đó khu “cấm địa” này chưa hề có tiền lệ cho ai được tự do quay phim chụp ảnh. Những phóng viên ta “xịn”, bình thường đi qua khu phố này, trước cánh cửa sắt nặng nề xám xịt và bức tường đá lạnh băng... đôi lúc còn có tâm trạng ngại ngùng, chứ đừng nói gì đến phóng viên của Tây, lại còn dám hành nghề đàng hoàng nữa! Một chuyện lạ kỳ hết sức kể từ khi ngôi nhà số Một của Hỏa Lò được sinh ra, chí ít là từ khi nó thuộc sự quản lý của chính quyền ta! Và còn một điều đặc biệt hơn, các diễn viên đóng vai chính cho bộ phim này đều mang quốc tịch Mỹ và là “cựu công dân Hỏa Lò” năm xưa. Đó chính là sáu Phi công Mỹ đã từng “làm khách” bất đắc dĩ ở Hỏa Lò trong những năm chiến tranh. Họ được đạo diễn đưa thẳng từ sân bay quốc tế Nội Bài về để gặp lại Hỏa Lò lần lượt từng người một, trong khi máy quay phim đã được bố trí đón sẵn để chớp luôn sắc thái, tâm trạng, giọng nói... của những người trong cuộc.

Ông Pullman, vừa là đạo diễn vừa kiêm luôn quay phim “Tết Việt Nam, hòa giải” bảo: “Nếu thuê diễn viên chuyên nghiệp, giỏi lắm cũng chỉ thể hiện được 60% tinh thần của kịch bản và đạo diễn. Còn đây, tất cả đều thật 100%! Kể cả nụ cười và những giọt nước mắt.”

Một “diễn viên” hết sức quen thuộc mà bạn đọc đã biết: Trung uý Everett Alvarez, người Phi công có “thâm niên” tù binh đáng nể của Hỏa Lò, đã sắp bước sang tuổi 60, tóc bạc quá nửa đầu. Sau bao năm xa cách, giờ được gặp lại “cảnh cũ, người xưa”, ông Alvarez xúc động không nói nên lời, mắt rưng rưng ứa lệ, tay run run chạm vào những chiếc chấn song sắt cũ kỹ và đứng lặng đi hồi lâu trước căn phòng giam quen thuộc năm ấy... Người viết bài này chợt nghĩ: Giá như hồi đó Tổng thống Bill Clinton được tận mắt chứng kiến cảnh đó, thì hẳn Chính phủ của ngài sẽ quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ khi mới lên nắm quyền kia!

Một tối đầu tháng 9 năm 1998, tôi được nhà văn Xuân Ba (tác giả của thiên phóng sự nổi tiếng một thời “Hỏa Lò tò mò... ký”) dẫn đến thăm nhà ông “Thổ công” của đất Hỏa Lò nhiều năm: Thượng tá Nguyễn Văn Hoắc, (hồi đó, ông Hoắc đã đeo lon Thượng tá Công an gần 6 năm!). Vị giám thị “Xứng danh anh hùng” của Trại Tạm giam Công an Thành phố Hà Nội đang đợi chúng tôi, nhờ một cú “phôn” hẹn trước. Thật ra, cũng đã có vài lần tôi có dịp tiếp xúc làm việc với ông Hoắc, nhưng toàn là chỗ tập thể và đông người. Đây là lần đầu tiên tôi tìm đến “tư dinh” của Thượng tá Hoắc. Không hiểu sao, trong tưởng tượng của tôi, chắc chắn nó phải là một biệt thự rất oách nằm trên một đường phố lớn của Thủ đô. Nhưng không, tôi đã nhầm và không ngờ trí tưởng tượng của mình lại kém đến thế! Anh Xuân Ba đã dẫn tôi đi vòng vèo bỏ qua hết các đường phố cổ của Hà Nội rồi... chui qua gầm cầu Long Biên và... leo lên bờ đê sông Hồng... Thì ra, nhà của ông Thượng tá giám thị ở mãi tận... “Quân khu bãi sông”!

Người ta thường đồn: Đã có hộ khẩu thường trú ở “ngoài đê” thì khiếp lắm! Các hộ dân ở đây, đến mùa mưa hàng năm cứ lo nhoi nhói. Mỗi khi đài báo có lũ về là đêm nằm thấp thỏm, ăn ngủ chẳng yên. Nhà ông Hoắc cũng vậy. Nơi gia đình ông định cư bây giờ, trước vốn là cái ao rau muống, lẫn với bèo tây và rác rưởi; bùn và nước tù đọng đen ngòm, sâu đến mấy mét; còn nếu xét về mặt ô nhiễm, mất vệ sinh thì phải cỡ... nhất nhì xóm bãi! Chật vật mãi, cuối cùng vợ chồng ông Hoắc cũng san lấp được cái vũng bùn ấy và dựng lên một ngôi nhà nhỏ ở tạm. Nghe bảo, có lần ông dẫn bạn thân về nhà mình chơi, nước lũ về trước lúc nào không biết đã dâng ngập hết lối vào, thế là họ đành phải kê ghế, ngồi chồm hỗm trên đống gạch ngoài cổng mà tiếp chuyện nhau...

Nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước. Rất mừng là sau đó vợ chồng ông Hoắc đã dồn sức tôn cao được cái nền nhà và xây lên tầng đàng hoàng, nên giờ đã có thể... “kê cao gối mà ngủ ngon” trong mùa mưa lũ.

Biết chúng tôi tìm đến nhà không ngoài chuyện về các tù binh Phi công Mỹ, Thượng tá Hoắc nói ngay:

- Hồi tù binh Phi công Mỹ bị giam giữ ở Hỏa Lò, tôi chưa về. Mãi tới năm chín mươi tôi mới được trên điều động đến tiếp quản nơi đó, thì “khách sạn Hilton Hà Nội” có còn vị khách nào đâu!

- Nhưng chính bác là người đã nhiều lần được tiếp các cựu tù binh Phi công Mỹ đến thăm Hỏa Lò! - Xuân Ba khẳng định như đinh đóng cột.

- Cũng có đón tiếp, nhưng đâu phải nhiều lần! - Ông Hoắc cải chính ngay - Họ ngó nghiêng bên ngoài chụp ảnh thì nhiều, còn chính thức thì chỉ có hai lần thôi. Lần đầu, là một đoàn phóng viên và làm phim đến quay phim tài liệu. Anh Xuân Ba là người được chứng kiến, đã kể hết chuyện ở trên báo rồi. Còn lần thứ hai, người đến thăm chúng tôi là ông John McCain.

- Ông John McCain nào? Có phải là viên Thiếu tá phi công có bố đẻ và ông nội đều là Đô đốc trong quân đội Mỹ, đã bị bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch năm xưa?

- Thì chính là ông ấy chứ còn ai nữa! Nghe giới thiệu, bây giờ ông ấy đã đeo lon Tướng và là Thượng nghị sỹ Mỹ. To lắm! Cấp trên báo trước cho chúng tôi là ông ấy có nguyện vọng được vào thăm lại căn phòng giam cũ. Khổ quá, tra sổ mới biết căn phòng đó đã được bố trí làm phòng làm việc của anh em cán bộ quản lý trại. Cực chẳng đã, chúng tôi đành phải chiều theo ý muốn của ông ấy bằng cách cùng nhau... khiêng hết cả giường tủ bàn ghế ra ngoài, để ông John McCain vào thăm và xác nhận đúng là căn phòng mình đã ngồi "bóc lịch" năm xưa. Hẳn là ông ấy đã hài lòng lắm, nên lúc chia tay cứ luôn mồm "Thanh-kiu-ve-ry-mát" chúng tôi mãi… - Ông Hoắc cất tiếng cười vang, thoải mái.

Thượng tá Hoắc là người rất xởi lởi và hay chuyện. Một điều lạ nữa là ông rất mê thơ, thích bình thơ và còn... thuộc nhiều thơ tình. Phàm là những người có tính ấy, thường rất thiện tâm, chẳng thể làm điều ác cho ai bao giờ!

- Thế còn cái vụ Phi công Mỹ cứu nhau ở Sơn Tây lúc nửa đêm... Bác có biết gì không?

- Hồi đó tôi còn đang là lính đặc công đánh nhau ở chiến trường, làm sao biết được. Tốt nhất là các anh cứ tới... Sơn Tây mà hỏi!

Vậy là chúng tôi quyết định tìm đến Sơn Tây, không phải một lần mà rất nhiều lần, gặp nhiều nhân chứng, thu thập được khá nhiều tài liệu thú vị…

... ĐẾN TRẠI GIAM “HY VỌNG”

Thị xã Sơn Tây cách Hà Nội khoảng 40 km về phía tây. Người Mỹ sẽ không bao giờ để ý và quan tâm đến cái thị xã hiền lành xinh đẹp này nếu như nơi đây không có một trại giam nhỏ. Đó là trại giam Xã Tắc nằm trên địa phận của xóm Cầu Cộng, thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây (cũ), giờ thì tất cả khu đó đã cùng Hà Tây sáp nhập về Hà Nội rồi.

Khởi đầu, nơi đây vốn là trại cải tạo và giam giữ thường phạm của Ty Công an Sơn Tây. Trại được xây dựng hết sức đơn giản, chỉ có mấy dãy nhà cấp bốn, lợp ngói đỏ, xung quanh có bức tường rào cao khoảng ba mét bao bọc. Nằm giữa cánh đồng lúa, có đê điều bao quanh, mùa mưa Xã Tắc luôn bị đe dọa vì nước dâng lên sẽ ngập lụt. Hồi đó, nơi đây còn rất vắng vẻ, hầu như chưa có hộ dân nào ở. Từ thị xã Sơn Tây muốn vào Xã Tắc phải qua một chiếc cầu nhỏ bắc qua sông Tích. Đó là con đường độc đạo, khá hiểm yếu xét về mặt bố phòng quân sự.

Năm 1965, sau khi tái lập tỉnh mới, trại giam Xã Tắc do Công an Hà Tây quản lý. Một thời gian sau, trại này được giao cho Quân đội mượn và nó được sử dụng làm một nhiệm vụ rất đặc biệt: Trông coi vài chục tù binh Phi công Mỹ. Công việc này được giữ gìn hết sức bí mật. Đến mức, người dân xung quanh Xã Tắc và ở thị xã Sơn Tây hồi đó chỉ được thông báo đây là một cái “kho chứa hàng quân sự” quan trọng, được bộ đội ta canh giữ đêm ngày hết sức cẩn mật. Người ta thường đồn đại và đoán già đoán non rằng: trong Xã Tắc đang cất giữ một số “hàng ngoại” rất có giá trị. Nguyên tắc bảo vệ nơi đây được thực hiện nghiêm ngặt theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Đêm đêm, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy những chiếc xe ô tô quân sự được che đậy kín mít, lặng lẽ ra vào “kho” để giao và nhận “hàng”.

Bây giờ thì cái “kho hàng quân sự” ấy và cả số “hàng ngoại” kia cũng không còn gì phải bí mật nữa. Tù binh Phi công đã được Chính phủ Việt Nam trao trả hết cho phía Mỹ sau Hiệp định Paris năm 1973.

Những Phi công Mỹ đã bị bắn rơi và bị ta bắt như thế nào? Họ được giam giữ ở những đâu?... Hẳn những cựu tù binh Mỹ chưa ai quên. Những buồn vui, kỷ niệm không phai mờ khiến nhiều người trong số họ khi về nước đã kể chuyện, đã viết hồi ký, đã làm phim... Và những tù binh Phi công Mỹ đã từng ở trại giam Sơn Tây năm 1970 cũng thế.

Người viết bài này không những có điều kiện gặp gỡ trực tiếp với các nhân chứng của Vụ tập kích Sơn Tây ở Việt Nam đang còn sống; mà còn may mắn tiếp xúc với khá nhiều tài liệu, những hồ sơ lưu trữ đã một thời được coi là tuyệt mật từ phía Mỹ... để phục vụ bạn đọc.

Cuối tháng 12 năm 1968, Thiếu tá không quân Elmo Baker cùng mười một tù binh Phi công khác được di chuyển từ khách sạn “Vỡ Tim” đến một trại giam mới, trong một đêm tối trời. Cùng một chuyến xe ấy có cả Đại uý Carrigan. Thật khó đoán được họ đã đi xa bao nhiêu cây số, vì con đường toàn ổ voi, ổ gà xấu khủng khiếp. Ngược chiều với xe chở tù binh, thỉnh thoảng họ lại gặp một vài chiếc xe quân sự kéo pháo cao xạ, và có cả xe kéo tên lửa SAM đi về hướng thành phố...

Khi đã nằm im trong căn buồng giam vắng lặng, Baker đã nghĩ ra cách đánh “moóc” gõ vào tường để liên lạc với những tù binh ở phòng bên cạnh. Baker thông báo với những người bạn xung quanh rằng anh ta bị bắn rơi trong chuyến bay thứ 61, khi cùng phi đội đi ném bom Bắc Giang - một thị xã nhỏ cách Hà Nội khoảng 50 km. Baker tự giới thiệu mình năm nay 35 tuổi, quê ở thành phố Kenneth, đã đỗ tiến sĩ về điện và có bằng cử nhân văn chương. Anh ta đã may mắn thoát ra khỏi chiếc “Thần Sấm” F-105, khi nó bốc cháy và sắp nổ tung. Nhưng khi chiếc dù vừa giúp Baker tiếp đất thì bị bắt ngay... Anh ta bị thương rất nặng và đã được các bác sĩ Việt Nam cứu chữa ở bệnh viện Bạch Mai suốt 30 ngày liền. Baker cũng không quên thông báo rằng trước khi được đưa đến đây, anh ta đã có thâm niên hai mươi bảy tháng nằm “bóc lịch” trong trại tù binh của quân đội nhân dân Việt Nam ở Hà Nội...

Ở một buồng giam bên cạnh, một người bạn tù cũng đã dùng cách gõ “moóc” vào tường tự giới thiệu với Baker:

- Tôi là Thiếu tá không quân Irby David Terrell, bị bắn rơi từ tháng Một năm 1968.

Baker mừng quá, hỏi luôn:

- Đây là đâu?

Phòng bên kia cho biết:

- Đây là trại giam Hy Vọng, thị xã Sơn Tây.

- Tại sao lại gọi là trại “Hy Vọng?”

- Đó là cái tên do những tù binh ở đây tự đặt trong ngày Lễ Tạ Ơn Chúa năm 1968.

Lại hỏi tiếp:

- Có đông tù binh ở đây không?

Trả lời:

- Khoảng vài chục người...

Bằng cách gõ vào tường như thế, dù có hơi chậm một chút nhưng Baker đã trao đổi được khá nhiều thông tin cần thiết với những người bạn tù xung quanh. Cuộc trò chuyện của họ chỉ chấm dứt khi có cán bộ của trại tù binh đi kiểm tra bên ngoài và thay gác...

Buổi sáng hôm sau, Baker rất ngạc nhiên khi anh ta được tự do ra sân làm vệ sinh, tắm giặt. Thì ra các tù binh ở đây vẫn có điều kiện tiếp xúc với nhau. Ban ngày, họ thường được giao cho làm những việc lặt vặt ngoài sân trại như đập gạch, đào rãnh, chuyển vật liệu xây dựng... Chiều tối, họ được tự do đánh bóng chuyền, bóng rổ và chơi thể thao trong sân trại. Không khí tại đây có vẻ thoáng đãng, dễ thở hơn khách sạn “Vỡ Tim” ở Hà Nội nhiều. Chí ít là những tù binh mới đến đều có cảm nhận như thế!

Số tù binh Phi công Mỹ được đưa về Sơn Tây ngày càng nhiều hơn. Trại "Hy Vọng" đang được nới rộng ra bằng cách xây thêm một số bức tường chắn bao quanh, khu nhà bếp, nhà ăn và bể nước để tắm giặt. Và các tù binh cũng được tham gia xây dựng, góp phần tạo nên những ngôi nhà cho chính mình.

Các tù binh Phi công Mỹ đã thông báo cho nhau biết: Dù bị bắt làm tù binh thì tới niên hạn họ vẫn được xét tăng lương và thăng quân hàm bình thường như đang “tại ngũ”. Các tù binh thường bí mật tập hợp nhau lại thành từng nhóm giúp đỡ, động viên nhau trong sinh hoạt. Ai có quân hàm cao nhất, hoặc thâm niên lâu hơn thì được bầu là “Sĩ quan trưởng nhóm” để chỉ huy chung. (Ví dụ: Trước khi cuộc tập kích Sơn Tây diễn ra, Trung tá Hải quân Clower đã được các tù binh bầu là “Sĩ quan trưởng nhóm” của trại tù binh này. Và mặc dù đã bị phía Việt Nam bắt và ngồi tù, nhưng ông ta vẫn được xét và phong Đại tá).

Baker cùng một số người khác được giao cho mỗi người một ống sắt nhỏ để đập gạch vỡ, phục vụ cho việc xây dựng. Từ những âm thanh bắt buộc, buồn tẻ và đơn điệu, Baker đã nảy ra sáng kiến lợi dụng việc đập gạch để biến nó thành tiếng moóc thông báo tin tức và trò chuyện với những tù binh khác. Ví dụ, anh ta thông báo việc một nhóm tù binh 20 người mới được chuyển từ khách sạn “Vỡ Tim” Hà Nội đến đêm qua. Baker cũng không quên báo cho các tù binh khác biết rằng cách thông tin với nhau bằng tín hiệu “moóc” rất hay, vì những người lính Bắc Việt bảo vệ trại giam hoàn toàn không để ý đến, hoặc không biết!

Công việc lao động của các tù binh Phi công Mỹ ở trại “Hy Vọng” tuy không có gì vất vả, nhưng cũng chẳng lấy gì làm thú vị, nhất là đối với những “người hùng” chỉ quen “lướt mây cưỡi gió” trên trời cao.

(Còn nữa)

Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Độc giả có nhu cầu có thể đến địa chỉ café Lục Bát 6/40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội; hoặc trực tiếp qua điện thoại (có Zalo): 0913210520 của nhà văn Đặng Vương Hưng , "Phi công Mỹ ở Việt Nam" giá lẻ 200.000đ/c (cả cưới phí), có lưu bút của tác giả, sẽ được gửi đến tận nhà theo đường bưu điện.