Sự thật về vụ tập kích cứu tù binh phi công Mỹ tại Sơn Tây năm 1970 (Kỳ 1)

Đặng Vương Hưng

15/11/2021 16:30

Theo dõi trên

Cuối tháng 11 năm 1970, Quân đội Mỹ đã sử dụng một số lượng lớn máy bay trực thăng, máy bay vận tải cùng hàng trăm máy bay phản lực chiến đấu khác hộ tống, phối hợp để đưa một đơn vị đặc nhiệm đến Sơn Tây, một địa danh nằm sâu trong lãnh thổ miền Bắc Việt Nam, nhằm giải thoát cho gần 100 Phi công Mỹ là tù binh bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.

chuyejn-tr-tim-1q-1636968438.jpg
Báo nước ngoài đưa về vụ tập kích cứu tù binh phi công Mỹ tại Sơn Tây năm 1970.

 

Đây là một kế hoạch được người Mỹ chuẩn bị hết sức công phu, tốn kém, với sự tham gia của rất nhiều quan chức chóp bu trong bộ máy chiến tranh khổng lồ của một cường quốc quân sự hồi đó: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Melvin Laird, Bộ trưởng Ngoại giao W.P. Rogers, Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, Giám đốc Cục tình báo Trung ương R.M. Helms,... Và đích thân Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã phê chuẩn cho kế hoạch này.

Vụ tập kích cứu tù binh Phi công Mỹ bị giam giữ ở Sơn Tây nói trên đã nằm trong số những hồ sơ lưu trữ tuyệt mật của quân đội Mỹ một thời.

Phi công Mỹ như những vị “khách không mời” từ trên trời rơi xuống… Việt Nam

Có lẽ, Trung uý hải quân Everett Alvarez là một trong những người nổi tiếng nhất nước Mỹ trong những năm cuối của thập niên 60, thế kỷ này. Nhưng không phải anh ta đã có một hành động anh hùng, một khả năng phi thường, hay một chiến tích oanh liệt nào đó; mà đơn giản, Alvarez chính là viên Phi công Mỹ đầu tiên bị lực lượng phòng không Việt Nam bắn rơi và bị bắt làm tù binh.

Đó là ngày 5 tháng 8 năm 1964 khó quên, sau cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” do phía Mỹ cố tình dựng nên, theo lệnh của Tổng thống Lyndon B. Johnson, Alvarez đã lái chiếc máy bay A-4D (được mệnh danh là "Chim ưng nhà trời"), đi ném bom Quảng Ninh - Hải Phòng. Trước lưới lửa phòng không dày đặc, hai chiếc phi cơ hiện đại của không quân Mỹ đã trúng đạn và bốc cháy như bó đuốc... Lạy Chúa! Alvarez đã kịp thoát ra khỏi cái lò lửa ngùn ngụt ấy mà nhảy dù xuống biển và anh ta đã bị tóm cổ ngay tức khắc...

Năm đó Alvarez mới có 26 tuổi, phải ngồi trong buồng giam số 6 ở Hỏa Lò gần 10 năm. Đây có lẽ cũng là người Phi công Mỹ có "thâm niên" tù binh cao nhất ở Việt Nam. Bị bắt giam chưa được bao lâu, anh ta đã phải dở khóc dở cười khi nhận được tin cô vợ trẻ của mình ở Mỹ đòi tòa án cho ly dị với chồng để đi tìm hạnh phúc mới!

Nhưng dù sao thì Trung uý Everett Alvarez đã có may mắn hơn so với nhiều đồng đội của mình. Bởi cũng từ ngày đó, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ vào miền Bắc nước ta tuy không tuyên bố nhưng đã bắt đầu và ngày càng leo thang ác liệt hơn. Tổng thống Mỹ Johnson liên tục hò hét đẩy mạnh chiến tranh. Bình quân thời gian đầu có khoảng 70 lần chiếc máy bay đi oanh tạc trong một ngày. Trong năm 1966, số máy bay Mỹ xuất kích đi ném bom miền Bắc Việt Nam đã tăng lên mỗi ngày là 223 lần chiếc. Và tới cuối năm 1967, trung bình hàng ngày có tới 300 lần chiếc xuất kích đi gây tội ác...

Cùng với sự gia tăng các cuộc oanh tạc, số máy bay của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc nước ta cũng ngày một nhiều hơn.

Phía Mỹ công bố: Cuối năm 1965, đã có 61 Phi công Mỹ bị Việt Nam bắt. Năm 1966, trung bình cứ 10 ngày lại có 8 chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi, và có thêm 86 Phi công Mỹ được đưa vào “Khách sạn vỡ tim” (hay là “khách sạn Hilton”- theo cách gọi hài hước của Phi công Mỹ) ở Hỏa Lò, Hà Nội. Năm 1967, hầu như chẳng mấy ngày lại không có tin máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Hà Nội, Hải Phòng, hay ở một địa phương nào đó trên miền Bắc Việt Nam...

Một trong những Phi công Mỹ có may mắn ấy là Trung tá Richard “Pop” Kiern. Máy bay của anh ta bị bắn rơi ngày 24 tháng 7 năm 1965, khi Richard nhảy dù vừa xuống chạm đất thì bị bắt sống. (Đây cũng chính là ngày rất đáng ghi nhớ của Bộ đội Tên lửa non trẻ của Việt Nam, trận đầu ra quân đã đánh thắng, bắn rơi máy bay chiến đấu hiện đại của không lực Hoa Kỳ!).

Với “Pop” Kiern, đây là lần thứ hai anh ta là tù binh. Lần đầu, trong Chiến tranh Thế giới thứ II, anh ta là Phi công lái máy bay B-17 và đã bị bắn rơi trong chuyến công vụ đầu tiên tại mặt trận Đức. “Pop” Kiern đã phải nằm ở trại giam của Đức Quốc xã 9 tháng. Nhưng đó là trại giam của bọn phát xít, và anh ta đã chiến đấu trong lực lượng của quân Đồng Minh, dù sao cũng có chút ít vẻ vang. Còn khi sang Việt Nam, “Pop” Kiern lái chiếc F-105 "Thần Sấm", đã bị bắn rơi, bị bắt làm tù binh ngay ngày thứ ba sau khi đến chiến trường này. Mãi tới năm 1973, sau khi được trao trả, anh ta đã chua chát thú nhận: “Tôi chỉ thực nghiệm vài giờ bay chiến đấu theo lệnh của cấp trên, còn sau đó thì làm tù binh và nằm ở trại giam gần 10 năm trời. Hình ảnh của Không lực Hoa Kỳ sẽ kiêu hùng hơn nhiều, nếu không có những chiếc máy bay bị lưới lửa phòng không Việt Nam bắn rơi và những tù binh như chúng tôi”.

So với Trung tá Richard “Pop” Kiern, cuộc đời cầm lái của Trung tá James Robinson Risner có vẻ oanh liệt hơn. Anh ta vốn là một người hùng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, với 109 phi vụ thành công và hơn 3.000 giờ bay chiến đấu (một kỷ lục mà không phải bất kỳ một Phi công quân sự nhà nghề nào cũng đạt được!). Risner đã bắn hạ được 8 phi cơ của đối phương trong các cuộc không chiến ác liệt. Nhưng khi sang đến chiến trường Việt Nam, mới bay đến phi vụ thứ 5 thì anh ta đã bị bắn cháy. Vốn là con cáo già lão luyện, Risner đã lái máy bay lao ra biển và nhảy dù xuống nước. Đội cứu hộ trên biển của quân đội Mỹ lần đầu ra tay đã cứu được anh ta khỏi chết đuối. Báo chí Mỹ hồi đó đã tuyên truyền rùm beng cả tháng trời về chiến tích này. Tờ thời báo Time đã in cả ảnh của Trung tá Robinson Risner, ca ngợi anh ta như một người hùng mẫu mực và siêu đẳng của không lực Hoa Kỳ. Nhưng cũng thật nực cười, vì sau đó báo chí Mỹ đã lờ tịt đi khi tới ngày 16 tháng 9 năm 1965, ngựa quen đường cũ, Risner lại ngồi vào chiếc "Thần Sấm" F-105D đi gây tội ác, và lưới lửa phòng không của bộ đội Việt Nam đã quật cổ anh ta xuống đất Đò Lèn (Thanh Hóa). Lần này thì Chúa trời cũng chẳng cứu được Risner! Sau khi thú nhận hết tội lỗi của mình đã gây ra cho nhân dân Việt Nam trước các nhà báo, anh ta đã chui vào nằm "an dưỡng" trong trại giam bảy năm rưỡi, cho tới khi được trao trả. Một điều có lẽ cũng cần phải nói thêm là: Khi bị bộ đội ta bắn rơi và bị bắt làm tù binh, "người hùng" Mỹ này đã khai báo ngoan ngoãn và thành khẩn đến mức đáng ngạc nhiên. Nghe nói, sau ngày được trao trả, anh ta lại tiếp tục phục vụ trong quân đội Mỹ và còn được vinh thăng tới cấp Thượng tướng.

Trong số các vị khách không mời từ trên trời rơi xuống ấy, không thể không kể đến một nhân vật khá đặc biệt. Đó chính là Thiếu tá hải quân John McCain, con trai của Đại tướng John S. McCain III. Máy bay của Thiếu tá hải quân John McCain trong khi đi ném bom nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội) ngày 26 tháng 10 năm 1967, để “biến Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá!" - Theo cách tuyên bố ngạo mạn của Mỹ - đã bị lưới lửa phòng không Thủ đô ta bắn rất trúng, gần như rơi thẳng đứng xuống nhà máy điện Yên Phụ. John McCain bị thương rất nặng, nhưng cũng đã kịp nhảy dù và rơi xuống hồ Trúc Bạch. Khi người ta kịp tới để vớt lên, viên Thiếu tá phi công này chỉ còn thoi thóp như một cái xác không hồn. Oái oăm thay, đúng ba tháng sau ngày McCain con bị bắn rơi, thì McCain bố được Tổng thống Mỹ ký quyết định thăng chức Đô đốc Chỉ huy trưởng các lực lượng tác chiến khu vực Thái Bình Dương, để tiếp tục tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. McCain con đã được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước Việt Nam, được chăm sóc thuốc men theo chế độ đặc biệt và 9 tháng sau, tháng 7 năm 1968, anh ta được trao trả cho phía Mỹ. Chẳng biết hồi đó, trước mỗi lần ra lệnh cho các đơn vị thuộc quyền đi gây tội ác ở Việt Nam, ngài Đô đốc McCain bố có suy nghĩ và ân hận gì không? Riêng McCain con, sau ngày được trao trả, ông đã trở thành một vị Thượng nghị sỹ Mỹ; thậm chí còn là ứng cử viên Tổng thống. Ngài Thượng nghị sỹ John Sidney McCain cũng đã nhiều lần trở lại thăm Việt Nam, thăm lại nơi mình đã bị bắn rơi và cả phòng giam mình đã nằm những tháng ngày đằng đẵng.

Tối ngày 10 tháng 9 năm 1966, tại An Bình, một làng quê nghèo của tỉnh Hải Dương bỗng bùng lên một bó đuốc lớn giữa trời. Thì ra có máy bay Mỹ bị bắn cháy. Cả làng hò nhau đi lùng bắt Phi công Mỹ. Số phận đã xui khiến cho lão Chộp, một thợ cày hết sức chân quê của làng An Đoài tóm được một trong hai viên Phi công Mỹ vừa thoát chết nhảy dù xuống đất... Gần 30 năm sau, viên Phi công ấy trở lại thăm An Đoài trong cương vị là thượng khách của Chính phủ ta - ngài Peter Peterson đáng kính, Thượng nghị sĩ Mỹ, vị Đại sứ đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Câu chuyện cảm động này đã được nhà thơ Trần Đăng Khoa viết thành một thiên ký sự độc đáo, hẳn nhiều quý bạn đọc đã biết.

Và còn nhiều, rất nhiều những chân dung đầy ấn tượng của các vị khách không mời từ trên trời rơi xuống nữa. Phía Mỹ cho hay: tới cuối năm 1968, tổng cộng đã có tới 356 Phi công của họ bị ta bắt làm tù binh. Và cuộc đời của mỗi người trong số ấy đều là cả một câu chuyện dài, với bao tình tiết éo le...

Trong thực tế, số Phi công Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc nước ta đến thời điểm đó còn lớn hơn nhiều. Bởi vì khi máy bay bị trúng đạn bốc cháy, không phải viên Phi công nào cũng may mắn kịp thoát được ra ngoài. Nhiều người bị trúng đạn chết ngay trong buồng lái. Có người bị kẹt và đâm đầu xuống đất cháy thui cùng máy bay. Cũng có trường hợp đã nhảy được ra ngoài, nhưng dù lại không mở, hoặc dù mở nhưng bị trúng đạn và chết ngay từ trên không... Phía Mỹ công bố: tới cuối năm 1968, ngoài số Phi công “may mắn” được phía Việt Nam bắt đưa về trại giam, đã có 927 Phi công khác bị chết trong khi thi hành nhiệm vụ.

Hầu hết các Phi công Mỹ khi bị ta bắt được đều tỏ ra hối hận với những tội ác mà mình gây ra cho nhân dân Việt Nam. Họ thường nhanh chóng thật thà khai báo để mong được hưởng lượng khoan hồng, nhân đạo của Chính phủ ta. Các “sĩ quan quý tộc” và “lính cậu” này rất sợ gian khổ, đau đớn và đói khát về thể xác.

Tại Bảo tàng Phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật của các Phi công Mỹ khi bị bắn rơi. Từ những hiện vật hết sức riêng tư như nhật ký, ảnh vợ con, gia đình... đến các hiện vật có tính “quốc thể" như các loại trang bị, vũ khí có nhãn Made in USA, giấy chứng nhận, các loại tiền...

Có một hiện vật hết sức thú vị, đó là tấm vải hình chữ nhật cỡ 25 cm x 50 cm, được in bằng thứ mực đặc biệt với hai màu xanh và đỏ, ngâm nước không phai và cực bền. Phi công Mỹ gọi đây là tờ “Phiếu máu”. Còn dân ta thì gọi là “Cờ xin ăn”, (chả là trên đầu của tờ “Phiếu máu” có in hình lá cờ Mỹ và nội dung là để xin ăn). Nội dung của "Cờ xin ăn" này rất ngắn, nhưng được in bằng 14 thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Malaysia, Indonesia... Phần tiếng Việt viết thế này: Tôi là người Mỹ. Tôi không nói được tiếng Việt. Gặp bước không may, tôi phải nhờ quý ông giúp đỡ, kiếm thức ăn, chỗ ở và nhờ quý ông bảo vệ tôi. Rồi tôi muốn nhờ quý ông đưa tôi đến một người nào đó có thể che chở cho tôi và đưa tôi về nước. Chính phủ chúng tôi sẽ đền ơn cho quý ông. Quả là một sự quan tâm hết sức cụ thể và chu đáo của Chính phủ Mỹ đối với những người lính viễn chinh xâm lược! Nhưng một sự thật là những Phi công Mỹ khi bị bắn rơi, may mắn thoát chết xuống được đến đất, thường ngoan ngoãn giơ tay đầu hàng ngay, không phải sử dụng đến “Cờ xin ăn”.

Hồi ấy, mỗi khi bị bắt buộc phải bay trên bầu trời đầy lửa đạn phòng không của miền Bắc nước ta, các “người hùng” Mỹ đều không khỏi khiếp sợ. Họ thường phải bay với tốc độ cao, có khi là tốc độ siêu âm trong nhiều giờ liền, với thần kinh tập trung cao độ, hết sức căng thẳng. Thân thể họ bị ép chặt vào ghế lái, cố gắng chống trả các xung lực gấp nhiều lần bình thường để không bị phóng ra ngoài. Và khi máy bay bị trúng đạn, theo bản năng phản xạ trước cái chết, họ phải thao tác rất nhanh để bật tung người phóng ra khỏi buồng lái.

Được biết, do thiết kế buồng lái, những Phi công lái máy bay phản lực chiến đấu hiện đại nhất của Mỹ hồi đó đều được nhắc nhở thắt chặt dây an toàn để giữ chắc người trong ghế ngồi. Nhưng hầu hết khi bay tới vùng trời miền Bắc Việt Nam, các Phi công đều nới lỏng dây an toàn đó, để ngả người ra sau cho dễ nhìn vào kính ra đa, hoặc quan sát xung quanh canh chừng những chiếc MIG lợi hại của không quân Việt Nam bất ngờ xuất hiện phóng tên lửa. Và khi máy bay bị trúng đạn, họ thường không còn đủ thời gian để siết chặt dây an toàn. Khi phóng người thoát ra ngoài trong tư thế ấy, các Phi công thường bị va vào sườn buồng lái khiến họ gãy tay, dập gối, hoặc bị các chấn thương nặng khác... Tiếp đó, họ bị quay cuồng trong không khí, tay chân như bị lực siêu âm xé rời từng mảnh, cho tới khi chiếc dù tự động mở ra giúp họ tiếp đất... Và thường là khi đó đã có rất nhiều người dân thường với súng, dao, gậy gộc, đòn càn, hoặc bất cứ thứ gì sẵn có trong tay, với ánh mắt rực lửa căm thù, trong không khí phẫn nộ đến cực độ lao đến...

Nỗi khiếp đảm của các Phi công Mỹ hồi đó không chỉ mỗi khi bay vào vùng trời miền Bắc nước ta, mà dường như đã len vào cả trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ của họ. Nhiều người đã chán chường dẫn đến nghiện rượu, thậm chí nghiện cả ma tuý; có một số người đã tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam.

Hẳn nhiều bạn đọc còn nhớ những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt nhưng cũng rất hào hùng ấy. Cả miền Bắc nước ta đều là trận địa phòng không, sẵn sàng chia lửa đánh trả máy bay Mỹ.

Chưa ai quên được cảnh thành phố đi sơ tán, tự vệ và dân quân trực chiến bắn máy bay, trẻ con đội mũ rơm đến lớp học trong hầm... Suốt đêm ngày, thỉnh thoảng bầu trời lại vang lên tiếng gầm rú của máy bay phản lực, tiếng bom nổ rung đất, tên lửa và đạn cao xạ bắn đỏ trời đêm... Mỗi sáng ra, người ta nô nức tìm đọc tin thắng trận trên báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân; nghe loa phóng thanh công cộng phát đi bài xã luận mới nhất về trận thắng Mỹ đêm qua của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam...

Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc nước ta đã leo thang tới mức độ ác liệt nhất. Các cuộc không chiến ngày càng dữ dội và thiệt hại của phía Mỹ cũng ngày càng tăng. Có lẽ đây là cuộc chiến tranh tốn kém nhất trong lịch sử xâm lược quân sự của nước Mỹ. Cùng với số lượng máy bay bị bắn rơi ngày càng nhiều, số Phi công Mỹ bị ta bắt được, lần lượt đến đăng ký ăn ngủ tại “Khách sạn Hilton Hà Nội” cũng ngày càng đông hơn. Các Phi công Mỹ thường có khổ người to lớn quá cỡ, các phòng tạm giam họ ở Hà Nội khi đó luôn chật ních và thật sự là đã quá tải... Để vừa đảm bảo sự an toàn cho các tù binh Phi công Mỹ, đồng thời vừa phục vụ công tác đấu tranh chính trị, ngoại giao, trong điều kiện thời chiến thiếu thốn, khó khăn, nhiều trại giam tù binh Phi công Mỹ đã được xây dựng hết sức bí mật.

Phối hợp với chiến thắng của quân và dân miền Bắc, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của đồng bào và Quân giải phóng miền Nam đã làm nức lòng bè bạn năm châu và đưa hình ảnh chiến tranh Việt Nam đến từng gia đình người dân Mỹ. Tổng thống Mỹ Johnson đã phải tuyên bố đình chỉ các hoạt động của Không quân, Hải quân Mỹ chống lại miền Bắc Việt Nam. Cùng năm đó, Chính phủ Mỹ đã phải chấp thuận cử đại biểu ngồi vào bàn thương lượng hòa bình với Việt Nam tại Hội nghị Paris.

(Còn nữa)

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Độc giả có nhu cầu có thể đến địa chỉ café Lục Bát 6/40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội; hoặc trực tiếp qua điện thoại (có Zalo): 0913210520 của nhà văn Đặng Vương Hưng, "Phi công Mỹ ở Việt Nam" giá lẻ 200.000đ/c (cả cưới phí), có lưu bút của tác giả, sẽ được gửi đến tận nhà theo đường bưu điện.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Sự thật về vụ tập kích cứu tù binh phi công Mỹ tại Sơn Tây năm 1970 (Kỳ 1)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn