Sử thi Việt Nam (Kỳ 29)

PGS TS Cao Văn Liên

11/04/2023 06:01

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu sách “Sử thi Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành 2017.

b1download-1681113550.jpg

Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) là một địa danh nổi tiếng bởi từng là nơi giam giữ rất nhiều nhà cách mạng lớn của Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương và phi công Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Địa danh được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch ra quyết định số 1543-QĐ/VH ngày 18/6/1997 công nhận là di tích lịch sử. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 29.

Việt Nam dưới sự cai trị của Pháp

Lào Khơ me cũng bị Pháp xâm lăng và sáp nhập

Lập nên Liên bang Đông Dương thuộc Pháp.

Đứng đầu Liên Bang Đông Dương là Toàn quyền Đông Dương.

Chia để trị là con đường

Thực dân muôn thuở.

Pháp chia Đông Dương thành 5 xứ

Hai xứ Lào và Cao Miên.

Riêng Việt Nam tách thành ba miền

Bắc kỳ, Trung kỳ thuộc hai miền bảo hộ

Nam Kỳ là thuộc địa như vùng lãnh thổ Pháp kéo dài.

Bắc kỳ từ Ninh Bình trở ra hết Đàng ngoài

Trung kỳ từ Thanh Hóa vào cực Trung là Bình Thuận.

Nam kỳ từ Đồng Nai kéo dài đến tận

Mũi Cà Mau.

Pháp cũng làm chủ 1 triệu ki lô mét vuông  vùng biển nông sâu

Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vốn chủ quyền triều đình Huế.

Đứng đầu Bắc kỳ là tên Thống sứ

Một tên Khâm sứ đứng đầu Trung kỳ

Một tên Thống đốc đứng đầu xứ Nam kỳ.

Dưới kỳ là tỉnh đứng đầu là tên Công sứ

Bên cạnh có một tên Tổng đốc người bản xứ.

Dưới tỉnh là phủ do Tri phủ người Việt đứng đầu.

Dưới phủ là huyện-miền núi gọi là châu

Đứng đầu là Tri huyện-Tri châu người Việt.

Dưới huyện là tổng-Chánh phó tổng đứng đầu trên hết

Dưới tổng là xã  là hương

Đứng đầu xã là Lý trưởng và Hội đồng chức dịch địa phương.

Đứng đầu hương là Hương kiểm.

Địa chủ qúy tộc hoàng gia phong kiến

Hết thảy làm tay sai cho Pháp.

Vua nhà Nguyễn bị tên Khâm sứ Trung kỳ kiểm soát

Vua quan chỉ là công chức ăn lương

Toàn bộ chính quyền Đông Dương

Trong  tay Toàn quyền người Pháp.

Với bộ máy bạo lực này Pháp đã ra tay đàn áp

Giết hại những người Việt Nam yêu nước thương nòi

Nhân dân Việt Nam như nằm trong chảo bỏng nước sôi

Nông dân bị cướp đất

Sưu thuế nặng nề-chính quyền thẳng tay cướp giật.

Đói rách lầm than

Vào hầm mỏ làm công nhân

Đào than đào vàng cho Pháp

Dân quê đành xiêu dạt

Lang thang nơi đất khách quê người

Đi Tân thế giới hoặc bốn phương trời

Ở đâu người Việt cũng bị bọn người giàu đủ màu da bóc lột

Chết thảm vùi xương cốt

Đói nghèo xác xơ

Bơ vơ

Ngay trên mảnh đất của mình nghìn năm cha ông tiên tổ

Máu xương đã đổ

Đã bảo vệ và dựng xây

Mà con cháu thời nay

Đớn hèn làm mất.

Bọn cường hào ác bá địa phương như chó đói ngang nhiên cướp giật.

Đê vỡ lũ lụt lan tràn.

Nhà tù trại giam

Mọc lên như cỏ dại.

Những ai yêu nước thương nòi là giết hại

Một vần thơ yêu nước tác giả bị tù mọt gông

Nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Lao Bảo thắm máu hồng

Của những anh hùng chiến sĩ.

Núi Trường Sơn kỳ vĩ

Biển Đông sóng thét gào

Hận thù quân cướp nước dâng cao

Các chí sĩ tìm đường cứu nước

Nhẹ bước

Chấp súng đạn xiềng gông.

Phan Chu Trinh đọc bài thơ rung động non sông:

“Tay rung xiềng xích khỏi đô môn

Khảng khái bi ca gọi quốc hồn

Đất nước trầm luân dân tộc tụy

Làm trai đâu có sợ Côn Lôn”.

Phạn Chu Trinh đã chỉ ra định mệnh sống còn

Của người Pháp

Ở Đông Dương không có con đường nào khác

Là làm cho nhân dân thuộc địa phú cường

Hãy giàu tình thương

Với người bản xứ

Làm cho họ hết đói nghèo khốn khổ

Thì sự nghiệp của Pháp sẽ bền vững lâu dài

Trong tương lai

Sẽ không ai gạt bỏ căm thù người Pháp.

 Còn người Việt khi dân khí thấp và dân trí thấp

Đừng nói điều độc lập tự do

Không ai cho

Khi đó có giành được độc lập tự do cũng mất.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Sử thi Việt Nam (Kỳ 29)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn