Suy nghĩ về một câu chuyện cổ

Có một câu chuyện cổ của người xưa vốn rất phổ biến, nay bị đem ra mổ xẻ, bỗng chốc trở thành điển hình cho thói xấu của Việt.
minh-hoa-22-1672485346.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Câu chuyện Trí khôn của ta đây nay trở thành ví dụ cho trò khôn lỏi, điển hình cho dạng người chỉ vì lợi ích riêng tư mà sẵn sàng làm tổn hại đến người khác. Người ta lên án những người soạn sách giáo khoa đã biên tập câu chuyện này vào, "nhồi sọ" những tâm hồn trong trắng, ngây thơ các thế hệ mầm non của đất nước.

Tôi không phải là người khôn lỏi! Thực ra trong mắt bạn bè, người thân, tôi là người thật thà, thật đến ngây thơ, nhưng tôi vẫn cảm nhận được bạn bè rất quý tôi, dù nhiều người không hề thân thiết. Tôi cũng không đến nỗi dại dột mà không nhận ra người tốt, người xấu với mình, dĩ nhiên không thể lường hết lòng người. Chỉ là, so với nhiều bạn bè thì kỹ năng sống của tôi rất yếu. Nhiều khi tôi cũng khá lạc lõng với những biến động xã hội, với nhiều người xung quanh thay đổi chóng mặt mà tôi không kịp thích ứng.

Trở lại câu chuyện cổ Trí khôn của ta đây, tôi thấy nay nhiều người lớn đã giáo điều áp đặt câu chuyện xưa bằng tư tưởng của thời hiện đại. Và  cũng chính với cách hành xử này, bao nhiêu câu chuyện hay gắn liền với tuổi thơ tôi bỗng nhiên bị bóp cho méo mó. Tấm hiền lành trở thành cô gái độc ác, man rợ. Anh nông dân hiền lành, thông minh thành kẻ lưu manh khôn lỏi, con hổ dữ dằn thành bị hại, đáng thương...

Khi con người lớn lên, trưởng thành hơn, nhận thức tốt hơn khi tiếp xúc với nhiều tri thức, nhiều nguồn văn hoá. Và những câu chuyện xưa hay là vậy, lại trở nên ngây ngô trong mắt của họ. Như chúng ta xem lại kỷ niệm trên Facebook, những hình ảnh chính chúng ta dễ thương, năng động cách đây vài năm, thậm chí chục năm trước, nay xem lại thấy ngố ngố, ngớ ngẩn vô cùng. Câu chuyện cổ sống qua các thế hệ trăm năm, nghìn năm ắt hẳn phải vượt qua bao dư luận, bao nhiêu khối óc, không lý nào lại phải "chết" giữa thời hiện đại.

Ngày còn nhỏ, truyện Trí khôn của ta đây là câu chuyện hay, nhất là được cô giáo tôi phân tích sơ qua. Con người thuở sơ khai đang còn sống chung với các loài muông thú. Họ đã thuần hoá được con trâu to lớn. Con hổ ngây thơ kia không thể đại diện cho kẻ bị hại. Hổ đến nay vẫn là loài ăn thịt động vật, có cả con người. Người xưa phải nhờ trí tuệ thông minh, chỉ thân đơn nhỏ bé, đã chiến thắng kẻ thù nguy hiểm.

Kẻ yếu sức phải dùng trí tuệ, dù là những mẹo vặt, miễn thắng được kẻ thù hung ác với sức mạnh hơn hẳn. Trong cái đầu ngây ngô của mình, tôi thường liên hệ với tài năng của dân tộc mình bao lần vượt qua những kẻ thù khổng lồ dù ở gần, ở xa. Tương quan lực lượng về của cải, sức lực, người Việt không thể, và sẽ vẫn còn thua xa giặc Tàu, Nguyên Mông, giặc Mỹ. Nhưng các thế hệ ông cha đã lấy yếu thắng mạnh bằng biết bao chiến thuật. Có kẻ vô ơn cho "chiến tranh du kích" là không đẹp, phải đánh trực diện mới là "chính nhân quân tử". Nếu chỉ giản đơn đánh giặc như vậy thì dân tộc ta sẽ chẳng có được như ngày hôm nay, sẽ như giọt nước hoà tan trong âm mưu đồng hoá của "gia đình đại Hán".

Tôi cũng hỏi con tôi, cháu tôi khi đọc Trí khôn của ta đây, chúng đều rất thích. Chúng cười con trâu ngu dốt, nhưng lại biết thêm trâu chỉ có một hàm răng. Con hổ dữ thua trí tuệ của con người. Chúng không hề thương hại con hổ bị "lừa dối". Ngày nay nhiều kẻ khóc thuê cho con hổ trong câu chuyện. Thực ra, không chỉ loài hổ, mà rất nhiều các loài động, thực vật khác đã và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nhưng câu chuyện Trí khôn của ta đây không hề giảm tình yêu của con người đối với thiên nhiên. Và, có phải không đọc truyện ấy, con người sẽ đối xử tốt hơn với loài vật?

So với nhiều truyện khác, tôi thấy truyện này lại rất hay, đặc biệt với trẻ nhỏ. Các gia đình, nhất là nhà giàu, những gia đình thành phố, thường phải cho con đi học lớp kỹ năng sống. Chính là để cho con em thích ứng với môi trường xung quanh nhiều cám dỗ, lừa lọc. Anh nông dân trước hiểm nguy (điển hình là tính mạng), đã thông minh ứng biến lừa được kẻ thù, nên nhớ ở đây hổ không phải là bạn. Lừa kẻ thù bằng trí tuệ, không thể và mãi mãi không phải là trò khôn lỏi. Chỉ khi nào lừa anh em, đồng bào, bạn bè, đối tác... mới có thể xếp vào hạng xấu xa, đáng lên án, còn đối với kẻ thù thì miễn chiến thắng thì cách nào cũng đáng khen.

Trở thành người lớn, cách nhìn sẽ bao quát hơn, câu chuyện chỉ giản đơn là cách sống giữa đời. Không thể áp đặt thế giới quan của mình bắt người khác phải theo, nhưng cũng không thể a dua theo người khác. Có những điều hôm nay là đúng, nhưng mai thì chưa chắc. Ngay như trong chương trình hoá học, các thầy cô THCS, và lên tận THPT luôn dạy nguyên tố nitơ có hoá trị năm, nhưng đến chương trình hoá 11, học sinh lại phải chứng minh nitơ có hoá trị tối đa là bốn. Nhưng không vì thế mà học sinh quay lại đánh giá các thầy cô cấp hai dạy không đúng. Đúng hay sai còn tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng, tùy hành vi của thời điểm diễn ra.

Cá nhân tôi đến nay vẫn thích, và thỉnh thoảng đọc lại các truyện cổ Việt Nam. Truyện Tấm Cám lược bỏ đoạn trả thù cũng giảm đi ý nghĩa. Hay như Cây khế, Thạch Sanh, Trầu cau... nếu đem con mắt hiện đại ấu trĩ vào phân tích, hẳn sẽ là những chuyện đáng loại bỏ khỏi kho tàng cổ tích Việt Nam? Nhưng không vì những đám mây đen tối mà bầu trời sẽ thôi tươi sáng, toả nắng xuân, hạ, thu, đông. Những câu chuyện tiền nhân còn lưu được đến hôm nay, con cháu phải nâng niu trân trọng, chứ không phải để mà đánh giá, chê bai...

Chuyện Làng Quê