Bài thơ “Ta đi tới” nằm trong tập “Việt Bắc”, tập thơ được viết trong khoảng thời gian chín năm trường kỳ kháng chiến (1946 – 1954). Bài thơ có 11 khổ với 91 câu (Theo “Thơ Tố Hữu”, Nhà xuất bản Giáo Dục, 1977).
Tố Hữu (1920 – 2002) là thi gia số một của nền văn học cách mạng Việt Nam. Ông từng được tôn vinh là “nhà thơ của cách mạng”, “nhà thơ của nhân dân”, “ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam”, “người có công đầu xây dựng nền thơ ca cách mạng Việt Nam”, “một cuộc đời trọn vẹn với Cách mạng - Nghệ thuật - Tình yêu”, “một viên ngọc trong nền văn hóa Việt Nam”, “nhà thơ của chủ nghĩa nhân văn cách mạng”, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996. Tên tuổi và sự nghiệp văn học của ông gắn liền với những cuộc kháng chiến thần thánh và từng bước đi của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Thơ của Tố Hữu mang tính thời sự rất cao, phản ánh từng biến động của đất nước, đặc biệt là những sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc. Hơn ai hết ông là người rất thành công trong việc đưa thơ chính trị đạt đến trình độ trữ tình mẫu mực. Hầu hết các tác phẩm của ông là những bài ca cách mạng có tính tư tưởng rất cao. Những vần thơ của Tố Hữu vừa tái hiện chân thực cuộc sống vừa cổ vũ, động viên, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Bởi vậy chúng ta không ngạc nhiên khi thấy thơ ông có mặt rất sớm trong nhà trường ở khắp các cấp học. Một trong số rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông được nhiều người biết đến là bài thơ “Ta đi tới”. Mới đây bài thơ đã được các tác giả bộ sách Ngữ văn Kết nối tri thức với cuộc sống tuyển chọn và đưa vào học ở chương trình lớp 8.
Theo nhà thơ Tố Hữu kể lại trong hồi ký “Nhớ lại một thời” (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2002) ta được biết: sáng ngày 8 tháng 5 năm 1954 nhà thơ được gọi vào gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để trao đổi về công tác tư tưởng. Bác có nhắc chiến thắng Điện Biên Phủ mới là trận thắng đầu. Trước mắt chúng ta còn có kẻ địch hùng mạnh hơn, hung ác hơn là đế quốc Mỹ. Vì vậy phải chuẩn bị cho cuộc chiến tranh lâu dài hơn, gian khổ hơn. Cho nên trong công tác tuyên truyền không được tếu. Sau lần gặp đó nhà thơ vừa phấn khởi vừa lo lắng về công việc. Tố Hữu nhận thấy công tác tư tưởng cần phải khắc phục tính chủ quan, tâm lý xả hơi. Chính nhận định và lời nhắc nhở của Bác về thời cuộc đã thôi thúc Tố Hữu đã viết bài thơ “Ta đi tới”. Bài thơ đã được hoàn thành trong tháng 8 năm 1954 để vừa ca ngợi chiến thắng oanh liệt của dân tộc vừa gợi suy nghĩ cho mọi người về đoạn đường cách mạng sắp tới của đất nước. Ý tưởng đó của nhà thơ cũng chính là tư tưởng và nội dung chính của tác phẩm.
Bài thơ “Ta đi tới” nằm trong tập “Việt Bắc”, tập thơ được viết trong khoảng thời gian chín năm trường kỳ kháng chiến (1946 – 1954). Bài thơ có 11 khổ với 91 câu (Theo “Thơ Tố Hữu”, Nhà xuất bản Giáo Dục, 1977). Căn cứ vào nội dung bài thơ người đọc thấy có hai mạch cảm xúc chủ đạo. Mạch cảm xúc thứ nhất ở năm khổ thơ đầu là cảm hứng phấn khởi, vui vẻ của những con người mới được làm chủ đất trời tự do, tươi đẹp sau chiến thắng Điện Biên Phủ đang trên đường về tiếp quản thủ đô. Mạch cảm xúc thứ hai ở sáu khổ thơ cuối là những nỗi niềm về miền Nam và suy nghĩ về chặng đương đi tới tiếp theo của dân tộc. Bài thơ cũng thể hiện rõ nét phong cách của nhà thơ với cảm hứng lãng mạn cách mạng bay bổng kết hợp cảm hứng sử thi qua niềm tin vô bờ bến về tương lai tươi đẹp của đất nước trong giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, sâu lắng, tha thiết và ngập tràn vui vẻ, tự hào, tin tưởng, lạc quan. Bởi thế bài thơ không chỉ thể hiện được niềm tự hào dân tộc và tinh thần lạc quan cách mạng của nhà thơ mà còn đã khơi dậy trong lòng người đọc những tình cảm và niềm tin tưởng cao cả đó.
Trong mạch cảm xúc thứ nhất người ta thấy không gian của bài thơ bao trọn từ Bắc Trung Bộ trở ra ngoài Bắc và thời gian là một đoạn đường kháng chiến với “ba ngàn ngày không nghỉ” của dân tộc (1946 – 1954). Không gian và thời gian nghệ thuật ấy đã gợi cho người ta thấy được một giai đoạn lịch sử hào hùng cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ làm trấn động địa cầu của dân tộc ta ở thế kỷ XX. Với một không gian, thời gian như thế cùng với các sự kiện được tái hiện trong đó đã đem đến cho người đọc cảm nhận về bài thơ với một màu sắc cảm hứng lịch sử - dân tộc chứ không phải là cảm hứng thế sự - đời tư. Để thể hiện một tầm vóc lớn lao như thế nhà thơ đã rất khéo léo hoán đổi cái “tôi” cá nhân thành cái “ta” chung trong các phát ngôn của nhân vật trữ tình. Xuyên suốt bài thơ nói chung và ở mạch cảm xúc thứ nhất này nói riêng nhân vật trữ tình luôn xưng “ta”: “ta đi giữa ban ngày”, “ta bước”, “đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi”, “đường ta đó”, “mây của ta trời thắm của ta”, “ta về lại thủ đô”, “làng ta giặc chạy rồi”, “tre làng ta lại mọc”, “trâu ta ra bãi ra đồi”, “đồng ta lại hát”. Với đại từ nhân xưng này Tố Hữu đã biến cái “tôi” của mình thành cái “tôi” của nhiều người. Cái “ta” ấy làm người đọc thấy hiện lên một tiếng nói của toàn thể quân dân Việt Nam chứ không phải là phát ngôn của riêng cá nhân nào đó. Một cái “tôi” riêng đã hòa tan vào cái “ta” chung của toàn dân tộc. Cùng với sự chuyển đổi cái “tôi” thành cái “ta” trong mạch cảm xúc này Tố Hữu còn liệt kê rất nhiều các địa danh: Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên, Tây Bắc, Điện Biên, sông Lô, bến Bình Ca, Phú Thọ, Trung Hà, Hưng Hóa, Khu Ba, Khu Bốn, Sông Thao, Hà Nội. Những địa danh này đã tái hiện một không gian vô cùng rộng lớn. Người ta có thể hình dung ra đó là cả miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra theo tinh thần của Hội nghị Giơ-ne-vơ. Đó là một nửa đất nước được hoàn toàn giải phóng do ta làm chủ mà kẻ thù và cả thế giới phải ký kết thừa nhận. Trong các địa danh ấy có rất nhiều các địa danh ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân dân Việt Nam như thể: Bắc Sơn – Đình Cả - Thái Nguyên (cuộc khởi nghĩa đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân ta đã đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp, được đánh giá là cuộc khởi nghĩa vĩ đại trong lịch sử Cách mạng Việt Nam); Tây Bắc - Điện Biên (chiến thắng Điện Biên Phủ làm trấn động địa cầu); sông Lô - bến Bình Ca (trận chiến sông Lô đã bắn chìm tàu chiến và thủy phi cơ của Pháp mở đầu cho các chiến thắng ở chiến dịch Việt Bắc phá tan kế hoạch tấn công mùa đông của Pháp) … đã gợi lên một tình yêu tha thiết với quê hương đất nước và niềm tự hào, khí thế bách chiến bách thắng của đoàn quân về tiếp quản thủ đô. Đặc biệt đi kèm với các địa danh đó nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật điệp ngữ với hình ảnh của những con đường rộng thênh thang mở ra muôn nơi và những chủ nhân mới của đất nước (ai) đang được tự do đi lại. Trong đó, có những con đường nối liền các vùng miền, đi qua những vùng đất có tên cụ thể: Bắc Sơn – Đình Cả - Thái Nguyên, Tây Bắc, Điện Biên …; có những con đường đi về các ngả, hướng: xuôi về biển, Phú Thọ, Trung Hà, Hưng Hóa, Khu Ba, Khu Bốn. Bên cạnh những con đường bộ “mới tinh khôi màu đất đỏ” mở ra trên khắp miền Bắc còn có cả con đường thủy với tàu thuyền xuôi ngược tấp nập: “Sông Thao náo nức sóng dồi/ Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền”. Đặc biệt, ngoài những con đường mang tính chất đi lại, vận chuyển (giao thông) còn có cả con đường với ý nghĩa là cách thức, phương hướng hoạt động của một tổ chức “đường cách mạng dài theo kháng chiến” - con đường của Bác tìm ra và đang đưa cả dân tộc ta vững bước đi lên. Như thế hình ảnh con đường ở đây vừa mang ý nghĩa cụ thể vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Hình ảnh những con đường đó trong mối quan hệ với hình ảnh đôi bàn chân “trên đường cái ung dung ta bước” và những chiến thắng vang dội của đội quân Cách mạng qua các địa danh đã gợi lên trong trí tưởng tượng người đọc hình ảnh của cái không khí phấn khởi, hân hoan và cái khí thế mạnh mẽ, sôi nổi, vững vàng của dân tộc khi đó. Còn những chủ nhân mới của đất nước đang được tự do đi không phải ai khác chính là toàn thể nhân dân Việt Nam vừa thoát được kiếp nô lệ của thực dân Pháp. Đại từ phiếm chỉ “Ai” liên tiếp được đặt ở đầu các câu như thể vừa nhấn mạnh vừa gợi lên vẻ tấp nập đi lại của đông đảo quần chúng nhân dân trên khắp mọi nơi, trên mọi nẻo đường. Đó cũng chính là cái náo nức, phấn khởi, vui mừng của dân tộc ta sau một kết quả “chín năm làm một Điện Biên”. Tố Hữu đã lấy cái bình thường để nói cái bất bình thường. Tự do đi lại trên đất nước mình vốn là lẽ bình thường, cái điều dễ dàng như thể hít thở khí trời ấy nhưng với dân tộc ta quả là một điều vô cùng khó khăn, một sự bất bình thường. Để có được điều bình thường trở lại đó bao thế hệ người Việt Nam đã phải đứng lên giành lại bằng những núi xương biển máu. Trước đó không lâu họ phải đi lại một cách lén lút trong các đường ngang lối tắt, trong những nỗi lo sợ nơm nớp bởi đất nước bị mất tự do; chiến tranh với bom đạn liên miên; truy lùng, bắt bớ… Có thấu hiểu nỗi khổ cực này thì mới thấy được niềm vui, sự kiêu hãnh và cái giá trị to lớn của hành động “trên đường cái ung dung ta bước”.
Trong niềm hân hoan, phấn khởi của cả dân tộc khi được làm chủ giang sơn gấm vóc của mình, cảm hứng về đất nước đã được nhà thơ ngưng kết bằng hình ảnh trù phú, đẹp đẽ của thủ đô kháng chiến; của quê hương đất Tổ vua Hùng, nơi Bác đã dừng chân, nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong - Sư đoàn 308 và để một câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” tại đền Giếng. Dường như trong cái men say sưa ấy ta thấy hiện lên một cái nhìn tha thiết của nhà thơ trước vẻ đẹp diễm lệ của sông núi quê hương. Sông núi ấy không những đẹp mà nơi nào cũng lấp lánh chiến công: “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi/ Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt/ Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát/ Chuyến phà rào rạt bến nước Bình Ca”. Có lẽ tâm điểm của dòng cảm xúc ở mạch nguồn thứ nhất này là bức bích họa về rừng cọ đồi chè và dòng sông Lô ngập nắng trên bến nước Bình Ca. Nghệ thuật liệt kê (rừng cọ, đồi chè, đồng xanh, nắng chói sông Lô, chuyến phà trên bến Bình Ca) đã làm cho đoạn thơ giống như một thước phim quay chậm và đang mở dần ra trước mắt người đọc một phong cảnh tuyệt đẹp của quê hương mới được tự do với ba tầng không gian xanh biếc và ngạt ngào hương thơm: trên cao là rừng cọ, đồi chè; ở giữa là cánh đồng ngào ngạt tỏa hương; bên dưới là dòng sông long lanh phản chiếu ánh mặt trời cùng với những chuyến phà tấp nập người qua, âm vang tiếng hát. Đặc biệt nghệ thuật đảo ngữ kết hợp với việc sử dụng câu cảm thán (đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!) và các từ láy (ngào ngạt, rào rạt) đã tái hiện được hương sắc và quang cảnh nhộn nhịp đông vui của một vùng quê trung du; thể hiện rõ cái tâm trạng say sưa ngây ngất của nhà thơ trước cảnh đất trời tươi mới như đang thay áo.
Trong niềm vui háo hức, nhộn nhịp của “Sông Thao nao nức sóng dồi/ Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền” cảm xúc của nhà thơ bỗng chùng xuống khi hồi tưởng lại quãng đường đã đi qua “Ờ, đã chín năm rồi đấy nhỉ!/ Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ”. Lẽ thường tính thời gian người ta hay tính bằng năm bằng tháng nhưng với dân tộc ta trong những năm tháng chiến tranh với biết bao hy sinh, gian khổ thì phải tính bằng ngày. “Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ” quả là con số kinh khủng. Trong ba ngàn ngày ấy “Chúng tôi đi mang cuộc đời lưu động/ Qua nhiều nơi không nhớ hết tên làng/ Đã nghỉ lại rất nhiều nhà dân chúng” (Nhớ - Hồng Nguyên); “Dân công đỏ đuốc từng đoàn/ Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay/ Nghìn đêm thăm thẳm sương dầy/ Đèn pha bật sáng như ngày mai lên” (Việt Bắc – Tố Hữu). Ba ngàn ngày không nghỉ cho Tổ quốc quyết sinh nhưng quân dân ta vẫn không hề nao núng, không hề mệt mỏi; chúng ta vẫn còn dư sức để tiếp tục cuộc hành trình: “Bắp chân đầu gối vẫn săn gân”. Có thể thấy chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm cho dân tộc ta trưởng thành và tự tin hơn bao giờ hết. Chiến thắng gian khổ ấy đã đem lại cho chúng ta hào khí của chín năm về trước khi Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” trên quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong niềm cảm xúc đang dâng trào bất tận ấy nhà thơ dường như đang thấy “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng” (Chế Lan Viên) với hình ảnh tươi thắm của đất trời: “Tháng Tám mùa thu xanh thắm/ Mây nhởn nhơ bay/ Hôm nay ngày đẹp lắm/ Mây của ta trời thắm của ta”. Cái hào khí mùa Thu năm ấy đã làm cho “tan tác những bóng thù hắc ám”. Cũng trong niềm vui được làm chủ đất trời tươi đẹp này Tố Hữu đã tái hiện cho chúng ta thấy một hình ảnh vô cùng xúc động và tuyệt đẹp về Bác và đoàn quân tiếp quản thủ đô: “Trên đường ta về lại Thủ đô/ Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ”.
Hội nghị Giơ-ne-vơ chia cắt đất nước làm đôi miền. Miền Bắc được giải phóng, độc lập nhưng miền Nam còn muôn vàn khó khăn. Chỉ tính riêng việc tái thiết miền Bắc sau chiến tranh cũng đầy rẫy những gian khổ cho nên trong “công tác tuyên truyền không được tếu”. Có lẽ thấm nhuần lời dặn của Bác như vậy mà ngay trên đường về tiếp quản Thủ đô nhà thơ đã nghĩ ngay tới viễn cảnh của quê hương sau hòa bình lập lại. Cái viễn cảnh ấy cũng chính là nhiệm vụ cách mạng đang đặt ra cho chúng ta. Nhà thơ đã xây dựng cái viễn cảnh ấy bằng cách đặt nó trong sự tương phản giữa các cảnh tượng đau khổ, hủy diệt với hồi sinh, phát triển: “Mẹ ơi lau nước mắt/ Làng ta giặc chạy rồi” (gợi nhớ những năm tháng đau thương khi bị nô lệ) - “Tre làng ta lại mọc/ Chuối vườn ta xanh chồi/ Trâu ta ra bãi ra đồi/ Đồng ta lại hát hơn mười năm xưa”; “Chúng nó chẳng còn mong giội lửa” - “Các anh dựng cho em trường mới nữa”, “Trường của em đứng giữa đồi quang/ Tiếng của em thánh thót quanh làng”. Sự tương phản giữa các cảnh tượng này đã nêu lên hai nhiệm vụ quan trọng để tái thiết, phát triển đất nước: xây dựng, phát triển kinh tế - quan tâm chăm lo giáo dục những mầm non đất nước. Có thể thấy với nhãn quan nhạy bén và tầm nhìn chiến lược tuyệt vời Tố Hữu đã xác định mục tiêu và tuyên truyền cho mọi người, đồng thời cũng gieo vào lòng người đọc một niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Nếu như cảm xúc chủ đạo trong năm khổ thơ đầu là tâm trạng phấn khởi, vui vẻ của đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô thì trong mạch cảm xúc thứ hai ở sáu khổ thơ cuối là những nỗi niềm về miền Nam và suy nghĩ của nhà thơ về chặng đương đi tới tiếp theo của dân tộc. Ở trong mạch cảm xúc thứ hai này không gian của bài thơ tiếp tục được mở rộng về phương Nam với các địa danh: Nam Bộ, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Nam - Ngãi, Bình – Phú, Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết, Tây Nguyên, Công Tum, Đắc Lắc, Khu Năm, sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng … Vẽ lên không gian này nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật liệt kê với các địa danh và nghệ thuật điệp ngữ (lặp cấu trúc: Ai …). Hai biện pháp tu từ này không chỉ tạo nhạc điệu cho bài thơ mà còn nhấn mạnh để thể hiện những lời gửi gắm, nhắn nhủ, dặn dò thiết tha, tâm huyết của nhà thơ với một nửa Việt Nam yêu quý: “Rằng: nước ta là của chúng ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa/ Chúng ta con một cha nhà một nóc/ Thịt với xương tim óc dính liền”, “Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân/ Dù ai rào giậu ngăn sân/ Lòng ta vẫn giữ là dân cụ Hồ”. Ở đây chúng ta lại gặp đại từ phiếm chỉ “ai”. Đại từ “ai” không xác định một con người cụ thể. Đó có thể là những người miền Nam đi kháng chiến trở lại quê hương. Cũng có thể là những cán bộ được cử vào Nam công tác. Và, cũng có thể là tất cả những ai đó đang trên bước đường đi vào miền Nam … Lời nhắn gửi thắm thiết nghĩa tình của nhà thơ, của miền Bắc sẽ theo những bước chân vào Nam đến với tất cả “đồng bào”, “đồng chí”. Hẳn là “miền Nam đi trước về sau” đón nhận lời nhắn gửi ấy cũng sẽ thấy vô cùng ấm áp, tràn đầy tin tưởng, yêu thương. Trước sau nhà thơ vẫn nói và khẳng định với đồng bào, đồng chí miền Nam là đất nước ta là một; chúng ta đều mang trong mình dòng máu của “con Lạc cháu Hồng”. Non sông ta nối liền một dải từ “Mục Nam Quan tới bãi Cà Mau”. Vĩ tuyến mười bảy phân định của Hội nghị Giơ-ne-vơ kia chỉ là “giới tuyến quân sự tạm thời trên bản đồ và trên mặt đất” còn trong sâu thẳm mỗi trái tim, về mặt tình cảm thì chắc chắn, dứt khoát đất nước ta “không giới tuyến” bởi “Lòng ta chung một cụ Hồ/ Lòng ta chung một Thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”. Đọc kỹ những lời dặn dò, nhắn gửi của nhà thơ trong mạch cảm xúc thứ hai này ta thấy Tố Hữu đã liên tục sử dụng các điệp ngữ với các dạng thức khác nhau: khi thì lặp lại cụm từ “lòng ta” khi thì lặp lại cấu trúc câu “Dù ai … lòng ta vẫn …” để nhấn mạnh sự bền gan, vững chí, đồng lòng của cả dân tộc; để thể hiện cao độ ý chí và quyết tâm sắt đá về sự thống nhất đất nước mà không gì có thể lay chuyển được.
Cảm hứng về một nửa đất nước bên kia giới tuyến không phải chỉ được mở ra với những cung đường cụ thể qua các địa danh để đi về mọi ngả của khắp đất trời miền Nam yêu dấu mà còn được đan xen giữa hai chiều không gian Bắc – Nam: “Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp”, “Những bước chân của Ba Tơ, Cao – Lạng/ Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu”. Dường như mỗi câu thơ, mỗi địa danh lịch sử ở trong những câu thơ ấy đều gợi lên trong lòng người đọc những chiến công hiển hách của cách mạng. Những câu thơ ấy vang lên như thể gọi hồn ký ức để thức dậy niềm tự hào trong từng huyết mạch của mỗi người đọc khi được trở về cái thời còn “trong khói lửa”: “Chúng nó chẳng còn mong được nữa/ Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng/ Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn/ Đã bước dưới mặt trời cách mạng … Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu/ Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp!”. Cách mạng được trưởng thành trong khói lửa, bom đạn của kẻ thù; khiến cho những tên đế quốc, thực dân sừng sỏ hàng đầu của thế giới cũng phải thảm bại. Trong sự hồi tưởng về một thời máu lửa hào hùng của đất nước Tố Hữu đã sử dụng nghệ thuật điệp ngữ và hoán dụ qua hình ảnh “bàn chân” để nói về những bước đi, sự lớn mạnh cũng như sức mạnh của phong trào cách mạng, của giai cấp công nông (than bụi, bùn lầy). Đôi bàn chân ấy “đã vùng dậy đạp đầu” đưa phong trào đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: từ Hóc Môn, Ba Tơ, Cao - Lạng đến đỉnh cao là chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ và đã chôn vùi “Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp”. Những bàn chân ấy khác chi những bước đi của những người khổng lồ ở trong cổ tích. Câu thơ giản dị nhưng hào sảng, ngút ngàn cảm hứng ngợi ca. Tố Hữu đã không chỉ lý tưởng hóa mà còn nhấn mạnh sức mạnh quật khởi của giai cấp công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Tiếng thơ hùng tráng ấy vừa là sự khẳng định sức mạnh quật khởi của phong trào cách mạng đồng thời cũng vừa là một lời cảnh báo với kẻ thù đang lăm le chia rẽ đất nước.
Hồi tưởng, suy ngẫm, chiêm nghiệm về quãng đường đã qua với một khí thế tưng bừng, hừng hực, xung thiên như thế nhà thơ như muốn tạo niềm tin cho mọi người để tiếp tục hướng tới những nhiệm vụ mới của cách mạng: “Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp”. Với chúng ta chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu mới chỉ giành được độc lập cho một nửa đất nước cho nên “những bàn chân từ than bụi, lầy bùn” vẫn chưa được ngừng nghỉ. Chúng ta vẫn phải bước tiếp trên con đường đã chọn: đấu tranh với đối phương nhằm yêu cầu thực thi hiệp định Giơ-ne-vơ để thống nhất nước nhà. Bởi thế “ta đi tới” bằng cả lý tưởng và bằng cả đôi bàn chân: “Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp/ Rắn như thép, vững như đồng/ Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp/ Cao như núi, dài như sông/ Chí ta lớn như biển Đông trước mặt!/ Ta đi tới không thể gì chia cắt/ Mục Nam quan đến bãi Cà Mau/ Trời ta chỉ một trên đầu/ Bắc Nam liền một biển”. Những thơ thật khỏe khoắn, hùng tráng. Nghệ thuật so sánh cùng với từ láy “trùng trùng điệp điệp” đã thể hiện được khí thế hùng mạnh của dân tộc. Nhà thơ đã lấy cái cứng rắn, bền vững của kim loại để diễn tả cái bản lĩnh, cái mạnh mẽ; lấy núi cao, sông dài để thể hiện sự hùng hậu, đông đảo; lấy nước biển mênh mông để nói ý chí kiên cường. Với một sức mạnh ngút trời như thế Tố Hữu muốn thể hiện một niềm tin chiến thắng vào tương lai của dân tộc. Chính nhờ có niềm tin đó mà nhà thơ đã khẳng định: “không thể gì chia cắt”, “trời ta chỉ có một”, “Bắc Nam liền một dải”. Sự vững tin đó đã tạo thành một sức mạnh tinh thần cổ vũ động viên toàn thể nhân dân trên bước đường “ta đi tới”.
Bên cạnh hai nội dung chính: ca ngợi chiến thắng oanh liệt của dân tộc và gợi suy nghĩ cho mọi người về đoạn đường cách mạng sắp tới, bài thơ “Ta đi tới” còn xây dựng được một hình ảnh tuyệt đẹp về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đề tài cho rất nhiều nhà thơ. Thực tế đã có rất nhiều người có những vần thơ tuyệt vời khi khắc họa chân dung Bác. Nhưng nổi bật hơn hết (cả về số lượng cũng như chất lượng ) vẫn là Tố Hữu. Trong suốt đời thơ của mình Tố Hữu đã có biết bao câu thơ hay viết về Bác. Ví như: “Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao/ Giọng của Người, không phải sấm trên cao/ Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước/ Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau”; “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” (Sáng tháng năm); “Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường/ Nhớ người những sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo” (Việt Bắc); “Người đứng trên đài, lặng phút giây/ Trông đàn con đó, vẫy hai tay/ Cao cao vầng trán... Ngời đôi mắt/ Độc lập bây giờ mới thấy đây” (Theo chân Bác); “Bạc phơ mái tóc người cha/ Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người” (Ba mươi năm đời ta có Đảng). Và trong số những vần thơ đó có lẽ hình ảnh Bác trên đường về tiếp quản Thủ đô sau chín năm trường kỳ kháng chiến trong câu thơ “Trên đường ta về lại Thủ đô/ Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ” trong bài thơ “Ta đi tới” là một trong những hình ảnh đẹp nhất của nhà thơ viết về Bác. Với tình cảm thương yêu và kính trọng bác vô cùng như vậy nhà thơ đã nhìn thấy sức mạnh yêu nước, đoàn kết, quy tụ mọi người ở Bác: “Dù ai rào giậu ngăn sân/ Lòng ta vẫn giữ là dân cụ Hộ”; “Lòng ta chung một cụ Hồ”. Chỉ cần vậy thôi, mấy vần thơ rất giản dị viết về Bác như thế trong bài thơ nhưng Tố Hữu đã thể hiện một với nhãn quan chính trị tuyệt vời. Nhà thơ đã nhận ra sức mạnh của một tâm hồn, của một nhân cách vĩ đại. Sức mạnh ấy là niềm tin tất thắng cho nhân dân ta tiếp tục cất bước trên con đường trường chinh vạn dặm và đi đến bến bờ vinh quang.
Bài thơ có nhan đề “Ta đi tới” có nghĩa là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của chúng ta chưa dừng lại. Sở dĩ có điều này vì sau Hiệp định Giơ-ne-vơ chỉ có miền Bắc được giải phóng, tính từ vĩ tuyến 17 trở ra, miền Nam chưa được giải phóng và phải chờ tổng tuyển cử để thống nhất đất nước vào tháng 7 năm 1956. Tuy nhiên do sự can thiệp của Mỹ nên việc thống nhất đó phải trả bằng bao xương máu và biết bao của cải và đến năm 1975 giang sơn của chúng ta mới thu về một mối. Cho nên “Ta đi tới” có hàm ý gợi lên những suy nghĩ cho mọi người về đoạn đường cách mạng sắp tới của dân tộc: con đường tiếp tục cầm súng đánh giặc. Có thể nói nhan đề bài thơ cũng chính là một tứ thơ độc đáo. Tứ thơ ấy đầy nhạy cảm. Nó giống như một lời tiên đoán. Điều ấy đã thể hiện một sự sắc sảo, nhạy bén về chính trị của nhà thơ.
“Ta đi tới” đúng là một bài thơ “của tình cảm mãnh liệt, của ý chí gang thép” (Nguyễn Trác). Đương thời bài thơ “Ta đi tới” cùng với bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” là hai bài thơ được truyền bá rộng rãi và tạo được tiếng vang mạnh mẽ nhất. Theo chính nhà thơ cho biết thì hai bài thơ ấy cũng chính là hai tiếng ca sảng khoái nhất trong cuộc đời làm cách mạng và làm thơ của ông. Kể từ khi ra đời đến nay đã gần bảy mươi năm, với tình cảm thiết tha cùng những hình ảnh thân quen tươi đẹp bài thơ vẫn là một tiếng ca trong trẻo gieo trong lòng người đọc một niềm tin yêu trong sáng, một niềm tự hào cao cả, lớn lao. Bài thơ sẽ sống mãi trong văn mạch Cách mạng và đi cùng năm tháng.