Tạ tội với thần Khẩu

Hồi nhỏ sang nhà bạn chơi lúc cả nhà bạn đang ăn cơm. Mọi người bảo gặp bữa cháu vào ăn luôn. Tôi nói cháu ăn rồi thì mẹ bạn bảo: “Nếu cháu chưa ăn thì không được nói ăn rồi nhé. Nói dối thần Khẩu là có tội đấy”. Tôi chỉ thấy buồn cười.
242590825-3066880366972593-1421066618072441367-n-1632453756.jpg
Ảnh minh họa

Nhiều năm sau, vào một ngày cuối đông. Bà ngoại nằm bất động trên giường đã mấy ngày, không còn biết gì nữa. Người bà gầy đét chỉ còn da bọc xương. Mọi người tất bật lo chuẩn bị hậu sự. Sang đến ngày thứ bẩy, bà vẫn thế. Buổi tối, trên đầu giường bà bày một mâm cúng nghi ngút khói hương. Trên mâm đầy hoa quả, cháo và các thức ăn dân dã: Bỏng ngô, khoai, bánh đa... Tôi hỏi cúng gì? Cậu bảo: “Cúng Trớ”. Tôi lại hỏi cúng Trớ để làm gì? Giọng buồn buồn cậu kể: “Xưa nhà nghèo lắm. Bà đầu tắt mặt tối lo ngày hai bữa cho cả nhà. Nồi cơm độn toàn khoai sắn. Hôm nào cũng vậy, bữa trưa bà chỉ ăn mấy củ khoai rồi nói: “Ông và các con cứ ăn đi. Sáng tôi đi chợ ăn quà giờ vẫn còn no”. Bữa tối cũng vậy, chỉ mấy củ sắn và bảo: “Các con cứ ăn đi mẹ no rồi”. Dần dà mọi người đều biết bà nói dối để nhường cơm cho chồng con. Giờ thầy cúng bảo: “Mẹ ông cả đời nói dối thần Khẩu, nay bị phạt chưa cho đi. Phải cúng Trớ tạ tội với thần Khẩu để bà ấy được ra đi nhẹ nhàng thanh thản”.

Giọng cậu nghẹn lại. Mọi người khóc nấc lên. Tôi cay xè sống mũi. Đêm ấy bà trút hơi thở cuối cùng trong niềm tiếc thương vô hạn của con cháu...

 

Theo Chuyện Quê