Tại sao không "Bình minh Đại cáo" mà lại "Bình ngô Đại cáo" ?

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

21/09/2023 08:01

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu bài viết mang tính nghiên cứu của Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục về "Bình ngô Đại cáo" của Nguyễn Trãi.

1

Cuộc kháng chiến chống giặc Minh trường kỳ, kéo dài tới hai chục năm trời, nếu kể cả các cuộc kháng chiến chống giặc Minh của Trần Ngỗi (Giản Định Đế) và Trần Quý Khoáng (Trùng Quang Đế). Thất bại, rồi lại đứng lên. Một khi vận nước đã tới, có được “Thiên thời”, “Địa lợi” và cả “Nhân hòa”, dân tộc ta đã đánh đuổi được bọn xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại quyền độc lập, tự chủ.

b1bl1a-1695257860.jpg

Tác giả Vũ Bình Lục ở cửa biển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Nhà thơ Trịnh Công Lộc chụp.

 

Cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh mười năm ở giai đoạn sau (1418-1427) do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo, kết thúc thắng lợi. Giặc Minh buộc phải đầu hàng, rút quân về nước. Nguyễn Trãi thay mặt lê Lợi viết bài ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ, với ý nghĩa là BẢN BỐ CÁO RỘNG RÃI CHO TOÀN DÂN BIẾT VỀ CÔNG CUỘC ĐÁNH ĐUỔI GIẶC NGÔ. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, thiết lập chế độ quân chủ chuyên chế.

Kẻ thù của nước ta lúc bấy giờ là lũ giặc người Hán (Trung Quốc). Chu Nguyên Chương nổi lên đánh bại các thế lực cát cứ, cướp lấy thành quả vĩ đại của cha con Trần Ích Tắc, Trần Hưu Lượng, rồi tiến tới đánh bại người Mông Cổ, giành lại quyền độc lập tự chủ cho người Hán. Chu Nguyên Chương đặt tên nước (quốc hiệu) là ĐẠI MINH. Cho nên sử sách nước ta vẫn thường gọi là “người Minh”, “giặc Minh”, “quân Minh”, “triều Minh”. Căm ghét quá thì gọi là “Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa” (Nguyễn Trãi)…

Sao không phải là BÌNH MINH ĐẠI CÁO, mà lại là BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO? Tất nhiên, mọi vấn đề đều có lý do lịch sử của nó.

2

TỪ KHÔNG ĐẾN CÓ

Chu Nguyên Chương (1328-1398), quê ở Từ Châu, nay là huyện Hu Dị, tỉnh Giang Tô, tên thật là Chu Hưng Tông, tên chữ là Quốc Thụy. Hồi nhỏ, anh này thường được gọi là Trùng Bát.

Nhà rất nghèo, lúc nào cũng đói. Đến nỗi, Trùng Bát phải đi ở chăn trâu, chăn dê cho người ta, chả ai biết tên họ của anh ta là gì. Cùng đường, Trùng Bát phải vào chùa, ôm cái bát đi “khất thực” (xin ăn). Đương nhiên, hoàn cảnh như vậy, lấy đâu ra nhiều chữ?

Tương truyền, Trùng Bát chỉ ở chùa khoảng nửa tháng. Đi khất thực, Trùng Bát được tiếp xúc với nhiều người, được bạn bè và các bậc túc Nho chỉ bảo thêm. Trùng Bát tự suy tư, học hỏi thêm, mới hiểu ra nhiều vấn đề sâu thẳm của cuộc sống muôn màu. Rồi lập chí, lập thân, lập nghiệp.

Năm Chí Chính thứ 12 (1352), nghe tin có cuộc khởi nghĩa nông dân “Hồng Cân quân” (tức đội quân khăn đỏ), do Quách Tử Hưng lãnh đạo, Trùng Bát liền đến xin đầu quân. Anh ta tỏ ra thông minh tài trí và dũng cảm. Quách Tử Hưng bèn đổi tên cho Trùng Bát thành CHU NGUYÊN CHƯƠNG. Chẳng bao lâu, Chu trở thành tướng lĩnh thân cận bậc nhất của Quách thủ lĩnh, được Quách Tử Hưng phong làm Tả Phó Nguyên soái của nghĩa quân.

Bốn năm sau (1356), Chu Nguyên Chương đem quân khởi nghĩa (của Quách Tử Hưng) đánh chiếm Tập Khánh (Nam Kinh ngày nay). Thành công lớn rồi, nhưng Chu Nguyên Chương trước đó đã được một người bạn thân, rất thông tuệ, khuyên anh chàng ít học này mấy điểm có tính sách lược, đặc biệt là không vội xưng Vương.

Hai bàn tay trắng, lấy gì xưng Vương? Muốn có được lực lượng trong tay, phải biết nhún mình hầu hạ người ta, để được tin cậy, để được giao binh quyền. Có binh quyền rồi, lại cũng đã có ít nhiều chiến thắng, cũng còn phải biết giấu mình đi, giả vờ cam phận dưới trướng kẻ khác “to lớn” hơn nữa, chờ cơ hội.

Chiếm được Tập Khánh (Nam Kinh), Chu có thế mạnh tương đối rồi, nhưng Chu vẫn núp bóng Hàn Lâm Nhi, tức TIỂU MINH VƯƠNG của nhà Tống. Chu được Tiểu Minh Vương Hàn Lâm Nhi phong cho tước NGÔ QUỐC CÔNG. Chu Nguyên Chương lấy Nam Kinh làm căn cứ chiến lược, bắt đầu tiến đánh một trong hai thế lực lớn hơn mình rất nhiều, đó là Trần Hữu Lượng và Trương Sĩ Thành. Dẹp xong Trần Hữu Lượng, Chu Nguyên Chương bắt đầu tiến đánh Trương Sĩ Thành, rồi tiến lên Bắc phạt, đánh bại các thế lực nhà Nguyên còn lại.

Vậy Trần Hữu Lượng là ai?

Trần Hữu Lượng chính là con trai của Trần Ích Tắc (1254-1329), dòng dõi thân vương nhà Trần nước Đại Việt. Trần Ích Tắc bỏ triều Trần chạy sang “hàng” quân Nguyên. Tuy nhiên, qua nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là giải mã kỹ càng 15 bài thơ của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, chúng tôi cho rằng, Trần Ích Tắc, một hoàng tử thông minh nhất trong số các hoàng tử của vua Trần Thái Tông, chạy sang nhà Nguyên là vì một lý do rất tế nhị. Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc trá hàng, “làm tình báo chiến lược”, chủ trương đánh địch từ xa, từ ngay trong lòng địch, tiến tới chiếm lĩnh cả Trung Nguyên. Ông mất năm 1330, hưởng thọ 76 tuổi.

Thực tế thì Trần Ích Tắc chưa bao giờ dẫn quân Nguyên về tấn công triều Trần. Điều này thì trái ngược với Lê Chiêu Thống. Trần Hữu Lượng nổi lên làm chủ một vùng rộng lớn, xưng Hán Đế, dựng cờ Hán, lấy quốc hiệu Đại Hán, chiến đấu với quân Nguyên, khiến nhà Nguyên Mông suy yếu, phải rút chạy lên phương Bắc, lập ra triều đại Bắc Nguyên. Nếu gặp được “thiên thời” và mưu sĩ giỏi, đánh thắng Chu Nguyên Chương, thì cũng không loại trừ khả năng Trần Hữu Lượng sẽ làm chủ Trung Quốc. Trần Hữu Lượng là thế lực mạnh nhất trong ba tập đoàn nổi dậy tranh hùng tranh bá lúc đương thời.

Sau khi đánh chiếm được phủ Thái Bình (Quảng Tây ngày nay), Trần Hữu Lượng xưng Đế, đặt tên nước là Đại Hán (có thể chỉ là vấn đề sách lược), chủ trương tiến tới chiếm lĩnh toàn bộ Trung Nguyên. Trần Hữu Lượng đã viết thư kêu gọi Trương Sĩ Thành liên kết với mình, cùng nhau đánh Chu, nhưng Sĩ Thành không nói gì. Có thể Trương Sĩ Thành hẹp hòi, thiển cận, cho nên cuối cùng cũng bị Chu Nguyên Chương tiêu diệt.

Trong khi chiến đấu với quân Nguyên, Trần Hữu Lượng cũng ít nhất 3 lần cho sứ giả về Đại Việt yêu cầu vua Trần Dụ Tông giúp sức. Nhưng ở thời kỳ Dụ Tông trị vì, nước Đại Việt đang rất khó khăn, yếu kém và suy thoái. Dụ Tông chỉ cho một đoàn "sứ giả" sang thăm dò tình hình bên kia biên giới thế nào, rồi quay về... Viên quan đại thần được Trần Dụ Tông cử sang xem xét tình hình chiến sự và phòng bị biên giới lúc đó, chính là Nguyễn Trung Ngạn. Bấy giờ, Nguyễn Trung Ngạn đang giữ chức quan cao trong triều, nhưng được giao kiêm chức KINH LƯỢC SỨ LẠNG GIANG, trấn thủ miền biên giới phía Bắc.

Thế lực Trần Hữu Lượng lúc đầu mạnh hơn Chu Nguyên Chương và cả Trương Sĩ Thành. Nhưng do chủ quan nóng vội, lại không có mưu sĩ giỏi bên cạnh giúp đỡ, cho nên, cuộc chiến với Chu Nguyên Chương, khi thắng lớn, khi bị mắc mưu, thiệt hại cũng rất lớn, đành phải rút về Giang Châu.

Tháng 4 năm 1363, Trần Hữu Lượng đem 60 vạn quân thủy bộ tấn công Hồng Đô (nay thuộc Vũ Xương, tỉnh Quảng Tây). Hồng Đô là kinh đô của Chu Nguyên Chương. Tháng 7 năm đó, Chu Nguyên Chương rút 20 vạn quân ở mặt trận giao chiến với Trương Sĩ Thành, về cứu Hồng Đô.

Trận thủy chiến vô cùng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, diễn ra ở khu vực hồ Bà Dương (còn gọi là hồ Bành Lãi). Hồ này thông ra sông Trường Giang. Trần Hữu Lượng quyết chiến, muốn tiêu diệt Chu Nguyên Chương ở trận đánh quyết định này.

Lúc đầu, thấy thủy quân Trần Hữu Lượng quá đông và mạnh mẽ, gồm gần 700. 000 quân và 100 chiến thuyền lớn, chưa kể chiến thuyền nhỏ, mà lực lượng của Chu chỉ bằng 1/3 . Chu lo lắng, chưa biết làm thế nào. Phải có kế sách hay thì mới có thể thắng được Trần Hữu Lượng. Chu phái đại tướng Từ Đạt chạy về Nam Kinh, thay cho Lưu Bá Ôn. Bá Ôn đến làm quân sư, bày kế “hỏa công”.

Lưu Bá Ôn là một nhà quân sự, mưu lược, tài năng chẳng thua kém gì Khổng Minh. Lưu tính toán nhất định sẽ có gió Đông Bắc thuận chiều, dùng kế hỏa công bí mật tấn công quân Trần Hữu Lượng.

Quả nhiên như vậy. Quân Hữu Lượng bị tấn công bất ngờ. Thuyền lớn móc xích vào nhau, tiện công thành, nhưng trên sông hồ chật hẹp, lại tỏ ra quá chậm chạp, thành ra bất lợi. Điều này cũng tựa như hạm đội của Tào Tháo mắc mưu Bàng Thống ở trận Xích Bích thời Tam Quốc vậy. Đôi bên chiến đấu quyết liệt, diễn ra hơn hai tháng trời, từ 30-8-1363 đến 4-10 1363 mới kết thúc.

Thuyền chỉ huy của Chu Nguyên Chương có lúc bị mắc cạn, bị bao vây, suýt chết cháy. May nhờ có tướng sĩ liều chết đến cứu, mới thoát khỏi biển lửa tử thần. Sử Trung Quốc nói rằng đã từng có trận Xích Bích giữa liên quân Thục-Ngô đánh nhau với quân Ngụy của Tào Tháo ở thời Tam Quốc, nhưng cũng chưa ác liệt bằng trận thủy chiến ở hồ Bà Dương. Cuối cùng, Trần Hữu Lượng trúng tên khi lộ diện chỉ huy trên lâu thuyền, tử trận. Quân Trần Hữu Lượng tan vỡ. Sự nghiệp của ông cũng kết thúc từ đây!

Dẹp yên Trần Hữu Lượng, Chu Nguyên Chương bắt đầu tiến đánh Trương Sĩ Thành. Nhiều cuộc chiến đấu lớn cũng đã diễn ra. Mưu lược của Lưu Bá Ôn đã giúp Chu Nguyên Chương đánh bại được hai tập đoàn cát cứ rất mạnh ở vùng trung lưu sông Trường Giang (Trần Hữu Lượng) và vùng hạ lưu sông Trường Giang (Trương Sĩ Thành), vào các năm 1363-1367). Chu Nguyên Chương mở rộng thế lực, để tiếp đó tiến hành nhiều cuộc Bắc phạt, tiến công các lực lượng còn lại của Mông Cổ ở phía Bắc.

Năm 1364, Chu Nguyên Chương tự xưng là NGÔ VƯƠNG. Khi giải phóng toàn bộ đất nước, Chu Nguyên Chương lên làm vua, đặt tên nước là ĐẠI MINH (1368-1644)

Công bằng mà nói, Chu Nguyên Chương là một tay anh hùng hào kiệt. Ông ta xuất thân nghèo hèn, ít chữ, nhưng tửng trải qua nhiều gian nan thử thách. Cuộc sống chiến đấu tôi luyện cho ông ta thành một chiến binh dũng cảm, một nhà lãnh đạo mưu trí, biết dùng người tài giỏi hơn mình. Không được trời cho Lưu Bá Ôn mưu sĩ tài giỏi và những mãnh tướng trung thành như Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân, thì sự nghiệp của Chu Nguyên Chương sao có thể thành công!

Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) sau cũng phạm tội ác giết chết nhiều công thần, cũng trở thành một tên bạo chúa tàn ác. Yên Vương Chu Đệ, con trai thứ 4 của Chu Nguyên Chương đem quân tấn công ĐẠI ĐÔ (Bắc Kinh), lấy đó là bàn đạp, tiếp tục đánh phá các thế lực còn lại của Mông Cổ, rồi đem quân về giết chết cháu mình, cướp lấy ngôi báu. Chu Đệ, miếu hiệu là Minh Thành Tổ. Chính tên Minh Thành Tổ Chu Đệ (1360-1424) này, đã xua quân đánh bại nhà Hồ (1407), tàn sát không thương tiếc nền văn hóa của nước ta.

Chu Đệ chết, con trai hắn lên ngôi, chẳng bao lâu cũng chết yểu. Cháu nội của hắn là Chu Chiêm Cơ (1399-1435), tức Minh Tuyên Tông lên thay, lấy niên hiệu là Tuyên Đức, tiếp tục gây tội ác với dân ta. Nguyễn Trãi từng mắng nhiếc tên Hoàng đế nhà Minh, rằng “Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng” trong ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ như thế đấy!

3

Vậy tại sao Nguyễn Trãi lại viết là BÌNH NGÔ, chứ không phải là BÌNH MINH?

Thứ nhất, Thái Tổ nhà Minh là Chu Nguyên Chương, từng được phong tước NGÔ QUỐC CÔNG, do Tiểu Minh Vương Hàn Lâm Nhi của nhà Tống phong cho. Sau đó, khi đánh bại được Trần Hữu Lượng, năm 1364, Chu Nguyên Chương tự phong là NGÔ VƯƠNG.

Có lẽ, Nguyễn Trãi muốn lôi cả gốc gác tổ tiên lũ giặc Minh tàn bạo ra để chửi đấy thôi. Nó thể hiện lòng căm hận của tác giả, của nhân dân ta đối với tội ác dã man tàn bạo trời không dung, đất không tha, “Thần người đều giận” đối với giặc Minh.

Thứ hai, kể từ khi Ngô Tôn Quyền đem quân cướp đất Giao Châu của ta, giặc Ngô đã trở thành nỗi ám ảnh với dân ta. Rồi sau đó, giặc Ngô (tức giặc Minh, giặc Hán), trở thành cái tên chung, để chỉ lũ giặc tàn bạo ở phương Bắc nước ta. Thế đấy!

Bạn đang đọc bài viết "Tại sao không "Bình minh Đại cáo" mà lại "Bình ngô Đại cáo" ?" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn