Tấm ảnh cô văn công (Kỳ 9)

Căn cứ ở Lâm Đồng Là nơi làm việc của cơ quan đầu não tỉnh Đà Lạt - Lâm Đồng trong những năm giặc Mỹ chiếm đóng. Đó là quê hương của đồng bào dân tộc Kơ Ho, Mạ, Nùng. Họ có phong tục cà răng, căng tai.

Về trang phục thì đàn ông không mặc quần áo, họ chỉ che chỗ kín bằng một mảnh khố. Cụ bà ở trần, hai bầu vú nhăn nheo chảy dài đến cạp váy. Các em gái mới lớn và thiếu nữ để hở cặp vú rắn chắc tròn trịa đẹp như thiên thần. Họ mặc váy dài quá gối, thêu màu đỏ đen với họa tiết rất đẹp và cầu kỳ.

Cô văn công lần đầu nhìn thấy người đàn ông Kơ Ho từ dưới suối đi lên thì ngượng tím mặt, vội lấy tay bịt mắt.

dt1as-1705067891.jpg

Cô văn công xưa (5/1975)

 

Xấu hổ quá! Cô run bắn cả người vì sợ. Các anh bộ đội cho họ quần đùi bà bô( quần lót của bộ đội) Tối đến họ ôm con gà to tướng đến trả( họ đổi chứ không lấy không)

Không biết họ có nguồn gốc của tây đen không mà tóc xoăn tít.

Người Kơ Ho hiền lành, trung thành với cách mạng. Họ rất thương bộ đội, họ chưa bao giờ nhìn thấy bộ đội cái( họ nói thế) tức là các chiến sỹ nữ.

Họ không hiểu từ Văn công nhưng rất thích nghe các cô hát, múa khi tập và khi biểu diễn. Họ tỏ ra thích thú khi thấy cái đàn Violon của anh Bái và đặc biệt là cái đàn bầu. Họ bảo cái đàn biết nói, biết hát và cả biết khóc ầng ậc nữa. Đó là khi nghe anh Thế Tạ biểu diễn đàn bầu bài "Vì Miền Nam"

dt2ad2-1705067963.jpg

Cô văn công nay (11/2023)

 

Anh Trưởng đoàn lấy cảm hứng từ văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, sáng tác điệu múa mới cho các cô tập. Thấy cô múa, mấy em gái người dân tộc cũng múa theo. Nó ra hiệu cho cô rằng múa điệu dân tộc họ thì phải cởi áo ra, để ngực trần như thế này cơ! Em chỉ vào bộ ngực trần của em. Cô lấy làm lạ là họ để ngực trần suốt ngày đêm, mặc váy hở đùi, không biết có quần lót không mà muỗi không đốt. Còn các diễn viên thì muỗi cứ vo ve bâu vào đốt. Có lúc đang diễn con muỗi đậu vào tai đốt ngứa mà không làm gì được.

Người Kơ Ho, Mạ Chu Ru hút thuốc lá thường xuyên. Đàn bà, con gái cũng hút thuốc gọi là thuốc rê, cô thấy hôi lắm!

Lớp cán bộ ở căn cứ cách mạng Lâm Đồng( gọi là cán bộ R ) cũng quý đoàn lắm. Họ cử người mang gạo, mang lợn gà ra nấu cơm cho đoàn, còn ưu ái tới mức cử hẳn hai cô đầu bếp nấu cơm cho đoàn, đi theo đoàn phục vụ nấu ăn. Hai cô đầu bếp hãnh diện lắm! Các cô xem cô văn công trang điểm, tập múa hát và học hát theo. Cô diễn ở đâu thì chỗ đó lại đón tiếp long trọng. Bữa ăn nào cũng như tiệc. Cơm, thức ăn rất ngon mà ngoài bắc mình đâu có mà ăn. Cô rất ấn tượng với thái độ, cách họ tiếp đoàn vô cùng giản dị nhưng ân cần, thật lòng.

Biểu diễn ở căn cứ một tuần, họ tiến dần về Đà Lạt.

Khoảng 25/4/1975 đoàn đến Đà Lạt. Lúc này Đà Lạt đã được giải phóng từ 3/4/1975. UBQQ tiếp họ và bố trí cho họ ở một ngôi nhà to đẹp của một quan chức chính quyền VNCH đã chạy di tản. Ngôi nhà trên một đồi cao có rất nhiều hoa và cây ăn quả. Về Đà Lạt cô nghe thấy có tiếng vi vu, hỏi ra mới biết là tiếng gió rừng thông hai bên đồi. Bên đường rợp mầu hoa giấy. Cô thích nhất loại hoa giấy này, màu sặc sỡ trắng đỏ hồng, vàng mà Yên Bái khi đó không có và hoa ti gon tím hồng. Cô cảm thấy như đến thiên đường trong phim Tôn ngộ không.

Họ dặn dò các diễn viên ra đường, phố phải đi từng nhóm, phải cẩn thận vì vẫn còn bọn phản động và tàn quân ẩn nấp, trà trộn trong dân. Cô cũng chẳng thấy sợ vì đi cùng các anh trong đoàn. Một anh vớ được khẩu súng vác theo.

Ngày 5/5/1975 họ đến đích cuối cùng là Ninh Thuận.

Ninh Thuận được giải phóng từ 16/4/1975. UBQQ đón tiếp đoàn, bố trí nơi ăn chốn ở, cho xe phục vụ đoàn.

Sau này cô mới được nghe Đoàn trưởng nói:

- Có buổi biểu diễn, bọn phản động có âm mưu ném lựu đạn, bắn súng vào diễn viên nhằm gây hoang mang. Được tin báo UBQQ đã

cử ngay đoàn văn nghệ người chàm diễn xen lẫn để âm mưu không thực hiện được. Cô nghe kể rồi chậc lưỡi:

- Sợ thật, thế mà mình không biết!

Có đêm chuẩn bị diễn thì thấy bộ đội đến ta đến đông hơn ngày thường, hoá ra là có tin khủng nố. Bộ đội được tăng cường, sau đó bộ đội đã bắt được hai thằng phản động, trong người mỗi đứa đều có lựu đạn định phá đêm diễn.

Thời gian ở Ninh Thuận cô đi diễn rất nhiều nơi. Không chỉ cánh đàn ông, thanh niên yêu mến cô mà các dì, các má cũng quý cô lắm. Các má đón đi hái soài, vào vườn soài quả sai chi chít, xanh, vàng đan xen. Chim chóc rất nhiều. Chúng bay từng đàn nhỏ, khoét ăn những quả soái chín. Quả soài giống quả muỗm, quả quéo ở Yên Bái nhưng to hơn, ngọt lừ. Các má bảo con hái ăn cho thoải mái đi! Cô bé chưa bao giờ được thấy quả soài tươi ngon như thế nên định bụng ăn thật nhiều nhưng quả soài to quá, cô chỉ ăn hết một quả. Hái nhiều, ăn không hết, nghĩ đến các anh chị trong đoàn, cô vô tư kéo vạt áo lên để đựng mang về, để hở cả khoảng bụng trắng nõn. Các má buồn cười quá kêu:

- Con nhỏ dễ thương vô tư quá ta! Các má tìm giỏ cho cô dựng soài mang về.

Chị Nguyên có tài trộn soài làm soài dầm rất ngon. Chị thái vát những miếng soài ương giòn, nửa ngọt nửa chua rồi cho đường và ớt vào, trộn đều. Bây giờ ở quán hay bán gọi là soài dầm. Cô mê soài dầm lắm, Cô ăn không biết chán. Cô mang cảm giác ấy ra Bắc nhưng sau này ở ngoài bắc chỉ được ăn những quả soài chín ép, không tươi ngon như ngày hái tại vườn nữa.

Sáu tháng sau, đoàn nhận lệnh trở về Yên Bái. Ủy Ban tỉnh, ty Văn Hóa và các ban ngành tỉnh Ninh Thuận tổ chức liên hoan tiễn đưa trọng thể. Tỉnh tặng đoàn một chiếc ô tô REO chở khách của Mỹ mà ta thu được. Trên nóc xe đầy các can nước mắn của UBND Ninh Thuận tặng UBND tỉnh Yên Bái. Trong khoang xe rộng lắm, cả đoàn ngồi chỉ hết nửa xe. Cũng nhờ món quà này của tỉnh tặng mà các diễn viên mang được rất nhiều quà, hàng hóa miền Nam mua được về nhà.

Ngoài khung xe đạp, buýp bê biết lắc đầu, nhắm mở mắt mà bất cứ người Bắc nào ở Nam ra đều mua. Các diễn viên nam mua quạt Mỹ điện 110v, đầu máy khâu, máy quay đĩa, bàn là và băng cát set. Các cô mua Cát set, khăn voam. Cô nào cũng mua một dây chuyền vàng tây lóng lánh. Những đồ xa xỉ này ở miền Bắc khi đó làm gì có. Các cô còn mua rất nhiều quần áo con của phụ nữ về làm quà vì nó đẹp, mềm mại, dùng rất thích. Ngày ấy áo con của phụ nữ ( gọi là su chiêng ) dày cộp, píc kê ngang dọc cho dày và tạo thành chóp nhọn như cái chóp nón. Nhiều cô mặc áo nâu, áo xanh màu phòng không bị bạc, rách ở hai đầu nhô ra của chiếc áo con. Cô cũng mua rất nhiều sịp các màu về tặng bạn bè và họ hàng.

Vợ chồng chị Bích Thảo mua rất nhiều đồ chơi cho con. Vì nhiệm vụ hai vợ chồng đã phải gửi con ở nhà. Được lệnh về chị vui mừng hơn ai hết vì sắp được gặp con.

Cô tặng bố chiếc ca sét SONY của Nhật bố thích lắm. Đặt trên bàn còn lấy chiếc khăn voam màu đỏ phủ lên. Khách đến chơi ông mở cải lương vở " Cây sầu riêng trổ bông" cho mọi người nghe. Người nghe ôm mặt khóc thút thít vì hay vì thương nhân vật. Bố cô tự hào về cô lắm. Cả thị xã Yên Bái bé nhỏ biết đến cô. Ngày đó cái cát sét đó có giá tương đương một căn nhà cô đang ở.

Cô tặng mẹ chiếc khăn voam, quần sịp và những gộc len( to hơn con len miền Bắc nhiều) các màu để mẹ đan áo. Tặng quà cho em, mỗi đứa một thứ mà chúng thích trong số đồ cô mang về.

Hơn chục năm sau, một đoàn cán bộ Yên Bái có dịp đi công tác Ninh Thuận. Họ vô tình đỗ xe gần hiệu ảnh Duy Phước. Khi dạo bộ, một chú hàng xóm của cô Văn công nhìn thấy tấm ảnh cô vẫn hiên ngang ở vị trí trang trọng trước cửa hiệu. Anh lân la hỏi chuyện, bác chủ tiệm, biết là người quen của cô gái trong ảnh. Ông vui vẻ mời chú vào uống nước và kể lại câu chuyện tấm ảnh cô Văn công. Khi trở về, chú đã kể lại cho cô Văn công nghe. Cô bồi hồi cảm động trước tình cảm của bác chủ tiệm ảnh. Thầm cảm ơn " Tấm ảnh cô văn công" vẫn được bác và người dân Ninh Thuận ưu ái lưu giữ!

Khoảng năm 2006 nhà cô có một thanh niên tìm đến. Nhìn mặt ngờ ngợ, sau giây lát, cả hai đều cất tiếng thảng thốt gọi tên nhau.

- Chị Thảo!

- Nam!

Anh thanh niên tên Nam chính là người con thứ hai của ông chủ tiệm ảnh Duy phước. Anh là cầu thủ bóng đá ở đội Ninh Thuận đi đá giải toàn quốc. Anh đã gặp đội bóng đá Yên Bái. Anh hỏi cô và họ đã đưa anh về đây. Anh nghẹn ngào:

- Cả nhà em kiếm chị hoài à?

- Cô nói trong nước mắt:

- Gặp em chị mừng lắm! Ba má và anh Tuấn khỏe không? Anh Tuấn có mấy đứa con rồi?

Cô gọi chồng, gọi con ra giới thiệu:

- Chồng, con chị đây, chị có 2 đứa con trai.

Nam mang một can to rượu vang làm từ nho đặc sản Ninh Thuận và một can to nước mắm Phan Thiết biếu vợ chồng cô.

Từ đó hai gia đình nối lại liên lạc. Nhưng khoảng mười năm trước đây, trong lúc chăm chồng bị bệnh trọng cô đã đánh rơi điện thoại vào nước. Tất cả số điện thoại không lấy lại được, cùng với nỗi đau chồng mất nên cô bỏ, không liên lạc với gia đình bác thợ ảnh từ đó.

Câu chuyện về cô Văn công chưa tròn 17 tuổi vượt Trường Sơn vào biểu diễn cho các chiến sỹ và đồng bào miền Nam thật cảm động.

Ở tuổi U70 cô Văn công khi xưa vẫn còn mặn mà đằm thắm. Cô là thành viên của Hiệp hội nữ doanh nhân TP Yên Bái. Là hạt nhân văn nghệ của phường của các câu lạc bộ. Những kỷ niệm sôi sục về một thời tuổi trẻ vượt Trường Sơn tưởng ngủ yên nay bật dậy thôi thúc cô kể lại câu chuyện này.

Không biết bây giờ TẤM ẢNH CÔ VĂN CÔNG còn treo ở tiệm ảnh DUY PHƯỚC Thành phố Phan Rang hay không?

Cô muốn nhờ bạn đọc, đọc được câu chuyện này xin comen lên bài viết giúp cô.

(Còn nữa)

Hà nội, ngày 11/11/2023

T.H.Q