Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về biển và hải đảo

Nguyễn Duy Dương (Cựu chiến binh Hải quân Việt Nam)

14/09/2023 11:12

Theo dõi trên

Trong khoảng mấy thập kỷ gần đây, tài nguyên thiên nhiên trên đất liền dần cạn kiệt bởi sự khai thác dồn dập phục vụ cho việc phát triển kinh tế, các quốc gia dù có biển hay không có biển bắt đầu hướng ra đại dương và có những nhận thức mới về tầm quan trọng của biển và hải đảo trong việc phát triển kinh tế cùng an ninh quốc phòng.

aa1-1694664693.jpg
Hình ảnh Bác Hồ hướng dẫn các vị khách nước ngoài thăm vùng biển nước ta (ngày 22/1/1962)

Các nhà nghiên cứu chiến lược biển đã chỉ rõ giá trị lớn lao của biển khi có tới 75% hàng hoá trên thế giới được chuyên chở bằng đường hàng hải đến khắp năm châu. Bên cạnh đó là biết bao tài nguyên khoáng sản còn nằm sâu dưới đại dương; các nguồn lợi thu được từ biển là vô cùng lớn từ dịch vụ du lịch đến việc khai thác muối ăn và hàng nghìn loài hải sản phục vụ cho cuộc sống của con người. Biển cũng là đường biên giới mềm giúp cho việc phòng thủ vững chắc cho các quốc gia ven biển. Chính vì vậy, rất nhiều nước đã có những tranh chấp về chủ quyền trên biển nhằm tranh giành quyền kiểm soát và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên đầy tiềm năng này. Đứng trước những nguy cơ leo thang chiến tranh do xung đột chủ quyền biển đảo, Liên hiệp quốc đã nhóm họp và có công ước về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) quy định rõ quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia có biển, đảo. … Tuy nhiên, trong bài viết này; chúng tôi chỉ đề cập đến tầm nhìn sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự quan trọng của biển và hải đảo Việt Nam ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Theo chúng tôi, tầm nhìn chiến lược vượt thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên đó là việc Người đánh giá cao vai trò của biển đảo trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Qua những chuyến hải trình bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước kể từ khi lên con tàu Amiral Latouche-Tréville, còn được gọi là tàu Đô đốc Latouche-Tréville - là một thương thuyền của Công ty Vận tải đường biển Chargeurs Réunis của Pháp, người thuỷ thủ Văn Ba (tên của Hồ Chí Minh lúc đăng ký làm phục vụ trên tàu) đã nhận thức được tầm quan trọng của biển về kinh tế và an ninh quốc phòng đối với các quốc gia và Người vận dung sự hiểu biết đó vào thực tiễn của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, ngay sau khi cuộc cách mạng tháng Tám thành công.  Trước khi lên đường sang Pháp ngày 31 tháng 5 năm 1946, Người đã ủy nhiệm cụ Huỳnh Thúc Kháng đảm nhận vai trò quyền Chủ tịch nước. Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khi tạm quyền, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký sắc lệnh số 125/QĐ ngày 19/7/1946 thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam.

Sau chuyến thăm với tư cách là thượng khách của nước Cộng hòa Pháp trở về ngày 18/10/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến với Cao ủy Pháp D’Argenlieu trên tàu Đuymông Đuyếcvin tại Vịnh Cam Ranh (Khánh Hoà ngày nay). Khi D’Argenlieu nói: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã yêu quí mến tặng Napoleon cái tên “Người đội trưởng nhỏ”. Hồ Chí Minh đáp: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”. Với tài ứng phó, qua câu trả lời dí dỏm thông minh, Người đã khẳng định chủ quyền dân tộc nói chung và chủ quyền biển đảo nói riêng. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, thực dân Pháp rút khỏi miền Bắc nước ta, ngày 07/5/1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng thành lập Cục phòng thủ bờ biển - trên cơ sở các cán bộ chiến sỹ của Hải quân nhân dân Việt Nam đã thành lập trước đó để bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc. Chưa đầy một tháng sau, ngày mùng 02 tháng 6 năm 1955; Người đã đến thăm Hải Phòng lần thứ 2 (lần thứ nhất là ngày 20 tháng 10 năm 1946) – nơi có cảng quan trọng nhất, cũng là trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc lúc bấy giờ. Đồng thời, trong chuyến đi đó Người còn đến thăm Quảng Ninh, một tỉnh có đường biển dài bậc nhất và là tỉnh địa đầu Tổ quốc (hai tỉnh này cũng là nơi được đón nhận sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi lúc sinh thời Người đã về thăm mỗi tỉnh 9 lần) Ngày 10/4/1956, khi nói chuyện tai Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Hồ Chủ tịch đã nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển. Vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ nấp ở miền biển. Nếu để nó lọt vào, thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.

Tháng 3/1961, khi đi cùng các cán bộ, chiến sĩ quân chủng Hải quân vào thăm hang Đầu Gỗ (Hạ Long, Quảng Ninh), “công binh xưởng” xưa kia quân sỹ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đẽo cọc cắm trên sông Bạch Đằng để chống giặc  Nguyên - Mông, Chủ tịch Hồ  Chí Minh căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng lớn lao không chỉ đối với người dân vùng mỏ mà còn có giá trị đối với cả dân tộc ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người coi biển, đảo là biên giới thiên nhiên để gìn giữ chủ quyền, là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời. Nó có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng và phát triển kinh tế, mang lại giá trị văn hóa biển đảo, giá trị tinh thần cho nhân dân cả nước nói chung. Đồng thời Hồ Chí Minh đã thể hiện tư duy chiến lược sắc bén khi khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển …

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nổ ra, việc đưa bộ đội cùng với lương thực, vũ khí, đạn dược vào chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường bộ cuối những năm 50 của thế kỷ trước hết sức khó khăn, nguy hiểm. Hồ Chủ tịch đã chỉ thị cho Bộ quốc phòng thành lập tuyến đường vận tải trên biển vào ngày 23/10/1961. Những “con tàu không số” được nguỵ trang thành tàu buôn, tàu đánh cá đã trải qua nhiều chuyến hải trình dằng dặc từ Quảng Ninh, Hải Phòng tới tận Cà Mau. Bằng ý chí dũng cảm, nghị lực phi thường, trong suốt 15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), “đoàn tàu không số” đã huy động được gần 1.900 lượt tàu thuyền và vượt hàng ngàn hải lý, chống chọi với hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 máy bay và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch để vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam. Những “con tàu không số” cùng với những anh hùng thầm lặng ấy đã góp một phần không nhỏ cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Không chỉ nhìn biển đảo với tầm quan trọng về quốc phòng an ninh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy rất sớm vai trò kinh tế biển đảo, nhất là của Vịnh Hạ Long và cách thu được lợi nhuận từ “ngành công nghiệp không khói”. Người đã nhiều lần thăm đảo Cô Tô và đây là nơi duy nhất và đầu tiên đồng ý cho phép dựng tượng đài khi Người còn sống. Tượng đài Hồ Chí Minh đứng uy nghiêm, lưng tựa vào núi, tay phải giơ cao vẫy chào, mắt nhìn ra biển Đông. Việc Hồ Chí Minh đồng ý xây tượng đài mình trên đảo Cô Tô có lẽ cũng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược khi khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam của vị lãnh tụ thiên tài dân tộc. Người từng căn dặn đồng bào nơi đây: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong muốn đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đưa những bạn bè quốc tế đến thăm nhiều biển đảo Việt Nam như một cách giới thiệu vẻ đẹp của đất nước mình với thế giới và đồng thời khẳng định chủ quyền vùng biển đảo Tổ quốc. Khi đến thăm Quảng Ninh vào tháng 10/1957 ; đứng trước vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long, Người nói: “Cảnh đẹp một người không thể truyền lại cho nhiều người. Tất cả các chú phải cùng Bác thưởng thức”. Lần thứ tám khi đến thăm Quảng Ninh vào ngày 23-11-1963, Hồ Chí Minh tới đảo Tuần Châu. Tại đây Người căn dặn “Phải biến đảo Tuần Châu thành đảo ngọc châu”.

Lần khác, khi đến thăm Quảng Ninh, Hồ Chí Minh hỏi đồng chí Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh: “Chú có muốn làm giàu kiếm nhiều đô la không?” Vị lãnh đạo tỉnh còn chưa kịp hiểu ý, thì Người đã nói tiếp: “Chú dùng trực thăng, sáng chở khách ra đảo chơi, tối chở họ về thì tha hồ mà hốt bạc”. 

Năm 1960, khi đến làng chài thuộc thành phố Sầm Sơn (Thanh Hoá), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các cán bộ trong tỉnh này: “Nếu nơi đây có một hệ thống dịch vụ khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải”.

Những lời gợi ý của Người giống như kim chỉ nam cho nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân Quảng Ninh, Thanh Hoá ở thời điểm đó và nhân dân của 26 tỉnh có biển sau này khi đất nước đã thống nhất về việc khai thác tiềm năng du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người trong thời đại ngày nay. Với chiều dài 3260 km đường biển, với diện tích biển hơn 1 triệu km² và hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ có được; chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng tối đa việc khai thác tài nguyên thiên nhiên biển cho phát triển kinh tế biển đảo. Trong vài chục năm trở lại đây, ngành du lịch biển phát triển mạnh ở các tỉnh có bãi tắm đẹp. Người ta đầu tư xây dựng không chỉ ở cạnh các bãi biển mà còn ở những đảo, quần đảo nhiều khu vui chơi giải trí có sức thu hút khách khá cao. Tuy nhiên, cũng còn có nhiều vấn đề đáng báo động đó là các dịch vụ chưa phù hợp với khả năng tiêu dùng của khách, chưa đa dạng và phong phú; chưa nói đến những phương thức kinh doanh thiếu minh bạch khiến cho khách du lịch phản cảm… Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên cũng còn nhiều yếu tố bất hợp lý khiến cho những cồn cát trắng miền Trung vơi dần mà hiệu quả kinh tế không cao. Việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển cũng là vấn đề khiến cho người viết băn khoăn; bởi mãi đến năm 2007 chúng ta mới có nghị quyết Trung ương về “Chiến lược biển”, tuy nhiên việc đầu tư cho lực lượng gìn giữ chủ quyền biển đảo còn hạn chế. Lực lượng tàu Hải quân, Cảnh sát biển còn mỏng khiến việc kiểm soát các vùng lãnh hải vùng và đặc quyền kinh tế, vùng dầu khí Vũng Tàu… rất khó khăn. Công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức giữ gìn chủ quyền và môi trường biển đảo chưa được thường xuyên mà chỉ mang tính thời vụ…

Thiết nghĩ, tầm nhìn chiến lược về biển đảo cũng là một trong những nội dung của việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh do Đảng ta phát động hiện nay.  Tuy nhiên, việc học tập ấy phải gắn với thực tiễn đồng thời cần vận dụng một cách sáng tạo để vừa giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển, vừa phát huy việc khai thác tiềm năng của biển cùng các ngành nghề liên quan tới lĩnh vực này, giúp cho đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

Bạn đang đọc bài viết "Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về biển và hải đảo" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn