Tản văn: Trầu không

Nguyễn Thị Hồng Hạnh

15/06/2022 05:47

Theo dõi trên

Trầu không. Mẹ tôi gọi lá trầu như vậy.

trau-khong-1655246781.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Trầu không. Một loại lá cay cay thơm thơm đi cùng với miếng cau chút vôi trắng đã làm nên truyện cổ tích về tình nghĩa vợ chồng, anh em thủy chung son sắt. Trầu không đã làm nên miếng trầu cánh phượng cho liền chị liền anh Quan họ giao duyên trong hội Lim.

Trầu không gắn bó thân thiết trong đời sống hàng ngày của người Việt từ bao đời nay. Cái cơi trầu nho nhỏ xếp những miếng trầu xanh cau trắng đón khách, bởi “ miếng trầu là đầu câu chuyện” mà. Giàn trầu không xanh biếc trở nên thân thiết với mỗi người. Nhà ai có giàn trầu xanh tốt gia đình đó sẽ làm ăn phát đạt. Các cụ vẫn nói thế. Không biết điều đó có đúng không. Nhưng với tôi trầu không chỉ đơn giản là thứ từng gắn bó với cuộc đời mẹ tôi.

Mẹ tôi một người đã trồng trầu, ăn trầu từ những ngày mẹ biết đi cấy. Vào những ngày đông giá buốt khi đi cấy mẹ thường đem theo một gói trầu têm sẵn bỏ trong túi áo. Bước xuống ruộng, chân dầm trong bùn, tay thoăn thoắt cấy, miệng vẫn nhai trầu. Mẹ nói vị cay nồng của trầu vôi hoà quyện làm người ấm nóng lên cái buốt lạnh của giá rét cũng bớt đi nhiều.Giàn trầu của mẹ xanh tốt mơn mởn. Mùa hè nắng gắt mẹ cắt lá chuối trong vườn che cho lá trầu khỏi bị cháy nắng.nMùa đông vẫn những tầu lá chuối ấy mẹ lại che sương muối tránh cho trầu bị táp lá. Mẹ thường hái trầu vào buổi sớm và chọn những lá trầu bánh tẻ ( loại lá không quá non và không quá già) tôi hỏi mẹ sao chọn lá ấy. Mẹ bảo lá bánh tẻ vừa giòn vừa đậm lại thơm. Hôm nào phải hái trầu vào ban đêm trước khi hái mẹ thầm thì:

Trầu ơi trầu à

Tao là người nhà

Tao xin mấy lá

Mày đừng giận nhá

Mẹ bảo nói vậy cho dây trầu nhận ra người thân thì sẽ không bị rụng lá, không bị chết. Những khi tôi hoặc ai đó trong nhà bị cảm lạnh, đau đầu sổ mũi mẹ lấy lá trầu vò nhẹ trong lòng bàn tay rồi xoa dọc xống lưng và hai bên thái dương. Mẹ bảo đấy là “ đánh gió” làm thế người ốm sẽ nhẹ người và nhanh khỏi bệnh. Mẹ còn dặn dò chúng tôi rằng: nếu những em bé mới sinh mà có hiện tượng chướng hơi thì lấy lá trầu không hơ nóng ấp vào rốn cho em bé sẽ giúp cho hơi dễ tiêu... Qua mẹ mà tôi biết thêm nhiều tác dụng của lá trầu không.

 Từ ngày mẹ mất, giàn trầu đang xanh tốt không hiểu sao cứ héo lụi dần dù chúng tôi vẫn tưới chăm đều đặn. Những ngày giỗ mẹ tôi vẫn tìm mua những lá trầu bánh tẻ về cúng mà cứ mong rằng ở miền xa thẳm ấy miếng trầu vẫn làm mẹ ấm lòng đỡ lạnh khi cấy lúa mùa đông.

Trầu không giờ ít người trồng, ít người ăn trầu nữa. Nhưng trầu cau vẫn hiện diên trong ngày cưới hỏi, tang gia, lễ tết của người Việt mình. Vẫn in sâu trong tâm thức mỗi người Việt về tình vợ chồng thủy chung, tình gia đình sâu đậm như câu truyện “ Sự tích Trầu Cau” vậy.

Và với tôi mỗi khi cầm lá trầu không trong tay hình ảnh người mẹ tảo tần miệng đỏ quết trầu lại hiển hiện. Bởi mẹ luôn trong trái tim tôi.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Tản văn: Trầu không" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn