Năm 2018, anh Nguyễn Văn Thao (SN 1985), trú tại thôn Lâm Phúc là một trong những hộ dân tiên phong đưa loài quất xứ Bắc về trồng trên mảnh đất cằn cỗi xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Anh Thao từng tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 1 (Hà Nội). Sau khi ra trường, anh làm việc tại Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).
Sau hơn 5 năm sản xuất cho thấy, cây quất phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, đặc thù thời tiết ở Hà Tĩnh khắc nghiệt, mưa nắng thất thường nên để quất đậu quả và chín đúng dịp Tết, người trồng cần phải có kỹ thuật và kinh nghiệm.
“Giai đoạn tháng 5 và tháng 6 âm lịch, chúng tôi phải thăm vườn thường xuyên, nếu phát hiện cây nào có quả cần cắt bỏ kịp thời. Giai đoạn cho cây đậu quả đẹp nhất là vào tháng 7 âm lịch, bởi đậu quả thời điểm này sẽ giúp quả chín vào đúng dịp Tết, nâng cao giá trị kinh tế”, anh Thao chia sẻ.
Theo chủ vườn quất, nghề trồng quất cảnh khó nhất là công việc “gò quất”, cắt tỉa, tạo dáng cho cây.
Năm nay, anh Nguyễn Văn Thao trồng hơn 1.200 gốc quất nhưng do thời tiết bất thuận nên có đến gần 50% diện tích bị hư hỏng, không thể tiêu thụ trong dịp Tết 2024.
Mặc dù vậy, nhờ chăm sóc tỉ mỉ nên quả quất to, mọng, chín đều màu, được thương lái đặt hàng với giá khá cao, giao động từ 350.000 đến 800.000 đồng/gốc (cao hơn năm ngoái từ 50.000 đến 100.000 đồng/gốc).
“Năm nay có khoảng trên 600 gốc bán đúng dịp Tết. Quất tôi trồng có quất thế và dáng tháp, hiện nay có khoảng 200 gốc đã có người đặt mua. Số còn lại cận Tết tôi sẽ đem ra phố bán. Ước vườn quất năm nay thu về khoảng 200 triệu đồng tiền lãi”, anh Thao nhẩm tính.
Những quả quất căng tròn, vàng óng chờ ngày lên phố phục vụ khách hàng trang trí Tết.