Năm 2022 thực hiện mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch quốc tế

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch vào chiều 15/7. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp, trực tuyến, kết nối tới các tỉnh, thành phố.

Chú thích ảnh Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

 

Sau báo cáo do Thứ trưởng Tạ Quang Đông trình bày, 11 ý kiến phát biểu của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương đã đóng góp hoàn thiện, đồng thời nêu rõ phương hướng, kiến nghị các phương án để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của năm 2022.

Trong đó, Tổng cục Du lịch đã nêu các phương án nhằm thực hiện mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch quốc tế năm 2022 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, bù đắp sự sụt giảm của thị trường khách Trung Quốc, Nga khó phục hồi sớm và tăng trưởng mạnh trở lại trong ngắn hạn. Theo đó, ngành Du lịch sẽ tiếp tục khai thác tốt các thị trường đã có kết nối lại hàng không, cho phép công dân đi du lịch nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê sau dịch COVID-19. Toàn ngành tập trung thị vào trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Australia, ASEAN; linh hoạt, chuyển hướng khai thác thị trường mới, có khả năng tăng trưởng Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông; thị trường nói tiếng Nga (khách từ Nga đi du lịch qua nước thứ 3), Uzbekistan, Azerbaijan…

Tổng cục Du lịch sẽ kết nối, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hàng không và Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch triển khai Chương trình “Live fully in Vietnam” thông qua chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Tây Âu, Australia và New Zeland. Bên cạnh đó, ngành tham gia tổ chức gian hàng du lịch Việt Nam và xúc tiến tại Hội chợ Du lịch JATA (tại Nhật Bản vào tháng 9/2022), Hội chợ WTM (tại London vào tháng 11/2022); phối hợp với các hãng hàng không triển khai các gói kích cầu, áp dụng cho nhiều đường bay để cùng thu hút nhanh khách vào Việt Nam. Ngành tổ chức khảo sát tại Việt Nam cho hãng lữ hành, báo chí từ châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ; phát huy vai trò Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ kết nối lại doanh nghiệp du lịch Việt Nam với các đối tác nước ngoài sau khi bị gián đoạn bởi COVID-19...

Trong 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 413.000 lượt. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2022 tăng gấp đôi so với tháng 4; tháng 6/2022 tăng gấp 4 lần so với tháng 5. Đa số là khách từ các quốc gia được miễn thị thực (Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia), khách sử dụng thị thực điện tử (Mỹ, Australia, Ấn Độ). Mặc dù vậy, thời gian qua, lượng khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn hạn chế...

Các đại biểu đã tham luận về phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch; xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở; chuẩn bị Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022; giải pháp phục hồi phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19; kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021...

Chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, từ nhìn lại 6 tháng qua, thời gian tới, toàn ngành rà soát, xem xét các đầu việc đã làm được, còn lại những việc cần tiếp tục hoàn thiện, việc mới cần bổ sung, chuyển hóa những kế hoạch hành việc làm, hành động cụ thể. Toàn ngành cần dành nhiều thời gian, công sức để tiếp tục hoàn thiện chương trình tổng thể chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2045; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao phải tích hợp chung vào quy hoạch tổng thể quốc gia để có cơ sở thực hiện chính sách, đầu tư; quy hoạch điểm đến, khu du lịch để thu hút đầu tư, tạo ra sản phẩm ở những nơi có tiềm năng trên toàn quốc...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, toàn ngành tập trung cho thể chế, cố gắng hoàn thiện, không trông chờ, sau khi ban hành phải tổ chức triển khai sớm nhất; nỗ lực tạo sự chuyển biến thực chất về xây dựng môi trường văn hóa, lan tỏa được các giá trị văn hóa đến các địa bàn dân cư, tạo ra cuộc vận động xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, xây dựng văn hóa công nhân, doanh nghiệp, doanh nhân... Với thể thao là tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc, trên cơ sở đó phát hiện các tài năng cho đất nước, đồng thời phát huy phong trào toàn dân rèn luyện theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đề cập đến kinh tế du lịch, Bộ trưởng đề nghị cần phải tham mưu để các địa phương có thêm nhiều điểm đến an toàn, sản phẩm du lịch mới để du lịch ở mọi miền Tổ quốc đều có bước tăng trưởng. Toàn ngành phải chú ý đến văn hóa nghệ thuật, có được nhiều tác phẩm, chương trình lưu diễn nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân…

Theo báo cáo, dự toán ngân sách năm 2022 của nhiều tỉnh, thành phố phân cho lĩnh vực cho văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt tỷ lệ trên 2% tổng chi ngân sách địa phương (Vĩnh Long chi 2,78%; Lào Cai chi 3,33%; Ninh Bình 4%... Hà Nội bố trí 15.100 tỷ đồng đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2021-2025 (thể thao 610 tỷ, di sản 14.000 tỷ, bảo tàng 400 tỷ). Những số liệu trên cho thấy quyết tâm và sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc bố trí nguồn lực thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được các địa phương tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đưa vào hoạt động có hiệu quả, phát huy tốt công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu hưởng thu của nhân dân. Các thiết chế này đã phục vụ tốt công tác tuyên truyền, cổ động thực hiện các nhiệm vụ chính trị; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao giữa các vùng, khu vực, tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…