Để tôn vinh vai trò người phụ nữ có thiên chức mang nặng đẻ đau, nuôi dạy con cái nên người, một số quốc gia đã tổ chức một ngày đặc biệt hết sức long trọng, tưng bừng (có thể nhiều tên gọi khác nhau như tết Mẹ, tết Con Gái) nhưng tựu trung đều cùng chung mục đích vinh danh người phụ nữ.
Tết Phụ nữ Nhật Bản tổ chức vào đầu tháng 3 hàng năm; khi hoa anh đào nở rộ cùng mùa xuân về, bắt đầu từ thời đại Bình An (Heian) ở Nhật. Thời đó, các bé gái gia đình quý tộc tổ chức những trò chơi tao nhã với búp bê; là trò chơi búp bê của bé gái thôi, nên người ta chỉ gọi là Hina Asobi (ひいな遊び) hay Asobigoto (遊びごと). Đến triều đại Gianh Hội (Edo) thì lễ hội trước kia tổ chức trong tầng lớp quý tộc nay phổ biến rộng khắp cả nước. Người Nhật tổ chức Tết cho các bé trai và bé gái vào hai ngày khác nhau. Ngày của các bé gái được tổ chức vào ngày 3/3 và ngày của các bé trai là ngày 5/5 hàng năm. Ngày của các bé gái trong các gia đình có con gái sẽ trưng bày những búp bê truyền thống gọi là “Hina” để cầu cho con mình lớn lên khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc.
Ngày 8 tháng 3 hàng năm là ngày Tết của Phụ nữ ở Pháp. Vào ngày này năm 2023, hàng nghìn người phụ nữ đã biểu tình ở Paris để đấu tranh cho quyền phụ nữ. Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, người Pháp đòi hỏi công bằng trong lương hưu và phản đối sự bất bình đẳng về tiền lương giữa nam và nữ. Trong gia đình đến ngày tết này, con cái thường tổ chức tặng quà, tiệc tùng, khiêu vũ hay đi du lịch cho mẹ và các chị em.
Tại Nepal, tết Phụ nữ tổ chức vào trung tuần tháng 4 hàng năm, kéo dài liên tục 3 ngày; các nơi đều rợp trời sắc màu áo quần của phụ nữ đi trẩy hội. Bữa cơm trong gia đình thịnh soạn do người chồng đi chợ và nấu nướng; một số phụ nữ thường hay bị chồng đánh mắng sẽ đi đến các đền miếu tuyệt thực; bao giờ người chồng đến tìm và thề trước thần linh sẽ không làm thế nữa, họ mới chịu về nhà; ý nghĩa tục lệ này để tưởng nhớ thần Siva và vợ ngài là Parvati. Người dân Nepal sẽ thực hiện nhiều nghi thức cổ xưa như toàn bộ phụ nữ đều phải trai giới, phụ nữ đã kết hôn thường tới sông Bagmati tắm rửa, cầu cho hôn nhân hạnh phúc bền lâu, gia đình bình an. Còn những thiếu nữ chưa chồng cũng tắm trước sự chứng kiến của mọi người, với ước mong được thần ban cho tấm chồng tử tế. Tết Phụ nữ mỗi năm đều tổ chức 3 ngày, ngày đầu dành cho các nghi lễ tế thần, hai ngày sau dành cho các hoạt động vui chơi.
Tại Thụy Điển tết Phụ nữ còn gọi là tết “Ánh sáng” theo truyền thuyết Lucia vốn là phu nhân xinh đẹp của một đại quan thời đế chế La Mã; bà là tín đồ cơ đốc giáo,bị La Mã coi là tà giáo nên đâm mù đôi mắt. Bà đã khổ công cầu nguyện; với đức tin mãnh liệt sau này bà được trở lại sáng mắt. Từ đó về sau người dân Thụy Điển có tục lệ vào ngày 13 tháng 12 hàng năm gọi là Tết Lucia (ngày ánh sáng), mọi gia đình đều dọn bữa ăn sáng rất thịnh soạn, lúc trời còn tờ mờ, chỉ dùng ánh đèn nến lung linh. Tại thủ đô Stockholm tổ chức một cuộc thi chọn tiểu thư Lucia; người được chọn sẽ ăn mặc thật đẹp, trên mũ có thắp nến, cưỡi ngựa; được vây quanh bằng những thiếu nữ xinh đẹp mặc y phục màu trắng rầm rộ diễu hành qua các đường phố.
Tại Đức ngày tết Phụ nữ 8-3 là ngày phụ nữ có quyền cao nhất; họ ăn mặc đẹp, vui hết mình, tham gia nhiều lễ hội. Các phụ nữ ở trong thành phố Leipzig chọn ra một số người đại diện điển hình; đóng vai những cô thợ giặt là quần áo ngày xưa; sau đó kéo đến “chiếm” tòa thị chính thành phố. Thị trưởng thành phố hôm đó sẽ đích thân trịnh trọng, trao tặng họ một chiếc chìa khóa tượng trưng cho quyền lực của thành phố này.
Tết Phụ nữ tại Thái Lan vào ngày 12 tháng 8 hàng năm còn gọi là ngày Tết Mẹ. Hai tháng trước đó, một Ủy ban cấp quốc gia họp và tuyển chọn ra các bà mẹ ưu tú; ai cũng có thể đăng ký dự tuyển; là các bà mẹ đạo đức tốt, dạy con ngoan, nghề nghiệp chính đáng, hình thức khỏe mạnh, có nhiều cống hiến cho xã hội. Ngày này tất cả mọi cơ quan, trường học đều tổ chức những hoạt động vui chơi sôi nổi, có mục đích nhắc nhở mọi người nhớ đến công lao nuôi dạy của người mẹ. Vàothời điểm này ở Thái Lan hoa nhài nở rộ; khắp nơi kết thành vòng hoa tặng mẹ; nên hoa nhài người Thái còn gọi là hoa “mẫu thân”.