Tết lính

Là lính thời bọn tôi thì nhiều năm phải ăn tết xa nhà. Mỗi khi đến thời khắc giao thừa bước sang năm mới, lính trẻ nhớ nhà đến vô cùng. Hồi đó không có ti vi, chỉ có cái đài của ông Chính trị viên tiểu đoàn mở lên nghe. Trời lạnh khó ngủ lại nhớ đến người thân và bạn bè. Buồn đến tái tê cõi lòng...
tet-linh-1643041202.jpg
Ảnh minh họa

 

Nhưng với tôi, nhớ nhất là cái tết năm 1979, khi đó tôi đi thực tế làm trợ lý xăng dầu ở Sư đoàn 345, Quân Đoàn 29, đóng quân cách Lào Cai 13km (thường gọi là cây số 13).

Lính trên biên giới ngày đó đói lắm, chỉ có gạo hẩm với cá khô mục và... muối. Lính tráng lên rừng, lội suối kiếm được thứ gì thì ăn thứ đó, còn không thì vẫn "nước chấm đại dương, bát canh toàn quốc"...

Chiều 25 tết, thủ trưởng Hậu (khoảng 50 tuổi) thiếu tá Chủ nhiệm hậu cần Sư đoàn gọi tôi lên bảo, sáng mai cậu và thằng Vui (lái xe Xitec) về kho AH190 (Đông Anh, Hà Nội) chở xăng dầu lên cho Sư đoàn, tình hình bây giờ căng lắm phải chủ động chứ nếu nó (Tàu) đánh, không có xăng là trở tay không kịp. Lấy xăng xong chúng mày phải lên ngay, đừng chậm trễ.

Tôi nhận lệnh, vừa đi được vài bước, ông Hậu gọi lại:

- Mà thôi, đầu giờ chiều mai hãy đi. Sáng mai tao bảo mấy thằng lính lên rừng kiếm lá dong, chúng mày buộc quanh xe téc chở về Đông Anh bán, được chút nào mua hết rau cho đơn vị. Cứ muối với cá khô mãi, sót ruột quá...

*

Chúng tôi lên đường, quanh xe là những bó lá dong to bản xanh mướt. Đến nửa đêm, vì đường sá khó đi nên đành ngủ lại dọc đường. Tới Đông Anh, hai thằng dỡ lá dong xuống bán vèo một lúc là hết (bây giờ tôi không nhớ là bán được bao nhiêu tiền). Sau đó chúng tôi vào kho AH190 lĩnh xăng dầu, rồi đi mua rau bắp cải, su hào... chằng buộc quanh xe. Thằng Vui bảo tôi, anh cho em về thăm nhà một chút. Nhà em cách đây hơn 10 cây thôi. Về ăn bữa cơm với bố mẹ em, coi như được ăn tết sớm rồi lên đường. Tôi gật đầu đồng ý và nhắc Vui dừng xe để tôi mua chút quà về biếu các cụ.

Đến nhà Vui, bố mẹ và hai đứa em mừng quýnh. Nhà Vui nghèo lắm. 27 tết mà chưa thấy có cái gì gọi là tết cả. Tôi ra xe lấy túi quà và mấy cái bắp cải, su hào đưa cho mẹ Vui nấu ăn. Ông bố Vui ra chợ mua được nửa cân thịt lợn, mang về để sốt cà chua. Vui thì đi vào xóm kiếm được nửa lít rượu. Bữa cơm có bố mẹ Vui và hai đứa em. Trong ngôi nhà mái lá chiều tối hôm đó, bên ngọn đèn dầu lúc đầu đầy ắp tiếng cười, nhưng tiếng cười cứ tan dần chỉ còn là nỗi âu lo hiện lên khuôn mặt của bố mẹ Vui.

Tiễn chúng tôi ra xe lên biên giới, mẹ Vui trả lại chúng tôi mấy chiếc bắp cải. Mẹ nói, dưới xuôi không thiếu. Còn cân lạc, ít vừng mẹ cho các con mang lên đó rang lên làm lọ muối vừng mà ăn. Bố Vui thì nắm tay tôi dặn dò, các con nhớ giữ gìn sức khỏe, thằng Vui nhớ viết thư về cho cả nhà biết tin. Hai em của Vui còn nhỏ, chúng nó nhìn theo anh mà chẳng nói được lời nào. Vui vội ôm hai đứa rồi ra xe

Lên xe, cả một quãng đường dài tôi và Vui cũng chẳng nói với nhau câu gì. Tôi cứ nghĩ đến bữa cơm đạm bạc ngày giáp tết và lúc chia tay ở nhà Vui. Ngày tết là ngày được đoàn tụ, vậy mà Vui và tôi, hai thằng lại xuyên đêm lên biên giới. Bố mẹ Vui chắc là lo lắng và buồn nhiều lắm...

Đi được nửa đường Vui đánh xe vào lùm cây ven đường, chúng tôi chải chiếu dưới gầm xe, chăn chùm kín đầu, mặc dù trời rất lạnh, vậy mà hai thằng vẫn làm một giấc ngon lành.

*

Về đến đơn vị, ông Hậu ra đón. Ông cười lớn, tết này là có rau ăn rồi. Biết chúng mày về, tao bảo mấy đứa để phần cơm, chúng mày lấy cái bắp cải mà luộc lên, ăn cho đã. Chiều 30, tao tổ chức ăn tập trung cho vui, thằng nào thức được thì ở đây đón giao thừa.

Vậy là bữa cơm tất niên năm ấy, ngoài mấy miếng thịt lợn, mỗi thằng được một góc bánh chưng, chúng tôi có thêm rau bắp cải, su hào. Ông Hậu còn cho mấy thằng chúng tôi uống rượu Bắc Hà. Đêm biên giới, dưới ánh đèn bão tôi cứ ngắm nhìn ông, người lính già, tóc đã điểm sương mà vẫn còn trụ lại cùng chúng tôi trong cuộc chiến chống Tàu.

P/s: Viết những dòng này tôi rất nhớ cụ Hậu. Nếu còn chắc cụ đã ngoài 90 tuổi. Còn Vui kể từ ngày đó tôi không có dịp gặp lại. Biết đâu nhờ có Facebook tôi sẽ gặp lại cụ Hậu và Vui, những người lính thắm tình đồng đội của tôi nơi biên cương Tổ quốc.

Theo Trái Tim Người Lính