Ở Thừa Thiên - Huế mỗi khi trông thấy hoa giấy Thanh Tiên xuất hiện khắp nơi nơi, trong chợ quê, trên các nẻo đường… mọi người đều biết Tết - Tết đến rồi.
Theo sự tích "Bánh chưng bánh dày" thì người Việt đã ăn tết từ trước thời vua Hùng, nghĩa là trước 1000 năm bắc thuộc. Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.
Tết Nguyên Đán là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc; với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh… Vì Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương lịch.
Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết là ngày đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội. Tết cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về đón Tết với con cháu. Sau 3 đến 7 ngày tết lại có phong tục “cúng đưa” ông bà về.
Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, thăm lại ngôi nhà xưa với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương thiêng liêng về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.