Tết và vận khí (Một kỷ niệm khó quên)

Một năm, dù theo lịch âm hay dương cũng đều chỉ chứa 24 ngày tiết. Đêm ba mươi, khép lại một năm cũng là lúc các tiết khí quay trở lại vận hành từ đầu.

Cây cối nảy nở, đâm chồi, nảy lộc bắt đầu một chu kỳ phát triển mới. Muông thú cũng bắt đầu một giai đoạn mới. Chỉ có con người là không biết mình sẽ làm gì và sẽ ra sao kể từ đêm trừ tịch. Thế nên mỗi khi tết đến xuân về, con người lại khắc khoải, lại chờ mong vào một năm mới, một vận hạn mới kể từ ngày mồng một TẾT! Thế nên mỗi mùa tết lại có nhiều lễ hội cầu mong của con người phương Đông! Và các thầy bói lại có dịp hành nghề sau mỗi cái TẾT! NHƯNG VẬN HẠN LÀ CÓ THẬT!

Đã lâu lắm rồi gia đình tôi cũng có một cái tết, một năm mới không mấy hanh thông ngay từ ngày mòng một tết, dù đã có những ĐIỀM BÁO TRƯỚC. Sáng mồng một tết năm đó, khi dọn mâm cơm ra, mọi người đã ngồi xuống mâm, chỉ còn một vài người vẫn chưa sẵn sàng, tôi bỗng buột miệng nói "Nhanh lên rồi còn... RA ĐỒNG (?!)". Vốn dĩ tôi chỉ muốn nói là mọi người ơi ngồi xuống ăn nhanh lên đi để mẹ còn ra đình lễ, vì làng tôi có tục mồng một tết đều ra lễ đình Đức Quốc tổ Lạc Long Quân, nhưng không hiểu sao tôi lại nói nhịu từ ĐÌNH ra thành ĐỒNG như vậy. Nói xong câu đó, chính tôi cũng hoảng vì không hiểu câu mình nói ra lúc đó và người ta thường kiêng không nói chuyện ra đồng vào ngày đầu năm mới, nhất là vào ngày mồng một tết! (Sau này tôi cũng có vài lần được báo trước những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai!)

Rồi tết cũng qua đi. Mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Cho đến mùa gặt năm đó. Khi bố tôi và tôi vừa cắt xong 2 sào lúa, chở về nhà được một xe thồ (quãng 1/6 số lúa vừa cắt) thì có tin báo bác Cả tôi mất. Không hiểu sao, bố tôi không nói gì mà chỉ hối tôi đi thật nhanh để chở bằng hết số lúa đã cắt về nhà! Đám tang diễn ra trong ba ngày theo đúng tập tục nhà quê. Và sau đó chừng 2-3 tháng thì bố tôi ốm. Ban đầu cũng chỉ là bệnh sơ sơ, nhưng sau đó thì càng ngày, càng trở nặng. Người mệt mỏi, khó ăn uống và không thể làm được việc gì cả. Đưa đi bệnh viện thì họ lại không khám ra bệnh gì?! Đi xem bói thì người ta nói tại hôm dám tang bác Cả, bố tôi đứng đầu quan tài nên bị mang... ÁCH?! Hạn nặng lắm đấy! Họ nói về kiếm một cái vai trâu, chặt đi may ra khỏi bệnh! Tất nhiên là chúng tôi cũng làm đúng như vậy.

Một mùa đông rất khủng khiếp đối với gia đình tôi khi đó vì tưởng người sẽ ra đi. Giáp tết, khi mọi nhà lục đục gói bành chưng thì bố tôi vẫn nằm liệt giường trong mệt nhọc. Chúng tôi khi đó không còn bé nữa, nhưng cũng chẳng phải là lớn nên cũng chẳng biết phải làm gì. Cận tết, rồi tôi cũng xoay sở gói được ít bánh chưng, nhưng không thể có nồi luôc vì hồi đó làng quê nghèo lắm, làm gì có nồi to để luộc bánh chưng tết nên các gia đình đều phải mượn nhau nồi luộc. Mọi năm phần gói và luộc bánh chưng vẫn thuộc về bố tôi, nhưng năm nay, chúng tôi như rắn mất đầu! Mãi trưa ba mươi tôi mới đi mượn được chiếc nồi của hàng xóm về cho bánh chưng nhà mình.

Kỳ lạ thay, khi chuông đồng hồ vừa điểm báo giao thừa đến thì bố tôi cũng... BỖNG HẾT BỆNH và nói rất rõ ràng "Bố hết bệnh rồi các con ạ (?!)". Dù trước dó ông chỉ nằm thiêm thiếp trên giường!!! Tết là như vậy! và VẬN KHÍ CON NGƯỜI LÀ CÓ THẬT, nhỉ???!!!! Nhưng AI BIẾT, AI HAY?????

 

Chuyện quê