Trước sự cách tân quá đà trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt, vô hình trung đâu đó, đã dẫn đến sự biến tướng ít nhiều, ở một số Thanh đồng trẻ. Vì vậy, việc lưu giữ và phát huy nét đẹp hầu đồng theo lối cổ là điều mà hiện nay ít ai làm được.
Kể từ cuối năm 2016, nghi lễ Chầu văn – Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại. Cũng kể từ đó, thì nghi lễ Chầu văn mới thực sự có cơ hội phát triển và lan tỏa những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống trong đời sống xã hội. Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu hay tín ngưỡng thờ “Tam Phủ”, “Tứ Phủ” trong đó có nghi lễ hát văn, hầu đồng, đã được tái hiện nhiều trong các lễ hội dân gian, tạo nên một bức tranh hết sức đa dạng và phong phú của đời sống văn hóa tâm linh mang bản sắc riêng của Việt Nam.
Thanh Sơn sinh ra và lớn lên tại xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ , Thành phố Hà Nội. Từ nhỏ, tuổi thơ của thanh đồng Phùng Thanh Sơn đã gắn liền với các nghi lễ thờ tự, hầu đồng, được nghe kể về những thần tích của các vị thánh hay những chiến công lẫy lừng của những vị tướng trong lịch sử có công lao với dân tộc, sau khi mất được hình tượng hóa thành các thánh nhân. Theo thời gian, cái nôi thờ Mẫu đã in sâu vào tâm khảm của cậu đồng từ lúc nào không hay. Năm 2013, trải qua bao khó khăn, cơ duyên gặp được đồng thầy – người có tâm, có đức dẫn dắt cậu ra trình đồng mở phủ. Bên cạnh đó, để hiểu sâu hơn nữa về đạo, cậu đã còn tìm tòi đọc nhiều sách và các tài liệu có liên quan đến tín ngường thờ Mẫu trên cơ sở nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh trong nước. Càng tìm hiểu, cậu càng hiếu kỳ về tín ngưỡng tâm linh thờ Mẫu. Cứ thế, cậu đồng đã dành trọn thời gian để phụng sự thánh Mẫu, gìn giữ, phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu - nhất là phong tục Hầu đồng theo lối cổ. Đồng thời, cậu còn truyền dạy các điệu múa, lời ca tiếng hát trong 36 giá đồng tới nhiều thế hệ.
Thanh đồng Phùng Thanh Sơn chú trọng đến việc giữ gìn nét đẹp và chuẩn mực trong mỗi giá hầu đồng, phép tắc lễ nghi. Mỗi giá đồng là một câu chuyện về một vị anh hùng, lúc sinh thời là người có đức độ, tài giỏi, có công với dân với nước, do đó được hầu cái bóng của các vị là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi thanh đồng. “Mục đích, giá trị sâu xa ở đây chính là hướng về tổ tiên nguồn cội, báo ơn các vị thánh nhân đất Việt cũng như những bậc anh hùng có công xây dựng đất nước trong văn hóa dân gian. Để cộng đồng đều hiểu và trân trọng điều ấy, gánh nặng trước tiên sẽ thuộc về những người đang thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, như tôi vậy.” cậu đồng chia sẻ.
Bên cạnh việc tích cực góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu, thanh đồng Phùng Thanh Sơn còn hăng hái tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội cùng các sự kiện nghi lễ tại các đền thờ lớn bằng trách nhiệm và lòng tâm huyết nhiệt thành với cộng đồng. Cậu hưởng ứng các hoạt động của Trung Ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam kêu gọi, phát động tiêu biểu nhất là chương trình “ Cả nước chung tay Vì người nghèo” năm 2020.
Thanh đồng Phùng Thanh Sơn vinh dự nhận được rất nhiều chứng nhận, giấy khen, bằng khen và kỷ niệm chương của một số cơ quan trao tặng, từ những đóng góp nhỏ bé của bản thân, cho hoạt động tín ngưỡng, văn hoá xã hội, trong nước và quốc tế. Kể đến như: Bằng khen của Hội Di sản Việt Nam; Giấy khen của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá tín ngưỡng Việt Nam… Đây chính là sự ghi nhận của xã hội dành cho cậu và đội ngũ những người luôn tâm huyết bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc. Góp phần định hướng cho sự phát triển, loại hình nghệ thuật diễn xướng chầu văn nói riêng, tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung, mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thiết kế & Concept: Bình An