Mỗi lần về quê, ngắm nhìn dòng Thao mê mải, tôi như được sống lại với tuổi thơ của mình ngày trước trong những miền ký ức. Rồi bất chợt tôi nhận ra một điều. Đúng là trong tôi chẳng biết từ khi nào đã có “một dòng sông riêng mình”.
Hồi xưa, nhà tôi ở xã Hiền Lương (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), nằm ngay bên dòng sông Thao. Với tôi con sông “nước đỏ như son” trong những ngày lũ về ấy mãi là một người bạn rất thân tình. Nó đã gắn bó với một phần đời của tuổi thơ tôi trên quê nội. Cái khúc sông có con ngòi đổ ra và thay màu theo mùa trước cửa nhà kia chính là nơi tôi đã từng tắm mát. Đó là nơi tuổi thơ tôi có không ít buổi chiều tung tăng chạy nhảy trên những bãi phù sa xanh biếc ngô, khoai, đậu, đỗ với các trò vui đùa của con trẻ hay những ngày thác đổ nước về dập dềnh củi gỗ từ thượng nguồn trôi theo để cả xóm tha hồ chèo thuyền ra vớt vui như ngày hội. Cái con sông yêu thương với những năm tháng đầu đời của tuổi học trò ngày ấy bây giờ sau quá nửa đời người xê dịch nay đã trở thành một miền cổ tích trong tôi để mỗi khi nhớ về lòng lại không khỏi nôn nao thương nhớ.
Sông Thao là dòng chính của sông Hồng. Sông Thao là tên gọi cổ bắt nguồn từ chữ “tao” trong “nặm tao ” của ngữ hệ Tày Thái, có nghĩa là sông lớn, sống chính. Nó chảy từ vùng thượng nguồn Nguy Sơn (tỉnh Vân Nam của Trung Quốc) vào Việt Nam ở ngã ba Lũng Pô xã A Mú Sung (huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai) rồi đi qua tỉnh Yên Bái đến ngã ba Bạch Hạc ở thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) hợp lưu cùng sông Lô và sông Đà làm thành sông Hồng đi ra biển. Tên gọi sông Hồng bắt đầu có từ khi người Pháp đến, xuất hiện vào khoảng nửa cuối của thế kỷ XIX. Do nhu cầu ghi tên sông vào văn bản nên người pháp chọn đặc điểm của nước sông (màu hồng) để gọi tên sông. Tên gọi này được Việt hóa và dùng phổ biến đến nay nhưng ở Phú Thọ người ta vẫn quen gọi là sông Thao. Cái lý lịch của dòng sông như thế thủa nhỏ tôi nào đã biết, chỉ sau này lớn lên đi học tôi mới được hiểu rõ cội nguồn của dòng sông quê hương. Hồi bé tôi chỉ biết dòng sông trước nhà có tên gọi là sông Thao. Cái tên ấy ông nội tôi bảo vậy và tôi cũng biết thế. Tôi còn nhớ ông tôi thi thoảng ngâm nga mấy câu ca dao về dòng sông quê để nhắc nhở tôi nhớ về tên gọi của dòng sông nhà mình. Những câu ca dao đó giờ tôi vẫn nhớ như in: “Sông Thao nước đỏ như son/ Người đi có nhớ nước non quê mình”; “Sông Thao nước đục người đen/ Ai lên phố Ẻn thì quên đường về”. Hồi ấy, tôi còn nhớ bên nhà hàng xóm có một cây thị cổ thụ. Cây thị ấy dường như được uống nước phù sa mát ngọt của dòng Thao nên rất to, quanh năm xanh tốt. Cây thị khá to có thân màu nâu đậm, vỏ xù xì, cành lá xum xuê, vươn lên trời xanh thẳng đứng rồi xòe tán ra như một chiếc ô bên con ngòi đổ nước ra sông. Dưới tán thị ấy mỗi mùa hoa vào độ cuối xuân đầu hạ, tôi đã có biết bao lần cùng bọn trẻ trong xóm nhặt những chùm hoa với bốn cánh màu trắng đục tỏa hương thơm dịu nhẹ để chơi trò cài lên mái tóc trang trí hoặc bày trò bán hàng đến quên cả những giấc ngủ trưa. Và rồi đến cuối tháng Bảy và chuẩn bị đến ngày rằm tháng Tám lại chầu trực để nhặt những quả thị rơi đem về vừa chơi vừa ăn. Lạ thay thủa ấy ấn tượng của tôi về cây thị chỉ có hai kỳ ra hoa và quả chín. Kỳ ra hoa, cây thị nở trắng trên cành cây lá xanh; còn mùa quả chín, trái thị hình tròn, nhỏ xinh, màu vàng ươm sai trĩu trịt. Cây thị khi ra hoa và chín quả đều tỏa ra một hương thơm dịu nhẹ, rất dễ chịu, đầy sức quyến rũ và bay thoang thoảng khắp xóm khiến người ta khoan khoái, thích thú, ngất ngây một cách sung sướng. Ngoài hai kỳ ra hoa và quả chín ra các quá trình phát triển của trái thị tôi dường như không biết. Có lẽ quá trình từ hoa kết thành trái và lớn dần quả thị chưa phát mùi và có màu xanh nên bị lẫn vào trong cành lá nên tôi chẳng để ý nên không nhớ rõ và không có ấn tượng. Thời đó, mùa thị chín, tôi thường hay lấy những sợi dây dù hay dây len đan kết thành những chiếc giỏ nho nhỏ, xinh xinh để đặt quả thị vào trong rồi treo bên cửa sổ. Mùi thị chín rất thơm. Một mùi thơm nhè nhẹ tỏa khắp nhà, rất thích. Khi quả thị chín, màu từ vàng ươm chuyển sang màu vàng sẫm. Khi đó tôi nhấc ra khỏi giỏ và đi nhặt quả khác thay vào. Tôi đem quả thị chín ra ăn. Trước khi ăn tôi nặn đều xung quanh cho quả thị mềm ra rồi chọc vỏ tạo thành một lỗ thủng nhỏ và đưa lên miệng hút. Thịt và nước từ trong quả thị chảy ra với một mùi thơm mát có vị ngọt, chát nhẹ. Khi ăn quả thị dường như các giác quan của tôi được huy động tối đa. Tay cầm quả thị mà còn luyến tiếc chưa muốn xoay cho nhúm bởi cái màu vàng sẫm nhìn vẫn còn rất quyến rũ. Khi đưa thị lên miệng hút thì hương thị không còn thoang thoảng nữa mà một mùi thơm cực kỳ dễ chịu xực thẳng vào hai hốc mũi làm cho hệ thần kinh chuyển ngay sang cảm giác rất sảng khoái. Còn khi ruột thị chảy vào trong khoang miệng vị ngọt, bùi đi đến đâu ta nhận biết được đến đấy, cực kỳ ngon và thích thú. Hồi đó, có những hôm nhặt được nhiều quả, tôi xếp vào đĩa để lên bàn nhìn rất đẹp. Và đĩa thị đó tỏa hương khắp nhà, nhiều khi đứng ở ngõ xa vẫn còn cảm nhận được cái ngào ngạt của hương thơm dịu nhẹ mà không hề thấy nồng nàn, khó thở. Mỗi khi mùa thị về đôi khi đi đâu chơi xa tôi còn hay mang theo giỏ thị bên mình để vừa ngắm nhìn vừa được hít hà cái hương sắc đầy mê hoặc của nó.
Ngày ấy, tuổi thơ tôi không chỉ có dòng sông và cỏ cây bên bãi bờ thương nhớ mà còn có cả một kho huyền thoại lung linh về đức mẹ Âu Cơ. Tôi vẫn nhớ lớp vỡ lòng tôi học phải đi ngang qua đền thờ Mẫu. Đó là một ngôi đền cổ kính, rêu phong nằm trên một gò đất cao, nép mình dưới tán đa cổ thụ. Hàng ngày, sau mỗi buổi chiều tan học, dọc trên con đường đi, nhất là khu vực quanh đền có rất nhiều bụi sim, bụi mua; vào khoảng cuối hè, mùa sim chín, chúng tôi thường rủ nhau vào đó để bứt quả và đem vào sân đền, ngồi dưới tán đa cho mát để chia nhau ăn. Nước sim chín chảy ra bám vào hai tay và hai bên mép một màu tím đen nhìn vào nhau rất ngộ nghĩnh và thật buồn cười. Ngày ấy, đền Mẫu Âu Cơ chưa được khang trang, rộng đẹp như bây giờ. Ông tôi kể ngôi đền này rất linh. Ai cầu gì đều được nấy. Ông dặn không được vào chơi đùa trong đó. Và ông từng kể rất nhiều lần cho tôi nghe rằng: ngày xửa ngày xưa, khi mẹ Âu Cơ không ở cùng cha Lạc Long Quân nữa thì đem các con ra chia cho nhau. Cha Lạc Long Quân dẫn năm mươi người con đi về biển làm nghề chài lưới còn mẹ Âu Cơ đưa bốn mươi chín người con ngược dòng sông Thao lên núi làm ăn. Mẹ để lại người con trai trưởng ở lại Phong Châu làm vua. Khi đi đến đất Hiền Lương mẹ thấy cảnh đẹp, đất tốt, sơn thủy hữu tình nên đã dừng chân ở lại lập làng, dựng ấp, khẩn hoang. Mẹ dạy dân trồng lúa, trồng mía, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, làm mật, làm bánh … Từ đó đất Hiền Lương ngày một trù phú và nổi tiếng khắp miền. Thế rồi đến khi dân Hiền Lương sinh con đàn cháu đống thì mẹ phải về trời theo lời dặn vua cha Ngọc Hoàng. Và đến một ngày đẹp trời, mùng Bảy tháng Giêng mẹ lên núi Nỏ cùng bầy tiên nữ hòa vào đám mây xanh mây trắng bay lên trời cao. Rồi cũng từ ngày ấy người dân Hiền Lương quê tôi tính ngày mẹ theo tiên nữ để mở hội tưởng nhớ và tri ân công đức của Mẹ. Lễ hội quê tôi từ xa xưa đã nổi tiếng khắp trong vùng. Chẳng thế mà thiên hạ đồn gần đồn xa và có câu ca rằng là: “Mồng bảy trong tiết tháng giêng/ Dân Hiền (Hiền Lương) tế lễ, trống chiêng vang trời/ Anh em Bách Việt ta ơi/ Ngày xuân thong thả tới nơi xem tường/ Đây ngày hội tế Mẫu vương/ Người sinh ra Tổ Hùng Vương nước nhà”. Và cái ngày hội làng của cái thủa tuổi thơ ấy cũng đã sống mãi và lớn dần lên trong tôi, theo tôi đi khắp mọi miền. Dù sống ở đâu, đến nơi nào làm việc tôi cũng cứ thường hay kể (thực ra là khoe) với mọi người về cái ngày lễ hội Mẫu vương của quê mình. Tôi kể về ngày hội quê ấy như một niềm đam mê không thể nào dứt bỏ được.
Gần hết những năm cấp I (thời ấy chưa gọi là tiểu học như bây giờ), bố tôi làm bộ đội biên phòng (hồi đó gọi là công an nhân dân vũ trang) vì điều kiện công tác nên đã về quê đưa tôi và ông nội đến Hà Giang sinh sống. Kể từ đó thi thoảng tôi mới được trở về quê xưa. Sau này học hết phổ thông vào học đại học tôi về Hà Nội và công tác ở Thủ đô. Cũng do điều kiện công việc nên thi thoảng tôi mới trở lại chốn xưa. Và cứ mỗi lần về quê cũ, được đi dạo trên những con đường xưa quanh làng hay ra bờ sông đứng ngắm dòng nước mênh mông thấp thoáng con đò xuôi ngược cùng những bờ bãi mà trong lòng không khỏi rộn lên những kỷ niệm ngày thơ ấu. Tôi như được sống lại với ký ức tuổi thơ của một thời đã qua. Bây giờ, sau nửa thế kỷ đã đi qua, Hiền Lương quê tôi nhà cửa, đường xá đã có nhiều thay đổi nhưng con ngòi và dòng Thao trước nhà tôi xưa cùng đôi bờ bến bãi vẫn chẳng có gì khác lạ. Cây thị cổ thụ thân thương một thời vẫn thế. Hình như nó còn tỏ ra rất rộng lượng, chỉ im lặng và sừng sững đứng đó tươi xanh, không một lời trách cứ rằng sao bạn ít về quê vậy. Giữa bao nhiêu kỷ niệm thân thương vẫn còn đó chỉ có một điều là ông tôi đã theo về bên bà. Cứ thế ngồi bên dòng sông xưa tôi lại nhớ về ông, nhớ về một thời hoa niên của mình với bao kỷ niệm của hai ông cháu. Tất cả ùa về, hiện lên làm nhạt nhòa đôi mắt. Bất giác tôi có một ao ước: tuổi thơ ơi, có khi nào trở lại được chăng?
Mỗi lần về quê, ngắm nhìn dòng Thao mê mải, tôi như được sống lại với tuổi thơ của mình ngày trước trong những miền ký ức. Rồi bất chợt tôi nhận ra một điều. Đúng là trong tôi chẳng biết từ khi nào đã có “một dòng sông riêng mình”. Con sông Thao đúng là “con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi/ Bao năm xa quê ấy trong mơ tôi vẫn thấy/ Hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già” như lời bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Và rồi giữa bao nhiêu nỗi niềm buồn vui lẫn lộn bên con sông sau những năm tháng xa cách trong lòng tôi không khỏi bâng khuâng như thể “thêm một lần tôi đến để rồi đi”. Cứ như thế, chưa xa đã nhớ, bất chợt trong sâu thẳm tâm hồn lại thấy vẳng lên câu thơ của Nguyễn Duy với bao nỗi niềm những thương cùng nhớ về một miền quê cha, đất Tổ: “Tôi gửi lại đây cái buồn vô cớ/ để mang về cái nhớ bâng quơ” (Sông Thao). Tôi đã thao thiết bên dòng sông. Sông Thao đã “cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà”.
Hiền Lương, ngày mùng 3 Tết Giáp Thìn