Thầy Hoàng Phương và Trường Thanh niên Lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình

Nguyen van Noi

15/04/2022 12:43

Theo dõi trên

Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương (27/3/1927 – 24/3/2004); đã từng là chiến sỹ biệt động hoạt động ở tp Huế – Nhà Vật lý lý thuyết; là con chim đầu đàn của ngành Vật lý Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu của ông là Toán – Lý, trường Sinh học và Tâm linh.

Tôi là lớp hậu bối, không được học GS. Nguyễn Hoàng Phương nên không biết nhiều về GS.; cũng như không đủ dữ liệu để viết về năng lực nghiên cứu, những cống hiến của GS cho ngành Vật lý, cho nền giáo dục nước nhà. Nếu bạn đọc quan tâm thì nên tìm đọc hai bài viết khá cô đọng của Giáo sư Phạm Thúc Tuyền và Giáo sư Trần Hữu Phát viết về Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương mà tôi có trích dẫn dưới đây.

hoang-phuong-1650001329.jpg

“Với 77 năm trong ‘khí hồng trần’, những điều ông thu được trong  các lĩnh vực thuộc khoa học tự nhiên và xã hội là rất đáng khâm phục. Nó chứng tỏ ông có bộ óc siêu việt mà trình độ khoa học đương đại chưa thể có phán quyết đúng sai có tính thuyết phục” – đó là một đoạn trong bài viết từ năm 2006 của Giáo sư Phạm Thúc Tuyền (kỷ niệm 2 năm ngày mất của GS. Hoàng Phương).

“Các hoạt động khoa học của GS.TS. Nguyễn Hoàng Phương đã chứng tỏ đầy đủ phẩm chất của nhà khoa học tài ba, chân chính, vừa có tâm huyết với khoa học, với nền giáo dục nước nhà, với thế hệ trẻ, vừa có trách nhiệm chính trị cao với đất nước. Anh cũng hết lòng khuyến khích đồng nghiệp trẻ nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng luôn nhắc nhở họ về tính trung thực của người làm nghiên cứu” – trích bài viết “GS, Nguyễn Hoàng Phương, người tiên phong của ngành Vật lý lý thuyết Việt Nam” của Giáo sư Trần Hữu Phát cuối năm 2021.

       Tôi trở thành sinh viên khoa Vật lý trường ĐHTH Hà Nội vào tháng 10/1971; cũng là năm cuối GS. Nguyễn Hoàng Phương (NHP) làm Chủ nhiệm khoa Vật lý của trường (GS. NHP làm chủ nhiệm khoa Vật lý ĐHTH Hà Nội từ năm 1962 – 1972). Lớp Lý 1 (B1, K16) của tôi là lớp thí điểm vừa học vừa làm của khoa Vật lý năm đó; chẳng biết vị nào trên Bộ ĐH hoặc Trường ĐHTH phát kiến ra cái dự án “vừa học vừa làm” ở trường ĐH vậy? thật may nhờ sơ tán vì chiến tranh mà dự án đó đã chết yểu.

Tôi nhớ buổi nói chuyện duy nhất của GS. NHP với lớp tôi mà tôi được tham dự là tại bãi pháo cạnh khu Thượng Đình khi chúng tôi đang tập huấn quân sự. Dáng người thanh mảnh, giọng nói nhỏ nhẹ, lối nói chuyện cuốn hút là những gì còn đọng trong tôi về thầy Hoàng Phương (hồi đấy chúng tôi thường gọi GS. NHP là thầy Hoàng Phương); Sau chiến tranh, khi tôi trở lại trường học tiếp tôi mới biết thêm những câu chuyện huyền thoại về thầy.

Vì lớp tôi là lớp thí điểm về “vừa học vừa làm” nên cuối năm 1971 hoặc đầu năm 1972, Trường và Khoa đã bố trí cho lớp tôi một chuyến lên thăm quan (học tập) Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình; thầy Hoàng Phương là trưởng đoàn (giai đoạn đó nghe nói thầy Hoàng Phương kiêm nhiệm là Hiệu trưởng hoặc là Phân hiệu trưởng phân hiệu ĐH của trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình?). Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình có hệ đào tạo ĐH từ niên khóa 1970 – 1971 và chắc hẳn thầy NHP đã được giao nhiệm vụ xây dựng hệ đào tạo ĐH đó cho trường. Tôi dùng từ ‘chắc hẳn’ vì tra tài liệu trên mạng không thấy nói đến sự kiện mà tôi và lớp B1 (k16) đã chứng kiến. Lớp chúng tôi được các sinh viên cùng khóa ĐH ở trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình đón tiếp và giao lưu nồng hậu với những bữa ăn đạm bạc và trong ánh lửa trại (vì làm gì có điện). Trường là những ngôi nhà vách nứa, lợp tranh nằm giữa rừng cây và những đồi sắn; chúng tôi được đưa đi tham quan những xưởng sản suất tinh bột sắn; được đi thu hoạch sắn (nông sản chính của trường).

Sinh viên của trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình nửa ngày lên lớp, nửa ngày còn lại là lao động; chẳng hiểu thời gian đâu để ôn bài và làm bài tập (buổi tối chỉ có đèn dầu; với lại lao động vất vả như vậy thì còn đâu sức để học bài). Thấy những bạn sinh viên cùng lứa gánh những gánh phân, gánh sắn nặng trĩu vai mà thấy tội; chúng tôi lên đây để học tập các bạn sinh viên của trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình vậy mà hình như các bạn ấy lại có mong muốn được giống chúng tôi hơn. Lớp chúng tôi khi trở lại với tòa nhà liên hợp ở khu Thượng Đình đã được thí điểm “vừa làm” bằng các sản phẩm là các cuộn biến thế tự ngẫu tại xưởng trường; tôi đã trở thành một thợ cuộn dây đồng cho biến thế có hạng. Tuy nhiên không biết các sản phẩm của chúng tôi làm ra có trở thành “kinh tế” cho trường không vì không thấy tổng kết.

Tôi nghĩ chắc không nhiều bởi những tay thợ nghiệp dư làm sao có thể tạo ra các sản phẩm có nhất lượng để thương mại được (rất có thể còn thua những gánh sắn mà các bạn sinh viên của trường Thanh niên lao động XHCN hòa Bình làm ra). Thật may là giữa năm 1972; các trường ĐH ở Hà Nội phải đi sơ tán vì Mỹ ném bom trở lại miền Bắc nên cái lớp thí điểm vừa học vừa làm không còn được làm nữa. Năm 1976, tôi trở lại trường học tiếp thì không thấy nói về các lớp vừa học vừa làm ở khoa Vật lý, trường ĐHTH Hà Nội nữa.

         Thầy Hoàng Phương đúng là một điểm nhấn đáng nhớ cho đợt tham quan đó của lớp B1 (K16). Sinh viên Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình vây quanh thầy Hoàng Phương khi Thầy mới xuất hiện; những cái ôm, những lời chào hỏi lễ phép, những ánh mắt hân hoan của các bạn sinh viên dành cho Thầy đã nói lên tất cả. Thầy Hoàng Phương là sinh khí, là niềm tin, là hy vọng của lứa sinh viên 1970 -1971 của trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình. Họ thật may khi được thầy HP đón cửa khi vào ĐH; tôi rất mong được gặp lại hoặc được nghe ai đó trong lứa sinh viên đó của trường thanh niên lao động XHCN Hòa Bình nói cảm nhận của họ về thầy Hoàng Phương, có lẽ sẽ thú vị lắm. Chắc chắn những hạt giống mà thầy Hoàng Phương đã gieo trên mảnh đất Hòa Bình đã trưởng thành và nhân giống tốt trên nhiều miền đất nước. Cám ơn GS. TS. Nguyễn Hoàng Phương; một nhân cách đáng kính.

       Tôi chỉ muốn thêm một mảnh ghép về cuộc đời GS. TS. Nguyễn Hoàng Phương mà hình như ai đó đã bỏ quên. Cám ơn bạn đọc

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Thầy Hoàng Phương và Trường Thanh niên Lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn