Thế hệ cũ ở quê - thế hệ mới ở phố

Anh cả Tùng năm nào chả về quê ăn giỗ, ăn Tết vài ba lần, đương nhiên là bác ở nhà chú út Hưng chứ đi đâu nữa. Về kinh tế, bác khá nhất chi họ nên về quê lần nào bác cũng mượn cớ góp giỗ, nhờ mua lễ cúng tổ tiên để “viện trợ” vài triệu cho em út. Ấy cũng là chuyện thường, Hưng nhận để làm đẹp mặt bác cả thôi chứ nhà chú khá giả nhất nhì làng Thu Khê này.
243723516-10220394756521374-3278202835538805012-n-1633758609.jpg
Ảnh minh họa

Sắp xếp mãi, hôm nay chú Út Hưng mới đến thăm đáp lễ ông anh cả được. Đây là lần đầu tiên chú út đến thăm nhà bác ở Sài Gòn. Chú tròn mắt kinh ngạc:

- Khiếp, sao mà thành phố đông người thế!

- Thì chung cư này hơn 20.000 người là bằng ba cái xã ở quê rồi. Thế mà phường này bao nhiêu chung cư? Quận này mấy chục phường, thành phố này 30 quận, huyện.

- Eo ơi!

Bữa cơm thịnh soạn chị dâu chuẩn bị chỉ có hai anh em ngồi với nhau. Hưng hỏi:

- Ơ... thế còn chị?

- Hai anh em ăn uống no say đi, chị đi tập Yoga, sẽ ăn sau. Đừng có để phần, chị kiêng béo nên ăn thứ khác. Ăn xong cứ đậy lồng bàn đấy, chị về xử lý.

- Còn các cháu?

- Các cháu ở nhà riêng cả, chủ nhật mới đến “oanh tạc” nhà ông bà cơ.

Sau câu chuyện làng xã, chuyện họ tộc,... Hưng vào thẳng vấn đề:

- Cháu lớn nhà em năm nay ra trường rồi, trăm sự nhờ bác.

- Anh giúp gì được sẽ cố, nào cần bác cái gì?

- Dạ chuyện chỗ ở.

- Được, nhưng nếu nó đi làm xa thì thuê nơi thuận tiện sẽ tốt hơn.

- Cùng thành phố mà?

Biết chú em quan niệm thành phố chỉ là lèo tèo mấy con đường kiểu như thành phố gần quê nên anh Tùng phải giải thích:

- Ừ, ví dụ làm ở quận Tân Phú mà ở quận 4 này là xa lắm đấy, mất 2-3 tiếng chạy xe, suốt ngày tắc đường mệt lắm.

- Thế bác không giúp hử?

- Giúp, có cháu về đây vui chứ, nhưng cảnh báo khó khăn trước. Mà chú thay đổi tư duy đi, nếu nhà anh chị thừa, sẽ cho thuê, cháu cần chỗ ở thì anh chị hỗ trợ chứ mắc gì đến đây ở phiền cả hai.

- Thế thì mất lòng.

- Mất lòng cái gì? Thay đổi tư duy làng Thu Khê đi.

- Hì hì, vâng ạ.

Sau một ly rượu, bác cả hỏi:

- Nào, vấn đề thứ 2?

- Nhờ bác xin việc cho cháu?

- Ối, để cháu tự lo tốt hơn chứ, con nhà anh cũng tự lo đấy.

- Thế em mất công toi vào tận đây à?

- Đừng nóng, thế này nhá, em cho cháu vào đây chơi với bác và các anh chị, các anh chị sẽ hướng dẫn em tự xin việc, bảo đảm lương phù hợp năng lực, nếu 2 tháng chưa có việc thì bác sẽ ra tay, không tốn một đồng nào.

- Bác hứa nhé.

- Hứa. Nâng ly!

Chú út Hưng vẫn lo lắng, bác Tùng lại phải vận dụng mọi chiêu để yên lòng chú em.

- Chú và nhiều người nữa cứ làm hư trẻ, chúng nó đủ khả năng làm chủ cuộc sống, đừng trói chân tay nó lại, rồi bắt "chúng mày phải tiến bộ đi".

Út Hưng lục túi lấy ra một bọc, đưa cho anh, bảo:

- Em có mấy chục triệu tích lũy, muốn gửi anh để lo cho cháu.

- Lo cái gì bằng tiền?

- Thì anh cứ cầm, cần đến là có ngay.

- Ở đây không ai xin việc bằng tiền đâu, đừng nghĩ kiểu ấy nữa.

- Bác cứ cầm giữ giúp em.

Đành lòng, ông Tùng cầm, đếm rồi ghi số tiền vào điện thoại.

- Ừ, cũng có thể làm vốn cho nhóc, cái này để các anh chị nó chỉ dẫn. Nhưng lần sau cần thì chuyển tiền điện tử, vừa nhanh vừa an toàn, mang theo người để làm mồi cho trộm à?

- Hì hì, nông thôn lạc hậu mà. Cứ trăm sự nhờ anh.

Ra trường, con trai út Hưng là Viễn vào với bác Tùng luôn, có lẽ nó đã được bố tập huấn nên không bị lan man, đề nghị các anh chị tư vấn luôn. Anh Ninh nhận trách nhiệm đưa cu Viễn đi chơi, giới thiệu sơ bộ về TP HCM rồi chỉ bảo cách xin việc. Cũng ngỡ ngàng nhưng cu Viễn thấm cực nhanh những gì anh Ninh giới thiệu. Ấn tượng lớn nhất của nó chính là việc chẳng cần “bôi trơn” khi xin việc như ở ngoài kia, quan trọng nhất là năng lực, sự chăm chỉ. Hơn nữa Viễn còn tự nhận thấy đủ năng lực để lăn lộn với cuộc sống ở đây, không còn tự ty nữa.

Lúc lên xe vào TP HCM, bố nó dặn đủ thứ, nào là thành phố lớn rất nhiều cướp bóc, nào là trình độ họ rất cao nên cần khiêm tốn, nào là x, nào là y v.v. Thực tế, ở đây quá dễ sống, phù hợp lớp trẻ. Hôm sau, Viễn mượn xe máy chị Cẩm, khoác balo, mang theo nước uống và bánh mì, tự đi đến các điểm chính, mang theo 1 bản đồ giấy và smarphone đặt sẵn các địa chỉ theo Google Map. Càng đi, Viễn càng thấy thú vị, trong 1 ngày, cậu chạy hết bình xăng luôn, dĩ nhiên biết được khối thứ hay. Bố gọi điện hỏi tình hình, Viễn trả lời chắc nịch:

- Con cần 3 ngày để tìm hiểu, hôm qua anh Ninh đưa đi giới thiệu, hôm nay con tự đi khắp thành phố, mai tìm việc trên mạng. Dự kiến test và phỏng vấn trong 10-15 ngày sau đó chọn đi làm ở một nơi.

- Bố đã gửi tiền bác rồi, cần thì lấy.

- Dạ không cần, con sẽ tự lo, bố đừng nghĩ ngợi gì. Ở đây còn bác và các anh chị.

Đêm thứ 2, Viễn tìm tất cả các thông tin liên quan tuyển dụng, vào các trang web công ty mình quan tâm, nộp CV điện tử vào các vị trí tuyển dụng phù hợp. Ngay ngày hôm sau đã có thư mời đi test và phỏng vấn. Đến mấy nơi mời Viễn đi làm, đồng lương cũng khá. Bố Viễn gọi điện vào hỏi, cậu tưng tửng bảo:

- Nhờ bố chọn cho con một chỗ, con chưa biết chọn chỗ nào.

Út Hưng đành chịu, gọi cho bác Tùng nhờ, ông cười sảng khoái, đùa cợt:

- Nó đái ra ướt tã rồi, chú gửi tã vào cho nó.

- Bác cứ giễu em.

- Đã bảo nó tự lo được tất, tốt hơn cả mình mong muốn, thế nhé.

- Vâng ạ.

Tuần sau, Viễn gọi cho bố báo đã chọn công ty phù hợp, lương 3 tháng thử việc 5 triệu đồng, 3 tháng tiếp theo 8 triệu đồng, từ tháng thứ 7 lương 10 triệu đồng. Viễn thuê nhà hết 4 triệu đồng mỗi tháng. Thế là ổn, đến lúc ấy út Hưng mới yên tâm. Anh cả Tùng cười ha hả, bảo:

- Chú và tất cả các bậc cha mẹ, nhất là các nông dân khác hãy tin ở lớp trẻ con em mình, đừng cố góp phần phá hỏng xã hội nữa nhé.

- Hì hì.

 

Theo Chuyện Làng quê