Theo dấu chân “xanh” của làng mộc Liên Hà

Hà Phương – Hoàng Lam

14/06/2024 16:59

Theo dõi trên

15 năm trở lại đây, từ khi cụm công nghiệp làng nghề mộc xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, đi vào hoạt động, chất lượng môi trường và cuộc sống người dân nơi đây đã có nhiều bước tiến đáng kể. Làng nghề mộc Liên Hà là mô hình làng nghề điển hình, tiên tiến, cần được nhân rộng trên địa bàn thành phố và trong cả nước.

Nỗ lực “xanh hóa” làng nghề

Những năm 2008, ô nhiễm không khí là nỗi ám ảnh của hàng nghìn người dân sống tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng. Ký ức nhiều năm về trước của người dân nơi đây là tình trạng bụi gỗ mù mịt, mùi sơn ngột ngạt bao phủ khắp xóm làng. Khi ấy, hầu hết các xưởng sản xuất mộc đều nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư với diện tích chật hẹp và thiếu các trang thiết bị xử lý bụi, mùi chuyên dụng.

Hiện nay, làng nghề mộc Liên Hà đã có nhiều thay đổi tích cực. Theo ghi nhận vào giữa năm 2024, trên địa bàn xã Liên Hà, không khí và cảnh quan môi trường trong làng được giữ gìn xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, không còn tình trạng các hộ sản xuất đồ gỗ hoạt động xen kẽ trong khu dân cư.

Lý giải cho điều này, người dân xã Liên Hà đều có chung nhận định: Chúng tôi đã trải qua cảnh sống chung với ô nhiễm không khí trong nhiều năm nên hiểu rất rõ cảm giác bí bách, khó chịu. Nếu chỉ tập trung phát triển kinh tế mà không đi đôi với bảo vệ môi trường trong làng thì dù có giàu có đến đâu cũng phải dồn tiền để chữa bệnh.

“Ngày xưa bụi mộc, mùi sơn bao kín cả làng nên người dân chúng tôi phải kiến nghị các cơ quan Nhà nước xin hỗ trợ quy hoạch làng nghề. Nhờ vậy, các xưởng làm mộc đã hoạt động ở một cụm riêng, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của các gia đình xung quanh” - bà Nguyễn Thị Lan, người dân thôn Đoài, xã Liên Hà tự hào về nỗ lực thay đổi của làng nghề mình.

Chính quyền và người dân đồng lòng

Từ năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có chủ trương tái lập và phục dựng làng nghề mộc xã Liên Hà bằng cách xây dựng cụm công nghiệp làng nghề.

Tới năm 2008, có 266 hộ sản xuất đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch là 9,6 ha. Sau 10 năm, Đảng ủy xã tiếp tục cho mở rộng 9,5 héc ta, nâng tổng diện tích làng nghề lên thành 19,1 ha cho 170 hộ tiếp tục tham gia cụm công nghiệp sử dụng.

anh-1-1718357840.JPG
Cuộc sống của người dân làng nghề xã Liên Hà được cải thiện đáng kể từ khi cụm công nghiệp chính thức đi vào hoạt động. Ảnh: Hà Phương

Là chủ xưởng mộc nội thất và cũng là tay nghề có 21 năm kinh nghiệm tại xã Liên Hà, ông Nguyễn Văn Linh phấn khởi: “Nhờ Nhà nước quy hoạch các hộ sản xuất gỗ thành cụm công nghiệp, xưởng nhà tôi đã có cơ hội hợp tác làm việc cùng nhiều đối tác lớn vì được ban quản lý giới thiệu”. Đến nay, bằng sự hỗ trợ của cụm công nghiệp làng nghề, kinh tế của 400 hộ sản xuất mộc dần ổn định, cũng như tìm thấy hướng đi mở rộng thị phần, xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Từ khi mở rộng thị trường, hàng hóa được sản xuất và tiêu thụ với số lượng lớn hơn. Thấy rằng, cách hoạt động của làng nghề mộc Liên Hà trong nhiều năm gần đây là mô hình kiểu mẫu để nhiều làng nghề truyền thống áp dụng.

Trên thực tế, chủ trương quy hoạch tập trung các hộ sản xuất thành cụm công nghiệp không phải là công việc đơn giản. Tuy nhiên, khi cách làm này triển khai, một số vấn đề khó của địa phương sẽ có phương án giải quyết. “Sau hơn chục năm gắn bó với cụm công nghiệp, tôi học hỏi thêm từ những buổi tuyên truyền, vận động của ban quản lý về vấn đề liên quan đến phát triển làng nghề bền vững. Điển hình là việc áp dụng máy móc vào quá trình xử lý bụi mộc. Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến chính nhân công lao động mà còn gây mất mỹ quan, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh quê hương” - ông Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh.

“Ngoài vấn đề phát triển kinh tế vùng, Ban Quản lý Cụm công nghiệp làng nghề xã Liên Hà còn quan tâm đến sức khỏe của người dân lao động. Trước đây, tình trạng lao động bị nhiễm các bệnh liên quan tới đường hô hấp không hiếm, vì phải thường xuyên tiếp xúc với mùi sơn và bụi gỗ. Vì vậy, ban quản lý luôn nỗ lực tìm giải pháp nhằm bảo đảm sức khỏe người lao động. Ví dụ, hướng dẫn các xưởng sản xuất đưa vào sử dụng máy hút bụi mộc chuyên dụng” - ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng Ban Quản lý làng nghề mộc Liên Hà, cho biết.

anh-2-1718357930.JPG
Máy hút bụi mộc là một trong những sản phẩm chuyển giao thành công từ công nghiệp thủ công sang công nghiệp hiện đại. Ảnh: Hà Phương

Từ những nỗ lực của ban quản lý và cả chính người dân, làng nghề mộc Liên Hà đã và đang trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương áp dụng. Nhân lên những làng nghề xanh cũng là nhân lên những tín hiệu tích cực về kinh tế, văn hóa, môi trường cho cộng đồng cũng như góp phần xây dựng và cải tiến đất nước.

Bạn đang đọc bài viết "Theo dấu chân “xanh” của làng mộc Liên Hà" tại chuyên mục Phát triển. Hotline: 03 6690 8888 | Email: tapchivanhoavaphattrien@gmail.com