Thơ thời Super@

Ngồi nhâm nhi cốc rượu whisky tôi chợt nghĩ: 50 năm sau, 100 năm sau thơ sẽ đi về hướng nào nhỉ?

Tôi sinh ra và lớn lên trong những năm 60-70 thế kỷ trước, khi đất nước còn nghèo lắm. Ở quê, nhà tranh vách đất là thường. Bố quần móng lợn đi cày, mẹ áo nâu sồng đi cấy... Còn vô vàn những thứ khác nữa để ghép lại thành bức tranh quê. Rồi những hình ảnh đó đi vào thơ ca, văn học. Có những bạn sinh ra lớn lên ở thành phố, cả đời chỉ nhìn thấy con trâu trong tranh vẽ, cũng cho ra được những vần thơ đẹp về quê hương mà trong đó có đủ cha cày, mẹ cấy, con trâu đi bừa. OK mà. Bởi những cảnh đó là có thực ở thời điểm bạn ấy sống.

lang-que-1668324429.jpg

Vậy trăm năm sau thì sao? Với tiến độ phát triển của khoa học kỹ thuật như vũ bão, ngày hôm nay đã khác với ngày hôm qua, thì những vần thơ về quê hương sẽ được viết thế nào?

Thơ ca phản ánh hiện thực và thay đổi theo thời gian. Không thể phủ nhận điều đó. Một trăm năm sau… Khi đó hình ảnh người mẹ “mưa phùn ướt áo tứ thân”(Tố Hữu) sẽ được thay bằng người mẹ quần bò ra ruộng, ngày lễ thì áo dài guốc cao gót đi chụp seo-phi (selfie), thay bằng bếp củi (rừng bị phá hết) thì bếp ga bếp điện, con trâu được thay bằng máy cày, bố thay vì sang nhà hàng xóm làm điếu thuốc Lào, tào lao bên chén nước chè thì ngồi chát trên SuperFB...

Tôi tưởng tượng ra một anh chàng sang Mỹ, ngày ngày đi làm bằng Mercedes, thương mẹ cơ cực ở quê đi cấy bằng máy cấy Hyundai, uống cola không được ướp lạnh và bữa trưa chỉ có cơm với thịt gà luộc và ba chỉ kho tàu. Anh làm thơ:

Mẹ ơi thương lắm những ngày

Hyundai mẹ lái mỏi tay, còng người

Kho tàu thiếu chút rau tươi

Cola mất lạnh giữa trời tháng năm

Một trăm năm sau. Có thể như thế lắm.

Hồi những năm 70 xa xưa tôi nhớ có phong trào (không chỉ riêng ở nước ta), các cháu viết hoặc vẽ về chủ đề: năm 2000 em sống như thế nào. Nhiều em viết năm 2000 người ta không đi mà bay trên đường phố (sic!), đùi gà cắt đem rán rồi gà lại mọc đùi mới(ha ha!), muốn ăn gì bấm nút là có (cái này thì đúng, bây giờ bấm trên điện thoại phát là UberEat đến luôn). Có thể trăm năm sau người sẽ bay trên phố và đùi gà sẽ mọc vài cái trên một con gà, nhưng thơ sẽ sao nhỉ? Có bạn tôi bảo, nếu tôi ngoẻo thì sẽ cúng xôi và bia, bạn khác sẽ cúng thơ.

Tôi hy vọng ai đó sẽ cho tôi thưởng thức thơ “song bát lục thất” mà bây giờ nói đến ai cũng cười. Biết đâu đấy!