Buổi tọa đàm do Công Ty Cổ phần WE Fusion phối hợp với Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam và Công ty Cổ phần Sao Thái Dương tổ chức với sự tham dự của gần 200 đại biểu là hướng dẫn viên thuộc các hội, chi hội, cùng các công ty lữ hành, công ty du lịch, công ty kinh doanh các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp… trên toàn quốc.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Tô Huệ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần We Fusion cho biết, hiện nay du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở một số quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Theo Báo cáo Kinh tế Sức khỏe toàn cầu công bố cuối năm 2021, Viện Sức khỏe toàn cầu (GWI) đã dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch chăm sóc sức khỏe giai đoạn 2020 - 2025 có thể đạt 21%, vượt qua tất cả các lĩnh vực khác của ngành Chăm sóc sức khỏe nói chung.
Bên cạnh đó, theo báo cáo các xu hướng của du lịch quốc tế, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cũng dự báo đến năm 2030, du khách đi du lịch với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách. Còn theo kết quả khảo sát của Wellness Tourism Association, có đến 76% người được hỏi cho biết sẵn sàng chi nhiều hơn cho các chuyến du lịch cải thiện sức khỏe và 55% số người sẽ trả thêm tiền cho các dịch vụ hoặc hoạt động trị liệu về tâm lý. Nhu cầu mua sắm các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe của du khách tăng cao, nhưng tại Việt Nam chưa có nhiều địa điểm, nhiều kênh phân phối các sản phẩm này.
Sàn thương mai điện tử du lịch Wejourney.vn này sẽ làm vai trò kết nối giữa các công ty lữ hành, các hướng dẫn viên với các công ty cung ứng các sản phẩm phục vụ khách du lịch, trước mắt là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương - công ty hàng đầu về y dược liệu cổ truyền tại Việt Nam với các sản phẩm nổi bật trên thị trường Việt Nam và quốc tế như Cao xoa dược liệu, Dầu gừng…Thông qua sàn thương mại điện tử du lịch này, các công ty lữ hành, các hướng dẫn viên có thể cung cấp các sản phẩm có chất lượng cho khách du lịch.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam cho biết, hiện nay, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng cao, 5 tháng đầu năm 2024 đạt 7.583.034 lượt khách, tăng 64,9 % so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch Covid -19. Khách du lịch Inbound tăng cao sẽ gây nên tình trạng quá tải tại nhà ga quốc tế các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh. Việc thực hiện việc thực hiện được xong hết các thủ tục nhập cảnh hay xuất cảnh cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn bình thường, nhất là vào những thời điểm nhiều chuyến bay hạ cánh cùng 1 lúc.
Với dich vụ Fast Lane là dịch vụ đón, tiễn khách nhanh cho các đoàn khách du lịch lớn, các đoàn khách du lịch VIP tại các sân bay lớn tại Việt Nam do Công ty Cổ phần Consortio cung cấp trên trang Thương mại Điện tử Du lịch Wejourney.vn. Khách du lịch sẽ rút ngắn đáng kể thời gian làm thủ tục, góp phần giải quyết tình trạng quá tải tại các Sân bay quốc tế. Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam sẽ đồng hành với Sàn Thương mại điện tử du lịch và các công ty lữ hành, các hướng dẫn viên để mang tới các trải nghiệm tốt hơn cho khách du lịch, góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Tại tọa đàm, đại diện Công ty We Fusion - Trương Thị Bích Ngọc cho biết, bên cạnh các tài nguyên thiên nhiên, du lịch, ẩm thực nổi bật, dịch vụ y tế tại Việt Nam có mức giá thấp hơn so với các nước châu Á, trong khi các cơ sở y tế vẫn đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhân lực trình độ cao. Việt Nam cũng sở hữu nền y học cổ truyền lâu đời, hiệu quả, có nhiều loại thảo dược bản địa tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, dù du lịch chăm sóc sức khỏe đang ngày càng phát triển trên thế giới thì tại Việt Nam, sản phẩm này còn ít, chưa đa dạng, ít cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt quy mô, chất lượng để đón khách có khả năng chi trả cao. Số cơ sở được công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và được cấp biển hiệu còn hạn chế. Phần lớn cơ sở có quy mô nhỏ, nhân lực còn hạn chế và cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch.
Còn theo PGS.TS Phạm Hồng Long (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), du lịch sức khỏe đã có ở Việt Nam, nhưng thực tế còn ít các tour chuyên biệt, mà mới chỉ dừng ở trải nghiệm đơn lẻ như tắm khoáng, suối nước nóng... Du khách ngày nay có các nhu cầu khác nhau về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, không chỉ về thể chất mà còn là tinh thần. Guồng quay cuộc sống quá nhanh và gấp gáp, nhiều người có vấn đề về mặt tinh thần và họ cần chăm sóc cho bản thân. Vì vậy các bên liên quan cần kết nối với nhau để xây dựng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu chữa lành, chăm sóc sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của người dân và du khách.
Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Thạc sĩ Dược học, Phó Chủ tịch Sao Thái Dương chia sẻ rằng Việt Nam nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa và chính sự khác biệt của thiên nhiên đã tạo ra sự đa dạng sinh học với hơn 36.000 loài cây đã được xác định, trong đó hơn 5.000 loài đã được sử dụng để làm thuốc và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nước ta cũng có hơn 600 loài cây có tinh dầu, hoàn toàn có thể đủ nguyên liệu để phát triển các sản phẩm dược liệu chăm sóc sức khỏe kết hợp cùng du lịch y tế.
Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia sức khỏe và hoạt động trong lĩnh vực du lịch về tiềm năng cũng như phương hướng thúc đẩy du lịch sức khoẻ trong thời gian tới.
Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động trong khuôn khổ diễn ra tọa đàm: