Tham gia một buổi thực hành phần nhỏ lễ Iftar Ramadan, tôi ngầm hiểu sao các quốc gia đạo Hồi lại thường có hình trăng lưỡi liềm? Rồi tháng ăn chay là sao? Ý nghĩa của tháng Ramadan là gì? Luật lệ như nào mà cộng đồng Hồi giáo lại tin tưởng và tuân thủ đến vậy?
Hôm nay, ngày 13.04.2023 (ngày 23 tháng 02 nhuận ta.) Không rõ lịch Trăng của đạo Hồi có giống lịch Âm của ta không? Nhưng như hôm nay đang là trong tháng Ramadan của các cộng đồng Hồi giáo.
Tại Viện nghiên cứu Trung đông và châu Phi, sau khi tối trời, một bữa tiệc lớn được tổ chức với sự tham gia của Viện trưởng, các cán bộ viện. Các cơ quan bộ ngoại giao, Liên hiệp các hội hữu nghị, các cơ quan nhà nước và hiệp hội, doanh nghiệp và đặc biệt, hơn chục các nhà ngoại giao, đại sứ của các đại sứ quán các nước Hồi giáo và vùng lãnh thổ tại Việt nam cùng tới tham dự.
Trong lịch Hồi giáo, tháng thứ chín gọi là tháng Ramadan hay Ramazan. Tháng linh thiêng này được coi là tháng ăn chay của tất cả người Hồi giáo trên toàn cầu. (Ăn chay không hẳn là ăn rau củ quả, kiêng ăn thịt!) Việc nhịn ăn trong tháng này được coi là một trong năm trụ cột của đạo Hồi. Bắt đầu từ lần nhìn thấy trăng lưỡi liềm đầu tiên trong tháng tới lần nhìn thấy tiếp theo. Thường là 29 – 30 ngày. Ngày bắt đầu theo Trăng nên mỗi quốc gia trên trái đất cũng không cùng nhau và là theo Trăng nên cũng không cố định theo ngày lịch Dương để xác định. Mỗi năm sẽ có lịch tháng Ramadan khác nhau!
Là tháng tốt lành của người Hồi giáo, theo quy định của sách thánh Kinh Cô ran, đây là tháng thiêng liêng đối với tất cả những người theo đạo Hồi được đánh dấu bằng nhiều nghi lễ khác nhau như ăn chay kéo dài một tháng, cầu nguyện và xem xét nội tâm. Đó là trong tháng này khi Nhà tiên tri Muhammad nhận được những học thuyết đầu tiên về Kinh Cô ran Thánh.
Theo niềm tin cổ xưa, một người đàn ông tên là Muhammad, cư dân của thành phố Ả Rập -Mecca bắt đầu nhận được những điều mặc khải từ Allah hoặc Chúa thông qua một thiên thần tên là Gabriel. Lần nhìn thấy đầu tiên đánh dấu sự khởi đầu của tháng Ramadan. Sau đó, những tiết lộ hoặc lời tiên tri được thu thập trong 114 chương, những chương này sau đó được kết hợp trong một cuốn sách mà ngày nay được gọi là Kinh Cô ran Thánh. Những người sùng đạo tin rằng Mohammad là nhà tiên tri cuối cùng trong dòng các nhà tiên tri được Chúa chọn để truyền bá thông điệp về sự đồng nhất, tình yêu và nhân loại.
Trong tháng Ramadan, ban ngày người Hồi giáo họ sẽ nhịn ăn. Khi mặt trời chưa mọc, hừng đông chưa lên thì họ sẽ ăn bữa sáng và khi mặt trời đã lặn, hoàng hôn khép lại, họ sẽ ăn bữa tối. Bữa sáng do thời gian hạn chế, nhu cầu nạp năng lượng cho một ngày nhịn ăn dài nên các món ăn phải là dễ ăn, ăn được nhanh, nhiều năng lượng. Hơn nữa, tháng Ramadan lại là từ tháng 3 – tháng 6 tuỳ quốc gia, có những quốc gia vào mùa nắng nóng, rất dễ mất nước, nên bữa sáng đòi hỏi các loại đồ ăn phải đảm bảo đủ chất xơ, tinh bột và đảm bảo nước. Các đồ ăn từ hạt, trái cây, được chế biến rất linh hoạt đảm bảo nhiệm vụ này.
Khi hoàng hôn buông xuống, lễ Iftar Ramadan, một trong gần chục loại lễ trong tháng này, chính là một bữa tiệc lớn được chuẩn bị và các gia đình quây quần bên nhau vào lúc hoàng hôn để phá vỡ một ngày dài nhanh chóng của họ. Bữa tiệc hoành tráng chuẩn bị kết thúc thời gian nhịn ăn sau khi mặt trời lặn, được gọi là Iftar. Hôm nay, trong bữa tiệc Iftar Ramadan với hơn trăm quan khách cùng thực hành một lễ Ramadan chính hiệu thật thú vị. Các món ăn được chuẩn bị từ đầu bếp người Hồi giáo, các món ăn Hồi giáo, các khẩu phần chất lượng với cách chế biến có chủ đích đặc thù riêng mà người ngoài cuộc chưa thể hiểu hết.
Nhìn các món ăn đơn giản như Gà sốt Cà ri, cơm (hạt gạo dài), bò viên, rau củ quả và trái cây tươi,… tuy nhiên, tất cả chúng đều cần đạt tới tiêu chuẩn của người Hồi giáo, tiêu chuẩn Halal. Ăn chay, nhưng ta thấy có món thịt. Người Hồi giáo được ăn thịt nhưng, thịt đó phải là tiêu chuẩn Halal, phải đáp ứng quy trình giết mổ Halal. Halal Là chứng nhận sản phẩn đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn Halal và đạt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là giấy kiểm định chất lượng sản phẩm tiêu dùng để người theo đạo Hồi có thể sử dụng được. Đây là chứng nhận bắt buộc khi nhập khẩu hàng hóa vào một số nước theo đạo Hồi. Chứng nhận Halal có thể áp dụng cho tất cả các loại sản phẩm không phải là Haram hoặc không chứa bất kì thành phần nào là Haram và đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn Halal.
Tới đây lại kéo theo một chủ đề khác, đó là thị trường các quốc gia Hồi giáo. Với hơn 1,3 tỷ dân số Hồi giáo từ các nước Đồng Nam Á, Nam Á, Trung đông và Bắc Phi, thực sự các doanh nghiệp, các công ty hoạt động lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp, đã gần như bỏ trống một phần tư trái đất là thị trường. Thị trường Âu, Mỹ đã quá cạnh tranh và khó khăn, tiềm năng lớn chính là các quốc gia Hồi giáo mà thực phẩm Việt nam ta rất có tiềm năng.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025” (Quyết định số 2015/QĐ-TTg, ngày 24/10/2016), và để triển khai các Tuyên bố cấp cao của Việt Nam với một số đối tác khu vực quan trọng, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức Diễn đàn “Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam” từ 2020 đã và đang đánh thức tiềm năng từ các doanh nghiệp. Nhiều đơn vị đã đang gấp rút tuân thủ để xin cấp chứng nhận Halal. Nhiều cuộc gặp gỡ, xúc tiến, học hỏi cũng như hợp tác. Các doanh nghiệp Nông, Lâm, Thuỷ sản đều đang có định hướng mới.
VHC - Việt nam Halal Center đã được thành lập và là đầu mối tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức các gặp gỡ. Cùng với đó, Viện nghiên cứu Trung đông và Châu Phi cũng là đơn vị tiên phong đẩy mạnh xúc tiến ngoại giao cũng như hợp tác chuyên gia.
Tiêu chuẩn Halal là rất khắt khe, nhưng khi đạt được nó, doanh nghiệp không chỉ có thị trường các quốc gia Hồi giáo, với tiêu chuẩn này, những quốc gia không phải Hổi giáo, cộng đồng người không phải Hồi giáo, hay chính chúng ta, người Việt nam, cũng sẽ lựa chọ sản phẩm dán nhãn đạt tiêu chuẩn Halal cho thực đơn của mình vì nó đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn.
Chỉ mới mấy năm, ở các thành phố Việt nam từ Hà nội tới HCMC, nhiều nhà hàng Halal đã được mở ra và thu hút được quan tâm rất nhiều thực khách. Tìm kiếm trên mạng, ta có thể thây hàng chục nhà hàng Halal ở mỗi thành phố hiện nay, thể hiện nhận thức của người tiêu dùng ngày càng mạnh tới tiêu chuẩn Halal.
Tháng Ramadan của người Hồi giáo, tường chừng xa lạ và không liên quan tới chúng ta, người Việt nam, thế nhưng, từ góc nhìn kinh tế, hội nhập và mở rộng thị trường rộng lớn, tới các tiêu chuẩn hợp lệ với người tiêu dùng Halal, áp dụng tốt không chỉ cho người Hồi giáo. Thực sự là một cơ hội tốt, một hướng đi tốt cho nhiều doanh nghiệp mở rộng kinh doanh miền đất mới.
Một điều thú vị và nhân văn của tháng Ramadan là không chỉ nhịn ăn và chỉ ăn khi mặt trời chưa mọc và khi mặt trời đã lặn. Mỗi bữa tiệc được mở ra, mỗi bữa ăn đầm ấm gia đình, gắn kết các thành viên, người Hồi giáo còn phân phát, chia sẻ lương thực cho người nghèo, mời những người nghèo tới cùng dự tiệc với họ…
Bữa tiệc Iftar Ramadan kéo dài với nhiều câu chuyện hay, sẽ kéo dài mãi nhưng sẽ kết thúc trước khi trời sáng!