Thương nhớ ánh lửa hồng mùa đông!

Trần Trung

18/01/2022 17:41

Theo dõi trên

Thời tiết đất nước mình thật là kỳ lạ. Hai miền Bắc – Nam có sự khác biệt lớn về thời tiết. Miền Bắc có mùa đông lạnh giá nhưng miền Nam thì nắng nóng quanh năm. Miền Trung ở giữa, “gánh” hai đầu đất nước thì lại chịu khí hậu khắc nghiệt nhất vì phải chịu cảnh nắng đổ lửa cháy khô cây cối như miền Nam, vào mùa hè nhưng cũng chịu những cơn gió giá lạnh từ miền Bắc thổi qua, vào mùa đông.

271916622-4777181675661044-3946950466487913243-n-1642489693.jpg
Ảnh minh họa

Nhạc sĩ Đinh Miên Vũ – một người con của xứ Huế đã viết trong ca khúc “Hai quê” có những câu mô tả đặc điểm thời tiết miền Trung như sau:

“Thương sao khi hạ về,

Nam lửa đổ khô cây.

Giêng hai đêm càng dài,

Mưa dầm ngọn heo may.”

Thời thơ ấu tôi trải qua những mùa đông lạnh buốt và những mùa hè nắng nóng da người với những cơn gió Phơn Tây nam hầm hập hơi nóng, thổi từ nước Lào sang nên người ta còn gọi là gió Lào. Sau những ngày hè nóng nực là đến mùa thu cái nóng dịu mát đi chút ít. Nhưng phải đến cuối thu khi có những cơn gió heo may se lạnh thổi qua thì tôi biết rằng mùa đông lạnh lẽo lại sắp đến rồi.

Tôi vẫn không thể quên được những mùa đông lạnh buốt với những trận mưa phùn rải rác và kéo dài nhiều ngày. Những hạt mưa phùn đậu trên tóc, thấm lên má ướt lạnh, ngấm ướt áo quần và do độ ẩm không khí rất cao nên quần áo mùa đông thường giặt rất lâu khô. Những ngày mưa dầm đó quần áo không thể khô nhanh và thường bị bốc mùi hôi do ẩm mốc và chúng tôi thiếu quần áo mặc đi học nên nội tôi thường phải hong trên bếp lửa cho mau khô.

Thời tiết mùa đông cũng có những ngày lại hanh khô khó chịu khiến da người dân xứ Bắc lại bị nứt nẻ và đặc biệt là da mặt, tay chân và da môi. Thời đó người ta phải mua sáp chống nẻ để bôi lên da mặt và môi luôn giữ ẩm để chống da bị nứt nẻ.  Mùa đông còn có những cơn gió bấc ào ào mang theo cái lạnh từ phương Bắc tràn qua khiến cho những đứa trẻ thôn quê tôi môi tím tái, run lên, co ro vì không có đủ quần áo ấm nên phải mặc quần áo mỏng phong phanh bay phất phơ theo những cơn gió lạnh.

Lũ bạn của tôi sáng đi học, chiều phải đi chăn trâu cho bố mẹ. Hôm nào lạnh quá là cả bọn xúm nhau lại lấy củi về đốt một đống lửa để ngồi sưởi ấm. Có lúc có đứa mang khoai sống ở nhà đi hoặc ra ruộng khoai gần đó đào trộm và cho vào đống lửa để nướng. Hơi ấm của đống lửa làm má chúng tôi hồng lên, môi không còn tím ngắt nữa. Chúng tôi vừa xòe hai bàn tay hơ cho ấm trước đống lửa và trò chuyện râm ran. Chúng tôi xuýt xoa vội chia sẻ cho nhau từng miếng khoai nướng còn nóng hổi đến bỏng cả môi vì đói bụng. Vị ngọt của khoai nướng sẽ đọng mãi đến tận bây giờ ở chót lưỡi đầu môi lũ trẻ thôn quê chúng tôi ngày ấy. Hơi ấm của đống lửa, của tình thân và vị ngọt của khoai nướng đã giúp chúng tôi vượt qua những mùa đông lạnh giá của tuổi ấu thơ ngày ấy.

Những mùa đông ngày xưa ấy sao lạnh thế! Không biết có phải lũ trẻ ngày xưa đói ăn nên cơ thể không còn đủ năng lượng để chống chọi với cái lạnh tê người. Những đợt không khí lạnh tăng cường thường rất lạnh vì khi có một đợt không khí lạnh mới tràn qua trên nền nhiệt lạnh của đợt không khí lạnh cũ thì làm cho nhiệt xuống thấp kỷ lục làm cho cá ngoài đồng bị chết rét và cây lúa cũng bị chết vàng lá nên nông dân phải đợi qua Tết ấm áp hơn mới gieo lại mạ và cấy lại bằng những cây lúa khác.

Mỗi khi đông sang, bà tôi lại lục tìm quần áo ấm cho chúng tôi mặc. Đó là những chiếc áo chần bông dầy và nặng hoặc là những chiếc áo len đan cũ, sờn rách đã được mặc qua nhiều mùa đông. Có lúc tôi phải mặc nhiều áo sơ mi mỏng vào người cho đỡ lạnh. Thời đó vào mùa đông, tôi hơn lũ bạn cùng lứa là còn có dép đi mùa đông và mãi tận sau này tôi mới có giày để đi. Còn những người bạn thôn quê của tôi thì chỉ có đôi chân trần, lấm bùn đất để đi qua những mùa đông lạnh giá.

Nhà tôi có 8 người và có 2 chiếc giường đôi, mỗi chiếc giường chỉ có một chiếc chăn bông để đắp. Tôi thường nằm ngủ cùng với nội và anh, chị, em tôi. Cái chăn bông không đủ ấm vì ba, bốn người ngủ trên một chiếc giường đôi nên luôn có khoảng trống giữa hai người để không khí lạnh luồn vào. Những người nằm ngoài cùng thường bị kéo mất phần chăn nên lạnh quá tỉnh dậy kéo lại phần chăn. Việc co kéo đó xảy ra suốt cả đêm luôn trong giấc ngủ say. Gió lạnh thường thổi từ bên ngoài luồn qua gầm giường, len lỏi lên qua chiếc chiếu vừa mỏng và thưa vào cơ thể nên tôi vẫn bị lạnh mặc dù đắp chăn ở trên người, cho nên tôi vẫn phải mặc quần áo ấm đi ngủ mới đủ ấm. Tuy đắp chăn nhưng mặt vẫn lạnh nên những hôm lạnh quá tôi thường kéo chăn che mặt nhưng rồi không có không khí để thở nên lại phải kéo chăn xuống dưới cằm, chịu rét mặt.

Có những năm rét quá, nội tôi đi xin rơm về lót dưới chiếu để mấy bà cháu nằm cho ấm. Nằm trên rơm tôi thấy thật êm nhưng lại có tiếng sột soạt khi cựa mình nên sau đó nội tôi không dùng rơm nữa. Một phần nội thấy tiếng rơm kêu sột soạt gây khó ngủ và một phần nội ngại nằm rơm lâu sẽ sinh ra rận hay rệp ở trong rơm đốt chúng tôi. Sau này bố tôi lấy những gốc củi khô về, dùng búa bổ ra, để cho nội tôi đốt một đống lửa ngay giữa nhà những hôm nào rét đậm. Ánh lửa bập bùng, tiếng củi cháy tí tách, khói cay xè mắt và hơi ấm tỏa ra khắp cả nhà khiến cả nhà tôi thật ấm cúng. Đến lúc đi ngủ, nội tôi xúc than hồng từ đống lửa đã tàn cho vào một cái chậu sắt tráng men và để xuống gầm giường mấy bà cháu nằm cháu. Hơi ấm từ chậu than hồng đã làm cho lưng tôi không còn lạnh nữa. Tôi ngủ một mạch tới sáng thì than củi cũng tàn hết, để lại tàn than trắng xóa, gió thổi bay khắp nhà.

Trong những tháng ngày mùa đông lạnh giá của những ngày thơ đầy thiếu thốn ngày xưa ấy thì tắm rửa với chúng tôi lại là một cực hình. Thời đó nhà tôi không có nhà tắm kín gió mà chỗ tắm chỉ là ở phía chái nhà hay chái bếp khuất gió được chắn bằng một chiếc chiếu hay tấm mành liếp che hoặc không có gì che chắn cải. Bà hoặc mẹ tôi nấu một nồi nước sôi to. Múc nước sôi ra chậu và pha với nước lạnh. Khi còn nhỏ, thì mấy anh chị em tôi được ngồi tắm trong chậu nước ấm chỉ bị lạnh run lúc bước ra khỏi chậu để mặc quần áo thôi. Lớn lên chút, không được ngồi trong chậu nữa mà phải trần như nhộng đứng bên ngoài để bà hoặc mẹ vừa múc từng gáo nước ấm đổ lên người vừa kỳ cọ. Mẹ hay nội còn phải kỳ cọ người chúng tôi nên không thể dội nước ấm liên tục lên người nên chúng tôi lạnh run cầm cập, hai hàm răng răng đánh vào nhau nên chúng tôi luôn miệng giục kỳ cọ nhanh nhanh để lau khô người và mặc nhanh quần áo không thì bị lạnh quá. Lớn hơn chút nữa phải tự tắm, tôi thường phải dội nước ấm liên tục lên người và kỳ cọ thật nhanh để lau khô người và mặc quần áo cho nhanh mà vẫn lạnh run người.

Đối với nhiều người khác thì người ta lại tắm rửa theo chu kỳ lạnh - ấm của thời tiết mùa đông. Mùa đông thường lạnh theo đợt gió mùa đông bắc mang hơi lạnh từ phía Bắc xuống. Mỗi đợt lạnh ảm đạm thường kéo dài từ 7 ngày đến nửa tháng sau đó sẽ có một hoặc 2 ngày nắng ấm, đẹp trời trước khi đón đợt không khí lạnh mới. Người ta thường tranh thủ thời gian ấm áp giữa hai đợt không khí lạnh để tắm giặt.

Những ngày không khí lạnh tràn qua, bầu trời lúc nào cũng đầy mây xám xịt và lại kéo theo những trận mưa dầm do hơi nước bốc lên gặp không khí lạnh nên ngưng tụ thành hạt mưa lạnh làm cho những con đường quê tôi lại lầy lội, trơn trượt rất khó đi lại. Những ngày mưa lạnh đó chỉ có việc đi học thì chúng mới phải ra khỏi nhà thôi. Khi có mưa mọi người phải đội nón, mũ và áo mưa ra đường. Thời đó, áo mưa thực ra chỉ một mảnh ny-lông người ta quàng lên người. Nhưng độc đáo nhất lại là cái áo tơi - loại áo mưa như một mái nhà di động vì được lợp bằng rơm rạ hay lá kè. Tuy hơi nặng và kỳ cục nhưng lại chống mưa và gió lạnh rất tốt.

Trong miền ký ức miên man về mùa đông lạnh giá của tuổi ấu thơ của tôi, luôn có những hình ảnh rất đỗi đỗi thân thương của bà nội và những người thân yêu trong gia đình tôi. Đó là những chiều đông lạnh giá và ảm đạm tôi chợt thấy thật ấm áp lên khi sau buổi chiều đi học về tôi thấy hình ảnh những làn khói lam chiều đang bay lên từ mái bếp nơi bà tôi đang nấu cơm chiều. Tôi biết chúng tôi sắp được ăn những món ăn nóng hổi do nội nấu. Đó còn là hình ảnh ánh lửa hồng bập bùng ấm áp phản chiếu lên khuôn mặt nội khi nội ngồi đốt củi sưởi ấm cho chúng tôi. Đó là mùi củi đốt ngai ngái và khói củi cay cay làm chúng tôi chảy nước mắt giàn dụa. Đó còn là hơi ấm chậu than hồng dưới gầm giường giúp tôi ngủ ngon giấc vì không còn bị lạnh lưng và chân nữa. Đó còn có cả những khi hai hàm răng của tôi run cầm cập vì lạnh khi phải tồng ngồng tắm ngoài trời lạnh giá.

Tôi và có lẽ còn rất nhiều người thấy được hình ảnh của bà nội hay bà ngoại thương yêu qua những câu thơ đầy cảm xúc trong bài “Bếp lửa” của Bằng Việt:

“…Một bếp lửa chờn vờn sương sớm,

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm,

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa…”

…Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ,

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm,

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,

Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi,

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui,

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ.

Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa! …”

(Bếp lửa - Thơ Bằng Việt)

Lung linh trong ánh lửa bập bùng là hình ảnh thân thuộc của người bà kính yêu, sáng sớm nhóm bếp lửa để nấu ăn cho cả nhà. Người cháu cảm nhận được tình thương ấm áp của bà qua vị ngọt bùi của củ khoai, củ sắn bà luộc, vị dẻo thơm của xôi bà đồ để buổi sáng cháu ăn. Bếp đỏ lửa cháy đã khơi dậy lên những tình cảm đứa cháu nhỏ dành cho bà và thổi bùng lên niềm yêu thương bà dành cho đứa cháu nhỏ.

Cũng vẫn còn có những đứa trẻ vẫn không hiểu sự vất vả của bà và không biết thương bà như nhà thơ Nguyễn Duy khi nhớ về tuổi thơ nghịch ngợm của mình đã thốt lên “Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế” và hối hận viết lên những câu thơ đầy hối hận, đau xót:

“ Khi tôi biết thương bà thì đã muộn

Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!”

(Đò Lèn - Nguyễn Duy)

Những năm tháng ấy cuộc sống còn nhiều khó khăn, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm nên mùa đông lại càng thêm lạnh vì cái giá buốt của mùa đông thường hay đồng lõa với cái đói hành hạ con người. Những mùa đông ngày thơ ấu tuy thời tiết rất lạnh nhưng chúng tôi lại thấy ấm áp vì tình thân trong gia đình và tình thương vô bờ của bà nội và cha mẹ đã sưởi ấm, giúp chúng tôi đi qua những mùa đông lạnh giá.

Khi viết những dòng này trong tâm trí tôi vẫn hiện lên hình ảnh ngọn lửa bập bùng chiếu hình ảnh bà nội tôi ngồi bên bếp lửa hồng lên bức vách bếp, hai tay nội xoa vào nhau, luôn miệng xuýt xoa vì lạnh. Tôi nhớ những cơn gió bấc lạnh buốt mơn man lên má, lên môi, nhớ những giọt mưa phùn bám trên tóc, nhớ vị khoai sắn nướng thơm lừng sẻ chia cùng lũ bạn. Tất cả những nỗi nhớ đó tôi gom chung lại thành NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG.

 

Theo Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Thương nhớ ánh lửa hồng mùa đông!" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn