Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 2)

PGS TS Cao Văn Liên

10/09/2022 06:15

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành

Kỳ 2.

3. Một ngày mùa đông năm 938, gió lạnh thổi vù vù, miền biển đông bắc của xứ ”An Nam” sóng chồm lên từng đợt màu xám. Trời cũng một màu xám ngắt. Nhưng mặt biển không yên tĩnh. Hơn 300 chiến thuyền chở hàng vạn thủy binh Nam Hán đang đè sóng hùng dũng tiến sang xâm lược lại miền mà xưa là Giao Châu và đến nhà Đường gọi là An Nam đô hộ phủ. Những chiến thuyền cao to màu nâu, mũi còm xuống nom rất hung dữ. Trên boong thuyền đông đặc những tên lính đồng phục màu đen, gươm dáo sáng lòa, lưng đeo  cung mạnh, nỏ cứng và những ống đựng tên. Các tướng lĩnh quân Nam Hán giáp trụ màu kim khí lấp lánh, kiếm gươm lấp lóe trong tay dữ dội như những thần chết đang tiến vào đất nước xa lạ gieo rắc chiến tranh chết chóc và tàn phá, xé tan cuộc sống thanh bình của một đất nước mà không hề làm hại đến người Nam Hán. Đoàn chiến thuyền dàn đội hình chiến đấu lướt nhanh trên sóng, những mái chèo như hàng nghìn cánh tay khổng lồ quái dị gạt nước đưa thuyền đè sóng tiến lên như những con quái vật khủng khiếp. Giữa đoàn chiến thuyền, một chiếc thuyền màu vàng cao to với vọng lâu phủ lọng vàng. Đó là chiến thuyền của Thái tử Nam Hán Lưu Hoàng Thao, tổng chỉ huy cuộc xâm lược An Nam. Là tổng chỉ huy nhưng Lưu Hoàng Thao chỉ là một thanh niên đang lớn, kiêu ngạo. Hắn tin tưởng vào sức mạnh của nhà Nam Hán dù chỉ là nước bé trong cục diện phân liệt năm đời mười nước khi nhà Đường sụp đổ. Lưu Hoàng Thao càng tin tưởng khi tiến quân cùng với đoàn thuyền chiến còn có đạo bộ binh hùng hậu do vua Nam Hán Lưu Cung thân chinh chỉ huy tiến theo đường bộ, sẵn sàng tiếp ứng cho đạo thủy binh.

bach-dang2-1-1662729785.jpg
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Nguồn: baotanglichsu.vn

 

Lưu Hoàng Thao ngồi trên vọng lâu thuyền vừa quan sát cuộc tiến quân vừa uống rượu, vừa xem mười cung nữ xinh đẹp, xiêm y lộng lẫy múa hát theo điệu nhạc cổ du dương trầm bổng. Khi đoàn chiến thuyền đi qua Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long, Lưu Hoàng Thao sững sờ trước vẻ đẹp như tiên cảnh bồng lai. Những hòn núi đủ hình thù kỳ quái phải hàng vạn năm thiên nhiên mới tạo được nhô mình trên mặt biển sóng yên biển lặng lung linh soi bóng. Trên một số đảo những đàn khỉ trông thấy chiến thuyền hung hãn của bọn người xa lạ hoảng hốt bồng bế con lẩn tránh, trèo lên tít những ngọn cây cao hay lẩn vào khe đá. Những con khỉ đực hình như không biết sợ dương mắt nhìn quân xâm lược ngạc nhiên lẫn ánh mắt căm thù. Đàn hải âu trắng xóa bay loạn xạ. Lưu Hoàng Thao hớp cạn một ly rượu nói:

-An Nam quá đẹp xứng đáng để ta cất công chinh phục.

-Dạ, Thái tử nói không sai. Tên vệ sĩ đứng cạnh Lưu Hoàng Thao đáp lời nịnh nọt.

          Từ ngoài bước vào một tên lính hoa tiêu dẫn đường. Tên lính khoanh tay cúi đầu báo:

-Dạ bẩm Thái tử đã đến vùng biển rẽ vào sông Bạch Đằng rồi ạ.

          Lưu Hoàng Thao bước lên đài quan sát, bỗng xuất hiện một đội binh thuyền nhỏ bé của người An Nam chặn ngay phía trước đoàn binh thuyền đồ sộ của quân Nam Hán. Lưu Hoàng Thao cười:

-Ha...Ha...thủy binh của An Nam Ngô Quyền có thế này thôi sao.

          Rồi Hoàng Thao ra lệnh:

-Dàn đội hình chiến đấu tấn công.

 Thủy quân Nam Hán đang đội hình hàng dọc phút chốc những chiến thuyền phía sau tiến lên dàn thành hình tam giác mà mũi nhọn hướng vào sông Bạch Đằng. Lâu thuyền của Hoàng Thao lọt vào giữa được bảo vệ nghiêm ngặt. Từ những chiến thuyền Nam Hán những trận mưa tên bay về phía chiến thuyền của  Ngô Quyền. Những chiến thuyền nhỏ bé của Ngô Quyền bắn lại. Những chiến thuyền Nam Hán lướt sóng chồm lên như muốn nuốt chửng quân Nam. Đội chiến thuyền của Ngô Quyền có vẻ núng thế quay mũi chạy vào sông Bạch Đằng. Hoàng Thao cưới ha hả, phất cờ hạ lệnh đại đội binh thuyền xông lên truy kích. Lúc này trời đã xế chiều nên nước thủy triều đang dâng cao ngập hết bãi cọc.Toàn bộ hàng trăm chiến thuyền Nam Hán vượt qua. Cửa biển Bạch Đằng tung lên từng đợt sóng. Tiếng reo hò náo động vang cả một vùng. Những mái chèo của thuyền Nam Hán khua gấp, thuyền lướt như tên bay gió thổi. Đội hình thuyền Nam Hán kéo dài suốt 4 dặm nhưng vẫn giữ nguyên đội hình tam giác bao gồm mũi tiên phong sau đó là tả quân, hữu quân, hậu quân bảo vệ cho chủ tướng và hỗ trợ cho nhau. Bỗng nhiên trên đỉnh núi cao nhất bờ bắc sông Bạch Đằng một lá cờ xanh phất lên. Hoàng Thao hỏi tên tì tướng:

-Quân Nam phất cờ xanh là ý gì vậy?

Tên tùy tướng ấp úng:

-Dạ thưa Thái tử tiểu tướng đáng chết, tiểu tướng không biết ạ.

          Hoàng thao và toàn bộ thủy binh Nam Hán không hiểu nhưng quân Việt  thì hiểu. Đó là hiệu lệnh đánh cầm chừng không cho quân địch tiến lên, cũng không cho quân địch rút ra biển chờ nước thủy triều rút xuống mới tổng công kích.

          Sau tín hiệu cờ xanh phất lên, Hoàng Thao và quân Nam Hán thấy xuất hiện trước mặt một đoàn thủy binh hùng mạnh chặn ngang chiến thuyền Nam Hán cách xa khoảng một dặm nhưng chỉ dừng lại phất cờ đánh trống mà không tiến công. Hoàng Thao ra lệnh cho chiến thuyền giảm tốc độ, khi vừa tầm tên ra lệnh bắn dữ dội vào chiến thuyền quân Việt. Quân Việt cũng dùng tên bắn lại như mưa. Thủy binh Nam Hán trúng tên, xác nằm la liệt trên boong các chiến thuyền. Tuy nhiên chiến thuyền Nam Hán vẫn không nhích lên được, không ra khỏi trận địa mai phục của Ngô Quyền. Thời gian trôi dần và màn đêm đã bao phủ không gian, bao phủ cả dòng sông Bạch Đằng nhưng màn đêm bị xé rách loang lổ bởi ánh lửa vàng vọt của các chiến thuyền. Nước thủy triều đang rút dần rất nhanh, rất mạnh. Hoàng Thao và thủy binh Nam Hán cảm thấy chiến thuyền nhích lên rất chậm và có vẻ như đang trôi ra biển, nước róc rách ào ạt dưới đáy thuyền. Bỗng nhiên Hoàng Thao trông thấy trên đỉnh núi cao phía Bắc một mũi tên lửa băn lên không trung. Thủy binh và bộ binh Việt hiểu rằng đó là tín hiệu phản công mãnh liệt vào thủy binh Nam Hán vì bãi cọc ở cửa sông đã nhô lên sẵn sàng chặn bước tháo chạy ra biển của quân thù. Sau khi mũi tên lửa rớt xuống và tắt ngấm trong màn đêm, Hoàng Thao trông thấy các chiến thuyền quân Việt từ các núi đá, từ các rừng cây xông ra đánh mãnh liệt vào quân Nam Hán. Chiến thuyền Thuyền quân Việt tiếp cận gần dùng búa phá thuyền, dùng câu liêm móc lính Nam Hán xuống sông mà giết. Quân Nam Hán bị công kích dữ dội phía trước mặt và cả hai bên sườn. Lính Việt nhảy cả lên thuyền chém giết. Quân Nam Hán chết như ngã rạ. Quân Nam Hán rối loạn, xác chết rơi xuống sông bị sóng đánh dập dềnh kín đặc.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 2)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn