Kỳ 35.
Thủy quân trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và bảo vệ tổ quốc thời kỳ cách mạng Tây Sơn
Vào những năm 70 của thế kỷ thứ Mười Tám, chế độ phong kiến Việt Nam bước vào cuộc khủng hoảng toàn diện và cực kỳ thối nát. Giai cấp phong kiến thống trị lao sâu vào con đường ăn chơi xa xỉ, hoang dâm vô độ, không thiết gì đến sự nghiệp xây dựng đất nước và ra sức bóc lột nông dân tàn tệ. Hạn hán, lụt lội, mất mùa, đói khát, dịch tễ diễn ra triền miên suốt trong những năm đó. Năm 1741 nạn đói đã làm chết hàng vạn nông dân Bắc Hà. Nạn nông dân bị cướp đoạt ruộng đất phiêu tán trầm trọng, một lực lượng sản xuất to lớn bị tước hết tư liệu sản xuất và bị đẩy ra khỏi quá trình sản xuất. Mâu thuẫn cơ bản của xã hội, giữa nông dân bị bóc lột với giai cấp địa chủ phong kiến gay gắt chưa từng có. Đã thế, hai thế lực phong kiến Trịnh-Nguyễn lại chia cắt đất nước tiến hành một cuộc nội chiến dài hàng trăm năm làm thiệt hại xương máu của nhân dân không biết bao nhiêu mà kể và trầm trọng hơn là làm tổn thương đến tình cảm dân tộc, làm thế nước suy yếu không đủ khả năng tự vệ khi có ngoại bang xâm lược. Chúng ta đều biết rằng khi đó, ngoài triều đại Mãn Thanh hùng cường ở phương Bắc đe dọa thì những chiến hạm của tư bản phương Tây cũng đang rạch nát mặt nước Thái Bình Dương trên đường sang phương Đông giàu có tìm thuộc địa.
Giai cấp nông dân sôi sục căm thù chế độ đương thời và giai cấp phong kiến thống trị Lê - Trịnh - Nguyễn. Lịch sử lại đặt lên vai họ những trách nhiệm nặng nề: tiến hành một cuộc đấu tranh giai cấp lật đổ ách thống trị tàn bạo của các tập đoàn phong kiến phản động, giải phóng nông dân, thống nhất đất nước, thúc đẩy xã hội Việt Nam tiến lên. Giai cấp nông dân đã vùng dậy bước vào cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt và thế kỷ thứ 18 là thế kỷ mà chiến tranh nông dân phát triển rầm rộ chưa từng có trong lịch sử, làm rung chuyển nền thống trị của các tập đoàn phong kiến. Kết tinh của các cuộc khởi nghĩa đó, phong trào nông dân Tây Sơn đã phát huy cao độ sức mạnh vô địch của nông dân, đã khắc phục được những hạn chế địa phương cục bộ của các phong trào trước, vươn lên thành phong trào toàn quốc, từ làm nhiệm vụ giải phóng giải cấp vươn lên làm nhiệm vụ dân tộc. Phong trào Tây Sơn là một cuộc chiến tranh cách mạng ác liệt. Để tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng đó, các lãnh tụ Tây Sơn đã tổ chức nên lực lượng vũ trang hùng mạnh bao gồm lục quân, thủy quân và nhiều binh chủng khác. Từ đó suốt trong thời gian biến động lớn lao của đất nước, thủy quân Tây Sơn đã cùng với các quân binh chủng khác dưới sự lãnh đạo của anh hùng dân tộc, vị tướng bách chiến, bách thắng Nguyễn Huệ lao vào cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng giai cấp, thống nhất đất nước, đập tan sự xâm lược của bọn phong kiến Mãn Thanh, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.
Mùa xuân năm 1771, cơn bão táp cách mạng bùng nổ ở ấp Tây Sơn và chiến tranh cách mạng lan tràn không một bạo lực nào cản được. Dưới sự lãnh đạo của các lãnh tụ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, năm 1773, nghĩa quân giải phóng Quy Nhơn, thừa thắng giải phóng Quảng Ngãi. Quân đội của triều đình chúa Nguyễn liên tục thất bại. Lợi dụng sự suy yếu của chúa Nguyễn, năm 1774, 3 vạn quân Trịnh tràn vào đánh phá kinh thành Phú Xuân. Chúa Nguyễn bỏ Phú Xuân chạy vào Gia Định xây dựng lực lượng phản công đánh lại Tây Sơn. Nghĩa quân Tây Sơn có nguy cơ bị hai kẻ thù tấn công hai mặt. Trước tình hình đó, các lãnh tụ Tây Sơn đã sáng suốt tạm hòa hoãn với quân Trịnh ở phía Bắc, tập trung lực lượng đánh đổ họ Nguyễn ở miền Nam.
Thực hiện kế hoạch đó, tháng 3 năm 1776, thủy quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Lữ tiến công Gia Định, đánh bại quân chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ Gia Định chạy trốn ra Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay) và bị quân Tây Sơn truy kích gắt gao. Nhưng sau khi Nguyễn Lữ rút thủy quân về Quy Nhơn thì quân Nguyễn lại về chiếm lại Gia Định. Đạo quân chủ lực của chúa Nguyễn lúc này là đạo quân Hòa Nghĩa của Lý Tài gòm 8.000 người và sau này còn tăng lên nữa đóng ở thành Gia Định. Các đạo quân khác như đạo quân của chúa Nguyễn Phúc Dương trước ở thành Gia Định, sau khi nghe tin Nguyễn Huệ tiến vào liền bỏ Gia Định lên đóng ở Trấn Biên. Quân Đông Sơn của Đỗ Thành Nhơn cùng Nguyễn Ánh gồm 4.000 người ở Ba Dòng. Đạo quân của Mạc Thiên Tứ đóng ở Cần Thơ. Xa hơn nữa có đạo quân của Trương Phúc Thận đóng ở Cầu Vọt. Thế lực quân sự của chúa Nguyễn mạnh nhưng không thống nhất, nội bộ mâu thuẫn chia làm hai phe, Lý Tài ủng hộ Nguyễn Phúc Dương, Đỗ Thành Nhơn ủng hộ Nguyễn Phúc Thuần.
Lợi dụng cơ hội nội bộ nhà Nguyễn chia rẽ, các lãnh tụ Tây Sơn quyết định tấn công đại phá Gia Định. Lực lượng quân đội Tây Sơn bao gồm lục quân và thủy quân tham gia phối hợp tác chiến. Vị tướng trẻ tuổi Nguyễn Huệ được cử làm tổng chỉ huy trong cuộc tấn công này với nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân sự của chúa Nguyễn, giải phóng Gia Định. Sau khi đã nắm chắc sự bố trí lực lượng của địch, Nguyễn Huệ trao cho thủy quân là lực lượng chủ yếu tấn công đánh chiếm thành Gia Định, tiêu diệt đạo quân Lý Tài là đạo quân chủ lực của chúa Nguyễn. Sau khi chiếm Gia Định, thủy quân tiếp tục đánh ra các vị trí quan trọng như Long Hồ, Phiên Trấn ở Nam Gia Định. Bộ binh phối hợp tác chiến với thủy quân, tiến đánh thành Bình Thuận, giải phóng vùng Bình Thuận, Trấn Biên phía Bắc Gia Định.
Tháng 3 năm Đinh Dậu 1777, quân đội Tây Sơn bắt đầu tấn công. Thủy Quân do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy tiến thẳng vào cửa biển Cần Giờ đánh vào thành Gia Định liên tục. Lý Tài đưa chủ lực ra tiếp chiến nhưng trước sức tấn công mãnh liệt của thủy quân Tây Sơn, quân Lý Tài thất bại liên tiếp và tan rã dần. Thấy Gia Định có nguy cơ thất thủ, chúa Nguyễn Phúc Dương để một bộ phận quân đối phó với bộ binh Tây Sơn ở Trấn Biên, còn đem hầu hết quân về tăng viện cho Lý Tài hòng cố thủ lâu dài ở Gia Định, nhưng tới nơi thì Gia Định đã thất thủ. Trước sức mạnh của thủy quân Tây Sơn, Lý Tài phải bỏ thành đem tàn binh rút chạy ra Hóc Môn. Nguyễn Huệ cho quân truy kích. Cùng đường, Lý Tài phải chạy về Ba Dòng và bị quân Đông Sơn của Đỗ Thành Nhơn là lực lượng đối địch giết chết.
(Còn nữa)
CVL