Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 34)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 34

Thời cơ phản công chiến lược tiêu diệt địch giải phóng đất nước của quân và dân ta đã tới. Mọi hoạt động quân sự của Thoát Hoan không thoát được tai mắt nhân dân và sự xét đoán tinh tường của nhà quân sự thiên tài Trần Quốc Tuấn. Ông đã chăng những cạm bẫy trên khắp các ngả đường rút quân của giặc. Quân dân ta quyết bắt quân thù đền tội ngay trên đất nước mà chúng đã gây nhiều tang tóc đau thương. Dòng sông Bạch Đằng do vị trí đặc biệt của nó đã ghi bao chiến công oanh liệt của thủy quân ta, nay lại được Trần Quốc Tuấn chọn làm trận địa mai phục quy mô chôn vùi đạo thủy quân của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp.

bach-dang-1665478214.jpg
Trận Bạch Đằng diễn ra mùa xuân năm 1288 được coi là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, đã đánh bại hoàn toàn cuộc xâm lăng Đại Việt lần thứ ba của quân Nguyên Mông. Nguồn: Internet.

 

Bạch Đằng là một con sông lớn do sông Đá Bạc, sông Giá và nhiều nhánh sông khác đổ vào. Dòng sông rộng mênh mông, bên phải có dãy núi đá vôi Tràng Kênh ăn sát bờ, bên trái dòng sông là rừng cây um tùm che lấp cả bờ bến. Phát huy truyền thống lâu đời của thủy quân ta là triệt để lợi dụng địa hình thiên nhiên để diệt địch, kế thừa một cách sáng tạo chiến thuật của Ngô Quyền trong trận thủy chiến Bạch Đằng cuối năm 938, quân dân ta theo kế hoạch của Trần Quốc Tuấn đã đắn gỗ lim, gọt đẽo nhọn cắm xuống lòng sông tạo thành một bãi chướng ngại vật lớn. Phía dưới cửa sông Chanh có ghềnh Cốc là một bãi đá ngầm chạy ngang qua sông Bạch Đằng được lợi dụng như bãi chướng ngại vật thiên nhiên để phối hợp với bãi cọc ngăn chặn thủy quân địch khi nước triều rút xuống. Trong các nhánh sông và cửa sông, Trần Quốc Tuấn cho thủy quân ta mai phục sẵn, đợi thủy binh địch, trừ dòng sông Đá Bạc được mở rộng cửa cho thủy quân địch tiến vào đất chết. Trần Quốc Tuấn còn tận dụng địa hình núi đá Tràng Kênh và rừng rậm bên tả ngạn để cho bộ binh mai phục, phối hợp chiến đấu với thủy quân. Đại quân ta do vua Trần thống lĩnh cũng sẵn sàng tiếp ứng cho thủy quân. Với một kế hoạch bố trí chu đáo như vậy, Trần Quốc Tuấn đã chọn Bạch Đằng làm trận quyết chiến chiến lược kiên quyết tiêu diệt toàn bộ đạo thủy quân của giặc Nguyên-Mông. Thủy quân ta được giao nhiệm vụ đóng vai trò chủ lực trong trận đánh quyết định lịch sử này.

Đầu tháng 4 năm 1288 đạo thủy quân của địch bắt đầu rút theo sông Bạch Đằng ra biển để trở về cửa biểm Khâm Châu, Liêm Châu, trên bờ có kỵ binh đi hộ tống. Quân dân ta phá cầu đường, ra sức chặn đánh liên tục buộc đội kỵ binh phải quay trở lại Vạn Kiếp. Đoàn chiến thuyền của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp vẫn nối đuôi nhau dằng dặc, thận trọng theo sông Đá Bạc tiến ra sông Bạch Đằng.

Ngày 8-4 năm 1288 một đội chiến thuyền của thủy quân địch đi trước dò đường tiến theo sông Giá đến Trúc Động (Thủy Nguyên Hải Phòng) thì bị thủy quân ta chặn đánh phải rút lui. Nhiệm vụ của trận chiến đấu ở Trúc Động là ta bịt đường sông Giá để bảo đảm bí mật cho trận địa mai phục của thủy quân ta và buộc toàn bộ binh thuyền của địch phải hành quân theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng, tức là dấn thân vào trận địa do quân ta chọn sẵn. Sáng hôm sau 9-4-1288 đạo thủy binh địch bắt đầu tiến vào sông Bạch Đằng. Để nhử cho toàn bộ chiến thuyền địch lọt vào trận địa quân ta, Trần Hưng Đạo cho một đội chiến thuyền của ta ra khiêu chiến. Đang giao chiến thì đội chiến thuyền ta giả thua rút chạy, Ô Mã Nhi ra lệnh đuổi theo, khi đó nước thủy triều vẫn đang rút xuống rất mạnh. Khi toàn bộ binh thuyền của địch lọt vào trận địa mai phục thì thủy quân ta từ trong các nhánh sông, các cửa sông bất ngờ tiến công mãnh liệt vào đội hình của địch cả ba phía. Thủy quân ta đánh rất mạnh dồn ép binh thuyền của địch về phía bãi cọc. Chiến thuyền địch vừa to vừa nặng lại đang lao nhanh nên đâm vào cọc gỗ tan vỡ và bị đánh đắm rất nhiều. Đội hình quân Nguyên đang rối loạn thì thủy quân, lục quân ta từ trong các nhánh sông, các cửa sông đổ ra đánh quyết liệt. Quân ta dùng những bè hỏa công đã chuẩn bị sẵn lao ra đốt cháy chiến thuyền địch. Dòng sông Bạch Đằng khói lửa mịt mù với tiếng reo hò chém giết mãnh liệt của quân ta. Đại quân ta do vua Trần thân chinh chỉ huy cũng kịp thời tới tiếp ứng, quân ta khí thế càng mạnh đánh phá binh thuyền giặc tơi bời. Trận thủy chiến ác liệt kéo dài từ mờ sáng đến chiều tối. Với ý chí quyết chiến quyết thắng và tinh thần dũng cảm, quân ta tiêu diệt toàn bộ đạo thủy quân hùng mạnh của đế quốc Mông Cổ từng lẫy lừng danh tiếng. Các đại tướng của giặc như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đều bị bắt sống tại trận. Quân ta thu được hơn 400 chiến thuyền. Hàng vạn quân xâm lược bị tiêu diệt vùi xác dưới dòng sông Bạch Đằng.

Trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 là một trận quyết chiến chiến lược, là một trong những trận thủy chiến tiêu diệt lớn trong lịch sử đấu tranh vũ trang của thủy quân ta. Đó là công lao của toàn dân ta, toàn dân tham gia thủy chiến, lấy lực lượng thủy quân làm nòng cốt. Dưới sự lãnh đạo của nhà chiến lược thiên tài Trần Quốc Tuấn, trận thủy chiến Bạch Đằng đã phát huy cao độ truyền thống và kinh nghiệm của thủy quân ta và đã kế thừa một cách có sáng tạo những kinh nghiệm đó như lợi dụng địa hình, tạo trận địa mai phục, lợi dụng thiên nhiên, phối hợp giữa bộ binh và thủy binh tác chiến. Cho nên đã huy động được cao độ sức mạnh tổng hợp vào trận quyết chiến và do đó quân thù dù hùng mạnh vẫn bị đè bẹp và bị tiêu diệt hoàn toàn. Những trận thủy chiến năm 938, 981, 1076 thủy quân ta đánh chặn thủy quân địch đang tấn cống, đang ở thế chủ động. Thủy quân ta trong những chiến dịch đó đều phải ra sức tranh giành quyền chủ động với địch. Quá trình chiến đấu khi tương quan so sánh lực lượng thay đổi có lợi cho ta thì quyền chủ động mới thuộc về quân ta hoàn toàn. Trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 lại khác, ta tiêu diệt thủy quân địch trong điều kiện địch rút lui nên địch hoàn toàn mất quyền chủ động. Sự lãnh đạo tài tình của Trần Quốc Tuấn đã tạo cho toàn quân ta nói chung và thủy quân ta nói riêng quyền chủ động đó. Tháng 12 năm 1287 khi thủy quân địch rầm rộ tiến vào sông Bạch Đằng, khi đó thế giặc vô cùng mạnh mẽ. Trần Quốc Tuấn thực hiện chiến lược rút lui bảo toàn lực lượng để đợi thời cơ phản công chiến lược. Thủy quân ta cũng được lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng, mục tiêu chiến đấu chỉ thu hẹp trong việc đánh phá đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ. Tháng 4 năm 1288 thế phản công chiến lược hình thành, Trần Quốc Tuấn mới quyết định tung lực lượng thủy quân ra quyết chiến với thủy quân địch dù thủy quân địch khi đó hầu như còn nguyên vẹn. Nhưng lúc này dù đông về số lượng, thủy quân địch đã ở vào thế bị động hoàn toàn, lo sợ bị tiêu diệt, tìm đường tháo chạy, mất hẳn tinh thần chiến đấu. Chính vì nắm toàn bộ quyền chủ động cho nên thủy quân ta đã đưa kẻ thù vào trận địa mai phục của mình theo ý muốn, đã huy động được sức mạnh tổng hợp để phá tan quân địch. Những hoạt động của thủy quân ta trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông và trong trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 đã chứng minh rằng: thủy binh cũng như các quân binh chủng khác ngoài cách học tấn công thì phải biết cách rút lui, tuy rút lui chỉ là tạm thời, tấn công là cơ bản, rút lui để tạo điều kiện làm bàn đạp cho tấn công. Thủy quân cũng như các quân binh chủng khác trong tác chiến phải luôn giành quyền chủ động, quyền chủ động  càng tuyệt đối thì hiệu suất tiêu diệt quân địch càng cao.

Suốt 30 năm của thế kỷ thứ 13, dân tộc ta phải đương đầu với một tên đế quốc hùng mạnh nhất, hung hãn nhất thế giới lúc bấy giờ và đã chiến thắng hoàn toàn với trận thủy chiến Bạch Đằng oanh liệt. Trận thủy chiến Bạch Đằng tiêu diệt hoàn toàn đạo thủy quân Nguyên-Mông cùng với chiến dịch truy kích tiêu diệt đạo quân bộ của Thoát Hoan của quân dân ta đã làm cho đế quốc cường bạo nhất thế giới khi đó phải run sợ. Bằng các chiến thắng quân sự to lớn đó, quân và dân ta đã đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lược của nhà Nguyên-Mông, làm tan vỡ giấc mộng mở rộng bờ cõi của đế quốc xuống các nước Đông Nam Á của Hốt Tất Liệt. Cũng bằng các chiến thắng vang dội Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Bạch Đằng, quân và dân ta không những đã bảo vệ được độc lập dân tộc bền vững mà còn bảo vệ độc lập cho các quốc gia ở Đông Nam Châu Á khỏi vó ngựa đẫm máu của quân Mông Cổ xâm lược. Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông ở thế kỷ 13 của dân tộc ta có ý nghĩa quốc tế lớn lao là ở chỗ đó. Trận thủy chiến Bạch Đằng là nối tiếp vào bản thiên anh hùng ca bất hủ, là sự thể hiện sâu sắc, rực rỡ lòng yêu nước, khí phách anh hùng, trí thông minh sáng tạo và sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta. Qua ba lần thử thách hiểm nghèo nhất, dù nhân dân ta phải chiến đấu gian khổ hy sinh nhưng độc lập tự do của Tổ quốc là cái quý giá nhất được giữ vững. Vua Trần Nhân Tôn đã đại diện cho cả dân tộc ta nói lên điều đó:

Xã tắc hai phen bon ngựa đá

Non sông muôn thuở vững âu vàng[1]

(Còn nữa)

CVL

 

[1] Nguyên văn chữ Hán: