Kỳ 36
Sau khi đạo quân chủ lực Lý Tài bị tiêu diệt, trên khắp các mặt trận khác, trước sức tấn công ào ạt của thủy quân và sức đánh phá ác liệt của bộ binh Tây Sơn, các đạo quân của chúa Nguyễn liên tục bị thất bại và bị tiêu diệt. Tháng 4 âm lịch năm đó, quân Đông Sơn của Đỗ Thành Nhơn đại bại ở mặt trận Tài Phụ. Nguyễn Phúc Dương, Trương Phúc Thận chống không nổi ở mặt trận Tranh Giang phải chạy về Ba Việt (phía Bắc cù lao Mỏ Cày, Bông Cái Móng, Bến Tre). Thủy quân Tây Sơn tấn công vào Ba Việt, các tướng lĩnh thân cận của Nguyễn Phúc Dương là Tôn Thất Chí, Nguyễn Mẫn, Tống Phúc Hậu đều bị chết tại đây. Trong khi đó bộ binh Tây Sơn đánh phá suốt từ Phú Yên, Bình Thuận đến Biên Hòa. Các đạo quân của Mặc Tử Duyên, Chu Văn Tiếp bị thất bại nặng. Đạo quân của Trần Văn Thức bị tiêu diệt hoàn toàn ở Bình Thuận. Tháng Tám âm lịch năm đó, Nguyễn Huệ phái quân đi đánh Hướng Đôi. Chúa Nguyễn Phúc Dương cùng 18 tướng lĩnh và toàn bộ quân đội bị bắt sống và ngày 18-9-1777 chịu tội tử hình tại Gia Định.
Chúa Nguyễn Phúc Thuần vô cùng hoảng sợ định chạy tới Quảng Đông cầu cứu nhà Thanh. Phúc Thuần và một số tướng lĩnh tới Long Xuyên vào tháng 8. Tháng 9 năm đó, thủy quân Tây Sơn do Chưởng Cơ Thành chỉ huy truy kích và bắt sống toàn bộ chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng các tướng lĩnh và bị hành hình tại Gia Định ngày 29-10-1777. Chỉ có Nguyễn Ánh khi đó mới 15 tuổi là trốn thoát.
Cuộc tấn công Gia Định 6 tháng của quân đội Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ khi đó mới 25 tuổi đã thắng lợi rực rỡ. Nguyễn Huệ đã tiêu diệt đại bộ phận tướng lĩnh và quân đội chúa Nguyễn, giết chết hai chúa Nguyễn đương thời là Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần, Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương. Toàn bộ đất đai Gia Định từ Phú Yên đến Hà Tiên thuộc quyền kiểm soát của quân đội Tây Sơn. Nền thống trị của chúa Nguyễn thiết lập mấy trăm năm bị lật đổ tan thành.
Trong chiến dịch này, Nguyễn Huệ tiến công địch trên hai hướng nhưng ông trao cho thủy quân là đạo quân chủ lực và hướng tấn công đường thủy là hướng tấn công chủ yếu, đánh vào lực lượng Lý Tài ở Gia Định. Sở dĩ như vậy vì với con mắt chiến lược thiên tài, Nguyễn Huệ đã phân tích toàn diện tình hình địch và qua đó mà chọn đúng hướng tấn công và mục tiêu tiến công. Ông biết đạo quân Lý Tài ở Gia Định dù mạnh nhưng bị cô lập do xung đột với đạo quân của Đỗ Thành Nhơn và không liên lạc được với đạo quân của Chu Văn Tiếp, với Nguyễn Phúc Dương. Đánh vào Gia Định sẽ chắc thắng. Nhưng khả năng và thời cơ chắc thắng chỉ có ban đầu, nếu tiến quân chậm và cuộc chiến đấu kéo dài, quân chúa Nguyễn Phúc Dương và các nơi khác đến tăng viện thì cuộc chiến đấu của quân Tây Sơn sẽ gặp khó khăn lớn. Khi không tiêu diệt được đạo quân chủ lực thì khó lòng mà tiêu diệt được toàn bộ quân đội chúa Nguyễn, nhiệm vụ của chiến dịch không hoàn thành. Cho nên trao nhiệm vụ chủ lực cho thủy quân Tây Sơn, Nguyễn Huệ đã biết sử dụng lực lượng cơ động nhất này để trong một thời gian ngắn nhanh chóng đánh vào điểm chủ yếu của cuộc tiến công, qua đó mà quyết định tới toàn bộ chiến trường, đưa ưu thế lực lượng, quyền chủ động hoàn toàn cho quân Tây Sơn trong cuộc chiến đấu tiếp theo sau.
Trong thực tế chiến đấu, vai trò của thủy quân Tây Sơn đã chứng minh sự tính toán chính xác của Nguyễn Huệ. Việc thủy quân cơ động nhanh chóng mãnh liệt tiến công hạ thành Gia Định, tiêu diệt đạo quân chủ lực của chúa Nguyễn đã đưa ưu thế lực lượng, quyền chủ động hoàn toàn cho quân Tây Sơn trong toàn cuộc chiến đấu. Được tin Nguyễn Huệ tấn công vào Gia Định, chúa Nguyễn Phúc Dương đã đem quân rút khỏi Gia Định lên Trấn Biên (Biên Hòa), chỉ để Lý Tài ở lại phòng thủ với kế hoạch tạo cơ hội phản công chiến lược giành quyền chủ động đánh lại Tây Sơn. Nguyễn Phúc Dương cho rằng với một lực lượng lớn, Lý Tài có đủ khả năng ngăn chặn cuộc tiến công của quân Tây Sơn, kéo dài thời gian chiến đấu làm cho quân Tây Sơn nản chí mỏi mệt. Khi đó Nguyễn Phúc Dương sẽ điều động quân từ nhiều hướng tới, giành lại thế chủ động, tạo ưu thế cục bộ và hình thái có lợi đánh lại quân đội Tây Sơn.
Nhưng thủy quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ được sự phối hợp đắc lực của bộ binh các hướng phụ đã tấn công mãnh liệt nhanh chóng, đập tan ngay sự chống cự phòng thủ của Lý Tài làm tan vỡ ý định phòng thủ lâu dài của địch, làm tan vỡ cơ hội phản công của chúa Nguyễn, và cũng làm cho chúa Nguyễn không kịp điều quân hoặc đem quân tới cứu. Không kéo dài cuộc chiến đấu ở Gia Định để nhanh chóng tấn công tiêu diệt các đạo quân khác, Nguyễn Huệ đã phá tan âm mưu của chúa Nguyễn nhằm giành chủ động hoàn toàn về mình và đẩy chúa Nguyễn càng lún sâu thêm vào thế bị động và bị tiêu diệt hoàn toàn. Sức cơ động nhanh chóng, sức tấn công mãnh liệt của thủy quân Tây Sơn ở Gia Định có ý nghĩa quyết định to lớn đến toàn bộ chiến dịch và chiến trường là ở chỗ đó.
Dưới con mắt quân sự thiên tài của Nguyễn Huệ, tiêu diệt đạo quân Lý Tài là một nhiệm vụ nặng nề của chiến dịch. Ông biết đạo quân Lý Tài là đạo quân chủ lực của quân đội chúa Nguyễn, tiêu diệt đạo quân chủ lực đó là đập gãy được xương sống của binh lực chúa Nguyễn, là thực hiện được sự chuyển biến so sánh lực lượng có lợi cho quân đội Tây Sơn, là điểm chủ yếu quyết định toàn bộ cục diện của cuộc chiến tranh. Tập trung binh lực để tiêu diệt điểm trọng yếu đó là ý chí và là kế hoạch chủ đạo chiến dịch của Nguyễn Huệ. Ông đã trao cho thủy quân nhiệm vụ chủ yếu đó. Với sức tấn công mãnh liệt, với tinh thần chiến đấu anh dũng, thủy quân Tây Sơn đã nhanh chóng hạ thành Gia Định, tiêu diệt đạo quân chủ lực của Lý Tài, hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhất của chiến dịch, đặt cơ sở vững chắc cho toàn bộ chiến dịch. Giải phóng thành Gia Định, tiêu diệt đạo quân của Lý Tài, thủy quân Tây Sơn đã giải quyết được trận đánh quyết liệt nhất nhưng cũng là quyết định nhất đem lại toàn thắng cho quân đội Tây Sơn.
Không những giữ vai trò chủ lực và đánh trận quyết định của toàn bộ cuộc tiến công, thủy quân Tây Sơn sau đó đã liên tục tấn công truy kích tiêu diệt địch, đánh bại thủy quân Nguyễn ở Ba Việt, lập nên những chiến công rực rỡ. Đó là thời kỳ đầu tiên mở đầu cho trang lịch sử oai hùng của thủy quân Tây Sơn trong cuộc đấu tranh vũ trang dưới sự chỉ huy của nhà quân sự thiên tài Nguyễn Huệ.
(Còn nữa)
CVL