Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 43)

21/10/2022 06:11

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 43.

Lợi dụng gió đông nam khi đó đang thổi mạnh, Nguyễn Huệ dùng 5 thuyền chiến lớn thuận gió căng buồm xung phong lên trước, đại đội binh thuyền tiến theo sau. Đinh Tích Nhưỡng hạ lệnh cho thủy quân Trịnh tập trung bắn vào đoàn thuyền chiến tiên phong Tây Sơn. Đạn súng, tên nỏ từ chiến thuyền quân Trịnh bắn ra như mưa, một thuyền chiến Tây Sơn bị đánh đắm, bốn chiếc khác vẫn theo gió ào ào xông lên, đạn quân Trịnh bắn rất dữ dội nhưng không sao ngăn được. Thủy quân Trịnh vô cùng hoảng sợ.

dt1-837taysonhaokiet2-1666254000.jpg
Gươm và súng loại nhỏ của quân đội nhà Tây Sơn, trưng bày tại Viện Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Nguồn: Internet.

 

Khi những chiến thuyền đó tới gần thì quân Trịnh mới biết đó là những thuyền không người; chân sào trên thuyền toàn bằng bù nhìn. Tên đạn của thủy quân Trịnh đã khánh kiệt. Khi đó đại đội chiến thuyền Tây Sơn đã tiến sát tới chiến thuyền quân Đinh Tích Nhưỡng. Thủy quân Tây Sơn vừa đánh trống vừa reo hò ào ạt xung phong "thanh thế kinh thiên động địa"[1]. Thủy quân Đinh Tích Nhưỡng kinh hoàng tan vỡ, kêu la bỏ thuyền chạy trốn. Chiến thuyền Tây Sơn liền tập trung đại bác cỡ lớn bắn dữ dội lên bờ, tiếng nổ như sấm, cây cổ thụ bên bờ sông bị đạn làm đổ gãy. Đại bác của thủy quân Tây Sơn làm quân của Đỗ Thế Giận trên bờ khiếp sợ không dám đánh trả lại. Bởi vậy thủy quân Đinh Tích Nhưỡng bị tiêu diệt nhanh chóng. Diệt xong đạo thủy binh, thủy binh Tây Sơn thừa thắng đổ bộ lên bờ xông thẳng vào trận địa Đỗ Thế Giận tung hỏa hổ đốt phá mãnh liệt lan tràn. Bộ binh Trịnh tan tác bỏ chạy. Chủ tướng Đỗ Thế Giận cũng bỏ chạy thoát thân. Ở phía Kim Động, 27 cơ binh của tướng Trịnh Tự Quyền nghe súng đại bác nổ ầm ầm trên cửa sông Luộc cũng tan vỡ chạy trốn, đạo quân đó không đánh mà tan. Cuộc chiến đấu của quân đội Tây Sơn chỉ trong một đêm, các đạo quân chủ lực của chúa Trịnh hoàn toàn bị tan rã. Sớm 19-7-1786 Nguyễn Huệ dẫn đoàn quân chiến thắng rầm rộ tiến vào phố Hiến, thủ phủ trấn Sơn Nam.

Tin bại trận tới tấp bay về kinh thành Thăng Long, triều đình hoảng sợ, không một tướng lĩnh nào dám ra đương đầu với quân đội Nguyễn Huệ. Trịnh Khải vội vàng cho hai tiểu tướng Ngô Cảnh Hoàn và Nguyễn Trọng Yên chỉ huy đội thủy quân Tứ Thị duy nhất còn lại ở kinh thành ra bến Thúy Ái, lão tướng Hoàng Phùng Cơ chỉ huy bộ binh ở Hồ Vạn Xuân ngăn Tây Sơn. Trịnh Khải dốc toàn bộ binh sĩ còn lại cùng một đội tượng binh 100 con voi chiến ra quảng trường Ngũ Long bảo vệ kinh thành. Nhưng sau khi quân chủ lực Trịnh bị tiêu diệt, sự phòng thủ không còn ưu thế nữa. Quân Tây Sơn khí thế rất mạnh thừa thắng tiến vào Thăng Long. Ngày 21-7-1786, thủy quân Tây Sơn đánh bại thủy quân Trịnh ở bến Thúy Ái, Ngô Cảnh Hoàn, Nguyễn Trọng Yên bị đại bác Tây Sơn bắn chết. Đạo bộ binh của Hoàng Phùng Cơ ở Vạn Xuân bị đánh tan tác. Hoàng Phùng Cơ cùng hai con phải mở đường máu mới thoát. Quân đội Tây Sơn đổ bộ lên bến Tây Long đánh phá, quân Trịnh tan vỡ. Trịnh Khải trốn theo đường Sơn Tây nhưng bị bắt và dọc đường tự tử chết. Ngày 21-7-1786, Nguyễn Huệ cùng đại quân tiến vào kinh thành Thăng Long. Cuộc tiến công Bắc Hà chỉ 10 ngày kết thúc. Chế độ nhà Trịnh kiến lập 300 năm phút chốc bị lật đổ tan tành.

Trong cuộc tấn công Bắc Hà lần này, vai trò và chức năng của thủy quân trước hết ở chỗ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đi tiên phong đánh chiếm Vị Hoàng. Một đặc điểm quan trọng của chiến dịch là quân đội Tây Sơn phải tấn công trên một chiến trường xa hậu phương. Ngược lại quân đội Trịnh lại tác chiến ngay trên đất của họ và gần các căn cứ chiến lược quan trọng nhất. Điều đó không cho phép quân đội Tây Sơn tiến hành một cuộc chiến tranh lâu dài. Xuất phát từ tình hình đó, Nguyễn Huệ đề ra chiến lược của cuộc tấn công là phải đánh nhanh, giải quyết nhanh. Nhưng như thế không có nghĩa rằng đem đại quân đánh ngay vào Thăng Long, làm như vậy quân đội Tây Sơn cách xa hậu phương, gặp khó khăn lớn trong việc hậu cần, khi cục diện chiến tranh kéo dài thì rất nguy hiểm. Quân đội Tây Sơn cũng không thể cùng một lúc đánh chiếm nhiều cứ điểm, như vậy không tập trung được ưu thế binh lực đánh vào mục tiêu quyết định; cũng không thể lần lượt đánh từ Nghệ An, Thanh Hóa ra, như vậy quân đội Trịnh có thể kịp thời thay đổi thế trận, tập trung lực lượng ở một tuyến hẹp và dài, lại xa Thăng Long, chiến tranh có thể kéo dài. Cho nên yêu cầu đánh nhanh giải quyết nhanh mà quân đội lại ở xa hậu phương gắn liền với nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là đánh chiếm một đầu cầu chiến lược. Đầu cầu chiến lược đó phải giải quyết được lương thực cung cấp tại chỗ cho quân đội trong suốt thời gian chiến dịch,  là nơi có vị trí chiến lược quan trọng,  xung yếu gần Thăng Long, làm bàn đạp cho quân chủ lực có thể tấn công ngay vào kinh thành. Đồng thời đầu cầu chiến lược đó phải là nơi tập trung đại bộ phận quân chủ lực của triều đình Thăng Long để đại quân Tây Sơn tiêu diệt. Không có đầu cầu chiến lược đó thì không thể giải quyết được lương thực, chủ lực không có chỗ đứng chân để đánh thẳng vào Thăng Long. Chỉ khi đầu cầu chiến lược đáp ứng được những yêu cầu đó thì chủ lực từ sau mới tiến vào tập kết chiến đấu được. Đây là lần đầu tiên do đặc điểm của chiến dịch, Nguyễn Huệ đề ra nhiệm vụ đánh chiếm đầu cầu chiến lược, đó là bước phát triển mới trong nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến dịch trên quy mô lớn. Với vị trí chiến lược quan trọng, lại gần Thăng Long, gần cửa biển thuận lợi cho thủy quân đổ bộ nhanh chóng, lại đáp ứng được đầy đủ yêu cầu trên, Vị Hoàng thủ phủ trấn Sơn Nam được Nguyễn Huệ chọn làm nơi tấn công đầu tiên làm đầu cầu chiến lược. Thực tế chiến dịch đã chứng minh những hoạt động của đội thủy quân tiên phong đã tạo ra những điều kiện rất quan trọng bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi

Bước vào cuộc chiến đấu, sai lầm nghiêm trọng về chiến lược của các tướng Trịnh đã đưa toàn bộ quân đội của họ đến chỗ bị tiêu diệt. Đáng lý với một lực lượng mạnh hơn, họ phải nhanh chóng phản công chiếm vị Hoàng trước khi chủ lực Tây Sơn tới thì họ không làm. Khi quân chủ lực Nguyễn Huệ tới, đáng lý họ phải rút lui chiến lược bảo toàn lực lượng thì họ lại đem toàn bộ chủ lực ra quyết chiến đúng với ý đồ chiến lược của Nguyễn Huệ. Và trong hệ thống phòng thủ trên sông Luộc, thủy quân Đinh Tích Nhưỡng là đạo quân chủ lực chủ yếu và là phòng tuyến quan trọng nhất. Trên hai bờ sông Luộc có lục quân của Đỗ Thế Giận, ý đồ của các tướng Trịnh là buộc thủy quân Tây Sơn phải chiến đấu trong điều kiện bất lợi, bị đánh từ ba mặt. Nhưng thủy quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình của Nguyễn Huệ đã tạo ra điều kiện có lợi nhất để tiêu diệt địch. Năm chiến thuyền không người xung phong làm cho quân Trịnh hoang mang cực độ, tên đạn bị hết. Giữa lúc đó thủy quân Tây Sơn ào ạt xông đến vừa đánh giáp lá cà tiêu diệt thủy quân Trịnh, vừa dùng pháo binh thủy quân bắn phá lên bờ làm bộ binh Đỗ Thế Giận rối loạn, quân Trịnh không đánh được vào sườn quân Tây Sơn như kế hoạch.

(Còn nữa)

CVL 

-----------------

[1] Việt sử thống giám cương mục tập 20 trang 15.

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 43)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn