Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 47)

25/10/2022 06:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 47.

Thủy quân và lục quân là lực lượng vũ trang để tiến hành đấu tranh và cùng có chung một mục đích là tiêu diệt lực lượng vũ trang của kẻ thù nhưng môi trường tác chiến có khác nhau. Sự khác nhau đó không hề làm cho thủy quân và lục quân chiến đấu một cách độc lập mà ngược lại mối quan hệ giữa thủy quân và lục quân là mối quan hệ biện chứng, là mối quan hệ như hai cánh tay của một cơ thể, phải phối hợp chiến đấu với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp tiêu diệt địch.

dh1ab1-1666603223.jpg
Khu di tích Bạch Đằng giang có tượng của 3 vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo.. Ảnh: hanoimoi.com.vn

 

Truyền thống của thủy quân Việt Nam còn là truyền thống phối hợp chiến đấu nhịp nhàng giữa thủy quân và lục quân, giữa thủy quân và các quân binh chủng khác. Khi thủy quân là lực lượng chính để tiêu diệt thủy quân địch thì cũng có sự phối hợp tác chiến của lục quân, kỵ binh và sau này là pháo binh. Khi lục quân là lực lượng chính tiêu diệt bộ binh địch thì thủy quân bao vây vu hồi. Chính vì vậy những nhà chiến lược như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ vừa là những tướng lục quân thiên tài, vừa là những tướng thủy quân kiệt xuất. Đặc biệt dưới thời Quang Trung khi thủy quân được nâng lên thành quân chủng chiến lược, quân đội Tây Sơn thành hai quân chủng thì sự phối hợp tác chiến giữa hai quân chủng được nâng lên một bước cao hơn. Nguyễn Huệ đã đạt đến sự phối hợp chặt chẽ giữa hai quân chủng, hoàn thành việc đặt nền móng cho việc xây dựng quân đội kiểu cận đại, một nền nghệ thuật quân sự cận đại.

Điều quyết định nhất thắng lợi trong chiến tranh là con người chứ không phải là vũ khí. Những chiến sĩ thủy quân Việt Nam là những con người toàn diện. Họ hiểu họ chiến đấu vì sự nghiệp bảo vệ đất nước cho nên họ có một tinh thần chiến đấu dũng cảm, lòng yêu nước nồng nàn và lòng căm thù quân giặc sâu sắc. Thủy quân thời Trần đã khắc vào cánh tay hai chữ "Sát Thát" để không đội trời chung với quân thù cướp nước. Đặc biệt những chiến sĩ thủy quân Tây Sơn là tiêu biểu cho ý chí và tinh thần của thủy quân Việt Nam thời kỳ cổ trung đại vì từ sự vùng dậy để giải phóng giai cấp nông dân khỏi sự áp bức bóc lột đau khổ, họ đã vươn lên gánh vác nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Từ làm nhiệm vụ giai cấp họ đã đảm đương nhiệm vụ dân tộc. Tất cả những điều đó đã làm cho tác phong chiến đấu của thủy quân Tây Sơn khác xa tác phong chiến đấu của thủy quân các quân đội đương thời. Họ không những có tinh thần ý chí chiến đấu cao mà còn có một trình độ chiến kỹ thuật giỏi. Thủy quân Việt Nam vừa giỏi thủy chiến vừa giỏi đánh bộ, vừa giỏi công thành. Thủy quân Việt Nam không những giỏi tao ngộ chiến giáp lá cà mà còn giỏi phục kích, tập kích, truy kích và công kích. Họ hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào dù là lực lượng chủ lực quyết chiến hay vu hồi phối hợp với lục quân. Họ đánh thắng địch trên bất cứ chiến trường nào dù là biển sâu, biển gần, sông lớn, sông nhỏ, dù là tác chiến trên bộ, ở đồng bằng,  trên miền núi: Thủy quân Việt Nam còn đánh thắng địch trong bất cứ điều kiện nào, tình huống nào, là đêm tối hay ban ngày, mưa hay nắng, thủy triều lên cao hay rút thấp, dù là kẻ địch phòng thủ ở sông rộng hay sông hẹp, dù là thuyền chiến lớn, thuyền chiến nhỏ, dù lực lượng địch mạnh hay yếu, thậm chí có cả tàu đồng đại bác tối tân của tư bản Tây Âu giúp sức. Cách chiến đấu của thủy quân Việt Nam cũng rất phong phú, linh hoạt và sáng tạo, du kích kết hợp với chính quy. Đặc biệt, Yết Kiêu đời Trần đã dùng tài bơi lặn tuyệt vời của mình lặn xuống đục thuyền quân Nguyên-Mông, đánh đắm rất nhiều chiến thuyền của địch, đặt cơ sở cho lối đánh đặc công của thủy quân Việt Nam[1]. Tác phong chiến đấu đó đã làm cho sức mạnh của thủy quân Việt Nam được nhân lên gấp bội, hiệu suất chiến đấu rất cao, một đội chiến thuyền dù nhỏ, trang bị dù kém địch vẫn có đủ sức mạnh làm kẻ thù khiếp sợ. Yêu nước, căm thù giặc, dũng cảm mưu trí, trình độ kỹ thuật, chiến thuật giỏi với tinh thần quyết chiến quyết thắng là một trong những truyền thống tốt đẹp của thủy quân Việt Nam.

Chiến tranh toàn dân, triệt để lợi dụng yếu tố thiên thời địa lợi, phối hợp tác chiến giữa thủy quân và các quân binh chủng khác; tinh thần chiến đấu dũng cảm, lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, trình độ chiến, kỹ thuật giỏi, đó là tất cả những yếu tố tạo nên sức mạnh của thủy quân Việt Nam. Với sức mạnh tổng hợp đó, thủy quân Việt Nam đã giáng lên đầu thù những đòn sấm sét ở Bạch Đằng 938, 1288, ở Gia Định, ở Rạch Gầm Xoài Mút 1785. Đó là những trận đánh mẫu mực, lối đánh tiêu diệt của thủy quân ta đã làm cho quân thù khiếp sợ, đã chôn vùi những đạo thủy quân xâm lược hùng mạnh. Đánh tiêu diệt cũng là một truyền thống vẻ vang của thủy quân ta.

Ngày nay, ra đời và trưởng thành trong lò lửa cách mạng, hải quân nhân dân Việt Nam cũng đang gánh vác những trách nhiệm lịch sử hết sức nặng nề, là công cụ vũ trang sắc bén để tiêu diệt kẻ thù trên chiến trường sông biển. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vẻ vang, hải quân nhân dân đã chiến đấu hết sức kiên cường, đạp bằng mọi gian khổ, khó khăn, lập nên nhiều chiến công vẻ vang, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của toàn dân, toàn quân"[2]. Lại một lần nữa dân tộc ta đương đầu với một tên đế quốc giàu mạnh nhất trong phe đế quốc, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi nhưng còn nhiều gay go gian khổ, mức độ chiến tranh rất ác liệt. Điều đó có nghĩa rằng trách nhiệm của hải quân nhân dân càng nặng nề, càng phải ra sức xây dựng quân chủng ngày càng chính quy hiện đại, ngày càng lớn mạnh để làm nòng cốt trong cuộc chiến tranh nhân dân, kiên quyết đánh thắng kẻ thù trên mặt trận sông biển. Hải quân nhân dân Việt Nam rất tự hào với truyền thống vẻ vang của thủy quân trước kia, ra sức học tập kế thừa, phát huy một cách sáng tạo những kinh nghiệm phong phú, những truyền thống tốt đẹp trong lịch sử đấu tranh vũ trang của ông cha để áp dụng một cách linh hoạt, thông minh, sáng tạo, đánh bạị kẻ thù trên mặt biển. Đường lối, nghệ thuật quân sự tài tình sáng suốt của Đảng, toàn dân tham gia đánh giặc cùng với truyền thống kinh nghiệm 3000 năm lịch sử là nguồn gốc, là mọi nhân tố cơ bản tạo ra sức mạnh của quân đội nhân dân nói chung và của hải quân nhân dân nói riêng. Bạch Đằng, Rạch Gầm Xoài- Mút đang cùng hải quân nhân dân tiến công giặc Mỹ. Nhân dân ta, quân đội ta và hải quân nhân dân rõ ràng đang đánh giặc bằng sức mạnh của hơn 3000 năm lịch sử huy hoàng của dân tộc. Hải quân nhân dân Việt Nam nhất định sẽ làm thêm nhiều Bạch Đằng, Rạch Gầm Xoài Mút, ghi thêm vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm những trang mới chói lọi. "Vì độc lập tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, hải quân nhân dân quyết rẽ sóng ra khơi, người người lập công, ngày ngày lập công, giáng cho đế quốc Mỹ xâm lược những đòn nặng hơn, tiến lên cùng toàn dân, toàn quân đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi vẻ vang"[3].

(Còn nữa)

CVL

Đón đọc Kỳ sau: Hải đoàn cảm tử

 

[1] Có những chiến sĩ thủy quân suốt đời hy sinh chiến đấu cho sự nghiệp cứu nước. Những chiến sĩ chiến thắng trong trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 cũng là những người đã chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất. Họ đã chinh chiến 30 năm trời, dấu chân của họ đã đi khắp nơi trên đất nước. Những chiến sĩ trong phong trào cách mạng Tây Sơn đã theo Nguyễn Huệ từ khi khởi nghĩa bùng nổ cho đến cuối đời Quang Trung, gần hai chục năm trời chinh chiến. Họ thật là những chiến sĩ dẻo dai gang thép. Ở đâu có giặc là họ đến. Khi nào còn giặc là họ còn cầm vũ khí lên đường không quản tuổi già đầu bạc. Với những con người đó, với tác phong chiến đấu đó.

[2] Báo Quân đội nhân dân: Xã luận ngày 6-11-1972, trang 1.

[3] Báo Quân đội nhân dân ngày 6-11-1972, Xã luận, trang 4.

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 47)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn