Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 53)

PGS TS Cao Văn Liên

31/10/2022 06:13

Theo dõi trên

Kỳ 53.

VỤ NỔ TÀU KHỦNG KHIẾP

Con đường trên biển nối liền miền Bắc với miền Nam đã được khai thông. Con đường đó không có dấu vết. Nó chỉ được ghi trên tấm hải đồ bí mật của Trung đoàn cảm tử. Từ đó, suốt gần chục năm ròng, những con tàu bé nhỏ, thô sơ, không mang số hiệu, có tàu phủ trên boong đầy lưới đánh cá. Có tàu chi chít ống dẫn dầu, bất chấp gió mưa dông bão, áp thấp nhiệt đới, cứ lùi lũi, âm thầm vào Nam ra Bắc. Miền Nam sau Đồng Khởi là bước vào cuộc chiến tranh ác liệt. Quân và dân ta không thiếu vũ khí, lương thực, thuốc men. Chính quyền Oa-sinh-tơn và Sài Gòn bắt đầu đặt câu hỏi: “Quân giải phóng lấy vũ khí từ đâu ra?” Chúng vào miền Nam bằng con đường nào? Khi đó chưa có con đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh nổi tiếng trong lịch sử. Oa-sinh-tơn và Sài Gòn bắt đầu chú ý và đặt nhiệm vụ cho hải quân Mĩ kết hợp với hải quân Sài Gòn kiểm soát gắt gao mặt biển. Không quân Mĩ và Sài Gòn, từ bầu trời sẵn sàng phóng rocket vào bất cứ con thuyền nào nghi vấn. Mối nguy hiểm của những con tàu chúng tôi còn phải kể đến vô số thủy lôi của Mĩ thả dày đặc trôi lềnh bềnh khắp gần bờ biển Việt Nam.

dh1t7-1-1667118786.jpg
Tàu vận tải cao tốc 235, Đoàn 125 do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy đang trên đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam, tháng 2/1968. Ảnh: Tư liệu của Mỹ.

 

Những hiểm nguy đó không làm chùn ý chí của những con người trên các con tàu mang biệt danh cảm tử. Đó là những anh hùng vô danh, hàng chục năm gắn bó với con tàu, với biển cả. Có những người tuổi quá tứ tuần mà vẫn chưa cưới vợ. Hỏi ra thì các anh nói rằng không có thời gian để tìm hiểu, để yêu mà hôn nhân là kết quả của tình yêu.

Có một con tàu khác của hải đoàn sắp sửa xuất phát vào Nam thì một thủy thủ ốm nặng phải vào Quân y viện. Hải đoàn lệnh cho tàu tôi cử một thủy thủ sang tạm thời thay thế. Khi đó tàu của chúng tôi còn chờ đợi “ăn hàng”. Tôi xung phong. Thế là tôi sang làm thủy thủ ở con tàu mới. Cũng cần nói thêm rằng trải qua mấy năm, tôi đã lớn phổng phao, trở thành một thanh niên, một thủy thủ dày dạn kinh nghiệm đi biển.

Từ căn cứ, tàu chúng tôi hành trình trót lọt vào biển Nam Việt Nam. Nhưng một buổi sáng, trên đài chỉ huy thuyền trưởng quan sát thấy bốn tuần dương hạm của Hoa Kỳ và của ngụy Sài Gòn từ hướng nam tiến lại phía chúng tôi. Khi còn cách nửa hải lí thì bốn chiến hạm địch tản đội hình chia làm bốn mũi bao vây chúng tôi. Nom khí thế hung dữ của hải quân địch, thuyền trưởng phát lệnh báo động chiến đấu. Đồng thời ông gọi tôi lên đài chỉ huy và ra lệnh:

- Tình hình rất khẩn cấp và toàn bộ tàu có thể phải hi sinh. Đồng chí phải sống để đem lá cờ về cho căn cứ (tức Bộ Tư lệnh Hải quân) và kể lại sự hi sinh anh dũng của chúng tôi cho hải đoàn và căn cứ rõ.

- Thưa thuyền trưởng, tôi muốn được ở lại!

Thuyền trưởng dứt khoát:

- Chúng ta không có thời gian nói nhiều, đây là mệnh lệnh và là nhiệm vụ. Chúc đồng chí hoàn thành. Gửi lời chào vĩnh biệt!

Ông chìa tay ra. Tôi nắm chặt bàn tay to cứng của thuyền trưởng. Chỉ tích tắc ông rút tay ra và giục tôi nhanh chóng rời con tàu khi còn kịp. Tôi vội vàng cởi áo, đỡ lá quốc kì từ tay thuyền trưởng, quấn chặt vào người và mặc áo, ôm phao rồi lao xuống biển. Tôi không có thời gian để tạm biệt đồng đội của mình. Tôi cắm đầu bơi vun vút vào bờ; khi tin chắc đã ở khoảng cách an toàn, tôi quay đầu nhìn lại phía con tàu. Tôi nom thấy bốn chiếc tàu Mĩ và ngụy đã cập sát và ép con tàu của chúng tôi vào giữa. Tôi hồi hộp theo dõi, mong sao bốn con tàu địch cũng hoảng sợ mà bỏ đi như trường hợp đối với tàu tôi lần trước. Nhưng sự việc không bao giờ lặp lại. Tôi thấy quân Mĩ và Sài Gòn đã tràn xuống tàu chúng tôi và bắt đầu lục soát. Tàu chúng tôi vẫn im lìm. Tôi không hiểu vì sao con tàu không phát ra tiếng nổ, hay là mạch điện dẫn vào thuốc nổ bị hỏng. Hay là con tàu muốn đầu hàng, muốn bị bắt làm tù binh để đổi lấy mạng sống?

Nhưng rồi một tiếng nổ khủng khiếp phát ra, tiếp theo là các tiếng nổ khác rung chuyển, các vòm lửa khổng lồ dựng cao ngút trời ở vùng biển ấy. Chưa kịp có cảm giác như thế nào thì tôi đã bị những làn sóng cực mạnh do xung lực của tiếng nổ hất tung lên trời. Khi rơi xuống nước và tỉnh lại tôi vẫn còn nhìn thấy những đám khói đen, những tiếng nổ và sóng bị đẩy rào rạt, con tàu và hai mươi bốn đồng đội thân yêu của tôi cùng bốn chiếc tàu Mĩ và Sài Gòn biến khỏi mặt biển. Hàng trăm con người và năm chiếc tàu đã thành mảnh vụn, bị chôn vùi rải rác dưới đáy biển bởi sức công phá của gần một trăm tấn đạn dược, thuốc nổ. Những đồng đội của tôi đã hi sinh một cách anh hùng, lẫm liệt, khiến cho sau này khi nghe tên Hải đoàn và những con tàu không số, hải quân Mĩ và Sài Gòn luôn kinh hoàng run sợ. Tôi im lặng trong sóng nước để vĩnh biệt những đồng đội của mình.

Tôi tiếp tục lầm lũi bơi vào bờ. Việc bơi thoát vào bờ quả là khó khăn, bởi máy bay trực thăng của hải quân Mĩ và Sài Gòn bay đen đặc quanh vùng biển nơi năm chiếc tàu vừa tan thành mảnh vụn. Tôi có thể bị trực thăng phát hiện và dòng thang xuống bắt sống bất cứ lúc nào. Một chiếc trực thăng đang mở rộng vòng bay đến chỗ tôi. Tôi nằm yên bất động trên phao. Bỗng nhiên, từ dưới nước nhô lên những bàn tay, ngón dài ngoẵng, đen ngòm như bàn tay quỷ. Nhanh như cắt, những bàn tay đó trùm lên người tôi một túi cao su to lớn và kéo phéc-mơ-tuya lại. Tôi đã nằm gọn trong một chiếc bao có dưỡng khí. Bằng một sức mạnh vô biên, những bàn tay đó lôi tôi xuống đáy biển. Qua mắt kính nhìn ra làn nước, tôi thấy mình đang bị hai người nhái có vũ trang kèm chặt, kéo đi. Họ bơi như cá heo trong biển. Ôxi ở bình dưỡng khí phun ra nổi bọt sùng sục. Tôi chỉ còn là cái túi tròn bất lực bị lôi theo hướng đi của họ. Tôi đoán có lẽ tôi đã bị người nhái của hải quân Sài Gòn bắt sống. Họ lôi tôi đi với tốc độ tên bắn. Nước bao bọc và đổi màu sắc xanh, đỏ, vàng nhạt trước mắt tôi. Bọt dưỡng khí kết thành những dải bong bóng nhiều màu sắc, ngoằn ngoèo. Những chân tay người nhái thõng thượt vẫy như múa trong nước, như những bàn tay quỷ biển trong thần thoại. Tôi như trong giấc mơ. Tôi chưa bao giờ bị bất lực hoàn toàn như vậy. Thôi thì hãy chuẩn bị để đối phó với tất cả những biến cố sắp xảy ra.

Khi hoàng hôn buông xuống chúng tôi mới tới bờ, hay nói đúng hơn tôi được hai người nhái kéo lên bờ. Họ cởi bộ đồ lặn, lộ ra hai thân hình lực lưỡng, hai thanh niên khỏe mạnh. Họ mở túi dưỡng khí cho tôi chui ra. Thấy tôi nhìn họ nghi ngờ, ngơ ngác, một người nói:

- Yên chí, người nhà đây mà. Chúng tôi ở Hải đoàn đặc công nước được lệnh ra cứu nạn khi biết tàu của cậu bị nổ. Bây giờ ta đi về căn cứ.

Ồ, tôi nghe nói nhiều về Hải đoàn đặc công lừng tiếng thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam. Các chiến sĩ ở đây đã lập nên bao kì tích, hàng chục chiếc tàu của hải quân Oa-sinh-tơn và Sài Gòn, có tàu hàng vạn tấn, được canh phòng rất cẩn thận, vẫn bị nổ tung bởi bàn tay của các chiến sĩ hải đoàn này. Nghe đến tên hải đoàn, hải quân Mĩ và Sài Gòn thực sự kinh hồn bạt vía. Chúng hầu như bất lực trong việc bảo vệ các con tàu của chúng. Các chiến sĩ đặc công nước của ta hễ muốn làm nổ tung con tàu nào là con tàu đó không thoát. Họ đánh lúc nào tùy thích.

Tôi mỉm cười và xiết chặt tay hai chiến sĩ, hai ân nhân của tôi, những người mà bấy lâu nay tôi nghe như những huyền thoại, thiên thần, bây giờ đang đứng trước mặt tôi bằng xương, bằng thịt. Hai anh cũng mỉm cười, nắm chặt tay tôi. Rồi họ đào trong cát, moi ra một túi ni lông đựng ba bộ quần áo thường phục. Hai anh mặc hai bộ, tôi một bộ. Trong đêm, họ đưa tôi về căn cứ.
 

CÂU CHUYỆN KỲ DIỆU CỦA NHỮNG NGƯỜI NHÁI

Căn cứ là những ngôi nhà lợp lá dừa nước lụp xụp trên bờ biển, bề ngoài nó là nơi chế biến và buôn bán hải sản nhưng bên trong làm nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Hải quân giao phó. Ở đây có bộ phận đón nhận, phân tán, cất giấu “hàng” của Hải đoàn chúng tôi đưa vào. Ngoài ra, căn cứ còn phải đưa đón, cứu nạn, giúp đỡ tất cả những người của ta, đặc biệt là hải quân khi lâm nạn, khi lạc đường, khi đau ốm, bị thương.

Về đến căn cứ, ăn cơm xong tôi ngủ một giấc li bì. Hôm sau, sau bữa cơm chiều, một người đàn ông phúc hậu, béo lùn, nói tiếng miền Nam tiếp tôi. Ông nói rằng ông rất đau buồn vì sự kiện tàu của tôi buộc phải tự hủy, các chiến sĩ đã hi sinh. Tôi nói:

- Cháu cũng rất đau buồn và muốn hi sinh cùng tàu, nhưng thuyền trưởng đã giao nhiệm vụ cho cháu...

Ông già ngắt lời tôi:

- Chúng tôi đã biết thông qua bức điện cuối cùng của con tàu gửi cho trung tâm nên đã cho người ra cứu nạn. Chỉ có người nhái đi ngầm dưới nước mới không bị trực thăng địch bắt sống.

Tôi như sực nhớ ra:

- Cháu cảm ơn bác! Hai anh người nhái giỏi quá. Đó là người của trung đoàn đặc công nước ạ?

- Đó là hai anh hùng trong số các anh hùng của Hải đoàn đặc nhiệm này. Đó là hai chiến sĩ đã làm nổ tung nhiều tàu của Mĩ Ngụy đậu ở các bến cảng, trong đó có vụ nổ chiếc tàu hai vạn tấn của Mĩ là lừng lẫy nhất.

Thấy tôi im lặng chú ý lắng nghe, ông tiếp tục kể câu chuyện li kì này cho tôi nghe cũng như ông đã kể không biết bao nhiêu lần với bất kì người nào ông gặp lần đầu.

- Dạo đó, Mĩ ngang nhiên đưa quân vào miền Nam Việt Nam để tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ. Đưa quân thì phải đưa phương tiện chiến tranh, lương thực với khối lượng lớn. Tàu bè vận tải từ phía Đông Thái Bình Dương qua lại Tây Thái Bình Dương như mắc cửi. Khoảng tháng 10 năm 1967, Mĩ đưa một chiếc tàu cực lớn có trọng tải trên hai vạn tấn vào cửa sông Sài Gòn. Đó là một chiếc tàu quan trọng nên được địch canh phòng cẩn mật. Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh cho Hải đoàn đặc công nước phải đánh đắm chiếc tàu này. Nhưng đánh chiếc tàu này không phải dễ.

Bộ phận trinh sát nằm vùng của Hải đoàn phải bám sát để nắm bắt được quy luật hoạt động, canh giữ con tàu của Mĩ- Ngụy. Qua nửa tháng, các trinh sát đã hiểu được trong một đêm và ngày cứ năm phút những chiếc máy tự động trên tàu quăng xuống chung quanh tàu một loạt lựu đạn, cứ mười phút một xuồng máy có tốc độ cực lớn tuần tiễu quanh mạn tàu. Loại tàu này chia thành nhiều khoang, thủng khoang nào nước chỉ vào khoang đó và tàu vẫn hoạt động bình thường. Chỉ có loại thuốc nổ cực mạnh mới đánh chìm được nó.

Sau khi nắm bắt được quy luật canh phòng của Mĩ, một kế hoạch tiếp cận đánh tàu được vạch ra và được tập dượt nhiều lần như thật ở căn cứ hải quân ngoài miền Bắc. Bước vào trận đánh, hai đặc công hải quân ém sát cơ sở gần con tàu. Đêm tối, hai chiến sĩ người nhái của ta lặn xuống đáy sông, chờ cho một loạt lựu đạn quanh tàu nổ xong, trong khoảng thời gian năm phút đó, hai chiến sĩ như hai mũi tên lao vào tiếp cận đáy tàu, gắn hai quả mìn rùa nam châm vào vỏ tàu. Xong, hai người bơi ra tránh loạt lựu đạn thứ hai ném xuống. Khi rút ra đến cửa sông, hai chiến sĩ gặp bốn người nhái của hải quân Sài Gòn chặn đường; một cuộc huyết chiến bằng vũ thuật như múa dưới nước diễn ra.

Sáu người nhái ngoi lên lặn xuống, lao vào nhau rồi lại giãn ra tránh đòn như sáu quỷ biển ác chiến. Cuối cùng, hai người nhái của hải quân Sài Gòn bị đâm thủng bình dưỡng khí phải nổi lên mặt nước, còn hai tên tìm đường tháo chạy. Hai chiến sĩ của ta vừa về đến căn cứ thì bên kia sông tiếng nổ dữ dội rung chuyển thành phố, một cột lửa bốc cao, chiếc tàu hai vạn tấn cùng súng ống đạn dược và hai trăm tên Mĩ thành mảnh vụn bay lên không trung, rơi lả tả khắp vùng sông và chìm xuống. Khi đó còi báo động của Mĩ - Ngụy mới gầm rú vang lên. Súng nổ, xe chật kín đường, ca nô, tàu chiến chạy kín mặt sông, đèn pha sáng loáng. Nhưng tất cả đã muộn, hải quân Mĩ - Ngụy kinh hoàng, hoàn toàn bất lực trong việc bảo vệ các bến cảng và các con tàu. Nhân dân Sài Gòn coi vụ đánh tàu đó là một huyền thoại. Nước Mĩ chấn động.

Câu chuyện kể của người chỉ huy căn cứ hoàn toàn hấp dẫn, lôi cuốn tôi. Tôi là người của Hải đoàn cảm tử nhưng lại mơ có lúc nào đó là lính của Hải đoàn đặc nhiệm.

Tôi nghỉ lại căn cứ một tuần, sau đó cơ sở bố trí cho tôi theo xe lên đường ra Bắc. Mất hai tháng hành trình cực kì gian khổ bằng đủ mọi phương tiện, kể cả đi bộ theo giao liên ven rừng Trường Sơn tôi mới về đến chỉ huy sở hải đoàn. Tôi gặp Hải đoàn trưởng nộp lại lá cờ, kể lại sự hi sinh anh dũng của các đồng chí trên tàu. Ngày hôm sau, toàn Hải đoàn làm lễ truy điệu chính thức cho 16 liệt sĩ. Một số anh, trong đó có thuyền trưởng được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 53)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn