Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 7)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 7.

Trong hàng ba quân thấy Yết Kiêu không giết Đô Trâu liền có tiếng nói:

Thật là phi thường, thật là người nhân nghĩa. Tiếng loa lại vang lên:

-Theo lệnh của Quốc Công Đại Vương, Yết Kiêu còn phải tỏ rõ tài năng chính của mình là đi, bơi và lặn dưới nước. Toàn quân hãy dàn quân theo dọc bờ Lục Đầu Giang.

Phút chốc quân thủy và quân bộ dàn kín bờ Lục Đầu Giang. Tinh kỳ theo gió tung bay rực rỡ dưới nắng. Nước Lục Đầu Giang gợn sóng theo ánh mặt trời lung linh như bạc.

dh1bv-1663147130.jpg
Kỵ binh Mông Cổ (tranh minh họa). Nguồn: baotanglichsu.vn

 

Hưng Đạo Vương ngồi giữa trên ghế giữa hàng quân. Trước mặt Ngài là chiếc án thư có bộ trà nước bằng sứ. Một hộp trà cũng bằng sứ trong đựng trà Tân Cương đạo Thái Nguyên ngon có tiếng. Trần Ích Tắc cùng ngồi với Người nhưng có vẻ đăm chiêu, có lẽ do Đô Trâu bị đánh gục. Người lính cầm loa đứng cạnh Hưng Đao Vương ra điều kiện cho Yết Kiêu:

-Quốc Công Đại Vương muốn xem tráng sĩ Yết Kiêu lặn được bao lâu dưới nước, Bây giờ là giờ thìn. Bắt đầu!

Trên bãi sông trước khi bước xuống nước, Yết Kiêu chắp tay vái về phía Hưng Đạo Vương. Chàng thấy ngài như mĩm cười động viên. Chàng cũng thấy người ta đặt một chiếc lung linh khuê để đo thời gian theo ánh mặt trời chiếu vào cây sào. Bên cạnh là một thầy phong thủy đảm nhiệm việc tính giờ.

Yết Kiêu hít một hơi thở dài khoan khoái lội xuống dòng sông nước trong veo mát lạnh. Sông nước là thế giới của chàng nên khi xuống nước chàng như thấy có sức mạnh được nhân lên vô biên. Chàng từ từ chìm xuống biến mất khỏi mặt nước.

Lặn xuống nước, Yết Kiêu vẫn thở đều đều điều mà người bình thường không thể làm được. Qua một quá trình khổ luyện chàng hít khí vào đưỡng mũi và thở ra đường miệng. Mũi Yết Kiêu khi đó như mang cá chặn nước lại chỉ cho không khí lọt vào. Chàng  vừa đi vừa bơi chân chạm đất của đáy sông. Thế giới thủy cung vô cùng tươi đẹp sống động. Nước trong veo, phía dưới hơi mờ mờ ảo ảo nhưng tầng trên có những quầng sáng do ánh sáng mặt trời. Những cây rong như những cuộn thừng hay như  những cành thông đung đưa dưới nước như rừng. Yết Kiêu biết rằng loại rong này cùng với bèo đủ loại là thức ăn cho những chú lợn ở nông thôn. Từng đàn cá đang nô đùa, thấy chàng chúng chạy tán loạn, dáo dác. Những chú lươn, chạch như những con rắn nhỏ bơi ngoằn ngoèo chậm chạp. Có những chú cá to không hề biết sợ, đớp bọt nước kiếm ăn và bơi cạnh Yết Kiêu như những người bạn. Đáy sông có những đoạn đá lổn nhổn, có những đoạn cát đẹp như vàng. Yết Kiêu say sưa khám phá vùng thủy cung Lục Đầu Giang tươi đẹp nhưng ít người biết tới.

Trên bờ ba quân nhìn xuống dòng sông chờ đợi, giọt thời gian trôi đi chậm chạp. Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Cây lung linh khuê đã đo đến giờ ngọ. Bóng cây sào đã tròn vo lại ngay dưới gốc của nó. Yết Kiêu đã lặn được 3 canh giờ. Quân lính bắt đầu nôn nao lo lắng. Có tiếng một người:

-Có khi tráng sĩ không lên được nữa rồi.

Hưng Đạo Vương nói:

-Loa gọi Yết Kiêu lên đi!

Người lính chĩa loa xuống sông hét toáng lên:

-Tráng sĩ lên đi! Tráng sĩ lên bờ đi. Đó là lệnh của Quốc công!

Một người lính reo lên

-Kia rồi...

Tất cả mọi con mắt đều đổ dồn xuống dòng sông. Một mái tóc có chít khăn rồi đầu và toàn thân của Yết Kiêu nổi lên. Chàng thong thả rẽ nước bơi vào bờ trong tiếng reo hò vang dậy của quân lính đứng trên bờ sông.

Tiếng loa của người lính lại vang lên:

-Quốc Công Đại Vương muốn thấy tráng sĩ trổ tài đi trên nước. Tráng sĩ bắt đầu!

Từ bờ sông Yết Kiêu vái về phía Hưng Đạo Vương đáp lễ và chàng bước xuống sông. Chàng không chìm mà hai chân Yết Kiêu đi trên mặt nước như đi trên con đương đất bằng phẳng. Mọi người không tin vào mắt mình nhưng rõ ràng Yết Kiêu đang đi trên nước, mỗi bước chân của chàng làm nước bắn tung tóe sáng loáng tan vụn như ánh ngọc. Bóng chàng soi xuống dòng sông bị khúc xạ dài ra lung linh huyền ảo. Yết Kiêu đi trên dòng sông khoảng hai dặm rồi quay về cũng bằng ấy. Tiếng loa lại vang lên:

-Tráng sĩ được phép lên bờ và gặp Quốc Công!

Yết Kiêu đi lên bờ trong tiếng reo hò của ba quân. Có tiếng nói to:

-Thật là thiên cổ dị nhân.

Dã Tượng chạy ra đón, dắt Yết Kiêu đến trước Hưng Đạo  Vương. Yết Kiêu khoanh tay cúi mình chờ đợi. Hưng Đạo  Vương nói:

-Tốt lắm, ta đã nghe danh tiếng tráng sĩ nhưng nay được chứng kiến quả là danh bất hư truyền. Sức khỏe và tài năng của tráng sĩ thật là phi phàm, lại có nhân đức qua việc không giết Đô Trâu khi chiến thắng. Nay giặc Thát Đát cậy nước lớn dù đã bị Đại Việt ta đánh bại một lần nhưng vẫn ôm dã tâm sang đánh nước ta một lần nữa để tiêu diệt Đại Việt ta và tấn công các nước Đông Nam Á. Ta nay mang trọng trách của triều đình và trọng trách với nước phải chuẩn bị đối phó với giặc mà trọng tâm là phải xây dựng quân đội hùng mạnh. Cho nên ta chủ trương dung nạp hiền tài, không kể vương giả, bình dân hay nô tì, cứ có tài là được ta trọng dụng. Nay ta nhận tráng sĩ làm tùy tướng trong hổ trướng của ta, phụ trách huấn luyện thủy quân.

Yết Kiêu cảm động thực sự, chàng khoanh tay cúi đầu giọng run run:

-Xin cảm tạ Đại Vương đã trọng dụng, tùy tướng sẽ đem hết sức mình tận trung báo quốc.

Hưng Đạo Vương trỏ mấy người chung quanh nói tiếp:

-Tráng sĩ hãy làm quen với những tùy tướng của ta: đây là Dã Tượng mà tráng sĩ đã biết, phụ trách huấn luyện voi và tổ chức tượng binh, đây là Cao Mang và Nguyễn Địa Lô phụ trách huấn luyện bắn cung tên cho ba quân, đây là tướng quân Phạm Ngũ Lão, người Đông đạo, đồng hương với tráng sĩ.

Yết Kiêu thi lễ vái chào mọi người. Các tùy tướng cũng cười thân mật vui vẻ với Yết Kiêu. Hưng Đạo Vương nói với Dã Tượng:

-Ngươi hãy nói cho Yết Kiêu những điều cần biết về việc quân, bố trí chỗ ăn ở, cấp quân trang quân dụng cho Yết Kiêu, chu cấp cho thân mẫu của Yết Kiêu chu đáo. Ngày mai bắt đầu huấn luyện thủy quân có Yết Kiêu tham gia.

Dã Tượng chắp tay:

-Dạ bẩm Đại Vương xin tuân lệnh.

Chiều hôm đó, Yết Kiêu nhận quân phục, phòng ở trong Tổng hành dinh. Cuộc đời của chàng sang một trang mới: Cuộc đời binh nghiệp và trực tiếp phục vụ bảo vệ Quốc Công Đại Vương. Từ đó và theo năm tháng chiến chinh, Yết kiêu, Dã Tượng, Cao Mang, Nguyễn Địa Lô, Phạm Ngũ Lão là những tùy tướng tài năng, trung thành của Hưng Đạo Vương, góp phần cùng chủ tướng làm nên chiến thắng huy hoàng trong hai cuộc chống quân Nguyên-Mông xâm lược.

2. Mùa đông năm 1285, nước Đại Việt bị đại họa. Năm 1279 Đế quốc Nguyên Mông đã đánh bại nhà Nam Tống, chinh phục xong Trung Quốc. Hoàng Đế nhà Nguyên  Hốt Tất Liệt (khubilai) cho rằng đã đến lúc tiến hành xâm lược Đại Việt để rửa mối thù trong cuộc xâm lược lần thứ nhất thất bại năm 1258, để mở rộng lãnh thổ đế quốc không chỉ xuống Đại Việt mà còn đến tận Đông Nam châu Á và còn tiến xa hơn nữa. Thực hiện dã tâm đó, năm 1285, Hốt Tất Liệt huy động 50 vạn quân do Thái Tử Thoát Hoan (Togan) làm Tổng chỉ huy chia làm 3 đạo theo ba đường tiến vào Đại Việt. Đạo chủ lực do Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy gồm 30 vạn quân vượt ải Nam Quan chiếm đạo Lạng Giang và tràn xuống Thăng Long, đạo thứ hai đột nhập vào đạo Lào Cai từ hướng Tây Bắc tràn xuống Thăng Long. Đạo thứ ba do Toa Đô chỉ huy vượt biển đột nhập vào Vương Quốc Chiêm Thành, đánh vào đạo Quảng Bình rồi tiến lên phía bắc qua vùng Hoan- Ái. Ba cánh quân như ba gọng kìm thít chặt lại nhằm tiêu diệt quân chủ lực của Đại Việt và bắt sống vương triều Trần để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo từ Vạn kiếp đem 20 vạn quân lên biên ải chặn giặc. Quân Đại Việt dựa vào địa thế hiểm yếu chặn đánh địch kịch liệt. Nhưng thế giặc quá mạnh, vòng vây của chúng bao vây quân Trần đang hình thành. Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, Hưng Đạo Vương cho quân rút lui về Vạn Kiếp.

Bầu trời mùa đông miền Lạng Giang u ám, gió rét thổi từng đợt lạnh thấu da thấu thịt. Đồi núi uốn lượn xanh xám đang rung động bởi không khí chiến tranh binh lửa lan tràn, không gian vang động tiếng reo hò, chém giết, tiếng gươm giáo khua vang chết chóc, tiếng bước chân hàng vạn quân đi rầm rập, tiếng ngựa hí voi gầm. Quân Trần vừa kiềm chế quân địch vừa rút lui có trật tự và nhanh chóng, khẩn trương. Cờ xí rợp trời, bụi cuốn mù mịt. Đất trời miền Lạng Giang như rung chuyển. Phía sau không xa những cột khói đốt nhà của quân xâm lược bốc cao ngút trời. Những âm thanh hỗn loạn như những đợt sáng ào ào ập tới. Đó là tiếng người ngựa của quân Nguyên Mông đang truy kích quân đội nhà Trần.

(Còn nữa)

CVL