Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 5)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 5.

Dã Tượng nghiêm nét mặt:

-Việc đại sự đâu dám đùa. Hôm nay huynh về đây là vâng lệnh của Hưng Đạo Đại Vương. Đệ hãy thu xếp để cùng đi cho sớm. Nhưng đệ đã rèn luyện thế nào mà có tài như vậy.

ch1aimages-1662986359.jpg
Tranh minh họa: Yết Kiêu - Dẫ Tượng. Nguồn: Internet

 

 Yết Kiêu kể bằng một giọng hơi buồn khi chàng nói về gia cảnh:

Thực ra tên đệ là Phạm Hữu Thế, cha đệ là Phạm Hữu Hiệu làm nghề chài lưới, mẹ là Vũ Thị Duyên, khi đệ vừa ra đời thì cha đã mất. Hai mẹ con sống trong cảnh nghèo nàn. Thân mẫu phải làm nghề bán nước kiếm ăn. Thương mẹ nên ngay từ nhỏ đệ đã làm việc cật lực để mong đỡ đần cho mẹ. Cuộc đời của đệ do đó gắn liền với dòng sông Quát, dòng sông của quê hương, đệ quyết bơi lặn thật giỏi để bắt được nhiều cá bán kiếm tiền giúp mẹ. Do rèn luyện và chịu đựng gian khổ và cuối cùng đệ đã bơi được rất dài, lặn được khoảng nửa ngày dưới nước. Đệ bắt cá không cần cần câu mà chỉ lặn xuống đáy sông mà bắt. Nhưng thực ra cũng chưa xứng đáng với cái tên mà người ta đặt cho đệ :Yết Kiêu.

      Dã Tượng hỏi:

      -Yết kiêu là biệt danh gì vậy?

      Một anh bạn của Yết kiêu trả lời:

Thưa tướng quân, đó là một loài cá dũng mãnh ở biển Đông ạ.

          Yết Kiêu kể tiếp:

Sức bơi và lặn của đệ càng dẻo dai gần như không biết mệt khi một đêm đệ mơ thấy có hai con trâu trắng đánh nhau. Đệ đã xông vào dùng tay gạt hai con ra. Hai con trâu hoảng sợ chạy xuống dòng sông và biến mất. Tỉnh giấc đệ mới biết là giấc mơ. Nhưng kỳ lạ những sợi lông trâu trắng  vẫn dính ở bàn tay, đệ liền cho vào mồm và nuốt. Từ đó thật là kỳ lạ, đệ bơi lặn cả ngày dưới nưới nước không biết mệt, càng lặn càng khỏe ra như một con cá thực thụ. Đệ cũng có thể đi trên nước như đi trên đất mà không bị chìm. Mấy cụ đồ làng đệ gọi đệ là người ” Nhập thủy như phúc bình địa hỉ (đi trên nước ung dung như đi trên đất bằng”). Nhưng khả năng bơi lặn của đệ cũng chỉ để bắt cá kiếm ăn, có giúp gì được cho Quốc Công Tiết Chế?

Dã Tượng ngạc nhiên gật gù:

-Kỳ lạ thật nhưng có lẽ trời phái  đệ xuống để nay mai thủy chiến tiêu diệt quân xâm lược trên sông nước. Quốc Công Tiết Chế thật là người nhìn xa trông rộng. Nay mai cuộc xâm lăng của quân Thát vào Đại Việt ta ngoài bộ binh và kỵ binh còn có cả thủy binh thì tài của đệ sẽ được dùng giúp vào công cuộc cứu nước.

-Dùng vào việc gì ạ?

-Đệ sẽ huấn luyện thủy quân. Đệ sẽ lặn xuống nước đục thuyền giặc cho chìm xuống sông.

Yết Kiêu và đám thanh niên làng reo lên:

-Đúng rồi, đục thuyền giặc và dìm chúng xuống nước, ha, ha ha..!

Yết Kiêu phân vân:

-Nhưng đệ còn mẹ già không ai chăm sóc.

Dã Tượng nói:

-Quốc Công tiết Chế dùng người rất ân cần chu đáo. Mẹ già của đệ sẽ được chu cấp đầy đủ.

- Nhưng đệ cũng phaỉ gặp và hỏi ý kiến mẫu thân.

Dã Tượng gật đầu:

-Tất nhiên. Bây giờ chúng ta đi gặp mẫu thân của đệ.

Dã Tượng thanh toán tiền cho chủ quán rồi cùng mọi người ra quán nước của mẫu thân Yết Kiêu ở lộ Hải Đường. Sau khi nghe kể hết chuyện, mẫu thân nắm tay Dã Tượng rơm rớm nước mắt:

-Lạy trời phật, nhà tôi phúc to lớn nên thằng Thế mới được vào hầu cho Đại Vương, cống hiến sức trai cho đất nước. Nhờ Dã Tướng quân giúp đỡ cho em Thế nha.

Dã Tượng chắp tay cúi đầu cung kính:

-Dạ con xin ghi nhớ lời dạy của mẫu thân.

Dã Tượng cùng Yết Kiêu bái biệt mẹ già, từ giã đám bạn bè nông thôn lên ngựa thẳng đường về Vạn Kiếp. Buị mờ tung trắng đường làng Hạ Bì trong một trưa đầy nắng gió. Yết Kiêu nhìn lại làng xóm một màu xanh thân yêu. Dòng sông Quát chói chang nắng hè, quán nước  của mẹ già liu xiêu trong gió, mắt chàng bỗng nhiên trào lệ mặn mặn cay cay. Dã Tượng nói:

-Đi thôi Phạm đệ. Quốc Công Tiết Chế đang đợi chúng ta.

Yết Kiêu giật mình như đang tỉnh giấc mộng. Chàng thấy mình không phải đang cỡi trần đóng khố mà đang mang quân phục, mang gia huy nhà Hưng Đạo Vương. Chàng cùng Dã Tượng và những quân nhân thúc ngựa đi nhanh trong đường làng đầy nắng gió.

2.Thế là Yết Kiêu đã ở điền trang thái ấp  của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nhưng chưa được gặp  Đại Vương. Dã Tượng khuyên Yết Kiêu không nên nôn nóng vì Hưng Đạo Đại Vương còn bận công việc triều chính ở Thăng Long. Cũng theo lời Dã Tượng thì trước khi sử dụng hiền tài Hưng Đạo Đại Vương bao giờ cũng cho người đó thử thách, bộc lộ tài năng do chính Hưng Đạo Đại Vương làm chủ khảo.

Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Sao, Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải dương) điền trang thái ấp của Hưng Đạo Vương cũng là Tổng hành dinh của Quốc Công Tiết Chế, là đất triều đình phong cho Hưng Đạo Vương, là căn cứ tích trữ lương thực, huấn luyện quân đội. Vạn Kiếp là một căn cứ quan trọng có thể chặn giặc Nguyên -Mông từ miền Đông Bắc và từ miền Ải Nam Quan tràn xuống, bảo vệ kinh thành Thăng Long. Vạn Kiếp là nơi núi non trùng điệp xen kẽ những cánh đồng phì nhiêu. Phía bắc, phía tây và phía đông gắn với Lục Đầu Giang, nơi giao nhau của 6 con sông lớn. Từ Lục Đầu Giang có thể tỏa ra kiểm soát khắp miền Lạng Giang, phía đông bắc và  Đông Thăng Long.

Yết Kiêu cảm thấy nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ thôn Hạ Bì và dòng sông Quát thân yêu. Phần lớn thời gian chàng đi ngắm phong cảnh Vạn Kiếp, trò chuyện với Dã Tượng. Dã Tượng nói cho chàng hiểu biết nhiều về cuộc sống trong trại quân, đặc biệt là công việc làm tùy tướng bảo vệ cho Đại Vương. Yết Kiêu thầm cảm tạ anh chàng ”thần voi” này quả là một người tốt bụng. Phần lớn thời gian Yết Kiêu suy nghĩ về cuộc thử tài sắp tới trước sự chứng kiến của Hưng Đạo Đại Vương.

Thế rồi trong một bữa cơm chiều, Dã Tượng nói cho Yết Kiêu biết  Hưng Đạo Đại Vương đã về, rằng ngày mai Yết Kiêu phải biểu diễn tài năng cho Hưng Đạo Đại Vương xem tại thao trường Vạn Kiếp.

Đêm đó, Yết Kiêu không ngủ được nhiều, chàng nửa tỉnh nửa mơ. Gà vừa gáy sáng, Dã Tượng đã đến đưa Yết Kiêu xuống bếp ăn sáng rồi hai người phi ngựa ra thao trường Vạn Kiếp.

Trên một bãi rộng mênh mông, không biết cơ man nào là binh sĩ  xếp thành đội ngũ vuông vắn uy nghi, gươm giáo sáng lòa, tinh kỳ bay trên đầu phấp phới. Trên dòng Lục Đầu Giang, chiến thuyền đậu san sát, cờ hình vuông và trên nền mỗi lá cờ những hình vuông đỏ, xanh, đen trắng, vàng xen nhau tung bay soi bóng xuống dòng sông xao động. Mặt trời đang mọc rực rỡ phía trời đông, tỏa ánh bình minh đỏ rực xuống thao trường. Những ngọn núi xanh, nhưng dòng sông của Lục Đầu Giang như oai phong hơn khi thao trường tràn ngập quân đội, dòng sông tràn ngập chiến thuyền.

Yết Kiêu còn đang say sưa ngơ ngác ngắm nhìn bộ binh rồi lại nhìn chiến thuyền, chàng bỗng nhiên thấy hào khí  dạt dào. Chàng nghĩ quân ta hùng mạnh thế này thì sợ gì giặc Thát Đát. Còn đang suy nghĩ miên man thì Dã Tượng dắt Yết Kiêu vào một cái trại lớn được căng lên bởi tấm phông màu đỏ rất rộng. Trên đỉnh trại một lá cờ màu đỏ có chữ soái màu vàng tung bay theo gió. Hai bên đường vào trại, lính mặc quân phục, đội nón dấu màu nâu gươm giáo sáng lòa. Dã Tượng nói đây là Tổng hành dinh của Hưng Đạo Đại Vương. Yết Kiêu hơi hồi hộp khi biết rằng sắp được gặp con người tiếng tăm lừng lẫy, tài năng đức độ, là một trong những trụ cột của quốc gia, của vương triều Trần, của quân đội. Khi vào trong trại, Yết Kiêu trông thấy một người ngồi ghế chủ soái sau một chiếc án thư gỗ màu nâu. Người đó oai phong lẫm liệt, khuôn mặt vuông vức hồng hào, nghiêm nghị, đầu đội mũ đâu mâu màu vàng, mình khoác nhung phục màu tía, giáp trụ cũng màu vàng. Đàng sau trên bức bình phong có chiếc phông màu đỏ với một chữ soái màu vàng. Dưới chữ soài là hình một con hổ to lớn oai phong dữ tợn. Đứng bên tả là những võ quan sáng rực nhung phục giáp trụ như Phạm Ngũ Lão, Cao Mang, Nguyễn Địa Lô... bên hữu là những mưu sĩ nổi tiếng văn chương và tài năng chính trị như Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực... Dã Tượng vội kéo Yết Kiêu quì xuống. Dã Tượng khoanh tay trước hổ trướng:

-Dạ bẩm Hưng Đạo Đại Vương, tiểu tướng vâng lệnh về Hạ Bì đã đón được Phạm Hữu Thế Yết Kiêu, hôm nay tiểu tướng dẫn Yết Kiêu đến trình diện Quốc Công.

(Còn nữa)

CVL