Tiếng hô vang từ phía cổng trời

Trong tổ có anh Trần Huy Hiệu quê Đại Cường - Ứng Hòa - Hà Tây (nay là Hà Nội). Anh Hiệu hay hát các bài hát ca ngợi Bác Hồ như bài “Suối Lênin” hoặc “Rừng Pác Bó” của Nguyễn Tài Tuệ.
246230938-407366090840977-5431785145633253462-n-1634886969.jpg

Mùa thu năm 1968, xâm lược Mỹ tuyên bố ngừng đánh phá miền Bắc Việt Nam. nhưng lại tập trung bom đạn đánh phá phía Tây Trường Sơn. Ngăn chặn tuyến vận chuyển chiến lược 559 của ta dày đặc. Tiểu đoàn 15 chúng tôi cùng tiểu đoàn 7, tiểu đoàn 110 thành lập trung đoàn 284. Cơ động từ Nam, Bắc Sông Gianh tỉnh Quảng Bình theo đường 22, 21 rồi vào đường 15. Đến ngã ba Khe Ve chúng tôi vào đường 12, tập kết từ Khe Táng, La Trọng. Đại đội tôi triển khai tại địa điểm có tên là Y Leeng, gần biên giới chờ lệnh vượt cổng trời sang giúp nước bạn Lào chống Mỹ. Đồng thời bảo vệ sự vận chuyển chi viện cho miền Nam ruột thịt đi qua nước bạn. Tôi được cấp trên giao nhiệm vụ quản lý đại độ. Một công việc mới lạ, đầy lo lắng nhưng lại được gần gũi tiếp xúc với mọi người. Tôi được mọi người tin yêu, giúp đỡ. Để quên đi mọi căng thẳng, nhọc nhằn, nên tôi hay hát, tham gia tích cực vào tổ văn nghệ của đại đội.

Trong tổ có anh Trần Huy Hiệu quê Đại Cường - Ứng Hòa - Hà Tây (nay là Hà Nội). Anh Hiệu hay hát các bài hát ca ngợi Bác Hồ như bài “suối Lênin” hoặc “Rừng Pác Bó” của Nguyễn Tài Tuệ. Đặc biệt anh hát các làn điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ rất hay, thu hút mọi người chú ý. Tôi còn nhớ: khi tôi làm thơ góp bài cho tờ bích báo đại đội trên quê Quảng Bình có câu:

“… Hỡi ai đi ngược về xuôi

Dừng chân thăm đất quê tôi Quảng Bình

Quê tôi biển rộng rừng xanh

Cảnh dương anh dũng đấu tranh diệt thù…”

 Anh Hiệu đã sử dụng cho làn điệu hát chầu văn rất tươi sáng, tình cảm. Vào đoạn cuối anh chuyển sang điệu vỉa bồng mạc

“… Bom rơi đạn nổ mình ơi!

Lòng dân son sắt không nguôi hận thù”

Người nhỏ gọn, đóng các nhân vật nữ giống y như cô gái. Từ tình cảm chân thực hòa mình với nhân dân Quảng Bình bị bom đạn dày xéo ngày đêm. Khi hát kết thúc hai câu trên, ở phía dưới khán giả tôi thấy đã có mẹ, có mấy cô gái, có cả thanh niên xung phong lấy khăn lau dòng nước mắt vì xúc động. Trần Huy Hiệu nhập ngũ 1964, hơn tôi 2 tuổi quân. Rời trường Hạ sĩ quan của sư đoàn 308, về làm chiến sĩ trinh sát pháo 37mm phòng không cho đại đội 10. Tham gia chiến đấu nhiều trận trên địa bàn Quân khu 4. Anh có đôi mắt trong sáng, nhanh nhẹn. Được giao chiếc máy đo xa TZK 37-1 anh quý máy như người vợ bất ly thân. Ngày đêm chăm sóc, giữ gìn, chiến đấu liên tục. Đến giữa năm 1966, anh đã góp công cùng đơn vị bắn rơi hàng chục máy bay của Mỹ. Trong đó có chiếc A3J bị đơn vị bắn rơi tại xã Quỳnh Bảng - Quỳnh Lưu - Nghệ An đúng vào dịp mùng 3/2, ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Chiến công được Bác Hồ gửi thư khen đơn vị cùng bức trướng thêu chữ vàng trên nền đỏ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”

Tối 30/12/1968 (âm lịch) Đại đội 10 được lệnh xuất kích, bí mật rời biên giới qua cổng trời, sang nước bạn. Đoàn xe pháo ì ầm thứ tự theo đường 12, men theo dãy núi Phù Ác trong ánh sáng mờ của bầu trời mùa khô đầy sao. Từ điểm cao 050, nhìn rõ về phía Tây Nam những đỉnh lèn cao vót, chọc trời đen sẫm. Nhìn xa nữa đã thấy những ánh đèn dù vàng nhạt của Mỹ như kêu gọi chúng tôi đến nhanh. Khí trời mát mẻ, thoang thoảng mùi hoa Chăm Pa thơm nức từ bản Tà Lạt thăng hoa. Đã gần đến giao thừa, bỗng xuất hiện một máy bay AC130 chặn đánh. Anh Hiệu là người động viên chúng tôi hãy bình tĩnh. Khi đạn 20 ly từ máy bay bắn xuống, đơn vị chưa kịp triển khai bắn trả. Sẵn có những bao gạo trên xe loại 75 - 100 kg, anh Hiệu đã lôi kéo đậy lên từng người che chắn nhưng anh đã bị trúng đạn. Tất cả nghe rõ tiếng anh hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm” tiếng hô lan truyền dội vào vách núi, lan tỏa vào tâm hồn mọi người. Rồi anh trút hơi thở cuối cùng.Đêm đó chúng tôi phải lùi lại, triển khai nổ súng bắn trả cho đến sáng. Những đường đạn căng vút trả thù cho anh và bảo vệ những đoàn xe đang nối nhau vào tiền tuyến. Tối hôm sau, mùng 2 Tết năm 1969 tôi được lệnh với một lái xe đưa thi hài anh cùng 3 liệt sĩ trở về tổ quốc chôn cất. Sau đó đơn vị chúng tôi chiến đấu liên tục 3 mùa khô nữa trên con đường này. Do lập nhiều chiến công, xuất sắc hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đại đội 10 chúng tôi được Đảng, Nhà nước tuyên dương tập thể anh hùng ngày 1/10/1971. Tiểu đoàn 15 cùng được tuyên dương đơn vị anh hùng 1973 và sau này Trung đoàn 284 cũng được tuyên dương tập thể anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân.

Tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” của anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tôi chỉ được học và đọc trên sách báo. Còn tiếng hô tôi nghe trực tiếp của anh Hiệu bên người thì tôi không bao giờ quên. Tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” phía cổng trời của Liệt sĩ Trần Huy Hiệu ở đơn vị tôi còn ghi rõ ở trang 30 của cuốn lịch sử Trung đoàn 284. Đã và đang được các thế hệ cán bộ chiến sĩ đơn vị học tập noi gương.

 

Theo Trái tim Người lính