Tìm hiểu nước Mỹ: Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn Lin-côn

Khi chuẩn bị sang Mỹ, chúng tôi đã được các bạn ở quỹ FORD giới thiệu về Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn Lin-côn, một trong những trung tâm văn hoá lớn nhất thế giới, do đó ai cũng háo hức mong được đến thăm tận mắt.
new-york-1694344323.jpg
 

Vậy mà hôm được bạn bố trí đi Trung tâm, lại cứ bị "trục trặc kỹ thuật". Chờ xe mất 30 phút vẫn không thấy đến - lại tắc đường rồi. Cái sự giao thông của anh Mỹ này cũng không mấy xuôn xẻ và cái sự chấp hành luật lệ giao thông của mấy bác tài Mỹ cũng chẳng mấy nghiêm túc. Tôi đã chứng kiến không ít cảnh xe vượt đèn đỏ, tất nhiên chỉ vượt khi rẽ phải chứ không dám vượt thẳng qua ngã tư, vì đông xe lắm, vượt ẩu kiểu ấy bị tai nạn là cái chắc. Chúng tôi cũng bị khối lần nhỡ xe "nhà", đành móc USD đi tắc xi Mỹ. Lần này thì gọi tắc xi cũng không được, chúng tôi đành đi xe điện ngầm. Đường hầm xe điện của Niu-Yoóc khá tồi tàn, trông nhem nhuốc, thậm chí có chỗ nước chảy tong tong từ trên trần xuống. Đi trên đường phố, có khi nghe tiếng xe điện chạy ầm ầm dưới chân và thỉnh thoảng lại thấy hơi nước nóng bốc lên nghi ngút từ các miệng cống ngầm, hoá ra đó là nơi mà người ta xả khí từ đường hầm xe điện lên.

Chui lên khỏi mặt đất, đi bộ một hồi là đến đại lộ Cô-lôm-bô. Một khối nhà khổng lồ chắn trước mặt chúng tôi ngay kế vùng giao nhau của đại lộ Cô-lôm-bô với đại lộ Brôuây: Trung tâm Lin-côn là đây! Được xây dựng từ những năm 1960, Trung tâm nghệ thuật biểu diễn Lin-côn bao gồm 7 sân khấu biểu diễn, trong đó có Nhà hát Opera thành phố Niu-Yoóc, Nhà hát Bang Niu-Yoóc, Phòng hòa nhạc Averi Phi-sơ, và Nhà hát Vi-viên Bơ-mau. Đây cũng là nơi 12 đoàn nghệ thuật độc lập có trụ sở, trong đó có Nhà hát Ôpêra thành phố Niu-Yoóc, Dàn nhạc Giao hưởng Niu-Yoóc, Nhà hát Ba-lê thành phố Niu-Yoóc, Nhạc viện I-Ui-li-át và Trường Ba-lê Mỹ. Với 7 toà nhà đồ sộ, gồm các rạp hát, chiếu phim, trong đó có những rạp có sức chứa 2.800 đến 3.700 chỗ, cùng lúc Trung tâm này có thể phục vụ 15.000 khán giả. Các bạn ở quỹ FORD cho biết những nghệ sĩ, dàn nhạc trên thế giới đều coi đây là nơi biểu diễn lý tưởng, và được trình diễn tại đây coi như đã được một chứng chỉ về chất lượng nghệ thuật cao. Đoàn múa rối Thăng Long và Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã từng trình diễn tại đây.

Nhìn kiến trúc bề ngoài không có gì đặc biệt, nhưng nội thất từng công trình trong Trung tâm này thì tuyệt vời, vì nó vô cùng thích hợp với công năng. Ví như Nhà hát Giao hưởng có cấu trúc tường gồ ghề, hình khối không đẹp, trang trí đơn giản, song đã tạo cho sự chuyển tải âm thanh đến mức tuyệt hảo, khiến cho ngồi chỗ nào cũng nghe rõ. Tôi ngồi cuối phòng khán giả 2.800 chỗ, còn người thợ đàn thì đang chỉnh đàn Pi-a-nô ở trong cánh gà sân khấu, mà tôi vẫn nghe tiếng từng nốt nhạc như ngay bên tai. Người phụ trách Nhà hát giải thích với chúng tôi rằng sự trang trí đơn giản trong rạp nhằm tránh làm cho khán giả phân tán, hướng mọi sự chú ý của họ vào chương trình biểu diễn. Hoặc như rạp hát ô pê ra với 3.700 chỗ dành cho những nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn, được trang trí những vật hình nữ trang, gọi là hộp nữ trang, có 6 tầng khán giả và khán giả ngồi ở ghế nào cũng nhìn rõ sân khấu. Quả thật, nơi đây cũng có thể được coi là nhất thế giới bởi đã tập trung trong một khu vực một loạt rạp biểu diễn lớn và hiện đại đến thế, đồng thời quy tụ nhiều đơn vị nghệ thuật danh tiếng trên thế giới đến thế, với sức hoạt động bền bỉ từ hàng chục năm qua và hoạt động đều đặn hàng tuần quanh năm, phục vụ hết lớp khán giả này đến lớp khán giả khác không những của Niu-Yoóc mà của cả thế giới đổ đến.

Đi thăm, hỏi han, xem lướt khu vực này cũng mất cả một ngày. Mà chui vào trong lòng những toà nhà này mới thấy nó lớn đến dễ sợ, có những tầng hầm trông mênh mông ngút tầm mắt hoặc chằng chịt những hành lang như một mê cung. Riêng việc hướng dẫn du khách đi thăm khu vực này đã thành một nghề, được tổ chức như những tua du lịch, thu hút nhiều lao động vào làm việc, trong đó có những nghệ sĩ đã hết khả năng biểu diễn (Việt Nam gọi là hết tuổi nghề). Người hướng dẫn "tua" của chúng tôi là một phụ nữ đã đứng tuổi, cao ngỏng, mặt dẹt, mũi nhọn, da mặt nhăn nheo nhưng nét mặt rất linh hoạt và lại có vẻ rất nhí nhảnh. Mỗi khi giới thiệu xong một công trình, trong khi đưa chúng tôi đi qua công trình khác, chị bước thoăn thoắt, đầu lắc qua lắc lại, thỉnh thoảng lại xướng lên một khúc hát thính phòng. Chị Thuỷ quả quyết với tôi rằng đây chính là một nghệ sĩ ô-pê-ra đã chuyển nghề. Nhưng khi hỏi lại, thì được biết chị này vốn là một nghệ sĩ Ba lê - thảo nào cao mà gầy thế, lại nhanh nhẹn nữa!

Khi chúng tôi đã tham quan xong khu vực Trung tâm nghệ thuật, chuẩn bị chia tay với người hướng dẫn đầy chất nghệ sĩ và vui tính này, chị giới thiệu tối nay sẽ có buổi duyệt vở ô-pê-ra mới, bán vé đồng loạt 15 USD mỗi vé, đoàn có thể mua để tới xem. Xin cảm ơn sự chu đáo của của chị, người nghệ sĩ chuyển nghề, người hướng dẫn tham quan, và cũng xin ghi nhận lối tiếp thị nghệ thuật rất dễ chịu kiểu Mỹ này.