Theo kinh nghiệm dân gian, rêu đá nướng giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp và nhiều chứng bệnh mãn tính khác. Rêu từ khi lấy về, rửa qua, đóng bánh, để được khoảng 3, 4 ngày. Ngày nay có tủ lạnh, có thể để được cả tháng. Người dân địa phương cũng có thể phơi khô rêu để dùng dần vào mùa khô, mùa Đông. Thậm chí một số vùng, rêu còn được chế biến thành món trong những dịp lễ như cưới xin, lễ làng…
"Rêu đá làm món ăn rất ngon." Cậu đi cùng nói khi xe bắt đầu sang Sơn la. Từ sáng, xuất phát 05:30 ở Big C, trời khá lạnh ở 13oC thêm chút lắc rắc mưa. Đi chơi nên không đi nhanh, từ từ hết Đại lộ Thăng long, qua K9, sang Thanh thuỷ, Phú thọ, rồi rẽ sang Sơn la để đi Tà Xùa.
Cuối tuần nhưng mưa lạnh, đa số mọi người đi Sapa hay Mộc châu vì có vẻ Xuân đã đến với Đào, Mận Mơ nở hoa rất đẹp. Hội này đi Tà xùa, vừa chơi vừa chụp ảnh. Nơi săn mây đẹp với dân chụp ảnh. Mùa dịch bệnh Covid nên vắng bớt các đoàn xe du lịch, phượt cũng như người dân lưu thông trên đường.
Qua Thu Cúc, trời hơi mưa, rời đến Phù Yên, lên địa phận xã Tường phù. "Qua bên này chắc hết mưa và ấm hơn vì phía tây Trường sơn." Long chia sẻ. Đúng vậy, đi hết dốc leo lên từ độ cao 260 m để lên độ cao 2800 m, đi qua dốc 3 Khổ, trời hết mưa và cảm giác ấm hơn. "Đèo có 3 khúc, chắc dân xưa qua lại nhắc nhau 3 lần khổ để qua đèo sang bên kia nên gọi là đèo 3 Khổ." Long kể thêm. Nhưng thực tế, người dân họ giải thích, khổ ở đây không phải là khổ cực, mà là ba khổ, ba đoạn đường dốc…
Dừng chân Khổ 1, đỉnh đèo nghỉ chân. "Ô, những bánh gì màu lục thế kia?" Tôi thốt lên khi vừa bước xuống xe. Hai bên đường là dãy hàng dân bán, ngoài các nông sản như ngô, khoai, chuối, tỏi, bồ kết... thì cả chuỗi dài bánh màu lục, tròn, to như bát tô to, như bánh than dân Bát tràng nặn để phơi, xếp thành dãy đều đặn rất đẹp. Các bà mế, các cô bán hàng đon đả chào mời, mời ăn thử món họ nấu sẵn để bên trong cặp lồng.
"Bánh rêu đấy." Tùng nói, rồi kể: "Bánh rêu đặc sản vùng này, dân lấy về bán nấu canh, xào tỏi ăn..." thì ra là vậy. Rêu màu xanh lục như rong tóc tiên hay đuôi chồn tôi từng đi lấy cho lợn ăn thủa thiếu thời, ở đây, là món ăn phổ biến khá đặc sắc. Các thiếu nữ dân tộc Thái, Mường, từ bé đã biết cách đi lấy rêu về, chế biến món ăn các loại. Nếu ai không biết thì sẽ bị chê và khó cặp đôi kiếm chồng. Rêu, một thực vật nhiều dinh dưỡng, được chế biến nhiều cách làm đặc sản món ăn. Bản thân Rêu mọc trên đá ven suối là đặc điểm của khí hậu, ẩm ướt, mát nên rêu bám mọc dài xanh lục mướt theo dòng nước. Trong rừng xưa, suối trong vắt, không bị tác động ô nhiễm của dân cư, sản xuất, rêu mọc trên đá dập dờn theo dòng nước chảy.
Tục truyền rằng, mối tình nàng người Thái trên núi yêu chàng người Mường dưới thung lũng. Dòng suối trong xanh như sợi dây kết nối từ nhà nàng xuôi xuống mường nhà chàng trai. Cả hai mỗi lần vào rừng kiếm rau, củi, là hẹn hò bên suối. Cả khu rừng như hòa bản tình ca với tiếng gió xào xạc, chim hót trên cao, suối róc rách tự tình. Mùa Xuân, hoa lá xanh tươi, cây cối đâm chồi, đôi trai gái bên nhau quên cả đất trời cùng ước nguyện trăm năm. Thế nhưng, không chỉ là hai dân tộc khác nhau, họ khác cả khu vực sinh sống nên bị chúa đất và gia đình ngăn cấm. Mùa Đông năm ấy, đôi trai gái rủ nhau cùng trốn lên núi. Họ ra suối, nơi hẹn họ mỗi lần lấy rau, hái củi. Cảnh vật sao mà u ám lạnh giá, chím không còn hót líu lo, suối không còn róc rách, nó cạn hơn, chỉ còn nơi thác xuống như cái ao. Chàng trai gieo mình từ vẫn rồi hóa thành hòn đá bên suối. Nàng khóc thương rồi cũng buông theo. Mái tóc dài của cô gái Thái biến thành rêu ôm ấp đá suối ngàn thu bên dòng nước nguồn.
Từ tình yêu vĩnh cửu của câu chuyện, với rêu không chỉ là món ăn, nó là phương thuốc rất thần kỳ tăng đề kháng, chống sốt rét, giúp người dân thích nghi cùng tự nhiên. Bản thân rêu đá trong núi có rất nhiều khoáng chất có ích cho sức khỏe, đây cũng là lý do mà trong các câu chuyện truyền kể và chứng minh là sự trường thọ của đồng bào Mường và Thái ở Tây Bắc này, các bô lão trên trăm tuổi khá nhiều, nhiều hơn các vùng khác!
Rêu đá thực ra mọc ở nhiều nơi, suốt dọc Trường sơn, với khí hậu Nhiệt đới, mưa nhiều, suối trong rừng sâu đều có đá mọc rêu. Tuy nhiên, ta bắt gặp rêu làm đặc sản món ăn thì phổ biến ở vùng Tây Bắc này. Rêu thường mọc bám vào các gờ đá nơi lòng suối. Với vị trí của đá, rêu có mấy loại như: rêu cui, là loại mọc thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm; rêu cay, loại có sợi mọc rời rạc màu xanh và rêu tau, loại mọc thành từng mảng nơi nước đọng, ít có dòng chảy, không bám chặt vào đá như các loại rêu kia, khi thu lượm người ta thường dùng thanh tre gạt rêu để thu gom.
Ở Tây Bắc, rêu đá mọc theo mùa từ tháng 9, 10 âm lịch đến hết tháng 5. Trước đây, suối nguồn sạch sẽ, rừng còn nhiều, suối có rêu mọc rất nhiều, không chỉ ở Yên bái này, bên Điện Biên, Hòa bình, Lai Châu, cũng có nhiều. Những ngày nắng ấm bà con vào rừng tìm đến các con suối lấy rêu rất nhiều.
Dừng chân bên một sạp với mấy chục bánh rêu xanh lục được xếp chồng rất đẹp, tôi hỏi người bán hàng: "Mế tự đi lấy về à? Có vất vả không?" Bà mế vừa sắp xếp bánh rêu, vừa nói chuyện niềm nở, khác hẳn các vùng đã nhiều dịch vụ du lịch, họ khó chịu khi khách muốn hỏi chuyện và chụp ảnh, bà mế đáp: "Tự đi lấy về chứ, rêu mọc trên đá, giờ phải đi sâu trong rừng mới lấy được." Bà mế kể, phải đi từ sáng sớm tới quá trưa về, khoảng hơn hai chục bánh, mỗi bánh 4-5 lạng, vượt rừng, suối. Rêu phải nhẹ nhàng bóc ra khỏi đá, rửa sạch dưới suối, đắp tròn thành bánh dẹp như bánh than hay bánh mỳ gối tròn của tây. Cần nhẹ nhàng xếp lên nhau tránh dập.
Rêu đá có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó đơn giản nhất là canh rêu đá. Trước khi chế biến rêu phải được rửa (giặt) sạch sẽ vì rêu ở dòng chảy suối, như cái lưới bị nhiều tạp chất, cát bám chặt lẫn vào. Người dân có nhiều cách giặt rêu như ra dòng chảy suối, dùng chày gỗ đập như đập vải. Các thao tác không khác giặt vải nên họ gọi giặt rêu là vậy. Sau đó rêu được cắt thành từng đoạn nhỏ, thả vào nước luộc gà hoặc xương hầm đến khi chín tới sẽ dậy lên hương thơm hấp dẫn. Lên các bản người Thái, thưởng thức bát canh rêu đá nóng hổi trong tiết trời se lạnh mới thấy cái thú ẩm thực độc đáo của vùng cao Tây Bắc.
Với những mẻ rêu non người Thái thường dùng để chế biến nộm. Sau khi rửa sạch rêu cho vào chõ đồ cho chín tới rồi trộn cùng súp, và các gia vị như gừng, mùi, “mắc khén” (hạt tiêu rừng), tỏi. Người thích ăn cay có thể cho thêm ớt nướng giã nhỏ. Ở một số nơi trên Điện Biên, rêu lấy từ dòng Nậm Mức, Nậm Mu còn được làm nộm sống, ăn rất giòn và đằm vị.
So với hấp, luộc hay xào, rêu nướng vẫn là thơm ngon nhất. Người Thái có thể dùng rêu nướng không với các loại dong, lá chuối hoặc nướng cùng cá suối, thịt lợn, thịt gà và ớt. Đơn giản và hợp khẩu vị của nhiều người là món rêu nướng trên than hồng. Chọn loại rêu dài bằng ngón tay trộn cùng muối, ớt, rau mùi, hành, sả, “mắc khén” bọc trong lá chuối đã được hơ nóng cho mềm và tránh rách, rồi nướng trên than hồng cho tới khi xém lớp lá bên ngoài.
Theo kinh nghiệm dân gian, rêu đá nướng giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp và nhiều chứng bệnh mãn tính khác. Rêu từ khi lấy về, rửa qua, đóng bánh, để được khoảng 3, 4 ngày. Ngày nay có tủ lạnh, có thể để được cả tháng. Người dân địa phương cũng có thể phơi khô rêu để dùng dần vào mùa khô, mua Đông. Thậm chí một số vùng, rêu còn được chế biến thành món trong những dịp lễ như cưới xin, lễ làng…
"Chú ăn thử đi, chế biến rồi trong cặp lồng đấy." Bà mế mời. Trong cặp lồng, rêu đã hấp hay luộc gì đó, trông gần giống rong biển với ít tỏi, ớt đỏ, chắc là ngon. "Thôi, cháu mua về chốc nữa tự làm ăn sau." Tôi đáp. Rêu có thể để được cả tuần, ăn thơm, khá ngon. Mỗi bánh rêu chỉ có 10 ngàn đồng, thật rẻ với công sức đi lấy về của người dân. Rêu là món lộc trời đặc sản của dân tộc vùng Tây Bắc, giờ tôi mới được tận mắt thấy và thưởng thức. Chia tay Dốc Ba Khổ, chúng tôi lên đường đến khu sinh thái trên Tà xùa, ngắm thung lũng mây kỳ vĩ...
Tà Xùa, tháng 12 năm 2020 - ĐVP