Trong bài phát biểu khai mạc Lễ hội chùa Quán Thế Âm năm 2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường đã nhấn mạnh rằng, lễ hội chùa Quán Thế Âm là một trong những nét văn hóa độc đáo nhất của vùng đất Ngũ Hành Sơn và của thành phố Đà Nẵng; là sự kết tinh của những giá trị văn hóa Phật giáo và di sản của Ngũ Hành Sơn.
Ngày 27 tháng 3, tại chùa Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Ban Tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn 2024 đã tổ chức tọa đàm về các giải pháp nhằm nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn xứng đáng với danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tham dự tọa đàm là lãnh đạo Ban Tôn giáo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND Quận Ngũ Hành Sơn, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Quận Ngũ Hành Sơn cùng các học giả, nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa dân gian.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ và đóng góp ý kiến về các giải pháp nhằm nâng tầm lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, nhằm tạo ra những định hướng tốt hơn trong công tác tổ chức lễ hội và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong những năm tiếp theo.
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được tổ chức lần đầu tiên nhân dịp khánh thành chùa Quán Thế Âm vào năm 1956. Những năm sau đó, lễ hội vẫn được duy trì nhưng chỉ gói gọn trong nội bộ chùa Quán Thế Âm. Từ năm 2000, lễ hội chùa Quán Thế Âm đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam xếp hạng vào danh sách 15 lễ hội lớn, tham gia chương trình "Chào đón Thiên niên kỷ mới của quốc gia". Từ đó đến nay, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã được tổ chức quy mô và phong phú cả về nội dung lẫn hình thức.
Nhận thấy giá trị của di sản, vào năm 2019, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các ngành chức năng cùng với chùa Quán Thế Âm lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Và vào ngày 3 tháng 2 năm 2021, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Từ đó đến nay, lễ hội được tổ chức dưới sự điều hành trực tiếp của UBND TP Đà Nẵng, kết hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương quận Ngũ Hành Sơn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và chùa Quán Thế Âm, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân và thu hút đông đảo du khách thập phương về chiêm bái, lễ Phật và chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú, non nước, chùa chiền của Danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Tuy nhiên, để phát huy và lan tỏa hơn nữa những giá trị truyền thống tốt đẹp của Lễ hội cũng như giá trị văn hóa của Danh thắng Ngũ Hành Sơn trong đời sống văn hóa địa phương, và tạo sự liên kết với các địa phương khác, cần có những giải pháp mang tính khoa học và phù hợp với văn hóa của địa phương, nhằm đưa Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn lên một tầm cao mới, xứng đáng với danh xưng di sản phi vật thể cấp quốc gia. Chính vì thế, tọa đàm đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và nhà khoa học ở Trung ương và địa phương.
Theo đó, tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung vào các nội dung như: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội chùa Quán Thế Âm, kết hợp với quần thể di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, và đề xuất các giải pháp phù hợp.
Ngoài ra, họ đã thảo luận về giá trị và vai trò của Lễ hội đối với đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng Phật tử và nhân dân trong bối cảnh hiện nay, cũng như về sự kết nối của Lễ hội với các di sản gắn với phát triển du lịch của TP Đà Nẵng, và các giải pháp nâng tầm các hoạt động văn hóa - nghệ thuật để tạo điểm nhấn mới cho lễ hội.
Theo Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng, một loại hình nghệ thuật gần gủi với hình ảnh Quán Thế Âm Bồ Tát là điêu khắc, với các chất liệu như gỗ, đá, là thế mạnh của người dân Ngũ Hành Sơn (với làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước). Do đó, ông đề xuất tổ chức “Hội thi tạc tượng Quán Thế Âm Bồ Tát” 1 hoặc 2 năm một lần.
Ngoài ra, về lịch sử, chùa Quán Thế Âm không chỉ gắn với hình ảnh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát mà còn gắn với chùa Quán Thế Âm Bồ Tát, ngôi chùa có hơn 60 năm tuổi (khánh thành năm 1962) đi liền với Phật thoại Hòa thượng Thích Pháp Nhãn, người phát hiện pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát vào năm 1956 bằng thạch nhũ tay cầm bình cam lộ trong động Kim Sơn.
Để tri ân Hòa thượng Thích Pháp Nhãn, ông đề xuất trong lễ khai mạc lễ hội Quán Thế Âm hằng năm nên tổ chức tưởng niệm Hòa thượng Thích Pháp Nhãn, đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép đổi tên Bảo tàng văn hóa Phật giáo TP Đà Nẵng thành Bảo tàng văn hóa Phật giáo Pháp Nhãn, nhằm vinh danh người có nhiều công lao đóng góp cho văn hóa Đà Nẵng nói chung, và văn hóa Phật giáo Đà Nẵng nói riêng.
Trên cơ sở đóng góp của các học giả, nhà nghiên cứu, Ban Tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã chân thành tiếp thu để áp dụng vào việc tổ chức lễ hội trong những năm tiếp theo, nhằm đưa Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn TP Đà Nẵng lên một tầm cao mới, xứng đáng là một trong 15 lễ hội lớn nhất của cả nước, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách./.