Trái tim cất lời da diết

PGS- TS Trần Thị Trâm

07/12/2021 18:44

Theo dõi trên

Bài viết của PGS-TS Trần Thị Trâm về tập thơ song ngữ “Yêu như là tình cuối” của Phạm Phương Thảo đã đăng trên Văn nghệ Công an số 370 ngày 1/12/2017, đến này vẫn thấy mới mẻ.

vinh-danh1-1638877403.jpg

Tình yêu luôn là một đề tài vĩnh cửu của thi ca, là mảnh đất mỡ màu đã sản sinh ra những áng thơ hay nhất trong lịch sử nhân loại. Đó là hai cái đẹp cùng được xuất hiện trong trạng thái hưng phấn cao độ, khiến trái tim nhạy cảm bừng thức để rồi con người có được những giây phút xuất thần. Vì thế mà giữa chúng sớm hình thành một mối quan hệ gắn bó, giăng díu mặn nồng. Nếu tình yêu là cội nguồn, là sức sống thanh tân của thi ca, thì thi ca lại làm cho tình yêu trở nên lộng lẫy, bí ẩn và đầy quyến rũ.

Khi đọc “Yêu như là tình cuối”(Tập thơ tình song ngữ Việt- Anh, dịch giả Lê Phượng- do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, mùa thu 2017) của Phạm Thị Phương Thảo, ta không khỏi ngỡ ngàng, trước những vần thơ tình vừa giàu trải nghiệm vừa rất trẻ trung của chị. Hai cái lực trái chiều vừa hút vừa đẩy nhau ấy đã cho thấy niềm khát khao đổi mới thơ, khát khao làm mới đề tài tình yêu từ muôn đời trong thơ của người cầm bút. Chị coi tình yêu là cái đẹp vĩnh hằng, như là một thứ tôn giáo thiêng liêng.

 Xuyên suốt trong tập thơ tình của Phạm Thị Phương Thảo là hình ảnh một người đàn bà từng trải, lịch lãm, hiểu đời, hiểu người và cũng rất hiểu mình. Nhưng trong lồng ngực thiếu phụ ấy lại rộn ràng nhịp đập trái tim thiếu nữ, vì thế mỗi vần thơ của chị trở nên lấp lánh, rời rợi xanh non, tràn trề sinh lực và dạt dào sức sáng tạo. Điều này làm cho bức chân dung tâm hồn của nữ sỹ trở nên đa kênh, đa hệ, rất truyền thống mà vô cùng hiện đại. Một mặt thơ chị có cái chất lạ, sâu sắc, an nhiên của người đàn bà ở độ chín của tuổi tri thiên mệnh, nắm chắc quy luật nóng lạnh của cuộc đời:

“Đi hết ngày rồi ắt sẽ sang đêm”(Tình yêu màu nhiệm); mặt khác lại có cái cuống quýt, bồng bột của những tín đồ yêu ở cái tuổi đương thì khát sống, thèm yêu “đắm đuối như không thể đắm say hơn”(Cho một ngày sinh), cứ như “dòng nham thạch núi lở tuôn trào…” (Món quà của Chúa) !

Dù vẫn biết, thơ tình vốn là thế mạnh của những cây bút nữ, nhưng cũng không dễ gì tìm được một người đàn bà ở lứa tuổi này mà còn say thơ, mê thơ, tôn thờ thơ, đắm đuối vì thơ; khát khao yêu, tận hiến cho tình yêu và thành thực với lòng mình như Phương Thảo. Biên độ giao động của con tim chị trở nên cực đại, khó đoán định: lúc lú lẫn mù lòa khi đặc biệt tỉnh táo. Nhờ thế mà chị có thể tận hưởng niềm hạnh phúc và thụ hưởng những giá trị văn hóa của tình yêu ở rất nhiều cung bậc.

Như một con chiên ngoan đạo, chị mặc niệm tình yêu là thiêng liêng, là thứ tôn giáo để phụng thờ. Tình yêu là một thứ quyền năng vô hạn, vĩnh cửu và tuyệt đối:

“Quyền năng của tình yêu là muôn đời bất tử

Sẽ nâng đôi cánh bay và cứu rỗi cả thế gian này “

(Tình yêu nhiệm màu)

Một khi đã được thiêng hóa thì nó không được phép diễn tả bằng ngôn ngữ đời thường mà phải bằng thứ ngôn ngữ của vũ trụ. Nên Phương Thảo không ngần ngại gửi gắm tình yêu của mình vào những hiện tượng tự nhiên dữ dội như: mưa biển, gió cuồng, núi cao, biển lớn, ngực sóng, sấm chớp, bão giông…Để cho tình yêu xuất hiện trong trạng tột đỉnh của sự dâng hiến:

“Tình yêu như trận cuồng phong, như dòng nham thạch tuôn trào

(Món quà của Chúa)

Tình yêu vụt đến trong niềm hạnh phúc ái ân, trongtiếng sét ái tình huyền diệu:

 “Người đàn ông /như tiếng sét ái tình vụt qua

Em sung sướng hứng trọn thứ ánh sáng nóng bỏng

Và huyền diệu”

(Cho một ngày sinh)

Khước từ thứ tình yêu ép xác để tỏa sáng phần hồn, Phương Thảo hướng đến một tình yêu theo đúng nghĩa của nó: phồn sinh, phong phú, đa dạng- là nơi gặp gỡ giữa hai thái cực âm dương, vừa mang giá trị tinh thần cao quý vừa có cả những Khát thèm và dục vọng:

 “Rộng lượng và ích kỷ

Nâng niu và hyền bí

Thiêng liêng và phồn thực

Đắm say, đẹp, buồn và đau đớn

cùng vỗ cánh

Bay lên…”

(Tình yêu nhiệm màu)

Bất chấp hệ lụy, người đàn bà trong thơ chị không bỏ lỡ cơ hội, dám hứng tia chớp xanh vụt qua đời mình (Điều huyền diệu) rồi kiêu hãnh đối diện với mọi thử thách mà không hề hối tiếc:

 “Ta đón chờ hạnh phúc như một sự nhiệm màu

Ta cũng không né tránh và khước từ bi kịch

Bởi tình yêu cho ta sức mạnh, ý chí và niềm tin

Hiến dâng trọn vẹn”             '

(Tình yêu nhiệm màu)

 

vinh-danh-2-1638877403.jpg

Phải chăng Tình yêu nhiệm màu chính là lời tuyên ngôn về tình yêu của nữ sĩ Phương Thảo? Và để tạo ra được bầu khí quyển cho tình yêu làm tổ, chị đã lựa chọn một hệ thống ngôn từ mới lạ và có phần gợi cảm, gợi dục:

 Môi mùa, chùm môi đỏ rực,cánh môi đêm, nước mắt đêm, vòm ngực đêm, phập phồng một vần thơ, run rẩy, hổn hển, hơi thở, khát thèm, ôm, quặn xiết, đắm say, nồngnàn...Sóng trong thơ Phương Thảo không dịu dàng mà chồm lên dữ dội; dòng nham thạch núi lửa thì không ngớt tuôn trào; đêm trong trạng thái lắc lư, run rẩy, con tàu thì răng rắc vặn mình, trăng và em đều trong tư thế cong lơi, chờ đợi…

Những động từ chỉ cảm giác mạnh đó đã làm cho tình yêu trong thơ Phương Thảo không tĩnh mà sống động, đầy sinh khí. Nhờ thế mà dòng cảm xúc của người viết trở nên chân thực; vạn vật như được thổi hồn vào, khiến những cử chỉ, bàn tay, ánh mắt đều biết nói, còn thiên nhiên bỗng trở nên dào dạt, đa tình và nồng nã mùi yêu. Dường như mọi khát khao trần tục đều được chị khéo léo thể hiện gián tiếp qua thiên nhiên nên đọc thơ Phạm Phương Thảo người ta không thấy nhuốm mùi tục lụy.

Chùm thơ lục bát sen 5 bài: Nụ đêm, Sen muộn, Sen hát, Mơ sen, Sen buồn, Thảo viết mùa hè 2017 (Không có trong Yêu như tình cuối) là một ví dụ. Ở đó, người đàn bà yêu hơn người và cũng nhạy cảm hơn người, chị  không hướng ngoại để miêu tả vẻ đẹp và giá trị cao quý của sen- quốc hoa mà bằng cái nhìn hướng nội, tác giả đã làm toát lên vẻ đẹp sâu thẳm, cao khiết, khác lạ của tâm hồn người phụ nữ Việt thời hiện đại, với bao khát khao giao cảm với đời.

Dưới ánh sáng của trữ lượng văn hóa và trí tuệ rộng mở đã tích lũy được, nhân vật trữ tình trong thơ Phương Thảo rất hiện đại, dù chệch chuẩn nhưng không nổi loạn, mới mẻ mà vẫn giữ được sự cân bằng, vẫn mang những phẩm chất truyền thống nhưng lại không ngừng biến ảo. Sau cuồng phong lại là những ngọt ngào, run rẩy, dịu êm; sau những kiếm tìm vô vọng là niềm tin vào những điều tốt đẹp, sau khổ đau ắt là hạnh phúc…Nên dù đam mê là thế nhưng người đàn bà yêu vẫn cứ nuốt nỗi khát vào sâu tận đáy lòng:

“Anh đang ở đâu/ Chiều nào em cũng khát

Em chạy ra biển

Tóc xõa một vạt mây đẫm nươc

Thầm gọi tên anh

Trước cơn giông mùa hạ”

( Mưa biển)

Mơ ươc của mình được âm thầm gửi niềm thương cho gió:

“Gió cũ lang thang tóc mây

Trái tim cất lời da diết

Ước gì người ở chốn đây“

(Đếm nhớ)

Có lẽ giống như những người đàn bà đồng trang lứa, suốt đời như mặt trăng tỏa sáng vì người khác, họ đã gồng mình lên để giữ mái ấm gia đình những vẫn không ngừng băn khoăn: vì sao suốt đời ta chỉ yêu duy nhất một người. Đó là điểm khác biệt giữa họ và các cô gái thời @. Đó có thể là chút bi kịch của một tình yêu vô vọng, đẹp, buồn, nồng nàn và lãng mạn. Tình yêu trở nên lý tưởng trong mơ ước khát vọng mãi mãi.

Không buồn ảo não;

“Ở khúc ngoặt cuối cùng

Vẫn tin chắc rằng ta hạnh phúc

Hãy cứ yêu nồng nàn như tình cuối”

Song song với một quan niệm mới mẻ về tình yêu, Phương Thảo luôn ý thức và ráo riết trong việc kiếm tìm để đổi mới trong thi ca. Ý đồ đổi mới thơ của tác giả được thể hiện rõ từ bài đầu tiên trong tập thơ. Đó làmột bài thơ văn xuôi về nỗi buồn mùa thu với những thi ảnh và cách tư duy mới lạ:

“Chợt bắt gặp sắc chín trong vòm lá. Day dứt chi những chiếc lá vàng? Run run trong gió rồi rụng vào nỗi nhớ. Mùa đã xanh mà em đã vội thu? Người về đâu nụ cười đau rạn vỡ? Bước chân ai héo buồn lưu giữ cả mùa thu?”

…”Để em thành chiếc lá

Chiếc lá rất mềm, chếc lá rất xanh.

Khẽ rụng xuống môi mùa “

(Để em thành chiếc lá)

Không phải vô cớ mà trong tổng số số 30 bài của tập thơ Yêu như lần cuối chỉ có hai bà ở thể lục bát ngắt dòng. Rót a - có cội nguồn lục bát, có hơi hướng lục bát. Nhưng tác giả đã có ý thức đổi mới bằng cách tháo dỡ cấu trúc của từng câu lục bát. Không thấy ở đây kiểu câu thơ 6/ 8 với lối gieo vần, ngắt nhịp thông thường, mà có cặp lục bát được chia làm 3 dòng, thậm chí 4 dòng một cách vô cùng uyển chuyển, linh hoạt:

"Cho anh uống cạn mắt em

Nưa cơn say

Nửa khát thèm

Người ơi...

Lẳng lơ bởi cái duyên trời

Tỉnh tình tinh

Uống

Cạn lời bão dông"

(Rót)

Riêng Phương Thảo hầu như vẫn yêu thích lối thơ theo thể tự do, số câu chữ được thay đổi theo yêu cầu của nội dung diễn đạt. tha hồ tung tẩy. Điều đáng nói là, không chỉ thể loại mà trong thơ Phương Thảo tất cả mọi yếu tố: từ ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng thơ cho đến tư duy, thể loại…đều không ngừng được đổi mới.

“Yêu như là tình cuối " chính là thi phẩm hay và đẹp cả nội dung và hình thức,  như một món quà chị gửi tặng bạn bè và độc giả của mình, cho thấy được khát vọng đổi mới quyết liệt thơ và tấm lòng thành thực đam mê với tình yêu của người thơ Phương Thảo. Như đôi cánh nhiệm màu, “Yêu như là tình cuối” đã giúp cho thơ chị bay lên.

 

Bạn đang đọc bài viết "Trái tim cất lời da diết" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn