Hải Phòng là một mảnh đất giàu truyền thống và lịch sử, với sự kết hợp đa sắc tộc về văn hóa từ thời Pháp thuộc và cộng đồng người gốc Hoa tại đây đã làm cho hương vị những món ăn đậm đà và khác biệt hơn rất nhiều. Cái “chất” Hải Phòng không bao giờ có thể lẫn với nơi khác, đến cả ẩm thực cũng mang một hương vị rất riêng. Có những món ăn dù đi đến bất cứ đâu, cứ nhắc tới là thực khách nghĩ ngay đến Hải Phòng.
Bánh đa cua
Người Hải Phòng ăn bánh đa cua vào tất cả các bữa và bất kể thời tiết dù nóng hay lạnh . Món ăn này đã nức tiếng khắp nơi, trở thành niềm tự hào của người dân đất Cảng, giống như phở của người Hà Nội hay bún bò đậm đà xứ Huế. Bánh đa cua là món ăn làm nên tên tuổi cho ẩm thực đất Cảng. Mỗi bát bánh đa là sư tổng hòa các màu sắc phong phú: màu đỏ sậm của bánh đa, nâu hồng của gạch cua, đỏ tươi của cà chua, xanh non của rau rút và rau muống, xanh đậm của chả lá lốt chiên, thêm sắc vàng của chả cá và hành phi.Bánh đa cua muốn ngon phải dùng chính bánh đa đặc sản của làng Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân, Hải Phòng) nổi tiếng dẻo dai, ngâm nước lâu cũng không nát. Tương ớt ăn kèm tuy chỉ là yếu tố phụ cũng là loại đặc biệt, gọi là chí chương, được chế biến theo một cách thức gia truyền.
Bánh mì que
Bánh mì cay hay còn gọi là bánh mì que. Và dù gọi theo cách nào thì cũng nói lên một phần đặc trưng của loại bánh mì này khác với bánh mì của các tỉnh thành khác. Đầu tiên là do hình dạng của chiếc bánh mì nhỏ, dài, nằm lọt trong lòng bàn tay và điều quan trọng là độ giòn của bánh mì. Còn tên gọi bánh mỳ cay là do vị cay đặc trưng của loại chí chương ăn kèm. Điểm cơ bản tạo nên vị ngon của bánh mỳ cay (hay bánh mỳ que) theo kiểu Hải Phòng chính là ở cách chế biến pa tê gan, bánh mì và chí chương. Món ăn với những nguyên liệu đơn giản nhưng lại là thức quà chiều thú vị, gây thích thú với thực khách khi ghé thăm Hải Phòng.
Bánh cuốn
Bánh cuốn của thành phố Cảng cũng gây lưu luyến khó quên với người thưởng thức. Nếu như Hà Nội ăn bánh cuốn cùng với mắm giấm thì Hải Phòng lại ăn bánh cuốn cùng với mắm ninh xương. Nước mắm của bánh cuốn Hải Phòng được làm từ nước ninh xương để có được vị ngọt tự nhiên. Mắm xương được ninh trong nhiều giờ, sau đó cho thêm gia vị để tăng thêm hương vị cho nước mắm. Bánh cuốn Hải Phòng về cơ bản thì bột bánh hay nhân bánh vẫn giống với các địa phương khác. Về phần bánh, bánh cuốn phải được làm từ gạo tẻ để có độ dai mịn cần có. Bánh cuốn phải có độ mềm vừa phải, hơi dai và đặc biệt là không được nhão hay quá mềm. Về phần nhân, bánh cuốn Hải Phòng cũng rất đa dạng. Đối với bánh cuốn tráng máy thì thường có hai loại phổ biến đó là bánh cuốn chay và bánh cuốn nhân thịt. Còn đối với bánh cuốn tráng tay thì nhân bánh có phần đa dạng hơn, như có thêm nhân tôm, nhân trứng,…tùy thuộc vào độ sáng tạo của người làm bánh.
Ẩm thực gốc Hoa đa dạng tên gọi
Các món ăn gốc Hoa được người dân thành phố hoa phượng đỏ biến tấu phù hợp với khẩu vị không chỉ người dân địa phương mà còn đại đa số người dân các vùng miền khác. Mì vằn thắn là món ăn được yêu thích và bán ở nhiều khu trong thành phố. Mỗi quán có đặc trưng riêng và thay đổi ở phần nêm nếm nước cốt và các đồ ăn kèm. Nhìn chung bát mì có sợi mì vàng, thịt xá xíu, viên vằn thắn… khá ngon mắt.
Sủi dìn hay còn gọi là bánh trôi tàu, là món ăn có nguồn gốc từ cộng đồng người Hoa sống tại Hải Phòng. Đây là món ăn vặt đường phố được người dân nơi đây rất ưa chuộng mỗi dịp vào đông. Nước dùng có vị đặc trưng riêng, thơm dậy mùi cay nồng của gừng tươi giã nhỏ nấu với mật mía hoặc đường thốt nốt. Màu vàng cánh gián song sánh của nước dùng khi tưới lên sủi dìn trông rất bắt mắt và hấp dẫn.
Bánh đúc tàu có nguồn gốc xuất xứ từ những người Hoa sống ở Sài Gòn, sau đó món ăn được “di cư” và trở thành món được yêu thích ở Hải Phòng, gồm bánh đúc được cắt miếng nhỏ, thịt và tôm rán kỹ, đu đủ xắt hạt lựu, sau đó chan với nước mắm giấm ớt. Tuỳ khẩu vị từng người, bạn có thể chọn loại không cay, cay vừa hoặc cay nhiều.
Nhìn chung ẩm thực thành phố Cảng không chỉ phong phú từ món ăn vặt đến món ăn chính, từ mùa lạnh sang đến mùa nóng mà còn độc đáo trong cách chế biến, thể hiện sự khéo léo của người nấu ăn dù chỉ là những món ăn dân dã cùng những nguyên liệu đơn giản thường ngày.
(Còn nữa)