Tre làng

Lâu lắm rồi. Tôi về quê không nhìn thấy nhiều tre nữa, chắc vì không có giá trị lợi nhuận gì từ cây tre, nên người ta chặt bỏ hết thì phải. Xóm làng chỉ còn lại những cây ăn trái, có những cây trồng vài năm đã ra trái xum xuê, tiết kiệm đất mà mang lợi ích kinh tế cao. Cây tre thì gần như không còn nữa.

Cây tre của các vùng quê Việt Nam đã đi vào sử sách, từ buổi thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, nhổ tre đánh giặc Ân, cho đến thời đại người nông dân dùng tre làm công cụ trồng trọt. Cây tre thân thuộc lắm, đến mức nói đến tre người ta sẽ nghĩ đến người dân nước Việt. Cây tre là biểu trưng cho các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

dt1ahs-1708394511.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Cây tre thậm chí còn mang cả cái nét "quê mùa" khi người nông dân bước chân ra thành phố, người phố họ bảo: nhìn anh kia chị nọ thấy ngố quá, nhìn "tre" quá. Ngố mà dễ thương, tre mà nhìn yêu lắm, nó không có cái kiểu khôn ranh hay "lõi đời" như người thành thị. Tre là vậy, nó gom đủ hết cả những nét yêu thương, mà đôi khi người ta muốn giận, muốn hờn tre cũng khó.

Tre là vậy.

Bây giờ người ở quê, muốn tìm cái nét tre cũng khó, người quê ăn mặc như người phố, chả ai còn thấy những vạt áo nâu xóng xả xuống ruộng cày, người ta bước chân vào những nhà hàng cũng đều giống nhau cả. Kinh tế sòng phẳng như nhau, miễn là trong túi có tiền, cái "chất tre" cũng không còn nữa, vì thời đại bốn chấm không nó đã san phẳng khoảng cách rồi.

Ấy là cái chất tre.

Còn về cây tre thì hiếm thật, chẳng còn những bụi tre cao ngất, mà chỉ vài cây thôi đã hao tốn cả một góc vườn, họ chỉ để vài cây vào dạng "tre cảnh". Tôi về, nhìn thấy một bụi tre thì xấn xổ vào chụp hình, vì cũng sợ những khóm tre như thế này, vài năm nữa đô thị trở nên hiếm đất thì họ lại chặt bỏ. Không nhìn thấy nhiều tre, có lẽ lòng lại bâng khuâng mà tiếc thầm về một thời oanh liệt.

Biên Hòa

Ngày ...tiếc tre.

Chuyện làng quê\